An ninh năng lượng châu Á - TBD: Trước "tình huống mới"
08:26 | 09/05/2015
Gần 20 năm qua, châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục. Điều này đã trở thành động lực làm nhu cầu năng lượng khu vực này tăng nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Đầu thế kỷ 21, châu Á-Thái Bình Dương tiêu thụ khoảng 28% nhu cầu năng lượng cơ bản toàn cầu. Trong giai đoạn 2000-2013, theo thống kê của BP, nhu cầu năng lượng thế giới tăng 36%, riêng châu Á-Thái Bình Dương chiếm 76% mức tăng đó.
Trong thời gian này, riêng nhu cầu của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần, gấp đôi mức tiêu thụ của châu Mỹ Latinh. Ấn Độ tăng gấp hai lần. Hai quốc gia này chiếm đến 2/3 lượng gia tăng trên và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng hai lần.
Bước dịch chuyển lớn lao này trong bức tranh tiêu thụ dầu mỏ kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ tốc độ và sản lượng khai thác các mỏ dầu, làm cho tốc độ cạn kiệt tài nguyên dầu khí vốn khá khiêm tốn trong khu vực tăng nhanh.
Điều này đặt ra nhiều thách thức về an ninh năng lượng trong khu vực cũng như sự cần thiết phải có chính sách năng lượng kịp thời, hợp lý của các chính phủ trong vùng, đồng thời cũng làm thay đổi bức tranh địa chính trị năng lượng toàn cầu.
Thay đổi động năng an ninh năng lượng
Những thay đổi trong trạng thái tiêu thụ năng lượng thế giới đã định hình lại cơ sở động năng an ninh năng lượng ở châu Á hiện nay.
Về phương diện địa chính trị, điểm tựa bản lề của thương mại dầu mỏ thế giới đã chuyển hẳn sang trục Trung Đông - châu Á thay cho trục Trung Đông - châu Âu.
Hiện nay châu Á nhập khẩu đến gần ¾ nhu cầu dầu thô của châu lục, trong đó 2/3 số này là từ Trung Đông. ¾ lượng dầu xuất khẩu của vùng vịnh Persic (Ba Tư) chảy về châu Á.
Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đang trở thành thị trường tương lai của các nước sản xuất dầu Trung Đông và một “con đường dầu mỏ” nối tiếp “con đường tơ lụa” lịch sử đang hình thành.
Về năng lượng, 60% nhu cầu dầu thô của Trung Quốc phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Con số đó đối với Ấn Độ là 75% và ASEAN là 35%. Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hầu như 100% nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và than đá phụ thuộc vào nhập khẩu.
80% lượng năng lượng nhập khẩu nói trên đều phải vận chuyển theo đường biển bằng các phương tiện chuyên dụng, đi qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca, biển Đông Việt Nam, và vùng biển Trung Quốc, Nhật Bản.
Khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, Trung Á ngày càng tăng bằng đường ống trên đất liền hoặc dưới dạng LNG bằng đường biển với khoảng cách rất xa, cước phí vận chuyển lớn, nạn cướp biển hoành hành cũng như những hiểm nguy liên quan đến tranh chấp biển đảo giữa các nước luôn rình rập.
Do đó, an ninh năng lượng trở thành vấn đề kinh tế - chiến lược lớn của các nước châu Á-Thái Bình Dương. Giữa các nước trong khu vực thì nỗi lo âu về vấn đề cạnh tranh giá cả, thị trường, an ninh nguồn cung và sự đe dọa của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán luôn luôn tồn tại.
Châu Á -Thái Bình Dương cũng đang vật lộn tìm cách huy động các nguồn cung năng lượng đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội tuân theo xu hướng của những đòi hỏi về bảo vệ môi trường, chống thay đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Các nước châu Á có nguồn than đá giá rẻ, dồi dào, có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu phát điện. Tuy nhiên, những thách thức công nghệ để than được xem là nguồn năng lượng sạch rất lớn, nhất là khi tình trạng ô nhiễm không khí nhiều nơi trong khu vực hiện nay đã đứng trước tình trạng báo động.
Việc phát triển các nguồn năng lượng xanh, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh học, năng lượng sóng, thủy triều… còn khó khăn, trong khi khuynh hướng chung của các nước châu Á là tăng cường sử dụng khí đốt và khí hóa lỏng (LNG) vào mục đích năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, giá khí quan hệ chặt chẽ với giá dầu thô, nên theo thời gian cũng sẽ rất đắt bởi tính chất chiến lược của loại tài nguyên đa dụng không tái tạo này.
Vì vậy, một số nước tìm đường thoát bằng điện hạt nhân. Nhưng lựa chọn này đang vấp phải sự chống đối của đa số người dân do quan ngại về an toàn công nghệ, kỹ thuật vận hành, giải pháp xử lý và nơi chôn cất chất thải.
Cạnh đó, giá thành điện hạt nhân khó có thể cạnh tranh được so với các nguồn điện khác, nếu không được ngân sách bù lỗ, trong khi thiên tai, động đất, cháy nổ có thể dẫn đến nguy cơ ô nhiễm phóng xạ dài hạn, trên phạm vi rộng và khó lường trước.
Các lý do nêu trên lý giải vì sao các chương trình phát triển điện hạt nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… đều phải điều chỉnh theo hướng giảm, làm chậm và kéo dài thời hạn đầu tư.
Các tình huống ảnh hưởng mới
Trong số các nhân tố làm tăng nhu cầu năng lượng có không ít những nhân tố mang lại quan ngại về an ninh năng lượng.
Các tình huống mới như các cuộc “cách mạng xanh”, “cách mạng hoa hồng” ở Libya, Ai Cập, Đông Âu, Trung Á, các hoạt động khủng bố, bạo loạn ở Syria, Iraq, Nigeria, Algeria, Yemen và các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa các nước đã tác động, gây bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu, ảnh hưởng đến thị trường xuất-nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt, LNG toàn thế giới cả trong ngắn và dài hạn.
Sự phụ thuộc của châu Á nặng nề vào dầu mỏ Persic, một khu vực chứa đựng tập trung các mâu thuẫn quốc gia lẫn quốc tế về chính trị, quân sự, ý thức hệ, tôn giáo, dân tộc, kinh tế lâu đời càng làm tăng nỗi bất an trong quan hệ thương mại giữa các đối tác .
Từ năm 2014, khủng hoảng Ukraina kéo theo các trừng phạt của Phương Tây đối với Nga. Lĩnh vực dầu khí tuy có tác động tiêu cực đến hoạt động thượng nguồn và xuất khẩu dầu thô Nga ra thị trường thế giới nhưng cũng mở đường cho nguồn cung Nga ồ ạt chảy vào Trung Quốc không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn, ở cả cấp công ty và cấp chính phủ.
Gần đây các giao dịch nhằm tăng cường xuất khẩu LNG Nga sang Đông Bắc Á được triển khai mạnh mẽ.
Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của ngành dầu khí phi truyền thống (dầu khí trong đá chặt sít và đá phiến sét) trong thập niên đầu thế kỷ 21 ở Bắc Mỹ cộng với những thay đổi trong chiến lược và trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ có thể đưa lại lợi ích lớn lao cho an ninh năng lượng châu Á trong dài hạn.
Công nghệ phá vỡ vỉa thủy lực được áp dụng nhanh chóng ở các tầng chứa phi truyền thống đã làm cho sản lượng khai thác dầu khí nội địa Mỹ tăng rất nhanh, đạt 3 triệu thùng/ngày từ năm 2007.
Điều đó giúp cho Mỹ giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Đông, tăng thêm lượng dầu khí lưu thông trên thị trường quốc tế, nhất là trên thị trường châu Á.
Góp phần quan trọng bù lại sự suy giảm lượng dầu khí xuất khẩu của các nước sản xuất khác trên thế giới, phá vỡ một phần vai trò độc quyền của OPEC cũng như khôi phục vai trò của Mỹ trong lĩnh vực cung dầu khí trên toàn cầu.
Kìm hãm khuynh hướng giá dầu leo thang quá sức chịu đựng của nền kinh tế của các nước đang phát triển nhất là các nước nghèo.
Dự báo sau năm 2016, xuất khẩu LNG của Mỹ với giá rất cạnh tranh nhờ giá khí đốt Mỹ rất rẻ sẽ giúp cho các nước tiêu thụ LNG ở châu Á có nhiều lựa chọn nguồn cung.
Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2014, hoạt động khai thác dầu khí phi truyền thống bắt đầu đi xuống do giá dầu giảm gần như tuyến tính theo thời gian làm cho giá thành sản xuất ở phần lớn các mỏ quan trọng ở Mỹ và Canada cao hơn giá bán dầu thô truyền thống trên thị trường thế giới.
Tình huống này dẫn đến hậu quả xuất khẩu dầu thô, sản phẩm lọc và LNG Mỹ sang châu Á theo kế hoạch từ 2015 trở đi cũng như chiến lược phục hồi vai trò điều khiển thị trường dầu khí thế giới của Mỹ sau năm 2020 có thể bị phá sản.
Những biến cố ở Trung Đông cộng với quyết định của một nhóm nước trong OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia, không cắt giảm sản lượng dầu tiếp tục làm kéo dài, thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng giá dầu sụt giảm dẫn đến sức cạnh tranh của dầu Nga và của các nước nằm ngoài OPEC càng yếu.
Kinh tế Mỹ và EU chưa phục hồi, nhu cầu dầu mỏ của các nước phương tây không tăng nên nguồn dầu thô xuất khẩu của OPEC càng chuyển hướng mạnh hơn về thị trường châu Á.
Tuy nhiên tình trạng phụ thuộc quá mức của các nước nhập khẩu dầu khí vào nguồn cung Trung Đông lại dấy lên mối lo ngại nguồn cung này bị gián đoạn đột ngột do các biến cố chính trị, quân sự hoặc do chiến lược bảo vệ độc quyền điều khiển thị trường của OPEC chi phối.
Trước những diễn biến nói trên, câu hỏi được đặt ra cho các nước nhập khẩu dầu khí là họ phải chọn chiến lược, chính sách, giải pháp khả thi nào để bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền của từng nước, phù hợp với điều kiện cụ thể của họ.
Do nhiều yếu tố chi phối phức tạp cả về hướng, về quy mô và cường độ tác động nên lời đáp của câu hỏi trên không hề đơn giản.
Để tìm lời đáp tương đối sát với thực tế cần phải có những thông tin khách quan, minh bạch, đủ tin cậy, có các chương trình nghiên cứu, các đề án liên kết chặt chẽ với nhau theo hệ thống.
Chấp nhận các phản biện đa chiều để có tầm nhìn toàn diện về mối liên quan, tương tác khác nhau cũng như bảo đảm tính đồng bộ, cân đối giữa các yếu tố thành phần của đáp án.
Các diễn đàn quốc tế, các tổ chức nghiên cứu khoa học năng lượng, bao gồm cả kinh tế năng lượng, trong khu vực có sự hợp tác với nhau chắc chắn sẽ mang lại lời giải khả thi cho vấn đề an ninh năng lượng của châu Á-Thái Bình Dương.
PGS.TS TRẦN NGỌC TOẢN
PGS.TS LÊ ĐỨC TOÀN (Đại học Duy Tân Đà Nẵng)
Tài liệu tham khảo:
1. Mikkal E. Herberg: Energy security and Asia-Pacific. The National bureau of Asian Reseach 2015.
2. Vũ Nhật Quang. Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực châu Á. Năng lượng Việt Nam số 105+106 ,tháng 2+3/2014, trg 32.
3. Nguyễn Nam Dương, Vũ Thị Thanh Nga. Năng lượng châu Á- Thái Bình Dương, cơ hội cho Việt Nam. Năng lượng Việt Nam số 118, tháng 3/2015, trg.14.
4. Trần Ngọc Toản. Giá dầu thấp, cơ hội lớn cho các nước Đông Nam Á. Năng lượng Việt Nam,số 118, tháng 3/201, trg 16.