Hiện trạng Quy hoạch 403 và nhu cầu than Việt Nam [2]
10:34 | 02/10/2017
Hiện trạng Quy hoạch 403 và nhu cầu than Việt Nam [1]
KỲ 2: THỊ TRƯỜNG THAN VÀ NHU CẦU CỦA NỀN KINH TẾ
Thị trường than thế giới và khu vực
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các quốc gia xuất khẩu than lớn trên thế giới mà Việt Nam có thể hy vọng nhập khẩu đó là: Australia, Indonesia, Nga, Nam Phi... Trong đó, Australia là nước có tiềm năng về xuất khẩu than, với hệ thống cảng biển đang được nâng cấp và xây dựng mới nên khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Tình hình chính trị và chính sách xuất khẩu than của Australia tương đối ổn định, song chi phí đầu tư cao, vận tải đường sắt ra cảng và cự ly vận chuyển về Việt Nam khá xa.
Bảng 3. Các quốc gia xuất khẩu than lớn trên thế giới (khối lượng xuất khẩu than dự báo đến năm 2030). Đơn vị: triệu tấn.
TT | Loại than XK | Australia | Indonesia | Nga | Nam Phi | Trung Quốc | Nam Mỹ | Mỹ |
1 | Xuất khẩu 2011 | 348,8 | 261,5 | 90,7 | 77,0 | 27,8 | 85,4 | 72,2 |
- | Than nhiệt | 174,4 | 238,0 | 80,7 | 76,0 | 26,7 | 85,4 | 22,4 |
- | Than cốc | 174,4 | 23,5 | 10,0 | 1,0 | 1,1 |
| 49,8 |
2 | Xuất khẩu 2014 | 380 | 382 | 150 |
| 6 |
|
|
- | Than nhiệt | 212 |
|
|
|
|
|
|
- | Than cốc | 168 |
|
|
|
|
|
|
3 | Dự kiến xuất khẩu năm 2030 | 639,0 | 353,2 | 133,7 | 131,7 | 32,2 | 221,0 | 131,7 |
- | Than nhiệt | 383,4 | 328,5 | 108,3 | 106,7 | 31,0 | 221,0 | 30,3 |
- | Than cốc | 255,6 | 24,7 | 25,4 | 25,0 | 1,2 |
| 101,4 |
Nguồn: IEA, 2012 (số liệu năm 2014 APEC tại Tokyo ngày 20/3/2015).
Thực tế cho thấy, Indonesia có tiềm năng về than á bitum và bitum, cự ly vận chuyển về Việt Nam gần. Trong những năm gần đây, xuất khẩu than nhiệt của Indonesia tăng mạnh, nhưng chủ yếu là do các nhà đầu tư nước ngoài mang về nước. Tuy nhiên, theo dự báo, trong tương lai sẽ có một số trở ngại như: nhu cầu than trong nước tăng, chính sách của Indonesia có xu hướng hạn chế xuất khẩu và siết chặt đầu tư nước ngoài... Nhưng dù sao, than nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam để cấp cho điện là nguồn than thích hợp và rẻ nhất so với từ các nguồn khác.
Đối với than của Nga, tuy có tiềm năng về trữ lượng, giá thành thấp nhưng điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hệ thống đường sắt vận tải ra cảng còn hạn chế, vận chuyển về Việt Nam khá xa. Tuy nhiên, Nga là quốc gia có mối quan hệ truyền thống lâu đời với Việt Nam, điều kiện chính trị thuận lợi. Do đó, cần nghiên cứu, hợp tác khai thác than để đưa than về tiêu thụ tại Việt Nam.
Với Nam Phi cũng có tiềm năng về trữ lượng than và chi phí sản xuất thấp, nhưng chính sách không ổn định, cơ sở hạ tầng vận tải còn hạn chế.
Nguồn than nhập khẩu của quốc gia này có, nhưng để có nguồn than nhập khẩu ổn định, Việt Nam phải đầu tư mua mỏ. Đây là dạng đầu tư có nhiều rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam không có tiềm lực về vốn và kinh nghiệm. Do vậy, cần có sự ủng hộ của Chính phủ về đường lối, cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư và quan hệ ngoại giao tạo sức mạnh tổng thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đàm phán với các đối tác đầu tư mua mỏ và nhập khẩu than đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo nhìn nhận của chúng tôi, thách thức đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai tới, ngoài những trở ngại về nguồn than nhập khẩu, cảng nhập khẩu, thì những vấn đề về giá than nhập khẩu, cũng như chi phí nhập khẩu so với giá than trong nước là vấn đề cần phải được quan tâm phân tích.
Tình hình xuất khẩu than của Việt Nam giai đoạn 2011-2016
Thứ nhất: Về khối lượng than xuất khẩu, trong giai đoạn 2011-2016, khối lượng than xuất khẩu của TKV và Tổng côn ty Đông Bắc giảm từ 16,89 triệu tấn năm 2011 (chiếm khoảng 38% tổng khối lượng than tiêu thụ) xuống còn 818 ngàn tấn năm 2016 (chiếm khoảng 2% tổng khối lượng than tiêu thụ).
Bảng 4. Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu than.
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện qua các năm | |||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | |||
1 | Than thương phẩm sản xuất | Tr.tấn | 44,49 | 40,51 | 39,66 | 40,55 | 40,28 | 37,43 |
- | TKV | Tr.tấn | 40,33 | 36,49 | 35,87 | 36,29 | 35,89 | 32,87 |
- | Tcty Đông Bắc | Tr.tấn | 4,16 | 4,02 | 3,79 | 4,26 | 4,39 | 4,56 |
2 | Tiêu thụ than | Tr.tấn | 44,71 | 39,20 | 38,68 | 38,81 | 40,10 | 41,08 |
- | TKV | Tr.tấn | 40,14 | 34,69 | 34,45 | 34,71 | 35,18 | 35,26 |
- | Tcty Đông Bắc | Tr.tấn | 4,57 | 4,51 | 4,23 | 4,10 | 4,92 | 5,82 |
3 | Xuất khẩu |
| 16,89 | 14,44 | 12,01 | 6,42 | 1,29 | 0,81 |
| TKV | Tr.tấn | 15,96 | 13,78 | 11,50 | 5,94 | 1,27 | 0,80 |
| TCT Đông Bắc | Tr.tấn | 0,93 | 0,66 | 0,51 | 0,48 | 0,02 | 0,01 |
Thứ hai: Về chủng loại than xuất khẩu, trong giai đoạn 2011-2016, ngành than thực hiện xuất khẩu than đảm bảo nguyên tắc chỉ xuất khẩu những chủng loại than mà trong nước không có nhu cầu sử dụng, hoặc chưa sử dụng hết. Theo đó, chủng loại than xuất khẩu chủ yếu gồm than cục các loại và than cám 1,2,3.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc thực hiện xuất khẩu than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc giai đoạn 2011-2016 phù hợp với quan điểm phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Kết quả cân đối cung cầu than hiện nay cho thấy, giai đoạn từ nay đến năm 2030, chủng loại than chất lượng tốt (than cục, cám 1,2,3) nhu cầu trong nước ít sử dụng có thể xem xét để xuất khẩu khoảng từ 2,0 đến 2,1 triệu tấn/năm. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017-2020 với khối lượng bình quân là 2,0 triệu tấn/năm.
Còn về nhập khẩu than, hiện giá bán than trong nước đang ở mức cao so với giá than nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Giá bán bình quân các chủng loại than antraxit Việt Nam năm 2015 là 1.523 nghìn đồng/tấn (70,3 US$/tấn) tương đương với giá than cám 5 Hòn Gai, trong khi đó giá than trên thị trường thế giới đang ở mức thấp. Do đó, giá than CIF nhập khẩu về Việt Nam cạnh tranh được với giá than trong nước.
Để đa dạng hóa nguồn than cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, từ năm 2015 trở lại đây, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã tiến hành tìm kiếm các nguồn than nhập khẩu có khả năng pha trộn với các loại than sản xuất trong nước có chất lượng thấp để chế biến ra những loại than có chất bốc và nhiệt năng phù hợp với nhu cầu của các hộ tiêu thụ (than có chất bốc trung bình 6-9%, lưu huỳnh 0,65-0,90%, nhiệt năng từ 4.800kcal/kg cơ sở khô trở lên). Than nhập khẩu để pha trộn chủ yếu là các loại than antraxit; nguồn than chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, Nam Phi và Úc.
Dự báo nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ
Bảng 5. Bảng tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước.
TT | Hộ tiêu thụ | Nhu cầu sử dụng than, 1.000 tấn | ||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2025 | 2030 | ||
1 | Nhiệt điện | 33.208 | 39.027 | 45.714 | 55.537 | 64.093 | 96.460 | 131.092 |
2 | Xi măng | 4.696 | 4.848 | 5.321 | 5.613 | 6.173 | 6.712 | 6.924 |
3 | Luyện kim | 2.014 | 2.171 | 2.520 | 4.433 | 5.276 | 7.189 | 7.189 |
4 | Phân đạm, hóa chất | 2.395 | 3.827 | 4.436 | 5.023 | 5.023 | 5.023 | 5.023 |
5 | Các hộ khác | 5.150 | 5.305 | 5.464 | 5.628 | 5.796 | 6.092 | 6.403 |
| Tổng cộng | 47.462 | 55.179 | 63.453 | 76.233 | 86.361 | 121.476 | 156.631 |
Cân đối cung cầu than cho các hộ trong nước
Trên cơ sở dự báo nhu cầu tiêu thụ than cho các hộ tiêu thụ, sản lượng than thương phẩm của toàn ngành, cân đối cung cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước (xem bảng 6).
Bảng 6. Bảng cân đối cung cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước.
TT | Danh mục | Sản lượng, 1000 tấn | ||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2025 | 2030 | ||
A | Than thương phẩm sản xuất trong nước | 46.442 | 45.587 | 44.592 | 46.912 | 48.245 | 53.239 | 56.564 |
B | Tổng nhu cầu sử dụng | 47.462 | 55.179 | 63.453 | 76.233 | 86.361 | 121.476 | 156.631 |
C | Cân đối than cho các hộ tiêu thụ |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Nhiệt điện | 33.208 | 39.027 | 45.714 | 55.537 | 64.093 | 96.460 | 131.092 |
| Khả năng cấp than | 31.930 | 34.766 | 35.879 | 37.585 | 39.021 | 38.905 | 44.433 |
| Thừa (+) thiếu (-) | -1.277 | -4.261 | -9.834 | -17.952 | -25.072 | -57.555 | -86.659 |
2 | Phân bón, hóa chất; Xi măng và Luyện kim | 9.105 | 10.846 | 12.277 | 15.069 | 16.472 | 18.924 | 19.136 |
| Khả năng cấp than | 7.209 | 7.226 | 5.049 | 5.564 | 6.269 | 9.448 | 6.827 |
| Thừa (+) thiếu (-) | -1.896 | -3.620 | -7.228 | -9.505 | -10.204 | -9.476 | -12.309 |
3 | Các hộ khác | 5.150 | 5.305 | 5.464 | 5.628 | 5.796 | 6.092 | 6.403 |
| Khả năng cấp than | 5.150 | 1.477 | 1.553 | 1.624 | 815 | 2.792 | 3.242 |
| Thừa (+) thiếu (-) | 0 | -3.828 | -3.910 | -4.003 | -4.981 | -3.300 | -3.161 |
C | Dự kiến xuất khẩu | 2.153 | 2.118 | 2.111 | 2.139 | 2.141 | 2.095 | 2.062 |
D | Tổng khối lượng than phải nhập | 3.174 | 11.710 | 20.972 | 31.460 | 40.256 | 70.332 | 102.129 |
Danh mục các nhà máy nhiệt điện và chủng loại than sử dụng
Các nhà máy đang hoạt động sử dụng than trong nước hiện có 23 nhà máy, phân theo các chủng loại than sử dụng như sau:
- Cám 4b (2 nhà máy): Uông Bí 1, Ninh Bình (nhiệt trị than 5300kCal).
- Cám 5 (7 nhà máy): Uông Bí mỏ rộng 1 và 2, Phả Lại 1, Phả Lại 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1 (nhiệt trị than 4800kCal).
- Cám 6a (6 nhà máy): Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mông Dương 1, Mông Dương 2, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 (nhiệt trị than 4350kCal).
- Cám 6b (8 nhà máy): Na Dương 1, Cao Ngạn, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Sơn Động, An Khánh 1, Mạo Khê, Nông Sơn (nhiệt trị than từ 3700 - 4200kCal).
Các nhà máy đang đầu tư sử dụng than trong nước gồm có 9 nhà máy, phân theo các chủng loại than sử dụng như sau:
- Cám 5 (3 nhà máy): Thái Bình 1, Thái Bình 2, Thăng Long (nhiệt trị than 4800kCal).
- Cám 6a (1 nhà máy): Vĩnh Tân 1 (nhiệt trị than 4350 kCal).
- Cám 6b (3 nhà máy): Na Dương 2, Hải Dương, Nam Định 1, (nhiệt trị than từ 3700 kCal).
- Cám 7 - than bùn (2 nhà máy): Lục Nam, Cẩm Phả 3 (nhiệt trị than từ 3350 kCal).
Các nhà máy sử dụng than nhập khẩu có 22 nhà máy sử dụng than nhập khẩu với nhiệt trị than 5000 kCal, phân theo các miền như sau:
- Miền Bắc (3 nhà máy): Hải Phòng 3, Quảng Ninh 3, Kim Sơn.
- Miền Trung (8 nhà máy): Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2, Công Thanh, Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Vũng Áng 3, Quỳnh Lập 2.
- Miền Nam (11 nhà máy): Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4, Vân Phong 1, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2, Vĩnh Tân 3, Long Phú 1, Quảng Trị, Long Phú 2, Long Phú 3, Sông Hậu 2.
Để nhập khẩu than cho nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là nhu cầu than cho nhiệt điện cần thiết phải đầu tư các cảng phục vụ nhập khẩu than cho nền kinh tế, các cảng nhập than được quy hoạch gần các trung tâm nhiệt điện. Theo Quy hoạch gồm 3 cảng nhập than chính phân bố ở 3 miền.
Một là: Đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long (cảng Duyên Hải - Trà Vinh), với công suất đến 40 triệu tấn than/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 80.000 - 160.000 DWT.
Hai là: Đầu tư cải tạo, mở rộng cảng Hà Tĩnh (khu bến Sơn Dương) với công suất đến 35 triệu tấn than/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 200.000 DWT.
Ba là: Đầu tư cảng Cẩm Phả với công suất đến 30 triệu tấn than/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 100.000 DWT.
Kỳ 3: Những khó khăn, thách thức và giải pháp
ThS. ĐỖ HỒNG NGUYÊN, ThS. NGUYỄN VIỆT CƯỜNG, TS. NGUYỄN TIẾN CHỈNH, ThS. NGUYỄN VIỆT HÙNG, ThS. NGUYỄN THỊ THANH THỦY, ThS. TRẦN VĂN HÙNG