EVN đã cân bằng được tài chính, sẵn sàng cho các mục tiêu lớn trong năm 2025
07:26 | 07/01/2025
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2024 và những băn khoăn, lo ngại Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ thông tin, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; cũng như các tiêu chí bình chọn (tính đột phá, sự khác biệt, nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển) của các phân ngành năng lượng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2024 của ngành năng lượng Việt Nam. Cùng với nhiều điểm ‘sáng’ được chọn là những băn khoăn, lo ngại được nêu ở phần cuối 10 sự kiện. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc. |
Ngay từ đầu, EVN đã xác định, 2024 là năm nhiều thách thức. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của đất nước ở mức tốt, khoảng 7%, thì sản xuất điện phải tăng hơn 9% mới đáp ứng được. Nhưng các nguồn phát điện lại không được đầu tư kịp thời, nên việc đảm bảo “không thiếu điện” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, EVN đã vượt qua được các thách thức năm 2024, đặc biệt là vừa cung ứng đủ điện, vừa cân bằng được tài chính.
Việc tăng giá điện được xác định từ đầu năm, nhưng thời điểm liên tục bị lùi cho đến tận tháng 10/2024. Dù chỉ tăng được 4,8%, nhưng việc tăng giá điện kết hợp với lượng mưa thuận lợi, giá than nhập khẩu giảm, huy động điện chạy dầu thấp và một số các biện pháp tiết kiệm của EVN đã đưa bảng cân đối tài chính năm 2024 trở về mức có lợi nhuận. Đó là điều kiện quan trọng để Tập đoàn có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư, đặc biệt là sau 2 năm liền báo lỗ.
Năm 2024, tổng công suất đặt hệ thống đạt 82.400 MW, tăng khoảng 1.500 MW so với năm 2023. Trong đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) là 21.447 MW, chiếm tỷ trọng 26%. Công suất đặt của các nhà máy điện thuộc EVN chỉ còn 38%.
Công suất | Toàn quốc | Miền Bắc | Miền Trung | Miền Nam |
Nhu cầu công suất lớn nhất (Pmax) – MW | ||||
Pmax 2025 | 48.955 | 25.456 | 5.169 | 21.425 |
Pmax 2025 | 54.510 | 28.351 | 5.590 | 23.890 |
Tổng công suất nguồn điện đến cuối năm 2024 (MW) | ||||
Tổng | 82.387 | 29.230 | 17.986 | 35.170 |
Thủy điện | 23.664 | 13.385 | 7.915 | 2.364 |
Nhiệt điện than | 26.757 | 14.738 | 1.505 | 10.514 |
NĐ khí, dầu | 8.653 |
|
| 8.653 |
NLTT (ĐG + MT) | 21.447 | 593 | 7.338 | 13.516 |
Nhập khẩu | 1.222 | 341 | 881 | 0 |
Nguồn khác | 644 | 174 | 347 | 123 |
Bảng 1: Quy mô công suất của hệ thống điện Việt Nam cuối năm 2024.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng điện của các nhà máy điện thuộc EVN và các công ty con của EVN chiếm 40,3%, các nhà máy điện ngoài EVN 59,7%.
TT | Loại nguồn | Năm 2023 | Năm 2024 | So sánh năm 2023 (%) |
1 | Thủy điện | 80.621 | 88.723 | 110,0 |
2 | Nhiệt điện than | 129.764 | 152.775 | 117,7 |
3 | Tua bin khí | 26.362 | 21.827 | 82,8 |
4 | Nhiệt điện dầu | 1.250 | 175 | 14,0 |
5 | Nhập khẩu | 4.220 | 5.144 | 121,9 |
6 | NL tái tạo | 38.145 | 39.641 | 103,9 |
| Tr. đó: điện gió | 11.586 | 12.747 | 110,0 |
| Điện mặt trời | 25.692 | 25.862 | 100,7 |
| Sinh khối | 868 | 1032 | 118,9 |
7 | Nguồn khác | 452 | 446 | 98,7 |
| TỔNG | 280.814 | 308.732 | 109,9 |
Bảng 2: Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 (triệu kWh).
Công trình đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) được thi công nhanh chóng kỷ lục không chỉ đem lại công suất 2.500 MW truyền tải cho miền Bắc, mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp của người lao động ngành Điện lực Việt Nam trong nhân dân. Người dân cảm nhận những khó khăn, vất vả, cùng những nỗ lực vượt bậc của EVN nhằm đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống dân sinh.
Cơn bão Yagi (bão số 3) với sức tàn phá lớn, gây thiệt hại cho ngành điện 900 tỷ đồng, nhưng cũng cho thấy nét đẹp văn hóa, sức chống chịu của cán bộ công nhân ngành điện. Không quản mưa gió, ngày đêm, công nhân, cán bộ và lãnh đạo những khu vực bị thiệt hại đã ngay lập tức sửa chữa lưới điện, khôi phục nhanh chóng nguồn điện. Sau đó, các công nhân ngành điện đã cùng với nhân dân khôi phục lưới điện cho từng nhà dân.
Năm 2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: GDP tăng trưởng 8% và phải đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển. Như vậy, nhu cầu về điện sẽ tăng khoảng 12%. Đó là thách thức lớn khi cả năm 2024 tổng công suất đặt chỉ tăng có 1.500 MW. Do đó, EVN đã, đang đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện đang xây dựng của mình và phối hợp với PVN, TKV, các nhà đầu tư tư nhân thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhà máy điện, nhằm bổ sung thêm nguồn điện mới.
Về công tác khách hàng, các tổng công ty trong EVN làm việc chặt chẽ với khách hàng để điều chỉnh phụ tải đỉnh. Cụ thể là tiếp tục các biện pháp tiết kiệm điện, thỏa thuận với chủ sở hữu của hàng nghìn máy phát diesel dự phòng, khuyến khích các khu công nghiệp phía Bắc lắp đặt hệ thống điện mặt trời (tự sản, tự tiêu)... Các hoạt động đó sẽ giúp giảm nhu cầu phụ tải đỉnh.
Một nhiệm vụ đảm bảo điện lâu dài cho đất nước là điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Thủ tướng đã đặt ra thời hạn 28/2/2025, EVN và Bộ Công Thương phải xong bản Quy hoạch điều chỉnh. Đây là một thách thức rất lớn.
Dù Quy hoạch điện VIII đã được ban hành gần 2 năm, nhưng không có nguồn điện lớn nào được khởi công xây dựng. Do đó, EVN phải thúc đẩy khởi công các dự án như: Thủy điện Tích năng Bác Ái, Nhiệt điện Quảng Trạch 2 và điện gió ngoài khơi… Đặc biệt, tới đây, EVN sẽ đảm nhận làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM