Khơi 'dòng chảy' than cho nguồn điện
08:32 | 22/01/2015
TÔ QUỐC TRỤ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC)
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam gần đây đã ký một số bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc nhập khẩu than với các đối tác Indonesia, Nhật Bản. Theo Bộ Công Thương, từ tháng 1 đến tháng 11/2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 2,8 triệu tấn than trị giá 388 triệu USD tăng 44,7% về giá và 4% về lượng nhập so với cùng kỳ năm 2013… Liên quan đến xuất nhập khẩu của ngành than, báo chí có loạt bài với các chủ đề như “Nhập than sau khi xuất ồ ạt”, “Không thể tiếp tục đào và chặt”, “Trả giá xuất thô tài nguyên”… cho đây là sai lầm về việc xuất khẩu than những năm trước đây.
Mất cân đối trong nhìn nhận
Thực ra phải nhận định một cách nghiêm túc là cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam trước đây thủy điện là chính, tỷ lệ nhiệt điện than không lớn nên nhu cầu than cho điện không nhiều. Một số nhà máy nhiệt điện được xây dựng gần các mỏ than nhằm tận dụng được hết các loại than xấu. Do đó, với các loại than tốt, trong nước không dùng đến, TKV xuất khẩu để dành vốn cho đầu tư phát triển là điều cần thiết và hợp lý.
Căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước theo kịch bản cơ sở năm 2020 là 330 tỷ kWh và năm 2030 là 695 tỷ kWh, ngoài nguồn thủy điện, nhiệt điện chạy dầu-khí, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, cần xây dựng nguồn nhiệt điện chạy than. Số lượng các dự án nhiệt điện than phải xây dựng của Quy hoạch Điện VII là 61 dự án, với tổng công suất đặt 71.710 MW, từ đó tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là 171 triệu tấn.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 là trên 75 triệu tấn. Than trong nước sản xuất ra không chỉ cung cấp cho ngành điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác và xuất khẩu.
Chính do sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc nhìn nhận cung và cầu dựa trên cơ sở các quy hoạch ngành nói trên nên lượng thiếu hụt than giải quyết cho ngành điện không còn con đường nào khác là phải nhập khẩu.
Nhập khẩu than không dễ
Nguồn cung than nhập được xác định gồm bốn đối tác Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi. Hai đối tác Australia và Indonesia có tính khả thi cao hơn, đây cũng là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn của châu Á. Việt Nam đang tích cực triển khai nhập than của hai nước này, song gặp khó khăn vì phần lớn than của họ đã có người mua và nếu mua được của họ thường phải thông qua nước thứ 3. Hơn nữa, chính phủ các nước này có chủ trương tăng thuế xuất khẩu. Hiện nay, các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đã chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu than của Australia và Indonexia từ lâu, bây giờ Việt Nam bắt đầu tham gia là đã muộn.
Chính sách cho nhập khẩu, đầu tư để có nguồn than nhập ổn định đang gặp phải những hạn chế nhất định với nhiều vướng mắc. Ví dụ, thủ tục đầu tư ra nước ngoài chưa có chính sách mang tính đặc thù về thuế, vốn, ngoại hối… Cạnh đó, một số trở ngại khác cũng gây khó khăn cho công tác nhập khẩu than hiện nay, như Việt Nam chưa có mạng lưới thu nhập và xử lý thông tin về nguồn than nhập khẩu mà thường phải lấy thông tin từ các nước khác. Nguồn than xuất khẩu của Indonesia và Australia hiện có được chủ yếu là thu thập thông tin quốc tế, Việt Nam chưa lấy được thông tin trực tiếp từ nước sở tại. Còn nếu tính đến khả năng đầu tư ra nước ngoài thì nhân lực và kinh nghiệm đầu tư, khai thác vận hành ở nước ngoài cũng rất hạn chế.
Một điểm nữa, hiện nay Việt Nam chưa có cảng trung chuyển đủ lớn để cho các tàu hàng trăm ngàn tấn hoạt động được. Theo Quy hoạch Điện VII, miền Nam Trung Bộ và miền Nam sẽ xây dựng nhiều trung tâm điện lực lớn nên cần phải có một vài cảng nước sâu, nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa có cảng, trong khi yêu cầu phải nhập khẩu than ngày càng cấp bách. Thậm chí, ngay cả khi đã có cảng trung chuyển thì đối với các trung tâm điện lực ở xa cảng, sâu vào đất liền, phải giải quyết được các phương tiện bốc dỡ, vận chuyển đường sông, đường bộ…, đó là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt nhằm đảm bảo việc cung cấp than an toàn và ổn định cho các trung tâm điện lực.
Bài toàn về năng lực tài chính cũng cần được tính đến. Giá than nhập khẩu nêu trong dự án đầu tư các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thường tính khoảng 90 USD/tấn, theo dự báo giá than sẽ tăng trên 100 USD/tấn. Giá than càng cao sẽ dẫn đến năng lực tài chính càng khó khăn. Đơn cử, năm 2020 nhu cầu than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện của PVN là khoảng hơn 8,3 triệu tấn. Nếu chỉ tính giá than là USD/tấn thì PVN đã phải cần tới 747 triệu USD/năm để nhập khẩu than.
Trường hợp đầu tư mỏ ở nước ngoài hoặc hợp tác với các nước để khai thác và đưa than về nước thì nguồn lực tài chính đòi hỏi lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, nếu đầu tư vào khai thác than ở Australia với mỏ than có sản lượng 30 triệu tấn/năm cần vốn đầu tư tới 8 tỷ USD, mỏ nhỏ hơn cỡ 10 triệu tấn/năm cần khoảng 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các mỏ than ở Australia và Indonesia của Việt Nam đã chậm hơn rất nhiều so với các nước đã nói ở trên. Việc đầu tư mỏ và hợp tác khai thác than với Nam Phi chưa có hướng triển khai. TKV đang xúc tiến hợp tác đầu tư về than với Nga, đây là quốc gia có tiềm năng lớn về than, đồng thời là quốc gia Việt Nam có quan hệ hợp tác chiến lược. Tuy nhiên việc vận chuyển than về Việt Nam khá phức tạp, chi phí cao.
Giải quyết than cho điện
Việc xuất khẩu than theo hướng giảm dần thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch đã được TKV nghiêm túc thực hiện theo đúng Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 7/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta có thể tin tưởng rằng công tác xuất nhập khẩu than, nhằm đáp ứng cung cầu của đất nước nói chung và ngành điện nói riêng trong thời gian tới sau khi các quy hoạch điện và quy hoạch than hiệu chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thu được kết quả tốt đẹp từ 4 giải pháp khả thi sau đây:
Thứ nhất, cần xác định chính xác nhu cầu than của ngành điện và khả năng đáp ứng của ngành than. Quy hoạch điện và quy hoạch than được nghiên cứu đồng bộ đến năm 2030 đã phê duyệt hiện đang được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan hữu quan hiệu chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt lại trong năm 2015 này. Đây sẽ là các văn bản pháp lý hết sức quan trọng để từ đó nghiên cứu đề ra biện pháp khả thi nhất giải quyết than cho ngành điện.
Nhu cầu điện của Quy hoạch Điện VII có thể giảm do xác định được mức tăng trưởng điện năng phù hợp với mức tăng trưởng GDP, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo sẽ có tác dụng giảm nhẹ gánh nặng cho ngành than. Mặt khác, nếu sản lượng than thương phẩm của quy hoạch than hiệu chỉnh được xác định cao hơn so với quy hoạch than đã duyệt nhờ đưa ra được các giải pháp về huy động vốn đầu tư cũng như nghiên cứu đổi mới công nghệ phát triển các mỏ mới, trong đó có việc hoàn thành tốt tiến độ thử nghiệm và khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng thì không những ngành than đã hỗ trợ tối đa cho ngành điện mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, khi đã xác định được chuẩn xác lượng than cần nhập cho từng năm và từng thời kỳ đến năm 2030 (chú ý loại bỏ số lượng than của các dự án nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo hình thức BOT mà chủ đầu tư tự đảm nhận), ngành than cần có đề án đáp ứng trên cơ sở tăng cường hợp tác với nước ngoài, trong đó có Australia, Indonesia, Nga… dưới mọi hình thức: nhập than, đầu tư, liên doanh khai thác than.
TKV cần phối hợp chặt chẽ với PVN và EVN giải quyết các vấn đề về vốn, nhân lực, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng giao thông, kể cả chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài để khai thác than. Ngoài ra, việc triển khai hợp tác với Lào, Campuchia để thăm dò trữ lượng than của hai nước này từ đó đề xuất tổ chức khai thác là hướng đi rất cần thiết.
Thứ ba, sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Công Thương trong chỉ đạo và xây dựng các phương án hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho TKV nhằm phát triển ngành than trong nước cũng như thực hiện nhanh các hợp đồng đầu tư khai thác than ở nước ngoài là cơ sở để đạt được thành công mong muốn.
Thứ tư, về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng cảng trung chuyển để nhập than cho các TTĐL từ Bình Thuận đến Kiên Giang, hiện Việt Nam đã nghiên cứu 9 vị trí bao gồm: Nam Du (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Côn Đảo (Vũng Tàu), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Cái Mép (Vũng Tàu), Duyên Hải (Trà Vinh), Sóc Trăng, Soài Rạp (Tiền Giang) và Ghềnh Hào (Bạc Liêu).
Sau khi phân tích kinh tế kỹ thuật, đã ưu tiên các vị trí Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), Cái Mép (Vũng Tàu) và Soài Rạp (Tiền Giang). Hiện cảng Vĩnh Tân và Duyên Hải đang được triển khai xây dựng, trước mắt đảm bảo việc cung cấp than cho NMNĐ Vĩnh Tân II (2x600MW) và NMNĐ Duyên Hải I (2x600MW) của EVN sắp đưa vào vận hành.
NangluongVietnam.vn