RSS Feed for Giá dầu và cơ hội của các nước Đông Nam Á | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 04/10/2024 06:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá dầu và cơ hội của các nước Đông Nam Á

 - Theo các chuyên gia, giá dầu rẻ trong thời gian còn lại trong ngắn hạn hiện nay là cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao phúc lợi xã hội, nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng...

TS. TRẦN NGỌC TOẢN

Trong đầu năm 2014 nhìn chung cán cân cung-cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới gần như cân bằng ở mức chung quanh 93-94 triệu thùng/ngày, cung vượt cầu chỉ ở dưới mức 800.000 thùng/ngày nên giá dầu vẫn ở mức cao và nói chung vẫn có khuynh hướng tăng nhẹ theo thời gian. Tuy nhiên, một hiện tượng đột biến ngoài dự kiến của các nhà kinh tế thế giới bắt đầu xảy ra từ quý 3/2014 đến cả đầu năm 2015, giá dầu trượt dốc, giảm tuyến tính để đến tháng 1.2015 chỉ còn khoảng 45% giá trung bình của những tháng đầu năm 2014.

Nguyên nhân chủ yếu chi phối hiện tượng này là các yếu tố chính trị cùng các mâu thuẫn đa dạng liên quan đến các cuộc khủng hoảng ở Ucraina, Trung Đông, Venezuela và sự bùng nổ của ngành dầu khí phi truyền thống ở Mỹ.

Trong bối cảnh phức tạp đó, Mỹ, EU có nhu cầu đánh vào nền kinh tế Nga, Iran, Venezuela, Arab Saudi và một số nước Trung Đông có nhu cầu ngăn chặn ngành dầu khí phiến sét thế giới phát triển cũng như ngăn chặn sức cạnh tranh của dầu Nga, Iran, Venezuela và của các nước xuất khẩu dầu thô ngoài khối OPEC. Các nước OECD tiêu thụ dầu khí lớn có nhu cầu giá năng lượng rẻ để thoát khỏi suy thoái kinh tế. Tất cả các yếu tố đó dẫn đến sản lượng dầu OPEC và Mỹ giữ ở mức độ cao, kết hợp với việc Mỹ và Tây Âu xuất bán dầu dự trữ chiến lược cộng hưởng với hoạt động buôn lậu dầu của các nhóm khủng bố IS trong lúc kinh tế nhiều nước chưa được phục hồi làm cho nhu cầu giảm, tạo ra cung vượt cầu đột biến, kéo dài.

Giá dầu thô giảm gặp phải nhiều sức chống đối vì làm cho thu nhập của những nước sản xuất dầu chính ở các châu lục thiệt hại lớn nhưng lại giúp cho nền kinh tế thế giới ốm yếu có điều kiện phục hồi trong giai đoạn khủng hoảng từ 2010 đến nay. Tuy nhiên, trong lúc các nước ở Đông Nam Á và nhiều vùng khác hưởng lợi từ giá dầu rẻ với mức độ khác nhau thì giá khí đốt rẻ lại gây ra không ít vấn đề cho các nền kinh tế đang lên trong khu vực.

Trong báo cáo tháng 12/2014 của mình, Ngân hàng châu Á (ADB) cho rằng "giá dầu giảm là cơ hội vàng cho nhiều cải cách (kinh tế-xã hội)". Mặc dù các dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 cho các nước Đông Nam Á đã được điều chỉnh hạ thấp từ 5,1% đến 5,3 % so với dự báo cuối năm 2014, nhưng có nhiều khả năng phần lớn các nền kinh tế nhập khẩu dầu ròng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn giữ được mức gia tăng GDP ngoạn mục của mình so với các nước khác trên thế giới.

Đối với Đông Nam Á, giá dầu giảm giúp cho các chương trình trợ cấp giá nhiên liệu của Indonesia và Ấn Độ được giảm nhẹ, đồng thời khuyến khích các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu của họ với giá thành thấp có sức cạnh tranh cao hơn trước.

Theo ADB, ngay cả khi giá dầu Brent xuống mức 70USD/thùng thì hệ số tăng trưởng GDP của các nước đang phát triển châu Á trong năm 2015 vẫn có thể tăng thêm 0,5%, lạm phát sẽ giảm khoảng 3,5% và cán cân thương mại sẽ được cải thiện đáng kể. Đối với các nước không có, hoặc có ít sản lượng dầu nội địa như Philippine, việc giảm lạm phát do giá nhiên liệu rẻ có thể cho phép chính sách cải cách tiền tệ dễ phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, đối với các nước sản xuất nhiều dầu như: Indonesia, Malaysia, Brunei thì hiệu ứng giá dầu giảm có thể biến thiên từ tích cực đến tiêu cực ở một chừng mực nào đó tùy theo vai trò của nguồn thu từ dầu xuất khẩu trong ngân sách quốc gia cũng như ngân sách địa phương của từng nước.

Theo Financial Times, nhờ giá dầu rẻ, Indonesia từ nhiều năm nay không còn là nước xuất khầu dầu ròng, đã tiết kiệm được 8 tỷ USD tiền nhập khẩu xăng và đã giảm được 1/3 số tiền trợ cấp nhiên liệu cho người dân theo chính sách năng lượng nội địa. Số tiền nói trên đã giúp gia tăng 1,1% GDP năm 2014 và năm 2015 con số này sẽ là 1,5-2%. Lạm phát tính đến cuối năm 2014 đã giảm từ 8% xuống còn 1,5%.

Hội Dầu khí Indonesia cho biết các tổ chức dầu khí Indonesia có thể phải giảm chi phí đầu tư đến 20% trong năm nay, riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Pertamina có thế cắt giảm vốn đầu tư đến một nửa do thiếu ngân sách. Cũng do giá dầu xuống thấp nên đầu tư nước ngoài vào các đề án dầu khí biển ở Indonesia cũng bị giảm đáng kể. Năm 2014, thu nhập từ thuế dầu khí chỉ chiếm 14,4% ngân sách quốc gia trong lúc trợ cấp cho ngành điện và xăng dầu chiếm đến 20% (theo thông tin từ Tổ chức tình báo địa-chính trị Stratfor).

Tuy nhiên, cả trong trường hợp nếu thu nhập của chính phủ từ nguồn dầu khí năm 2015 giảm đi một nửa thì việc giảm và loại bỏ trợ giá năng lượng vẫn giúp cho nước này có tiền để có thể tăng chi phí cho các dịch vụ xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng như đã dự kiến trong kế hoạch nhà nước.

Thái Lan là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất ở Đông Nam Á nên được hưởng lợi nhiều nhất nhờ giá dầu rẻ. Nước này chỉ phải chi khoảng 10% GDP cho nhập khẩu dầu mỏ trong năm 2014. Trợ cấp giá nhiên liệu cho các hộ nghèo không còn đáng kể trong lúc thu nhập từ ngành dầu khí chiếm đến 3,5% ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo Stratfor, ngành năng lượng Thái Lan dựa chủ yếu vào khí đốt, trong đó 70% là từ nguồn nhập khẩu từ Myanmar. Vì giá khí gắn chặt với giá dầu nên việc giảm giá khí sẽ tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế Thái Lan. Kể từ tháng 9/2009, lần đầu tiên trong tháng 1/2015 lạm phát ở Thái Lan đã có giá trị âm, GDP tăng được 0,5 điểm, chủ yếu là do giá dầu rẻ.

Philippine cũng là nước hưởng lợi lớn từ giá dầu rẻ, đặc biệt là chính phủ nước này không còn phải trợ giá năng lượng mặc dù các đề án dầu khí bị giảm đầu tư. Theo ANZ Research, giá dầu rẻ sẽ cắt giảm lạm phát trong năm 2015 đến 3%, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương của nước này dễ dàng triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và cho phép chính phủ gia tăng thu nhập thông qua đẩy mạnh vận tải bằng đường sắt dùng động cơ điện.

Chi phí năng lượng với giá rẻ cũng có tác động tích cực đối với các nước nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn như: Singapore, Lào, Campuchia. Việt Nam là nước nhập khẩu dầu khí ròng nên cũng được hưởng lợi từ giá dầu rẻ, tuy không nhiều bằng các nước nói trên.

Malaysia cũng là nước nhập khẩu dầu ròng, nhưng là nước sản xuất dầu lớn thứ hai ở Đông Nam Á nên cũng bị ảnh hưởng của giá dầu rẻ. Gần 1/3 thu nhập của chính phủ Malaysia là từ dầu khí trong đó một nửa là từ thuế và các đóng góp nghĩa vụ khác cũng như từ lợi nhuận của Petronnas.

Theo Bank of America, do giá dầu khí rẻ nên GDP của Malaysia năm 2015 sẽ giảm so với dự báo đầu năm. Tháng giêng 2015 Chính phủ Malaysia thông báo cắt chi 1,5 tỷ USD khi thiếu hụt ngân sách đạt mức 3,2% GDP và hạ mức tăng trưởng GDP dự báo 6 % trước đây xuống mức 4,5-5,5% cho năm 2015.

Theo Credit Suisse, việc thu nhập của Malaysia từ dầu xuất khẩu giảm nhưng thiệt hại này được bù trừ do giá nhập khẩu dầu khí rẻ và điều này cũng sẽ giúp xóa bỏ việc trợ cấp giá năng lượng dưới mọi hình thức. Petronas sẽ giúp chính phủ cắt giảm chi ngân sách được 6 tỷ USD trong năm 2015 và tập đoàn này vẫn giữ được mức đầu tư cũng như chi phí điều hành sản xuất như trước ngay khi giá dầu ở mức 75USD/thùng.

Brunei cũng bị thiệt hại do giá dầu giảm. Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu dầu thô chiếm 31% và khí hóa lỏng LNG chiếm 37% GDP của nước này nên nếu giá dầu khí tiếp tục giảm sẽ gây mất ổn định kinh tế-xã hội nghiêm trọng.

Myanmar sẽ giảm xuất khẩu khí dốt cho Thái Lan mặc dù vẫn muốn tăng nguồn thu qua phí quá cảnh dẫn khí đốt bằng đường ống xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nền kinh tế Australia hy vọng sẽ có động lực tăng trưởng do giá dầu thấp, nhưng giá dầu rẻ kéo theo giá LNG rẻ lại tạo ra khó khăn cho ngành khí hóa lỏng và làm cho thu nhập của chính phủ giảm vì giá trị xuất khẩu LNG đạt đến 156 tỷ USD hàng năm. Dự báo năm 2018 nếu giá dầu vẫn chưa phục hồi thì kim ngach xuất khẩu LNG của Australia sẽ giảm 30 tỷ đôla Úc (1A$= 0,65 USD).

Tổng hợp lại, các nước vùng Đông Nam Á vẫn hưởng lợi khi giá dầu rẻ. Ngoài ra, các nước này càng có cơ hội tiết kiệm tài nguyên dầu khí bằng cách giảm khai thác để giữ trữ lượng lại trong lòng đất, phục vụ lợi ích toàn diện của họ trong tương lai vì đây là khu vực có ít tiềm năng dầu khí trên thế giới và giá dầu khí trong dài hạn chắc chắn sẽ cao do đây là nguồn tài nguyên chiến lược không tái tạo.

Vì dầu mỏ là một hàng hóa chiến lược và là một tài nguyên không tái tạo nên nếu hiện tượng giá dầu quá thấp kéo dài quá lâu thì tất cả các nước sản xuất dầu lớn đều bị thiệt hại nặng nề. Nước Mỹ không thể để ngành dầu khí phi truyền thống mà họ đang nắm độc quyền công nghệ phá sản. Arab Saudi cùng các nước chủ chốt trong khối OPEC không thể từ bỏ nguồn lợi nhuận cao khi giá dầu cao trong dài hạn.

Với tất cả các dữ kiện kinh tế-kỹ thuật-xã hội hiện nay cho phép dự báo giá dầu sẽ được khôi phục với giá dầu chuẩn Brent giao động xung quanh 75 USD/thùng trong các quý cuối năm nay nếu không có những tình huống tự nhiên, nhân tạo bất khả kháng xảy ra.

Vì vậy, giá dầu rẻ trong thời gian còn lại trong ngắn hạn hiện nay là cơ hội để các công ty dầu khí tái cơ cấu sản xuất, tập trung vốn đầu tư vào các đề án đem lại lợi nhuận cao, thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, cải tiến cơ chế quản lý điều hành, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến, phát minh công nghệ, mua mỏ và các loại tài sản dầu khí để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho phát triển trong tương lai.

Đối với từng quốc gia, đây là cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao phúc lợi xã hội, nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Nếu các nhà quản lý thay đổi được các tư duy lỗi thời, quan tâm tập hợp, sử dụng trí tuệ của toàn dân tộc để sáng tạo những chiến lược và giải pháp phù hợp thì đất nước sẽ thăng hoa trong dài hạn.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động