RSS Feed for Ý kiến về tái cơ cấu đi đôi với giải quyết năng suất lao động của EVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 25/01/2025 00:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến về tái cơ cấu đi đôi với giải quyết năng suất lao động của EVN

 - Thực hiện đề án năng suất lao động phụ thuộc nhiều yếu tố. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó gắn liền công việc tái cơ cấu đi đôi với giải quyết năng suất lao động, để mang lại kết quả tốt hơn hiện nay.

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Hiện tại, năng suất lao động của EVN đang thấp nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu lấy giá trị sản lượng 120 tỷ kWh điện phát ra hàng năm trên tổng số lao động là 110.000 người, thì một người trong một năm chưa đạt được 1.100.000 kWh điện. Nhìn từ đó, để muốn đưa năng suất lao động lên cao thì EVN cần phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề mang nhiều đột phá mới.

Nếu trong năm 2014-2015, thực hiện công việc tái cơ cấu DNNN theo lộ trình Chính phủ đặt ra, trong việc đó, chốt quan trọng là công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp. Đối với EVN, mục tiêu cổ phần hóa đặt ra việc: Thực hiện cổ phần hóa nhiều công ty phát điện, đối với 3 tổng công ty phát điện (3 genco), mặc dù trong những năm qua, EVN đã cổ phần hóa được một số doanh nghiệp như Công ty CP nhiệt Phả Lại, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh… Hiện tại, còn khá nhiều đơn vị có đủ điều kiện để cổ phần hóa, thì EVN chưa triển khai được. Nếu trong các năm 2014-2015 và sau đó, EVN cổ phần hóa được nhiều các công ty phát điện thì chắc chắn lợi ích mang lại của các công ty cổ phần này sẽ khác hơn để như hiện tại. Bởi khi cổ phần hóa xong một doanh nghiệp, lúc đó công ty đó không trực thuộc nhà nước nữa, mà nhà nước chỉ nắm giữ một tỷ lệ phần trăm cổ phần nào đó, còn lại do nhiều đơn vị, kể cả cán bộ công nhân viên, công chúng là cổ phần của công ty đó, thì chắc chắn họ sẽ kiện toàn lại bộ máy, rút gọn biên chế, đưa nhiều giải pháp công nghệ mới trong vận hành, trong quản lý và việc quản lý lao động sẽ chặt chẽ hơn, chi tiêu đồng tiền cũng chặt chẽ hơn..., làm cho sự đổi mới ở công ty đó sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay, chắc chắn, năng suất lao động ở đó cũng thay đổi theo hướng tăng cao hơn.

Một số vấn đề đặt ra cho việc cổ phần hóa đó là cần xác định được giá trị tài sản của doanh nghiệp. Ở đây, các đơn vị thành viên là các công ty phát điện đều có nhiều thuận lợi, đó là đầu tư máy móc thiết bị và đầu tư nhiều hạng mục khác, để xây dựng thành một nhà máy phát điện, với giá trị tài sản lên đến hàng nghìn, và nhiều nghìn tỷ đồng, trừ những nhà máy mới, còn đa phần là các nhà máy cũ, thì sau khi trích khấu hao, phần còn lại đó là phần được đưa vào đánh giá tài sản. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp này trong nhiều năm qua làm ăn đều có lãi, do đó, lượng vốn tích lũy cũng tương đối khá, đời sống người lao động thường xuyên được cải thiện, và ổn định. Đây là một trong những thuận lợi cơ bản. Ngoài sự tự đánh giá của EVN, cần được sự giúp đỡ của các bộ ngành liên quan, như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, và các bộ ngành liên quan khác, thì việc đánh giá tài sản này sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Một vấn đề khó ở đây, đó là phải vận động được các nhà đầu tư chiến lược kể cả trong và ngoài nước mua cổ phần ở một tỷ lệ khá, bán cổ phần cho cán bộ công nhân viên trong công ty, trong ngành điện và cuối cùng là bán ra công chúng. EVN cần thành lập một ban chỉ đạo đủ năng lực lên tiến độ và kế hoạch để thực hiện công tác này, thì chắc chắn việc cổ phần hóa của EVN sẽ thành công trong tương lai không xa.

Sau khi cổ phần hóa thì quan hệ giữa EVN và các công ty phát điện là quan hệ ở khâu mua bán điện và đương nhiên, lúc đó sẽ tách khỏi bộ máy quản lý của EVN một lượng người khá lớn. Đó là yếu tố để làm cho NSLĐ của ngành điện tăng lên.

Vừa qua, Chủ tịch HĐQT của EVN đã ra quyết định kể từ 2014 và những năm tới, toàn ngành điện sẽ không được tiếp nhận bất kỳ một cán bộ công nhân viên nào nữa. Như vậy, nếu con số được cố định, trong lúc đó đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản để sớm hoàn thành một loạt dự án nguồn phát điện, như: Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Duyên Hải 1, Duyên hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Nghi Sơn 1, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Mông Dương… Những năm tới, sản lượng điện sẽ tăng thêm khoảng 50-60 tỷ kWh/năm. Đồng nghĩa với việc con người không tăng, sản lượng điện tăng, đấy cũng là yếu tố giải quyết bài toán năng suất lao động.

Không nên hiểu 110.000 người của EVN để tính năng suất lao động trên sản phẩm điện làm ra mà cần phân biệt ra nhiều loại năng suất lao động khác nhau. Những đơn vị, những người từ cấp lãnh đạo tập đoàn đến các đơn vị thành viên nằm trong dây chuyền sản xuất ra điện thì tổng số biên chế của người ấy tính theo sản lượng điện phát ra thì đấy là một loại năng suất lao động.

Loại thứ hai, cần tách những đơn vị thành viên không nằm trong dây chuyền sản xuất ra điện. Ví dụ, bốn công ty tư vấn điện hiện tại, các ban quản lý dự án nguồn và lưới điện hiện tại và một số đơn vị khác nữa không nằm trong dây chuyền sản xuất ra điện thì được tính năng suất lao động bằng tiền họ làm ra hàng năm. Như vậy, đã tách ra được một lượng người khá lớn với NSLĐ khác nhau, không phải của 110.000 người nữa.

Loại thứ ba, một vấn đề khá quan trọng, đó là cần sắp xếp, cơ cấu lại các dây chuyền sản xuất thật hợp lý, không để nhiều người quản lý trên một đơn vị sản phẩm mà phải một hoặc hai, ba người quản lý trên nhiều đơn vị sản phẩm. Việc đó, có nghĩa là cần phải có một sự tinh giản, biên chế bộ máy từ trên xuống dưới trong hệ thống dây chuyền sản xuất điện.

EVN cần phải bố trí sắp xếp những người có năng lực, trình độ, phẩm chất đảm đương các công việc quan trọng từ lãnh đạo, tới cán bộ nhân viên và công nhân kỹ thuật, tránh sử dụng những người trái ngành nghề và sắp xếp lại những vị trí công tác từ cán bộ đến công nhân mà không phát huy được hiệu quả.

Tập đoàn cần có những cơ chế chính sách để tinh giản bộ máy. Phải vận dụng các cơ chế chính sách, vận động những cán bộ công nhân viên sức khỏe kém làm việc không có năng suất cho họ về nghỉ chế độ, bằng nhiều hình thức nhà nước quy định. Mặt khác, EVN cần có một nguồn vốn để giải quyết chính sách cho những người thuộc diện này.

Số còn lại, nếu sức khỏe đảm bảo nhưng kém về chuyên  môn, tay nghề thì cần xin chính phủ cho mở thêm các cơ sở sản xuất phụ, như sản xuất các thiết bị điện dân dụng… Đương nhiên, số người này phải được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu công nghệ đầu tư sản xuất, sẽ khắc phục được một phần lượng cán bộ công nhân viên dôi dư. Việc này cần có một cuộc đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt, đồng bộ với các giải pháp để làm giảm biên chế, bố trí những người giỏi làm việc với năng suất cao. Đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn EVN sẽ tinh giảm được một lượng người đáng kể, cố gắng vận dụng các tiêu chuẩn về năng suất lao động của các nước trong khu vực để phấn đấu thực hiện. Đi đôi tăng năng suất lao động, EVN cần cải tiến tăng tiền lương cho cán bộ công nhân viên để khuyến khích, động viên họ làm việc tích cực hơn, năng suất lao động cao hơn trong sản xuất kinh doanh.

Tập đoàn cần phải xây dựng được định mức hoặc tiêu chuẩn về năng suất lao động cho từng người trong từng dây truyền sản xuất. Đặc biệt, dây chuyền sản xuất điện, từ khâu vận hành nhà máy đến truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện cho khách hàng.

EVN nên áp dụng các công nghệ điện tử để giảm bớt số người quản lý các trạm biến thế, số người thu tiền điện. Như vậy, cũng là giảm được một lượng người đáng kể. Đồng bộ các giải pháp nêu trên để đạt được mục tiêu là hàng năm năng suất lao động ngành điện ngày càng tăng. Công việc này là công việc lớn, đòi hỏi sự phấn đấu quyết tâm lãnh đạo chỉ đạo của cấp lãnh đạo tập đoàn đến các tổng công ty, các công ty và các đơn vị cấp dưới. Để hoàn thành việc đó EVN cần phải đưa ra tiến độ để giải bài bài toán, lồng ghép giữa tái cơ cấu, tăng năng suất lao động từ nay và các năm tiếp theo.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động