RSS Feed for Giá điện một số nước trên thế giới và Việt Nam (cập nhật tháng 4/2023) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 06:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá điện một số nước trên thế giới và Việt Nam (cập nhật tháng 4/2023)

 - Do khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và chiến sự diễn ra tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nước trên thế giới vẫn tăng cao. Tại Việt Nam, giá thành sản xuất điện cũng không thể tránh khỏi tăng do giá than, khí và dầu tăng. Tuy vậy, giá điện bán lẻ cả cho sinh hoạt, sản xuất được giữ ổn định từ năm 2019 và không tăng cho đến nay. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật giá điện tại một số quốc gia, khu vực để bạn đọc tham khảo.
Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay

Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá, kiến nghị các nội dung liên quan đến thị trường điện và chính sách giá điện Việt Nam. Cụ thể là các giải pháp mà ngành điện đã thực hiện, đạt kết quả, cũng như những tồn tại cần khắc phục và kiến nghị giải pháp cần tiếp tục triển khai để đảm bảo các mục tiêu an ninh cung cấp điện, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Những hệ lụy khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam ‘hết tiền’ Những hệ lụy khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam ‘hết tiền’

Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điện Việt Nam năm 2022 và dự báo cho năm 2023 khi giá bán lẻ điện bình quân chưa tăng sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu cho ngành điện nói riêng, cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội cả nước nói chung.

Châu Âu:

Theo dữ liệu của Ember: Giá bán buôn trung bình những tháng cuối năm 2022 ở châu Âu tuy giảm đôi chút, nhưng vẫn cao hơn đầu năm. Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đã lắng xuống. Theo Ember, ở châu Âu, giá điện bán buôn trung bình vào tháng 10/2022 là:

- Ý - € 211,2/MWh (tương đương 5.714 VNĐ/kWh).

- Pháp - 178,9 €/MWh (khoảng 4.847 VNĐ/kWh).

- Đức - 157,8 €/MWh (khoảng 4.278 VNĐ/kWh).

- Tây Ban Nha - 127,22 €/MWh (khoảng 3.439 VNĐ/kWh).

- Anh - 136,60 €/MWh (khoảng 3.710 VNĐ/kWh).

Giá bán buôn điện ở châu Âu thường chỉ đóng góp một nửa vào giá bán lẻ điện sinh hoạt cho hộ gia đình. Được biết, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực kiểm soát giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện.

Giá điện sinh hoạt bán cho hộ gia đình (Theo Ec.europa.eu) số ra đầu tháng 3/2023:

Đối với người tiêu dùng hộ gia đình ở EU (mức tiêu thụ hàng năm từ 2.500 kWh đến 5.000 kWh), giá điện trong nửa đầu năm 2022 cao nhất là: Đan Mạch (0,4559 € mỗi kWh tương đương 11.160 VNĐ ), Bỉ (0,3377 € mỗi kWh), Đức (0,3279 € mỗi kWh) và Ý (0,3115 € mỗi kWh).

Còn giá điện thấp nhất được ghi nhận ở Hungary (0,0948 €/kWh) và Bungari (0,1093 €/kWh).

Một kilowatt giờ đối với người tiêu dùng hộ gia đình Đan Mạch đắt hơn 80,5% so với giá trung bình của EU, trong khi các hộ gia đình ở Hà Lan phải trả ít hơn 76,4 % so với mức trung bình của EU. Sự khác biệt này chủ yếu là do các khoản bù giá và trợ cấp dành cho người tiêu dùng hộ gia đình ở Hà Lan.

Người tiêu dùng không phải hộ gia đình (mức tiêu thụ hàng năm từ 500 MWh đến 2.000 MWh) giá điện trong nửa đầu năm 2022 cao nhất là ở Hy Lạp (0,3042 €/kWh) và Ý (0,2525 €/kWh). Giá thấp nhất được ghi nhận ở Phần Lan (0,0808 €/kWh) và Thụy Điển (0,1117 €/kWh). Giá trung bình của EU trong nửa đầu năm 2022 là 0,1833 €/kWh.

Hoa Kỳ:

Theo trang tin trực tuyến Mỹ Vaultelectricity: Giá điện bình quân theo tiểu bang (tháng 10/2022) dao động đáng kể.

Ví dụ, các bang không tiếp giáp Thái Bình Dương tăng trung bình 24,18%, trong khi các bang ở Tây Bắc miền Trung tăng 6,23%. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến năm 2022, một số tiểu bang đã chứng kiến ​​sự tăng vọt về giá điện bình quân trong số những tiểu bang khác, bao gồm: Maine, Hawaii, Oklahoma và Illinois. Trong khí đó, các bang khác như: Michigan, South Dakota, Alaska và Idaho có mức tăng nhẹ.

Trên đất liền, 10 bang có mức giá cao nhất, đứng đầu là New Hampshire 27,47 ¢ (6.810 VNĐ/kWh) và thứ 10 là bang New England 25,59 ¢ (6.340 VNĐ/kWh). Trong khi đó, 10 tiểu bang có mức giá thấp nhất là Montana 11,55 ¢ (2.860 VNĐ/kWh) và thứ 10 là New Jersey 17,35 ¢ (4.300 VNĐ/kWh). Còn bang hải đảo Hawaii luôn có mức giá điện sinh hoạt cao nhất nước Mỹ, 44,7 cent/kWh (tương đương 10.500 đồng/kWh) vào tháng 2/2023.

Khách hàng sử dụng điện của Mỹ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng là do giá khí đốt tự nhiên biến động và tình trạng thiếu cung toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do chiến sự tại Ukraine.

Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của biến đổi khí hậu, từ thời tiết khắc nghiệt và dự báo sẽ tồi tệ hơn trong những năm tới.

Theo trang tin Bls.gov: Giá điện cập nhật cho các hộ gia đình Mỹ: Tháng 2/2022 là $0,148/kWh, tháng 2/2023 là $0,168/kWh và tháng 3/2023 là $0,168/kWh (gần 4.000 VNĐ).

Trung Quốc:

Theo trang tin Globalpetrolprices: Giá điện Trung Quốc cho hộ gia đình áp dụng từ tháng 3/2022 là 0,546 NDT (1.909 VNĐ/kWh), cho kinh doanh 0,634 NDT (2.217 VNĐ/kWh). Giá này bao gồm tất cả các thành phần của hóa đơn như chi phí điện, phân phối và thuế. Để so sánh, giá điện trung bình trên thế giới trong thời kỳ đó là 0,144 USD (3.568 VNĐ/kWh) đối với hộ gia đình và 0,138 USD (3.419 VNĐ/kWh) đối với doanh nghiệp.

Theo trang tin Ceicdata.com (Trung Quốc): Vào tháng 10/2022, lạm phát giá bán lẻ nhiên liệu hàng tháng ở Trung Quốc dao động ở mức 8,5%, so với cùng tháng năm trước. Tỷ lệ lạm phát đối với năng lượng đã tăng đáng kể kể từ tháng 1/2021, nhưng áp lực lạm phát đã giảm gần đây.

Giá sử dụng điện cho ngành công nghiệp ở Bắc Kinh được báo cáo là 0,800 NDT (2.780 VNĐ/kWh) vào tháng 10/2022. Con số này giảm so với con số trước đó là 0,810 NDT (2.832 VNĐ/kWh) vào tháng 9/2022.

Nhật Bản:

Cuối tháng 10/2022, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện, khí đốt và chi phí xăng, dầu tổng cộng khoảng 45.000 yên cho mỗi hộ gia đình (trong tháng 1 - 9 năm sau).

Vào tháng 10/2022, giá điện ở Tokyo đã tăng gần 27%. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát ở một quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% nhiên liệu. Lạm phát đã đặc biệt đè nặng lên các hộ gia đình, vốn đã chứng kiến mức lương trì trệ trong vài thập kỷ qua và không đủ khả năng chi trả cho các chi phí gia tăng.

Các biện pháp trợ cấp giá điện của Nhật Bản sẽ được đưa vào gói kinh tế toàn diện sắp tới của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ cho các công ty điện lực để cắt giảm giá điện hộ gia đình của họ xuống 7 yên/kilowatt giờ, để bù đắp việc tăng giá dự kiến cho mùa Xuân tới và sau đó. Biện pháp hỗ trợ này sẽ được cắt giảm từ tháng 9 để tránh cản trở nỗ lực khử cacbon.

Giá điện tháng 4/2022 ở Nhật Bản tính theo bậc thang như sau:

- Đến 120 kWh giá ¥19,88 (3.530 VNĐ/kWh).

- Từ 121 kWh ~ 300 kWh giá ¥26,46 (4.700 VNĐ/kWh).

- Từ 301 kWh ~ ¥30,57 (5.425 VNĐ/kWh).

Hàn Quốc:

Giá bán buôn điện ở Hàn Quốc đạt mức cao nhất vào ngày đầu tiên của tháng 9/2022 do giá khí đốt quốc tế tăng mạnh do thiếu nguồn cung từ Nga, dẫn đến lựa chọn tăng nhiên liệu than thay cho khí đốt tự nhiên để sản xuất điện ổn định trong thời tiết lạnh hơn.

Theo Globalpetrolprices: Giá điện Hàn Quốc tính đến tháng 9/2022 là 0,094 USD/kWh đối với hộ gia đình và 0,092 USD/kWh đối với doanh nghiệp, bao gồm tất cả các thành phần của hóa đơn tiền điện như chi phí điện, phân phối và thuế. Để so sánh, giá điện trung bình trên thế giới trong khoảng thời gian đó là 0,172 USD/kWh đối với hộ gia đình và 0,193 USD/kWh đối với doanh nghiệp.

Theo Korea Power Exchange: Giá biên hệ thống (SMP), Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) trả cho các nhà máy điện đã tăng lên mức cao kỷ lục hàng ngày là 228,96 won (4.287 VNĐ/kWh), cao hơn mức cao nhất hàng tháng 202,11 won (3.784 VNĐ/kWh) hồi tháng 4/2022.

SMP đã tăng lên 202,11 won/kWh vào tháng 4/2022, tăng từ 154,42 won (2.891 VNĐ) vào tháng 1. SMP đã giảm xuống 140,34 won (2.627 VNĐ/kWh) vào tháng 5 và 129,72 won (2.430 VNĐ) vào tháng 6 khi giá khí đốt ổn định. Nhưng giá đã tăng lên từ tháng 7. Vào tháng 8, SMP đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước, lên 197,74 won (3.702 VNĐ/kWh).

Hàn Quốc đã đảm bảo hơn 90% nhu cầu khí đốt trong một năm từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023 thông qua hợp đồng cung cấp dài hạn, đồng thời cho biết thêm rằng: Chính phủ cũng có thể mua khí đốt trên thị trường giao ngay nếu có bất kỳ sự thiếu hụt nào trong mùa đông.

Thái Lan:

Tờ Nation của Thái Lan cho biết: Giá điện điện sinh hoạt tại Thái Lan tăng lên 4,72 baht (3.273 VNĐ/kWh) từ tháng 9/2022 khi Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) tăng biểu giá nhiên liệu (Ft) được dùng để tính toán hóa đơn.

Cụ thể, ERC tăng thuế nhiên liệu thêm 0,6866 baht (477 VNĐ) lên 0,9343 baht trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 12/2022. ERC xem xét giá Ft bốn tháng một lần (tháng 1, 5 và 9). Lý do chính của sự gia tăng là do nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các thị trường giao ngay để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng khí từ Vịnh Thái Lan.

ERC cho biết: Sản lượng khí đốt nội địa của Thái Lan đã giảm từ 3,1 xuống 2,5 triệu feet khối mỗi ngày, buộc nước này phải nhập khẩu thêm LNG để cung cấp cho các nhà máy điện của mình. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng giá LNG trên thị trường toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất điện của Thái Lan.

ERC dự đoán tình trạng thiếu khí đốt sẽ còn kéo dài, do nguồn cung ở Thái Lan và Myanmar vẫn không chắc chắn, cũng như tình hình kinh tế cản trở đầu tư vào các dự án thăm dò khí đốt mới.

ERC cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng các nhiên liệu khác để cung cấp cho các nhà máy điện của Thái Lan (bao gồm nhiên liệu dầu, diesel, than đá, thủy điện và năng lượng tái tạo). ERC cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm điện để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào LNG nhập khẩu.

Lào:

Theo báo trực tuyến của Lào (Laotiantimes), quốc gia này sẽ tăng giá điện sử dụng trong công nghiệp ở Lào để giảm nợ, nhưng giá điện hộ gia đình sẽ giữ nguyên. Ngoài ra, giá mới này cũng sẽ áp dụng cho các cơ sở như đại sứ quán và văn phòng tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giải trí, văn phòng hành chính công, nông nghiệp và đường sắt. Mức tăng giá đối với một số hộ tiêu dùng ngang bằng với tỷ giá hối đoái hiện tại để họ có thể mua điện từ các nhà sản xuất điện nước ngoài.

Theo Công ty Điện lực Lào (EDL): Giá điện trung bình ở Lào là 5,13 cent/kWh vào năm 2022, giảm khá nhiều so với mức 8 cent/kWh trong giai đoạn 2012 - 2019 do đồng nội tệ mất giá. Việc sử dụng điện trong nước vào năm 2022 được ước tính vào khoảng trên 10.000 triệu kWh, với 25% cho điện sinh hoạt và 75% cho điện ngoài sinh hoạt.

Nam Phi:

Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Nam Phi (Nersa) và dữ liệu từ GlobalPetrolPrices: Giá điện gia dụng của châu Phi, tiêu biểu ở đây là Nam Phi - nơi người dân phải trả tiền điện nhiều hơn so với người dân ở hầu hết các quốc gia còn lại của "lục địa đen" này. Đơn giá trên mỗi kWh, Nam Phi nằm gần giữa phổ giá điện toàn cầu với giá trung bình R 2,56 (3.672 VNĐ/kWh).

Việt Nam:

Giá thành sản xuất điện ở Việt Nam cũng không thể tránh khỏi tăng do giá than và dầu tăng. Chính phủ điều tiết giá than trong nước ổn định, nhưng những nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu không thể tránh khỏi giá thành điện tăng.

Mặt khác, lạm phát toàn cầu đã tăng áp lực lên tăng tỷ giá ngoại tệ, gây tổn thất thêm chi phí cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty phát điện vay vốn đầu tư nước ngoài.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang cố gắng điều tiết giảm bớt lỗ bằng cách vận hành tối ưu nguồn điện, phát huy tối đa các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, tiết kiệm trong các khâu sản xuất, cắt giảm chi phí quản lý và giảm tổn thất trên lưới điện. Nhưng như thế là chưa đủ.

Để ổn định kinh tế, xã hội trong giai đoạn đại dịch Covid-19, mấy năm vừa qua Chính phủ chưa cho điều chỉnh tăng giá điện. Giá điện bán lẻ cho sinh hoạt và sản xuất của Việt Nam không tăng từ năm 2019 cho đến nay. Không những thế, trong các năm 2020 và 2021, EVN còn trực tiếp giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong dịch bệnh Covid-19.

Vừa qua, khung giá điện mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số: 02/2023/QĐ-TTg, ngày 3/2/2023. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh. Tuy nhiên, đến nay biểu giá mới cụ thể theo Quyết định này vẫn chưa được ban hành./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Link:

1/ https://gmk.center/en/news/electricity-prices-in-the-eu-fell-significantly-in-october-2022/

2/ https://www.nationthailand.com/in-focus/40018919

3/ https://pulsenews.co.kr/view.php?year=2022&no=778246

4/ https://www.nippon.com/en/news/yjj2022102600789/

5/ https://www.globalpetrolprices.com/China/electricity_prices/

6/ https://www.vaultelectricity.com/average-electricity-price-by-state/

7/ https://www.biznews.com/sa-investing/2022/10/12/sa-electricity-prices-compare

8/ https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=Electricity_price_statistics

9/ https://www.globalpetrolprices.com/Thailand/electricity_prices/

10/ https://laotiantimes.com/2023/02/08/electricite-du-laos-to-increase-electricity-cost-for-industrial-usage/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động