RSS Feed for Điện hạt nhân: Có lẽ chúng ta đã lo lắng thái quá về rủi ro của tia bức xạ? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 04/12/2024 00:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân: Có lẽ chúng ta đã lo lắng thái quá về rủi ro của tia bức xạ?

 - Thủ tướng Boris Johnson đã trình bày cam kết của Chính phủ Anh đối với năng lượng hạt nhân, trong đó 6 địa điểm được xác định thay thế cho các lò phản ứng hạt nhân cũ (bao gồm 3 địa điểm hiện đã bị bỏ hoang, 2 địa điểm đang chờ phê duyệt và chỉ 1 nơi đang được xây dựng). Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại thái độ của mình đối với điện hạt nhân?


Điều kiện ‘cần’ và ‘đủ’ để Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân


Cùng xem xét vấn đề hóc búa này: Khi bạn nói chuyện với các nhà khoa học khí hậu, bạn nhanh chóng phát hiện ra mối lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn của sự nóng lên toàn cầu.

Trong khi đó, khi nói chuyện với các chuyên gia về tác động của bức xạ ion hóa, bạn thấy họ luôn thoải mái khi trình bày về những rủi ro mà phơi nhiễm mức độ thấp gây ra đối với sức khỏe con người.

Bất chấp lo lắng phổ biến về dạng năng lượng này, thật khó để biết Chính phủ Anh sẽ làm cách nào để thực hiện các mục tiêu giảm thiểu carbon mà không sử dụng năng lượng hạt nhân, đặc biệt khi quá trình khử cacbon và sưởi ấm trong nhà sẽ kéo theo sự gia tăng lớn về nhu cầu điện.

Nỗi ám ảnh mang tên “hạt nhân”

Chỉ cần xem bộ phim truyền hình “Chernobyl” của HBO, bạn sẽ hiểu vì sao “hạt nhân” lại trở thành nỗi sợ hãi của mọi người.

Liệu ai có thể không giật mình khi trông thấy thi thể của công nhân nhà máy điện trong đống đổ nát mà lại không lo sợ bức xạ?

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vài tuần sau thảm họa năm 1986.


Bạn sẽ còn ám ảnh hơn nữa nếu bạn mạo hiểm chứng kiến tận mắt.

Các ước tính về số người chết vì thảm họa Chernobyl lên tới hàng trăm nghìn người. Một số nghiên cứu cho biết một triệu người đã chết vì phơi nhiễm với chất độc phóng xạ lan rộng ra khắp châu Âu sau vụ tai nạn vào tháng 4 năm 1986.

Những con số thực

Vậy có ai biết con số thương vong thực sự liên quan trực tiếp đến Chernobyl không?

Theo Ủy ban Khoa học của Liên Hợp Quốc (LHQ) về ảnh hưởng của bức xạ nguyên tử (UNSCEAR), đã có 28 nhân viên nhà máy và nhân viên cấp cứu đã chết do phơi nhiễm phóng xạ, đồng thời ghi nhận hơn 6.000 trường hợp ung thư tuyến giáp ở những đối tượng như: Trẻ em, thanh thiếu niên vào thời điểm xảy ra tai nạn. May mắn thay, tỷ lệ chữa khỏi ung thư tuyến giáp tương đối cao, do đó tính đến năm 2005 mới chỉ có 15 trường hợp tử vong.

Hai nạn nhân trẻ tuổi của thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986 được điều trị bằng bức xạ hồng ngoại.


Theo UNSCEAR, những trường hợp tử vong do ung thư tuyến giáp này hoàn toàn có thế tránh được nếu chính quyền Liên Xô có những biện pháp ngăn chặn người dân uống sữa bị nhiễm iốt phóng xạ.

Tính đến vào năm 2005, LHQ chỉ ghi nhận có 43 trường hợp tử vong trực tiếp do thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất mà thế giới từng chứng kiến (bao gồm cả những người chết do ung thư).

Các chuyên gia bức xạ cho rằng: Con số thực sự về những cái chết gây ra bởi Chernobyl có thể sẽ cao hơn một chút so với thông kê, nhưng chắc chắn không nhiều.

Tiếp xúc với bức xạ ở mức độ thấp

Có lẽ bạn sẽ tự hỏi: “Còn những người khác đã bị nhiễm phóng xạ thì sao?”

Thảm họa ở Chernobyl sinh ra lượng chất phóng xạ nhiều gấp 400 lần hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki cộng lại.

Bàn về vấn đề này, Liên Hợp Quốc nhận định: “Cho đến nay, chưa có bằng chứng về bất kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe nào khác trong công đồng nói chung được gây ra do phơi nhiễm bức xạ”.

Một nhân viên cứu hộ cắm cờ báo hiệu phóng xạ trước nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong một cuộc diễn tập.


Ngay cả trong số hàng trăm nghìn người tham gia dọn dẹp khu vực xung quanh lò phản ứng vẫn chưa có chứng minh thuyết phục nào về ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với bức xạ, ngoài sự gia tăng tương đối nhỏ và chưa được xác nhận của bệnh bạch cầu, cũng như tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Hãy nhớ rằng, những con số này được đưa ra bởi UNSCEAR - cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong những “nỗ lực chưa từng có của cộng đồng quốc tế” nhằm đánh giá những ảnh hưởng đến sức khỏe của tai nạn.

Vậy Chernobyl có phải là một loại bức xạ bất thường không?

Quay trở lại thời điểm khi cả thế giới kinh ngạc trước sức mạnh của năng lượng hạt nhân: Những quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945.

Vụ nổ gây ra thương vong lớn với hơn 200.000 người được cho là đã thiệt mạng.


Nhưng chúng ta biết rằng, phần lớn nạn nhân thiệt mạng do tác động vật lý của những vụ nổ khổng lồ và sức nóng dữ dội mà hai quả bom tạo ra do đó những con số thống kế này không đáng tin cậy cho lắm bởi vì sự hỗn loạn của Nhật Bản khi đó.

Hàng nghìn người bị nhiễm phóng xạ ở mức độ cao và nhiều người trong số họ đã chết chỉ vài tuần ngay sau vụ nổ.

Tuy nhiên, cũng như ở Chernobyl, những tác động do rò rỉ bức xạ thực ra ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ra.

Làm sao chúng ta biết được những quả bom có ​​tác dụng gì?

Một nghiên cứu quốc tế được đầu tư rất kỹ lưỡng nhằm đánh giá những tác động đến sức khỏe đối với khoảng 120.000 người bắt đầu vào cuối những năm 1940 và tiếp tục cho đến ngày nay.

Các chuyên gia bức xạ đã mô tả đây là nghiên cứu đạt “tiêu chuẩn vàng”, cho đến nay đây là cuộc điều tra lớn nhất về ảnh hưởng của bức xạ từng được thực hiện.

Năm 2011, các chuyên gia đã kết luận 98 ca tử vong do bệnh bạch cầu trong nhóm mẫu trực tiếp tiếp xúc với phóng xạ từ hai quả bom nguyên tử và phát hiện ra bức xạ đã gây ra 853 bệnh ung thư khác trong cùng thời kỳ, nhưng không phản ánh bao nhiêu người trong số này đã chết.

Vì vậy, vào năm 2011, đã có ít hơn 1.000 người chết trong số 120.000 người mà nguyên nhân trực tiếp do di chứng phóng xạ lâu dài của hai quả bom nguyên tử. Số người chết thấp hơn nhiều so với ước tính của hầu hết mọi người. Trong khi đó, thảm họa hạt nhân tại Fukushima năm 2011 là minh chứng rõ ràng hơn cả. Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết một công nhân đã chết vì ung thư sau khi nhiễm phóng xạ và một người khác bị bệnh bạch cầu khi làm việc trong quá trình dọn dẹp.

UNSCEAR không mong muốn có thêm bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về căn bệnh trên trong cộng đồng.

Một bệnh nhân được kiểm tra phóng xạ ở Fukushima.


Vậy những dự đoán về hàng chục nghìn người chết đến từ đâu?

Con số tử vong chỉ là ước tính.

Người ta đã xác định rõ việc tiếp xúc với liều lượng bức xạ vừa và cao sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là dẫn đến chết người.

Các số liệu về tử vong do ung thư trực tiếp gây ra bởi bức xạ có xu hướng ở những người tiếp xúc với lượng bức xạ cao hơn bình thường.

Dự đoán về hàng nghìn ca tử vong đến từ các tính toán sử dụng các giả định về tác động có thể xảy ra ngay cả khi tiếp xúc với liều lượng bức xạ thấp, sau đó được nhân lên với số lượng rất lớn những người đã tiếp xúc.

Điều này khiến cho những giả định về tác động của bức xạ rất quan trọng.

Vậy, liều thấp là gì? Điều đó phụ thuộc vào cách bạn tiếp xúc và trong bao lâu.

Nhưng hãy nhớ rằng, tất cả chúng ta tiếp xúc với bức xạ vì thế giới của chúng ta chứa rất nhiều nguồn phóng xạ.

Hầu như mọi thứ đều chứa một hàm lượng phóng xạ. Nước biển có tính phóng xạ nhẹ, các loại hạt Brazil, chuối và nhiều loại đá cũng vậy.

Ngay cả cơ thể chúng ta cũng phát ra một tia bức xạ nhỏ.

Đặt điều đó trong bối cảnh “tỷ lệ bức xạ nền” này mang lại liều lượng trung bình hàng năm gấp khoảng 25 lần những gì bạn sẽ nhận được khi chụp X-quang phổi. Một liều cao sẽ gấp hàng trăm lần liều đó.

Bức xạ có tác dụng gì đối với cơ thể?

Có rất nhiều loại bức xạ khác nhau.

Ánh sáng chúng ta nhìn thấy hay sóng vô tuyến cũng là một dạng bức xạ.

Loại bức xạ mà chúng ta đang nói đến ở đây gọi là “ion hóa xảy ra khi tách các electron khỏi các nguyên tử trong cơ thể chúng ta”.

Khi các nguyên tử trong tế bào sống bị ion hóa, thì một trong những điều sau đây sẽ xảy ra: Tế bào chết, tế bào tự chữa lành, hoặc tự biến đổi có thể trở thành ung thư.

Vì vậy, câu hỏi quan trọng là tế bào của chúng ta tự phục hồi tốt như thế nào sau khi tiếp xúc với bức xạ? Đây là chủ đề tranh luận sôi nổi.

Có một số người nói rằng, cơ thể chúng ta không thể đối phó với mức độ bức xạ thấp. Họ nói rằng, UNSCEAR quá lạc quan và con số thương vong từ Chernobyl và các sự cố bức xạ khác có thể cao hơn nhiều.

UNSCEAR giữ nguyên quan điểm cho rằng: Tất cả sự sống đều phát triển trong một thế giới phóng xạ. Từ góc độ này, cơ thể chúng ta đã quen với việc đối phó với mức độ bức xạ thấp và do đó tác động của liều lượng thấp là không đáng kể.

Ở một khía cạnh khác, những người khác cho rằng: Mức độ bức xạ thấp thực sự tốt cho chúng ta. Nhưng bạn có thể tự hỏi tại sao chúng ta không thể chắc chắn ý kiến nào trong số này là đúng khi nói đến liều lượng bức xạ thấp.

Lời giải thích rất đơn giản: Mọi bằng chứng không rõ ràng vì tác động của bức xạ liều thấp rất hiếm nên rất khó đo lường.

Điều đó cho chúng ta biết gì về rủi ro của bức xạ liều thấp?

Các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh cho rằng: “Không có cái gọi là mức độ bức xạ an toàn tuyệt đối: Tất cả các lần phơi nhiễm dù nhỏ đến đâu đều tiềm ẩn một số rủi ro - ngay cả bức xạ nền”.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để rủi ro của bức xạ liều thấp so với các rủi ro khác?

Hãy bắt đầu với báo cáo chi tiết về Chernobyl do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - một tổ chức rất có uy tín khác - đưa ra vào năm 2005. Tổ chức này dự đoán rằng: Khoảng 9.000 người có khả năng chết vì phơi nhiễm bức xạ mức độ thấp do hậu quả của vụ tai nạn.

Nhà máy điện Drax là nhà máy điện lớn nhất ở Anh - chủ sở hữu cho biết họ dự kiến sẽ ngừng sử dụng than vào tháng 3 năm 2021.


Như chúng ta đã thấy, chỉ có 43 người chết vì bệnh ung thư có thể liên quan trực tiếp đến việc tiếp xúc với phóng xạ. Tuy nhiên, đó là một con số “đáng sợ” nhưng chúng ta cần phải đặt nó trong từng bối cảnh. Những thương vong xảy ra này đại diện cho một phần rất nhỏ trong số gần 7 triệu người mà WHO chẩn đoán bị nhiễm phóng xạ.

Và hãy nhớ rằng ung thư phổ biến như thế nào? Khoảng một nửa số người ở các quốc gia phát triển sẽ bị ung thư trong suốt cuộc đời, 1/4 chúng ta có thể chết vì căn bệnh quái ác đó.

Theo WHO, ngay cả trong số 600.000 người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa, sự gia tăng ung thư do bức xạ gây ra sẽ “khó quan sát” bởi rất nhiều người sẽ phát triển các bệnh ung thư khác.

Vì vậy, khi nói đến cả bảy triệu người bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ từ Chernobyl, không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không có khả năng xác định được các bệnh ung thư do thảm họa gây ra.

Vậy điều này cho chúng ta biết điều gì về bức xạ?

Điều này xác nhận điều mà hầu hết các chuyên gia bức xạ nói: Tiếp xúc với mức độ bức xạ thấp không phải là một nguy cơ sức khỏe lớn.

Nhưng khoảng 1,75 triệu ca tử vong do ung thư khác mà chúng ta có thể xem xét trong số những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa - ung thư do mọi thứ khác ngoài bức xạ Chernobyl gây ra.

Ví dụ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính hút thuốc gây ra 1/5 tổng số ca tử vong ở quốc gia này và chúng ta biết rằng những thứ như chế độ ăn uống không tốt, ít vận động, béo phì và rượu cũng có thể gây ung thư.

Những gì phát hiện trong báo cáo của WHO xác nhận rằng: Các yếu tố khác như thế này gây ra nguy cơ ung thư lớn nhất cho tất cả chúng ta - ngay cả những người trong chúng ta đã không may bị nhiễm bức xạ ở mức độ thấp từ Chernobyl.

Điều này gợi ý rằng, chúng ta nên tập trung nỗ lực để giải quyết, và có lẽ bớt lo lắng hơn một chút về những tác động tiềm tàng của mức độ bức xạ thấp từ những thứ như tai nạn hạt nhân.

Các mối quan tâm khác về điện hạt nhân

Tất nhiên, nỗi sợ phóng xạ không phải là lý do duy nhất khiến mọi người phản đối năng lượng hạt nhân, người ta lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và xử lý chất thải, chưa kể đến chi phí khổng lồ để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và sau đó ngừng hoạt động.

Nhưng đây là vấn đề: Nếu chúng ta bớt lo ngại hơn một chút về rủi ro của mức độ bức xạ thấp thì có lẽ chúng ta có thể đưa ra đánh giá cân bằng hơn về điện hạt nhân.

Đặc biệt là do các nhà máy nhiệt điện than thường xuyên thải ra môi trường nhiều phóng xạ hơn các nhà máy điện hạt nhân.

Chúng ta đang nói về những quan ngại có thể xảy đến, nhưng cũng đừng quên bảo vệ môi trường./.

BIÊN DỊCH: TRẦN THIỆN PHƯƠNG ANH - VINATOM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động