RSS Feed for Giá than thế giới giảm sâu nhất trong 12 năm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 13/10/2024 13:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá than thế giới giảm sâu nhất trong 12 năm

 - Giá than nhiệt lượng cao đã giảm 75% kể từ 2008, giảm 60% kể từ 2011 trong bối cảnh sản lượng tăng mà nhu cầu lại trì trệ. Cổ phiếu của các hãng khai thác mỏ mất giá mạnh.

Ba chỉ số giá than nhiệt lượng cao chủ chốt trên thị trường thế giới hiện đều đã giảm xuống thấp hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, do nhu cầu giảm trên toàn cầu, nhất là ở châu Á, và sản lượng khai thác mỏ vẫn duy trì ở mức cao.

Giá tham chiếu các loại than Amsterdam-Rotterdam-Antwerp GCLARAPDSMc15 (châu Âu), Newcastle GCLNWCPFBMc14 (Australia) và GCLRCBPFBMc2 Vịnh Richards (Nam Phi) đều đã giảm xuống chỉ khoảng 51 – 58 USD/tấn, tức là thấp hơn 60% so với mức cao nhất gần đây đạt được vào năm 2011, và thấp hơn 75% so với mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào năm 2008.

Phiên 16/9/2015, giá than kỳ hạn tại châu Âu giảm xuống dưới 50 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 2003. Triển vọng nhu cầu yếu ảnh hưởng cả tới giá các hợp đồng tương lai, với hợp đồng kỳ hạn API2 2016 hiện giá 50,50 USD/tấn, và nhiều thương gia dự báo giá sẽ còn giảm hơn nữa.

 

Giá than giảm mạnh ngoài dự kiến khiến cổ phiếu của các hãng khai mỏ khổng lồ như BHP Billiton BHP.AX và Rio Tinto RIO.AX đã mất khoảng một nửa giá trị kể từ 2011. Cổ phiếu của nhiều tập đoàn khai thác than thậm chí còn giảm xuống thấp hơn so với cổ phiếu của các hãng khai thác dầu như Exxon Mobil XOM.N – cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu thô sụt giảm.

Trong báo cáo Triển vọng mùa Thu vừa công bố, Morgan Stanley đã đưa than và quặng sắt vào danh sách 2 trong số 5 mặt hàng có giá sụt giảm nhiều nhất trong 24 hàng hóa tính chỉ số giá.

Sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008/2009, nhiều công ty khai mỏ đã đầu tư để nâng công suất sản xuất than đá, với kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục.

Tuy nhiên, chỉ có sản lượng tăng lên chứ nhu cầu vẫn thấp, thậm chí có dấu hiệu chậm dần lại. Ở Bắc Mỹ, nhu cầu than đá sụt giảm bởi sự bùng nổ của khí đá phiến, khiến các nhà khai thác mỏ của Mỹ phải tìm kiếm các khách hàng nước ngoài để bán than, chủ yếu là khách hàng châu Âu.

Nhưng tại châu Âu, nơi được bổ sung nguồn cung than Mỹ, nhu cầu cũng giảm sút do dân số không tăng, kinh tế hồi phục yếu và sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.

Còn tại châu Á - nơi vốn vẫn là động lực tăng trưởng chính của thị trường than đá, nhu cầu cũng trì trệ. “Hoạt động sản xuất tại các khu vực tiêu thụ chính chậm lại làm gia tăng áp lực lên thị trường than đá”, nhà môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết.

Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới, nhu cầu đang giảm sút do kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực chống ô nhiễm môi trường – than đá là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm – và hỗ trợ các mỏ than trong nước bằng cách giảm nhập khẩu.

Trong 8 tháng đầu 2015, nhập khẩu than đá vào Trung Quốc giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và thậm chí có tin Trung Quốc đang trở thành nước xuất khẩu than.

Tại Ấn Độ, nhu cầu cũng yếu đi mặc dù kinh tế tăng trưởng tốt, bởi sản lượng gia tăng từ mỏ than nội địa Coal India.

Nhập khẩu than đá vào Ấn Độ trong tháng 7 giảm 11% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 19,3 triệu tấn, giảm mạnh nhất trong vòng hơn một năm qua. Bộ trưởng Bộ Điện và Than, Piyush Goyal dự báo nhập khẩu than sẽ giảm khoảng 3% trong năm kết thúc vào tháng 4/2016, chỉ còn 210 triệu tấn, nhưng các quan chức chính phủ nước này cho biết lượng nhập khẩu thực tế có thể sẽ còn giảm nhiều hơn thế.

Các nhà phân tích cho rằng triển vọng nhu cầu, nhất là từ Trung Quốc, trong tương lai sẽ vẫn yếu.

"Một lãnh đạo Trung Quốc mới đây cho biết tiêu thụ than của nước này có thể sẽ chỉ còn khoảng 3,9 tỷ tấn vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu trước đây là 4,2 tỷ tấn theo Lộ trình Chiến lược phát triển năng lượng 2014-20", theo Macquarie. Hiện tiêu thụ than của Trung Quốc vào khoảng 3,5 - 3,9 tỷ tấn.

Như vậy từ nay tới 2016, thị trường than không thể hy vọng vào Trung Quốc và Ấn Độ, giá có thể sẽ còn giảm nữa.

Nguồn: Infonet

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động