RSS Feed for Kiến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về Năng lượng tái tạo Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 17:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về Năng lượng tái tạo Việt Nam

 - Theo nhận định của các chuyên gia, chỉ tiều về năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VII rất khó có thể đạt được, nếu không có các giải pháp có tính đột phá trong chính sách phát triển ở Việt Nam. Do vậy, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Năng lượng tái tạo Việt Nam là rất cấp thiết hiện nay...

Đề xuất giải pháp chiến lược giảm cường độ năng lượng ở Việt Nam
Triển vọng và thách thức trong phát triển dầu khí phi truyền thống
Nhận định về những thách thức của ngành Than Việt Nam

PGS, TS. ĐẶNG ĐÌNH THỐNG, Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA

Mở đầu

Có thể nói, cho đến nay, quan điểm “Việt Nam cần thiết và có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT)” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ đối với ngành năng lượng (NL) mà còn đối với tất cả các ban ngành khác và toàn xã hội. Cơ sở của sự ủng hộ này là do: (1) Nhu cầu NL cho phát triển kinh tế, xã hội tăng không ngừng với tốc độ cao, trên 10%/năm, trong đó nguồn tài nguyên NL hóa thạch đã và đang cạn kiệt dần, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải tìm kiếm nguồn để nhập khẩu than; (2) Nước ta có nguồn tài nguyên NLTT đa dạng, có tiềm năng khá lớn nhưng chưa được quan tâm khai thác; (3) NLTT ngày càng có khả năng cạnh tranh với các nguồn NL hóa thạch về mặt kinh tế; (4) Nhu cầu cấp bách và trách nhiệm của nước ta về bảo vệ môi trường; (5) Xu thế chung của thế giới.

Nhằm tạo điều kiện cho phát triển NLTT, trong thời gian qua, một số luật, nghị định, thông tư, quyết định… trong đó, có các điều khoản về NLTT, đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành thực hiện. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg, ngày 21-7-2011, phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030”, gọi tắt là QHĐ VII, trong đó NLTT đã có một vai trò và vị trí chính thức với các chỉ tiêu, lộ trình phát triển cụ thể đối với sản xuất điện năng nói riêng và đối với cân bằng NL quốc gia nói chung.

Theo QHĐ VII, phát triển NLTT nhằm đa dạng hóa nguồn NL sơ cấp cho sản xuất điện, bảo tồn nguồn nhiên liệu và góp phần bảo đảm an ninh NL. Chỉ tiêu được đặt ra là tăng tỷ lệ điện NLTT từ 3,5% năm 2010 lên 4,5% và 6% vào năm 2020 và năm 2030.

Để đạt được các tỷ lệ này thì tổng công suất điện NLTT đầu tư xây dựng mới phải là 4.200MW vào năm 2020 và 13.799MW vào năm 2030, trong đó hai nguồn chính là điện gió và điện sinh khối, với các chỉ tiêu công suất như sau: (1) Điện gió, 1.000MW và 6.200MW vào các năm 2020 và 2030; (2) Điện sinh khối, 500MW và 2.000MW vào các năm 2020 và 2030.

Tuy nhiên, cho đến nay, cuối năm 2014, tình hình phát triển NLTT nói chung và điện NLTT theo QHĐ VII nói riêng vẫn còn rất ảm đạm và trì trệ. Các chỉ tiều về NLTT của QHĐ VII rất khó có thể đạt được nếu không có các giải pháp có tính chất đột phá trong chính sách phát triển NLTT ở Việt Nam.

Trước khi bàn về các rào cản cũng như thảo luận các giải pháp thúc đẩy phát triển NLTT ở Việt Nam, chúng ta cũng nên nhìn lại bức tranh tổng quát về  phát triển NLTT trên thế giới hiện nay.

Vài nét về phát triển NLTT trên thế giới

Thời gian gần đây, phát triển NLTT đã trở thành một xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước phát triển. Một vài con số để minh họa xu hướng này.

Báo cáo hàng năm “Global Trends in Renewable Energy Investment 2014”, do UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc) xuất bản, cho biết, 44% toàn bộ công suất phát điện được lắp mới trên toàn thế giới trong năm 2013 là từ NLTT, trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực này đã giảm 14% do chi phí các công nghệ NLTT giảm nhanh.

Ở châu Á, NLTT đã có những bước phát triển rất ấn tượng tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Vượt qua châu Âu, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về đầu tư phát triển NLTT. Năm 2013, Trung Quốc đã chi 56 tỷ USD cho đầu tư xây dựng các cơ sở điện NLTT mới. Đầu tư của Nhật Bản cho đến năm 2013, tăng đến 80% so với năm 2011 do hàng loạt hệ thống pin mặt trời được lắp mới, sau thảm họa điện hạt nhân ở Fukushima hồi tháng 3 năm 2011.

Chính phủ Ấn Độ cam kết cung cấp điện đầy đủ 24/24 trong ngày trên phạm vi toàn quốc bằng kế hoạch phát triển NLTT. Theo kế hoạch này, trong vòng 10 năm tới sẽ xây dựng mới 100.000 MW điện NL mặt trời. Để thực hiện mục tiêu này Chính phủ Ấn Độ đã đề nghị Ngân hàng thế giới (WB) cho vay  100 tỷ USD. Năm 2013, công suất điện mặt trời của Ấn Độ là 2.500 MW. Ấn Độ phấn đấu tăng công suất lên 5.000MW trong giai đoạn 2014 - 2015.

Chính phủ Mỹ cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển NLTT. Ngày 17/4/2014, Nhà Trắng đã chính thức khởi động Chương Trình "Capital Solar Challenge," nhằm khuyến khích các cơ quan liên bang, các cơ sở quân sự và những tòa nhà lớn tại thủ đô Washington lắp đặt thêm các hệ thống pin mặt trời trên mái nhà, tại nhà để xe ôtô và các khu đất trống. Cùng với chương trình trên, Bộ Năng lượng Mỹ cũng thông báo khoản giải ngân mới trị giá 15 triệu USD để hỗ trợ các cộng đồng dân cư lắp đặt các thiết bị sử dụng NL mặt trời tại các nhà dân và cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cũng thông báo kế hoạch tăng gấp đôi lượng điện năng từ NL mặt trời trong khuôn khổ Chương trình "Đối tác Năng lượng Xanh," được triển khai từ năm 2001.

Thống kê của Nhà Trắng cho thấy, công suất các hệ pin mặt trời được lắp đặt ở Mỹ đã tăng rất nhanh, từ công suất 1,2 GW năm 2008 lên 13 GW vào đầu năm 2014, tức là tăng 11 lần chỉ trong khoảng thời gian 5 năm. Ngành công nghiệp NL mặt trời của nước này đang tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 143.000 nhân công, tăng hơn 50% kể từ năm 2010.

Ở châu Âu, CHLB Đức là nước đứng đầu thế giới về phát triển NLTT. Năm 2014, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, NLTT đã vượt qua than để trở thành nguồn cung quan trọng nhất trong sản xuất điện tại nước này. Theo tờ “Die Welt” (Thế giới) của Đức, trong 9 tháng đầu năm 2014, lượng điện được sản xuất từ NL gió, mặt trời, thủy điện và NL sinh khối chiếm tới 27,7% tổng lượng điện tiêu thụ tại Đức, trong đó tỷ lệ nguồn điện gió 9,5%, sinh khối 8,1% và điện mặt trời là 6,8%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện NLTT, cùng với việc các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân của Đức vẫn duy trì sản lượng ổn định, khiến tình trạng dư thừa điện đã xuất hiện tại Đức.

Chính phủ Đức cũng đã quyết định đóng cửa 8 lò phản ứng hạt nhân và đặt mục tiêu sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân còn lại vào năm 2022 để tập trung phát triển NLTT sau thảm họa hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Với quyết tâm này, tháng 5/2012, Đức đã lập kỷ lục sản xuất điện mặt trời nhiều nhất thế giới với 22 GWh chỉ trong vài giờ đồng hồ. Đây cũng được xem là thành tựu vượt bậc của ngành NLTT Đức.

Các nước khác ở châu Âu như: Pháp, Italia, Tây Ban Nha, CH Séc cũng đã rất chú trọng đầu tư vào NLTT, trong đó đặt mục tiêu lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với công suất trên 1GW. Đặc biệt, Đan Mạch đã cam kết chuyển đổi hoàn toàn sang điện NLTT vào năm 2050.

Trên đây chỉ mới nói đến một số quốc gia dẫn đầu về phát triển NLTT. Ngoài ra, tất cả các quốc gia khác ở khắp các châu lục đều đã và đang phát triển NLTT ở các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và tự nhiên của mỗi nước.

Một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của NLTT trong thời gian qua là do giá NLTT liên tục giảm và đến nay đã có thể cạnh tranh được với NL hóa thạch. Nói riêng, trước đây, giá điện từ các hệ pin mặt trời là rất cao, khoảng 25 UScents/kWh. Nhưng đến nay, giá điện mặt trời đã giảm xuống (14 - 16) UScents/kWh đối với châu Âu, với bức xạ mặt trời trung bình trong khoảng (1.900 – 1.000) kWh/m2.năm.

Ở Việt Nam, từ Đà Nẵng trở vào, có bức xạ mặt trời khoảng (1.700 - 2.100) kWh/m2.năm và với giá mô đun pin mặt trời hiện nay giảm chỉ còn khoảng 1.500USD/kWp thì giá điện NL mặt trời  nối lưới sẽ vào khoảng (11 - 13) UScents/kWh.

Cách đây khoảng 10 năm, giá đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời trung bình khoảng (8.000 - 10.000) USD/kWp thì nay giảm xuống chỉ còn (4.000 - 4.500) USD/kWp. Giá điện năng từ năng lượng gió và sinh khối cũng đều giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn, chỉ khoảng 3%/năm.

Hiện trạng ứng dụng NLTT ở Việt Nam, các khó khăn bất cập

Có thể nói, sự phát triển NLTT ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu. Bức tranh tổng quát của sự phát triển NLTT ở Việt Nam cho đến nay cơ bản vẫn là manh mún, tự phát, thiếu qui hoạch, qui mô nhỏ bé và trình độ khoa học công nghệ còn thấp.

Năng lượng mặt trời

Mặc dù có tiềm năng khá cao, với mật độ NL trung bình khoảng (4,0 - 5,0) kWh/m2ngày và số giờ nắng (1.700 - 2.300) giờ/năm, nhưng tổng công suất các hệ điện mặt trời mới chỉ đạt khoảng 4MWp, trong đó đa số là các hệ độc lập, qui mô rất nhỏ, dưới 10kWp. Hệ lớn nhất có công suất chỉ 2MWp. Điểm sáng nhất đối với ứng dụng NL mặt trời là phát triển các thiết bị nước nóng.

Chỉ trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, đã có gần 100 công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực này. Hàng vạn thiết bị đã được lắp đặt, góp phần tiết kiệm một lượng điện năng đáng kể. Điều đáng nói là, khoảng (60 - 70)%  công nghệ, vật tư, vật liệu về thiết bị nước nóng mặt trời cho đến nay vẫn phải nhập ngoại, chủ yếu từ Trung Quốc, mà đáng lẽ ra các cơ sở trong nước hoàn toàn có thể tự sản xuất được. Ở Việt Nam đang vắng mặt công nghệ nhiệt điện mặt trời (CSP).

Năng lượng gió

Các đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng NL gió Việt Nam khá nhất trong các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên số liệu về NL gió hiện nay rất khác nhau và độ tin cậy không cao. Theo đánh giá gần đây nhất của các chuyên gia NL, tiềm năng kỹ thuật trên đất liền của Việt Nam vào khoảng 10.000 đến 20.000MW, tập trung chủ yếu là khu vực duyên hải miền Trung và miền Nam.

Có khoảng 40 dự án điện gió công nghiệp (công suất trên 1MW) đã đăng ký. Tuy nhiên cho đến nay chỉ mới có 3 dự án được thực hiện. Đó là (1) Dự án Đảo Phú Quý, 6MW; (2) Dự án Tuy Phong, Bình Thuận, 30MW và (3) Dự án Bạc Liêu, 99MW. Ngoài ra còn một số dự án khác, qui mô rất nhỏ, với tổng công suất không đáng kể.

Như vậy, cho đến nay, tổng công suất các nhà máy điện gió đã xây dựng chỉ khoảng 140MW, chiếm khoảng gần 1% tiềm năng kỹ thuật đã đánh giá ở trên. Lý do chính của việc chưa triển khai các dự án khác là do giá điện gió còn thấp.

Năng lượng sinh khối

Là một nước nông nghiệp và ở khu vực nhiệt đới nên Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng sinh khối dồi dào và đa dạng. Theo ước tính hiện nay, tổng tiềm năng lượng sinh khối vào khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông lâm ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000MW. Tuy nhiên, do chưa được xử lý và sản xuất NL nên hiện nay nguồn sinh khối này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều khu vực của nước ta. 

Hiện nay cả nước có 41 nhà máy đường. Nếu toàn bộ lượng bã mía thải ra được sử dụng sản xuất điện sẽ cho tổng công suất hơn 500 MW. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 6 dự án phát điện từ bã mía đi vào hoạt động, với tổng công suất 76,5 MW.

Về sử dụng rác sản xuất NL, đến nay cũng mới có nhà máy điện Gò Cát, Tp Hồ Chí Minh có công suất thiết kế 2,4MW đi vào họat động; một nhà máy điện rác lớn khác ở Nam Sơn, Hà Nội có công suất 1,93MW, khởi công từ 2012 và theo kế hoạch thì cuối năm 2014 hoàn thành. Trấu cũng là nguồn sinh khối khá dồi dào, tiềm năng khoảng 6 triệu tấn/năm. Nhưng đến nay chỉ mới khởi công xây dựng vài dự án với công suất khoảng 20MW.

Tóm lại, về nguồn NL sinh khối cho đến nay tổng lượng khai thác ứng dụng theo các công nghệ NL khác nhau vào khoảng 20 - 25% tổng tiềm năng.

Thủy điện nhỏ

Có thể nói, gần như đã được khai thác hết. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, việc phát triển thủy điện nhỏ trong những năm vừa qua cho thấy một bức tranh khá điển hình về phát triển NLTT ở Việt Nam. Đó là sự phát triển mang tính chất cục bộ, địa phương, thiếu qui hoạch tổng thể, chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích, hiệu quả tổng thể… Điều này đã dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và môi trường…đối với đa số các dự án thủy điện nhỏ.

Về mặt quản lý, qui hoạch, vận hành

Quá trình phát triển NLTT còn rất yếu kém, bất cập. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có chiến lược, chính sách quốc gia về phát triển NLTT. Hệ lụy của nó dẫn đến một loạt các vấn đề bất cập và yếu kém chính sau đây:

- Chưa điều tra, đánh giá đầy đủ về tiềm năng NLTT. Vì vậy, chúng ta chưa có, hoặc có nhưng không đầy đủ các số liệu chính thức và tin cậy về tiềm năng các nguồn NLTT.

- Chưa có một cơ quan đầu mối đủ mạnh và đủ năng lực để chỉ đạo, điều hành thống nhất và đề ra được các định hướng phù hợp cho quá trình phát triển NLTT, đặc biệt là đối với việc triển khai các dự án, các chương trình có tính thương mại.

- Chưa có một nguồn tài chính riêng đủ mạnh để hỗ trợ cho các dự án, chương trình và các hoạt động về NLTT nói chung và về kinh doanh, thương mại các công nghệ NLTT nói riêng.

- Chưa có một cơ sở đào tạo chuyên ngành; các cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ cũng như các cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị NLTT với qui mô đủ lớn và trình độ đủ cao. Điều này dẫn đến thiếu nhân lực chuyên sâu và trình độ khoa học công nghệ về NLTT còn thấp; phát triển một số dự án NLTT còn chưa phù hợp, hiệu quả không cao.

- Chưa có các cơ chế, các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển NLTT. Nói riêng, ngoài cơ chế giá ưu đãi đối với điện gió (7,8UScents/kWh; nhưng giá này vẫn còn thấp so với thực tế), vẫn chưa có các cơ chế hỗ trợ đối với các nguồn khác như NL mặt trời, sinh khối, địa nhiệt…

Với tình hình như đã nói trên, thì dễ dàng thấy rằng, các chỉ tiêu về phát triển điện NLTT của QHĐ VII rất khó thực hiện thành công nếu Chính phủ không sớm khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược và chính sách NLTT quốc gia, trong đó phải có các nội dung nhằm giải quyết các điểm yếu kém, bất cập đã nêu trên.

Kiến nghị một số giải pháp

Từ các phân tích trên, dưới đây chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp chính nhằm phát triển NLTT ở Việt Nam một cách bền vững:

1. Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và ban hành Chiến lược và Chính sách NLTT quốc gia, tạo cơ cở và các điều kiện pháp lý để thống nhất chỉ đạo cũng như tạo ra sự phối hợp có trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, các ban ngành về phát triển NLTT.

2. Xây dựng các Qui hoạch trung hạn và dài hạn về phát triển NLTT với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội.

3. Xác định các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai ưu tiên về NLTT và xem nó như là các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm. Từ đó cần có sự đầu tư đúng mức để giải quyết ngay các vấn đề có tính quan trọng đối với phát triển NLTT (ví dụ như điều tra, đánh giá tiềm năng; lựa chọn công nghệ phù hợp; đề xuất các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể…).

4. Xây dựng một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên sâu về NLTT.

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tranh thủ các nguồn tài trợ… nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển NLTT ở Việt Nam.

Trước mắt, Chính phủ nên giao cho Bộ Công Thương chủ trì với sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp với các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… thành lập một Ủy Ban Quốc gia về NLTT.

Tài liệu tham khảo

1. http://motthegioi.vn.

2. http://www.vietnamplus.vn.

5. Báo cáo về công nghệ NL gió và khả năng ứng dụng ở Việt Nam; Nguyễn Thế Mịch, Bộ Công Thương, 2014.

6. pctravinh.evnspc.vn.

7. pccantho.evnspc.vn.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động