RSS Feed for Giá bán điện thấp, giảm phát - Chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ kêu cứu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 18:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá bán điện thấp, giảm phát - Chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ kêu cứu

 - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thủy điện vừa và nhỏ cùng với các nhà máy thủy điện lớn trong cả nước đều là nguồn năng lượng xanh, sạch, nhưng khung giá phát điện năm 2020 do Bộ Công Thương quy định cho các nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh - tương đương 4,75 cent/kWh (thấp hơn rất nhiều so với năng lượng gió, mặt trời), mặc dù thời gian đầu tư lâu hơn, suất đầu tư cao hơn - Đây là điều rất không công bằng cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.
Kiến nghị điều chỉnh giờ phát điện cao điểm, chi phí tránh được cho thủy điện vừa và nhỏ Kiến nghị điều chỉnh giờ phát điện cao điểm, chi phí tránh được cho thủy điện vừa và nhỏ

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc “Điều chỉnh giờ phát điện cao điểm và biểu giá chi phí tránh được năm 2021 cho thủy điện vừa và nhỏ”.

Xây dựng thủy điện làm mất rừng, gây lũ lụt: Đâu là sự thật? Xây dựng thủy điện làm mất rừng, gây lũ lụt: Đâu là sự thật?

Mỗi mùa mưa lũ gây ngập úng thì lập tức truyền thông, hoặc dư luận lại nêu vấn đề do xây dựng thủy điện làm mất rừng là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Những ngày qua, khi cả nước dồn sức cùng đồng bào các tỉnh miền Trung gồng mình vượt qua những thử thách to lớn từ đợt mưa lũ chưa từng có trong hàng chục năm qua, bên cạnh việc dòng thông tin phản ánh khách quan thì vẫn có không ít ý kiến quy kết đổ lỗi của các công trình, dự án thủy điện. Vậy đâu là nguyên nhân thật sự khi lũ lụt xẩy ra trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề? Trong bối cảnh các hình thái thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp thì cần có câu trả lời xác đáng và hợp lý, tránh quy kết một cách áp đặt và không có cơ sở khoa học. Để giải đáp vấn đề này, chúng tôi xin trao đổi một số ý kiến nhằm làm rõ vai trò, lợi ích và những tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường kinh tế, xã hội khi phát triển, xây dựng thủy điện ở Việt Nam.


Thủy điện là nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo quý giá của quốc gia. Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, điều tiết hợp lý giá điện, tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Tại một số tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai… các nhà máy thủy điện đã đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách của địa phương. Cùng với việc phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm…) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện rất nhiều.

Xét về mặt hiệu quả vận hành, chỉ thủy điện mới có khả năng vận hành linh hoạt đáp ứng nhanh theo sự thay đổi nhu cầu công suất của hệ thống điện. Đối với hệ thống điện nước ta, công suất phủ đỉnh đặc biệt quan trọng, bởi lẽ mức độ tiêu dùng điện không đồng đều giữa các mùa trong năm, giữa các giờ trong ngày, hệ số không đồng đều của phụ tải khá cao, có khi lên tới 2 - 2,5 lần trong ngày đêm. Do đó, việc san bằng phụ tải rất khó thực hiện nếu như không tận dụng các nguồn thủy điện.

Nhờ tận dụng khả năng phát công suất “phủ đỉnh” của thủy điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có thể điều chỉnh tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn như các nhà máy nhiệt điện, hoặc điện mặt trời, điện gió. Số giờ phụ tải đạt mức “đỉnh” của hệ thống điện Việt Nam vào khoảng 1.800 - 2.500 giờ/năm. Khi xu thế phát triển năng lượng gió, mặt trời là tất yếu để thay thế dần năng lượng hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính, vai trò của thủy điện phủ đỉnh là vô cùng quan trọng.

Theo công bố của EVN, sáu tháng đầu năm 2021, thủy điện tuy ở giai đoạn mùa ít nước nhất trong năm, nhưng đã huy động phát điện được 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7% điện năng toàn hệ thống [1].

Các công trình thủy điện vừa và nhỏ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Thủy điện vừa và nhỏ phần lớn chỉ có hồ chứa điều tiết ngày đêm, một số thủy điện vừa có dung tích hồ chứa điều tiết tuần, tích nước trong ngày, hoặc trong tuần để phát điện vào các giờ cao điểm của hệ thống điện, là nguồn năng lượng xanh, sạch và góp phần đáng kể trong việc giảm giá thành điện năng của EVN với giá mua điện rẻ (giá trung bình theo Biểu phí năm 2020 là 1.110 đồng - tương đương 4,75 cent/kWh). Trong khi đó giá mua điện gió và mặt trời đang được ưu đãi cao hơn rất nhiều, cụ thể là:

1/ Giá mua điện gió đối với các dự án trong đất liền là 8,5 cent/kWh (tương đương 1.927 đồng/kWh); đối với các dự án điện gió ngoài khơi là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.322 đồng/kWh).

Như vậy, đều là nguồn năng lượng tái tạo, nhưng năng lượng thủy điện vừa và nhỏ thì hiện có giá mua thấp hơn rất nhiều so với năng lượng gió, năng lượng mặt trời, mặc dù thời gian đầu tư lâu hơn (từ 3 - 4 năm) và suất đầu tư cao hơn.

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn McKinsey [2]: “Các mục tiêu năng lượng mặt trời cho năm 2020 đã được đăng ký quá mức do được hưởng giá FIT hấp dẫn từ Chính phủ. Do đó, Chính phủ đang hướng đến cơ chế đấu giá để xác định công suất điện mặt trời được đưa vào mỗi năm”.

Ngoài ra, thực tế trong 12 năm qua, kể từ khi áp dụng Biểu giá chi phí tránh được (từ ngày 1/1/2009 đến hết năm 2009), chỉ số CPI đã tăng đến 95%, dẫn đến chi phí đầu tư cho thủy điện nhỏ tăng tương ứng, trong khi đó giá bán điện thương phẩm bình quân của EVN cũng tăng tới 96,6% (từ 948, 5 đồng/kWh lên 1.864,5 đồng/kWh), thế nhưng giá mua điện từ thủy điện vừa và nhỏ chỉ tăng 36% (từ 810 đ/kWh lên 1.110 đ/kWh). Rõ ràng, việc giữ giá mua điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ như vậy là hoàn toàn chưa hợp lý.

Ngoài ra, vấn đề giảm phát công suất từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cũng thường xảy ra hoặc do sự cố đường dây truyền tải, hoặc quá tải đường dây truyền tải do tổng công suất đặt của các nguồn điện này lớn hơn công suất mang tải của đường dây hiện hành. Những sự cố này bắt buộc các nhà máy thủy điện phải xả nước không tạo ra điện xuống hạ lưu, làm lãng phí nguồn tài nguyên nước, gây thiệt hại cho chủ đầu tư các nhà máy thủy điện và thất thu thuế cho Nhà nước.

Cụ thể, vấn đề quá tải đường dây truyền tải 110 kV Đô Lương - Hòa Bình - Kỳ Sơn, các chủ đầu tư các công trình thủy điện bao gồm: Thủy điện Xoỏng Con, Thủy điện Chi Khê, Thủy điện Nậm Mô, Nậm Nơn, Thủy điện Nậm Cắn 2, Thủy điện Cà Lôi, Thủy điện Khe Thơi, Thủy điện Bản Cánh, Thủy điện Bản Ang, Thủy điện Ca Nan 1 và 2 đã gửi Công văn số 18/TĐ.110-ĐL.KS ngày 15 tháng 7 năm 2021 [3] đến Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An thông tin về việc từ cuối năm 2018 đến nay hệ thống lưới điện 110 kV Đô Lương - Hòa Bình - Kỳ Sơn liên tục bị quá tải, kéo theo các nhà máy thủy điện đấu nối lên tuyến đường dây này phải cắt giảm công suất. Nguyên nhân chính là do đường dây giải tỏa công suất cho các nhà máy thủy điện tại khu vực này chỉ có tiết diện AC185 với công suất mang tải cao nhất chỉ từ 90 đến 95 MW, trong khi đó, tuyến đường dây đang giải tỏa công suất cho 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy là 171,9 MW.

Như vậy, việc đường dây quá tải đã thường xuyên xảy ra và bắt buộc các nhà máy thủy điện phải giảm công suất phát từ 30 - 50%, rất nhiều thời điểm các nhà máy thủy điện buộc phải xả nước không tải, không những gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế cho chủ đầu tư các nhà máy thủy điện này mà còn gây thất thu thuế cho địa phương.

Ngoài ra, việc đường dây110 kV Đô Lương - Hòa Bình - Kỳ Sơn rơi vào tình trạng quá tải đã gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, truyền tải điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 5 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An gồm: Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn.

Để giải quyết triệt để vấn đề quá tải cho tuyến đường dây 110 kV Đô Lương - Hòa Bình - Kỳ Sơn, ngoài việc đầu tư xây dựng trạm biến áp 220 kV Tương Dương (đang chuẩn bị triển khai thi công) cần phải đầu tư đường dây 110 kV (mạch 2 và nhánh rẽ) để đấu nối vào trạm 220 kV Tương Dương - Kỳ Sơn. Tuy nhiên, hiện tại ngành điện chưa có chủ trương đầu tư tuyến đường dây này mà ngược lại, cơ quan quản lý và vận hành tuyến đường dây này đề nghị các chủ đầu tư nhà máy thủy điện chia sẻ đầu tư đối với hạng mục này.

Việc đầu tư trạm biến áp 220 kV Tương Dương cùng với đường dây 110 kV (mạch 2 và nhánh rẽ) để đấu nối vào trạm 220 kV Tương Dương - Kỳ Sơn không chỉ phục vụ cho mục đích truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện nêu trên mà còn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cũng như đảm bảo an toàn lưới điện khu vực. Chính vì lẽ đó, chủ đầu tư 12 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khu vực này cho rằng: Việc đầu tư đường dây 110 kV (mạch 2 và nhánh rẽ) để đấu nối vào trạm 220 kV Tương Dương - Kỳ Sơn không thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư thủy điện mà thuộc danh mục quy hoạch phát triển và đảm bảo an toàn nguồn điện nói chung của ngành điện (căn cứ theo thỏa thuận đấu nối cũng như hợp đồng mua bán điện giữa các chủ đầu tư và ngành điện, căn cứ theo Điều 6 của Thông tư số 32/2014/TT-BCT ngày 9 tháng 10 năm 2014 [4] và Mục 2 Điều 40 Luật Điện lực [5]).

Về việc này, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 6256/UBND-CN ngày 17/8/2021 [6] đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc quan tâm, bố trí nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng tuyến đường dây 110 kV mạch 2 theo quy hoạch đã được phê duyệt, đi từ trạm biến áp 220 kV Đô Lương - Tương Dương - Kỳ Sơn. Tuy nhiên, cho đến nay các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Các tháng 7, 8, 9 và 10 là mùa mưa của khu vực Nghệ An, lượng mưa về hồ chứa các nhà máy thủy điện thường đủ để các nhà máy phát tối đa công suất đặt. Thực tế với tình trạng quá tải đường dây như hiện nay, các nhà máy thủy điện sẽ tiếp tục bị cắt giảm công suất và sản lượng điện bị cắt giảm tính trung bình cho 4 tháng mùa mưa vào khoảng 30% tổng sản lượng có thể phát lên lưới, tương đương khoảng hơn 100 triệu kWh (nếu tính với giá 1.100đ/kWh thì thiệt hại ước tính là 110 tỷ đồng).

Như vậy, việc xả nước không tải xuống hạ lưu không những là lãng phí nguồn tài nguyên nước, mà các chủ đầu tư thủy điện khu vực này hàng năm bị thiệt hại với số tiền rất lớn, ngân sách tỉnh Nghệ An cũng thất thu khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, thuế VAT.

Kết luận:

Chẳng nhẽ cùng trong một gia đình “năng lượng tái tạo” mà “các em sinh sau” như điện mặt trời và điện gió lại được ưu ái bán điện giá cao, còn “đứa chị” là thủy điện nói chung, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ nói riêng lại bị “phân biệt đối xử” chỉ được bán điện với giá thấp, mặc dù những lúc “trái gió trở trời” các em điện gió, điện mặt trời “khóc nhè” vì không còn nắng, hoặc gió thì đứa chị lại phải “gồng mình chăm các em” - Tức là chạy phủ đỉnh biểu đồ phụ tải, giúp ổn định hệ thống, điều chỉnh tần số, giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn.

Có hợp lý hay không? Rõ ràng thủy điện vừa và nhỏ cùng với các nhà máy thủy điện lớn trong cả nước đều là nguồn năng lượng xanh, sạch nhưng khung giá phát điện năm 2020 do Bộ Công Thương quy định cho các nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh - tương đương 4,75 cent/kWh. Như vậy, thủy điện nói chung, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ đang là nguồn năng lượng có giá mua thấp hơn rất nhiều so với năng lượng mặt trời, năng lượng gió, mặc dù thời gian đầu tư lâu hơn, suất đầu tư cao hơn - Đây là điều rất không công bằng cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Vì vậy, mong rằng, đơn vị quản lý nhà nước là Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) xem xét tính toán lại theo hướng tăng giá mua điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ kể từ năm 2022 nhằm hài hòa quyền và lợi ích các bên tham gia thị trường điện Việt Nam.

Đối với vấn đề quá tải lưới điện, kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành rà soát và có phương án xử lý, cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hệ thống đường dây truyền tải điện để tránh tình trạng quá tải đường dây truyền tải ở một số khu vực, đặc biệt là tuyến đường dây 110 kV (mạch 2 và nhánh rẽ) để đấu nối vào trạm 220 kV Tương Dương - Kỳ Sơn nhằm chấm dứt tình trạng cắt giảm công suất phát điện, gây lãng phí nguồn tài nguyên nước và tránh tổn thất về kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư thủy điện, cũng như thất thu thuế cho Nhà nước. Trong trường hợp ngành điện khó khăn về vấn đề thu xếp vốn thì có thể kêu gọi các chủ đầu tư thủy điện bỏ tiền đầu tư trước, sau đó ngành điện hoàn trả lại, nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tái tạo mà thiên nhiên ban tặng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

[1]. EVN. Thông cáo báo chí. Tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021.

[2]. Phát triển điện gió tại Việt Nam cần tính đến nhiều yếu tố tổng thể. CôngThương online ngày 15/11/2021.

[3]. Công văn số 18/TĐ.110-ĐL.KS ngày 15 tháng 07 năm 2021 của Chủ đầu tư các dự án thủy điện đấu nối lên đường dây 110kV Đô Lương-Kỳ Sơn gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở Công Thương tỉnh Nghệ An v/v tình hình quá tải đường dây 110kV Đô Lương, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và trách nhiệm trong việc đầu tư đường dây 110kV (mạch 2 và nhánh rẽ) đấu nối vào trạm 220kV Tương Dương-Kỳ Sơn..

[4]. Thông tư số 32 /2014 / TT-BCT ngày 09 tháng 10 năm 2014 Của Bộ trưởng Bộ Công Thương: Quy định về trình tự xây dựng, áp dụng biểu giá chi phí tránh được và ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ.

[5]. Luật Điện lực 24/2012/QH13.

[6]. Công văn số 6256/UBND-CN ngày 17/8/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An gửi Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty điện lực miền Bắc v/v đầu tư xây dựng tuyến đường dây 110kV Đô Lương-Tương Dương-Kỳ Sơn.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động