Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng của Nga?
07:06 | 21/03/2022
Kế hoạch 10 điểm của IEA giúp EU giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố Kế hoạch 10 điểm giúp Liên minh châu Âu (EU) đối phó với tình trạng mất an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp, giới thiệu tóm tắt kế hoạch này, giúp chúng ta tham khảo cách EU giải quyết tình trạng gián đoạn năng lượng như hiện nay. |
Ngành năng lượng châu Âu cần phản ứng thế nào trước cuộc khủng hoảng Ukraine? Châu Âu đang phải đối mặt với viễn cảnh bị Nga “ngắt vòi khí đốt” để đáp trả lệnh trừng phạt sau sự kiện Ukraine. Bài viết dưới đây tổng hợp ý kiến của giới chuyên gia về cách ngành năng lượng châu Âu cần phản ứng trước biến động nói trên. |
Bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng Nga?
Theo Reuters, thông tin nói trên được Nhà Trắng xác nhận ngay sau khi Sắc lệnh Hành pháp (E.O) được TT Joe Biden ký khi tham khảo ý kiến của các đồng minh. Lệnh cấm nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Trong thông điệp gửi đến người dân, ông Biden khẳng định chính cuộc chiến của Nga đã đẩy giá nhiên liệu lên cao, ám chỉ hành động ban lệnh cấm chỉ là hệ quả từ tình hình chiến sự.
Từ khi truyền thông phát đi thông tin Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, giá dầu Brent trên thị trường đã nhích lên. Giới phân tích cho rằng, quyết định trên của Mỹ đã làm gia tăng tác động đối với kinh tế toàn cầu do thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang nhanh do tác động của đại dịch COVID-19 tạo ra. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ đã nhập khẩu 700.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga vào năm ngoái. Mặc dù điều này có vẻ nhiều, nhưng nó chỉ chiếm chưa đến 10% lượng dầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. Theo tờ New York Times, Mỹ thực sự là nhà sản xuất dầu lớn nhất vào năm 2020 trong khi sản lượng của Nga đứng thứ ba chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Còn theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng các sản phẩm dầu thô và tinh chế mỗi tháng từ Nga. Con số này tương đương khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Mỹ. Khác với Mỹ, châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Hệ lụy từ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Mỹ đối với thị trường năng lượng toàn cầu:
Lệnh cấm nói trên cũng cấm các công ty Mỹ đầu tư vào ngành năng lượng Nga. Vương quốc Anh cho biết họ cũng sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu, với các công ty được cho đến cuối năm nay để cắt giảm các lô hàng. Riêng Canada, quốc gia nhập khẩu không đáng kể xăng dầu của Nga, cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự.
Theo tờ Thời báo tài chính Anh (FT), đây không phải là một nỗ lực để cấm vận xuất khẩu dầu của Nga ra thế giới, nó không giống lệnh cấm xuất khẩu dầu của Iran năm 2018. Hiện tại nhiều nước EU, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga nên vẫn không tuân theo lệnh cấm nói trên của Mỹ. Theo FT, lệnh cấm vận rộng như vậy có lẽ cần sự hợp tác từ các nước EU, thậm chí cả Ấn Độ và Trung Quốc, những khách hàng lớn nhất của Nga.
Theo Reuters, kể từ khi cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine, giá dầu thô đã tăng đáng kể. Sau tuyên bố của Nhà Trắng, giá dầu Mỹ đã tăng thêm 6% để đạt gần 130 USD/thùng trước khi giảm xuống một chút sau đó. Tuy nhiên, Nga đã đáp trả bằng cách nói rằng giá dầu thô có thể lên tới 300 USD/thùng tùy theo các lệnh trừng phạt này và thậm chí đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Giá dầu thô tăng đã ảnh hưởng đến giá tại các trạm xăng với mức giá trung bình vượt qua 4 USD/ga lông, và với mức giá cao hơn này khiến lạm phát ở Mỹ dự kiến sẽ vượt 8% trong tháng 3/2022. Nhà Trắng xác nhận, có 60 triệu thùng dầu một lần nữa được tung ra thị trường toàn cầu từ nguồn dự trữ của Mỹ để đảm bảo ổn định và ngăn giá khí đốt tiếp tục leo thang. Có khả năng trong ngắn hạn, sản lượng dầu của Mỹ sẽ được hối thúc tung ra thị trường để giải quyết nhu cầu toàn cầu nhưng Tổng thống Biden lại nhấn mạnh tới việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, giúp Mỹ độc lập hơn về năng lượng.
Sự mất đi nguồn dầu khí Nga khiến giá dầu tăng cao, có thể xô đổ cả kỷ lục năm 2008 là 147 USD/thùng, và đạt gần ngưỡng 200 USD/thùng khi được điều chỉnh theo lạm phát nếu châu Âu theo Mỹ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Các nhà phân tích tại Bank of America (BoA) cho biết, một cuộc phong tỏa rộng rãi đối với dầu của Nga sẽ gây ra “một cú sốc về nguồn cung... không khác gì cuộc khủng hoảng dầu năm 1979”. Hệ lụy: Tạo ra cú số kinh tế to lớn cho các nước phương Tây. Theo BoA, giá có thể "vượt trên 200 USD/thùng". Còn theo Cuneyt Kazokoglu, người đứng đầu công ty tư vấn FGE, thì cú sốc nguồn cung giống như năm 1979 và có thể khiến thế giới "trải qua một cuộc suy thoái toàn diện nghiêm trọng khác khó tránh khỏi".
Tác động đối với Mỹ:
Theo FT, giới phân tích cảnh báo quyết định nói trên của Mỹ có thể tạo ra cú sốc nguồn cung mới giống như cuộc khủng hoảng năm 1979. Việc Nhà Trắng cấm nhập khẩu xăng dầu của Nga được xem là động thái quan trọng nhất trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu đang leo thang nhanh giữa Nga và phương Tây sau xung đột ở Ukraine. Bằng chứng vào hôm thứ Ba (9/3) giá dầu Brent đã tăng hơn 4% đạt ngưỡng 127,98 USD / thùng.
Cho đến nay, Mỹ là thị trường xăng dầu lớn nhất thế giới, với mức tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng/ngày. Tổng nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu của Mỹ lên tới 8,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021 và Nga chiếm khoảng 8% trong số này. Đối phó với việc mất nguồn dầu thô từ Nga, Mỹ sẽ thế chân bằng cách dùng các nguồn năng lượng phi dầu như phân đoạn dầu nhớt nhẹ (vacuum gasoil) mà các nhà máy lọc dầu của Mỹ sử dụng làm nhiên liệu cho các cơ sở của mình.
Robert Campbell, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects cho hay: “Nhập khẩu dầu thô của Nga phần lớn mang tính cơ hội. Trong khi nguồn cung dầu nội địa của Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây, các nhà máy lọc dầu của nước này được xây dựng để chế biến các loại dầu thô “nặng hơn” so với các nhà máy đến từ các mỏ dầu đá phiến của Mỹ, buộc họ phải sử dụng các sản phẩm dầu mỏ của Nga”. “Mặc dù khối lượng nhỏ so với nhu cầu dầu chung của Hoa Kỳ, việc mất nguồn cung này sẽ làm phức tạp thêm các hoạt động của nhà máy lọc dầu Hoa Kỳ và thắt chặt thị trường xăng dầu của Mỹ” Campbell bổ xung thêm.
Hệ lụy đối với Nga:
Về lý thuyết, Nga chỉ có thể bán dầu của mình cho những người mua khác trên một thị trường có thể thay thế được. Những gì không được bán cho Mỹ hoặc Anh có thể được chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, quốc gia này đang chống lại điều mà các nhà phân tích mô tả là “cuộc đình công của người mua” đang nổi lên - các công ty ngày càng ít sẵn sàng mạo hiểm giao nhận dầu thô của Nga qua đường biển, lo ngại nguy cơ về mặt pháp lý hoặc uy tín. Các nhà phân tích cho rằng, hậu quả về quan hệ công chúng sau quyết định gần đây của Shell về việc mua một lô hàng dầu của Nga được chiết khấu cao là một bài học kinh nghiệm cho những khách hàng tiềm năng khác.
Hình thức xử phạt tự áp đặt này, hiện đã kết hợp với lệnh cấm của Mỹ, vẫn là vấn đề nghiêm trọng hơn. Campbell nói rằng trừ khi Nga có thể tiếp tục vận chuyển hàng hóa diesel và dầu nhiên liệu mỗi tháng, điều đó có thể gây ra hiệu ứng domino, vì các nhà máy lọc dầu của họ buộc phải ngừng hoạt động trở lại. Việc mất nhu cầu khiến các nhà sản xuất dầu của Nga phải giảm tốc hoặc cắt giảm một số sản lượng thượng nguồn.
Theo Richard Nephew, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), mặc dù lệnh cấm của Mỹ và Anh có thể có tác động nhỏ nhưng ý nghĩa cơ bản là Nhà Trắng đã cho thấy họ sẵn sàng tiếp tục tiến xa hơn với các biện pháp trừng phạt. Bao gồm cả về năng lượng lẫn các trừng phạt khác giống như các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Obama từng áp dụng đối với Iran.
Các giải pháp tình thế đối phó:
Chính quyền Biden đã dành nhiều tuần để lùng sục trên toàn cầu về nguồn cung thay thế và áp dụng giải giải pháp như: Khuyến khích các nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh hoạt động khoan, vận động liên minh các nhà sản xuất Opec+ để thúc đẩy nguồn. Tăng cường các thỏa thuận tiềm năng nhằm giải phóng dầu thô của Iran và Venezuela đã bị trừng phạt và giải phóng dầu chiến lược dự trữ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước đã công bố việc giải phóng 60 triệu thùng từ kho dự trữ khẩn cấp do chính phủ Mỹ nắm giữ, và tiết lộ sẽ tìm kiếm thêm nguồn cung để kìm hãm đà tăng giá.
Theo giới phân tích tại Goldman Sachs, Mỹ có thể thuyết phụ Ả Rập Xê-út, nhà sản xuất Opec duy nhất để bơm thêm nhiều dầu thô thế chân Nga, đổi lại chính quyền Biden phải hàn gắn mối quan hệ với vương quốc này. Các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ cũng đã được chú ý như một nguồn cung cấp ngắn hạn tiềm năng để giảm giá, nhưng các nhà điều hành ngành này cho hay phản ứng nhanh chóng từ mảng đá phiến là rất ít khả thi vì phải có thời gian.
Những người ủng hộ năng lượng sạch cho rằng, cuộc khủng hoảng và sự gia tăng giá xăng dầu đi kèm là một lý do “tất yếu” để các nước tiêu dùng phương Tây chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch làm giàu cho các quốc gia khác. “Thời điểm này chính là lúc nhắc nhở Mỹ và phương Tây nói riêng, thế giới nói chung cần nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch tại chỗ để không bao giờ đồng lõa trong cuộc xung đột có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch nữa” - Ed Markey, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Massachusetts nhấn mạnh trước báo giới.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: IEC/FT- 3/2022
Link tham khảo:
1/ https://interestingengineering.com/the-us-bans-russian-energy-imports
2/ https://www.ft.com/content/f98e62e3-7008-4a3e-b835-55568b74ee30