Điện hạt nhân có đáng sợ không?
16:04 | 31/07/2018
Xu hướng phát triển mới của điện hạt nhân trên thế giới
NGUYỄN THỊ YÊN NINH - VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM
Nhiều người tin rằng đó là do mối liên hệ có tính chất lịch sử giữa các nhà máy hạt nhân với bom nguyên tử hay vũ khí hạt nhân. Nhưng trong hơn hai thập kỷ đầu tiên (những năm 1970-80), kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới được đưa vào vận hành ở Liên Xô (ngày 27 tháng 6 năm 1954), dân chúng đã cảm thấy phấn khích về những lợi ích mà điện hạt nhân mang lại hơn là lo sợ về nó. Và chính trong giai đoạn này, điện hạt nhân đã trải qua thời kỳ hoàng kim của mình.
Chỉ sau các tai nạn hạt nhân tại đảo Three Mile ở Hoa Kỳ (1979), Chernobyl ở Liên Xô cũ (1986) và nhất là thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (năm 2011) ở Nhật Bản do động đất, sóng thần gây ra đã khiến mọi người hoảng sợ và quy kết những thiệt hại to lớn của những tai nạn này cho điện hạt nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, các tai nạn kể trên đã chứng minh sự an toàn tương đối, chứ không phải mối nguy hiểm tương đối, của năng lượng hạt nhân. Không ai chết vì bức xạ tại Three Mile Island hay Fukushima, và chỉ có ít hơn 50 người đã chết trong tai nạn Chernobyl trong vòng 30 năm sau tai nạn hạt nhân này.[1]
Vậy thì, vì sao mà hầu như tất cả mọi người đều coi những tai nạn hạt nhân đó là thảm khốc?
Chính là bởi cách mà các chính phủ đã phản ứng với các tai nạn hạt nhân nói trên. Thay vì khuyến khích công chúng bình tĩnh và tiếp tục ứng phó, chính phủ các nước sở tại lúc đó đã hoảng loạn và sơ tán hàng trăm ngàn người.
Điện hạt nhân vẫn là cách an toàn nhất để cung cấp điện năng một cách đáng tin cậy (Theo biểu đồ, cột màu nâu là số người chết do các sự cố; cột màu xanh là số người chết do ô nhiễm không khí).
“Đã có gấp năm đến mười lần số người cần sơ tán được di chuyển ra khỏi khu vực Chernobyl trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 1990,” một nhóm các nhà khoa học hàng đầu đã viết như vậy trong tạp chí chuyên ngành nhan đề "Quá trình An toàn và Bảo vệ môi trường".
Đối với tai nạn hạt nhân năm 2011 tại Nhật Bản, các nhà khoa học cho biết họ đã thấy “rất khó để biện minh cho việc di chuyển bất kỳ ai ra khỏi Fukushima Daiichi xét trên quan điểm an toàn bức xạ”.
Hay nói cách khác, chính sự phản ứng quá mức của các chính phủ đối với các vụ tai nạn - chứ không phải do bản thân các tai nạn đó - đã dẫn đến những nỗi sợ hãi của công chúng đối với điện hạt nhân. Dẫn chứng là trong sự cố động đất và sóng thần ở Fukushima, Chính phủ Nhật Bản đã vội vã sơ tán hơn 150 ngàn người ra khỏi khu vực, khiến họ phải sống dài ngày trong những điều kiện tạm bợ, dẫn đến cái chết của khoảng 1.600 người. Số người chết do sóng thần và trận động đất gây ra là khoảng 16.000 người và khoảng 2.500 người bị mất tích. Trong khi đó, không một ai bị chết do hội chứng bức xạ cấp tính[2]- do ảnh hưởng của bức xạ thoát ra do sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ngoài ra, các nhà sinh thái học bức xạ (một lĩnh vực nghiên cứu đã phát triển mạnh sau tai nạn hạt nhân Chernobyl) cũng báo cáo rằng trên thực tế bức xạ không gây tác hại gì đến hệ động vật và thực vật [1].
Gần đây, các Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ của Pháp và Trung Quốc đã thành lập một tổ công tác chung về các vấn đề điện hạt nhân. Họ công bố một báo cáo chung tại cuộc họp Đại Hội đồng hàng năm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức ngày 20/9/2017. Trong bài viết đăng trên Tạp chí Tia Sáng ngày 05/10/2017, Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp, nguyên Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), cũng đã bình luận về bản báo cáo trên như sau: “Báo cáo cho biết tính trên GW sản lượng điện, chu trình than gây bức xạ ion hóa cao hơn nhiều so với chu trình hạt nhân” và “báo cáo khẳng định không có thiệt hại đáng kể nào, bao gồm cả nhân mạng, gây ra do tác động trực tiếp bởi bức xạ được tìm thấy sau sự cố Fukushima, rằng ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng là rất nhỏ, và tác động lớn nhất là sức khỏe tinh thần do căng thẳng khi sơ tán hàng loạt; điều này trái ngược với thông tin lẫn lộn của truyền thông tới công chúng, khi người ta đánh đồng hậu quả của động đất, sóng thần (với hơn 22 nghìn người chết) với sự cố hạt nhân”. Một khuyến nghị rất quan trọng của báo cáo là “ủng hộ cách tiếp cận an toàn hạt nhân dựa trên đánh giá rủi ro, như đã được áp dụng ở các quốc gia hạt nhân, trong đó các quy định về an toàn hạt nhân được xây dựng hài hòa với lợi ích liên quan”.[3]
Lời tuyên bố trên của các nhà khoa học về bức xạ đã đưa ra một khả năng rằng, ngay cả khi chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn vượt qua nỗi lo sợ của công chúng, chúng ta vẫn có thể thay đổi cách mà các chính phủ ứng phó với các tai nạn hạt nhân.
Nhưng một câu hỏi đã được đặt ra: tại sao các chính phủ vẫn tiếp tục phản ứng quá mức với tai nạn hạt nhân?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải quay ngược thời gian để xem lại sự ra đời của điện hạt nhân và cuộc chiến kéo dài 50 năm chống lại nó của một số tổ chức và cá nhân vì những mục đích và động cơ khác nhau, mà chủ yếu là các đảng Xanh và những nhà hoạt động môi trường cực đoan.
Cuộc chiến về sự thịnh vượng chung
Trong bài phát biểu “Nguyên tử vì Hòa bình” năm 1953, Tổng thống Eisenhower đã đề xuất sử dụng năng lượng hạt nhân như một cách để cứu rỗi nhân loại, tập trung vào mục đích hòa bình và xóa bỏ đói nghèo. “Các chuyên gia sẽ được huy động để sử dụng năng lượng nguyên tử đáp ứng nhu cầu nông nghiệp, y học và các hoạt động hòa bình khác”, Eisenhower khi đó đã nhấn mạnh trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Manhattan, New York: “Mục đích đặc biệt của ứng dụng năng lượng nguyên tử sẽ là cung cấp nguồn năng lượng điện dồi dào trong các khu vực đang đói năng lượng của thế giới.”
Tầm nhìn của Eisenhower ngày đó đã được đón nhận và hoan nghênh nhiệt liệt, vì nó đã chạm đến ước mong chính đáng của loài người trong hành trình tìm cách “sao cho năng lực sáng tạo kỳ diệu của con người sẽ không được phép phục vụ cho cái chết, mà phải để dâng hiến cho cuộc sống của loài người.”
Trong giai đoạn đó, những người tạo ra và ủng hộ điện hạt nhân đã rất lạc quan và nhân văn. Họ xem nguồn năng lượng mới là chìa khóa để thoát khỏi những hệ lụy gây ra bởi sự gia tăng dân số - và cho phép tất cả mọi người, kể cả người nghèo nhất trong những người nghèo ở châu Phi, thoát khỏi đói nghèo. Giám đốc Phòng thí nghiệm Oak Ridge (Hoa Kỳ) -ông Alvin Weinberg - lập luận: “Với năng lượng hạt nhân, con người có thể tạo ra phân bón, nước ngọt, và do đó, tạo ra nguồn thực phẩm phong phú mãi mãi”.
Trong khi đó, một số tổ chức và cá nhân chống điện hạt nhân (như Tổ chức Sierra Club) lại tỏ ra “ghét” điện hạt nhân chính vì nó đem lại triển vọng về sự thịnh vượng chung. Họ đã lờ đi những ưu điểm không thể chối cãi của điện hạt nhân như khả năng cung cấp nguồn năng lượng rẻ và dồi dào, lại không phát thải khí nhà kính.
Ngay từ năm 1974, các nhóm môi trường nói trên và những nhà tài trợ của họ đã bắt đầu một chiến dịch dài nửa thế kỷ để làm cho công chúng sợ hãi điện hạt nhân. “Chiến dịch của chúng tôi nhấn mạnh các mối nguy hiểm của điện hạt nhân,” Chủ tịch Sierra Club viết trong một bản ghi nhớ năm 1974 cho Ban giám đốc của Tổ chức này, “sẽ đưa ra một lý do để yêu cầu tăng thêm các đòi hỏi về pháp quy và làm tăng chi phí của ngành công nghiệp hạt nhân”. Hay nói cách khác, một trong các mục tiêu quan trọng của các đảng Xanh và các tổ chức chống điện hạt nhân khác trên thế giới là thổi phồng mối nguy hiểm của điện hạt nhân khiến cho công chúng lo ngại, đồng thời khiến các cơ quan pháp quy hạt nhân trên thế giới đồng loạt thắt chặt các quy định về an toàn hạt nhân, dẫn tới sự đội giá đáng kể, kéo theo là sự chậm trễ và thậm chí hủy bỏ của một số dự án điện hạt nhân.
Sự hiểu lầm về tác hại của bức xạ đối với sức khỏe con người
Bên cạnh đó, chính sự ngộ nhận về ảnh hưởng của bức xạ của một số nhà khoa học, trong đó có cả những nhà khoa học có uy tín, cũng góp phần vào sự hiểu lầm tai hại của dân chúng và chính phủ nhiều nước, làm gia tăng thêm mối quan ngại về tác hại của bức xạ hạt nhân tới sức khỏe con người. Một số trong những nhà khoa học đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần gieo vào tâm trí của nhiều người niềm tin rằng không có liều bức xạ an toàn, vì mọi liều bức xạ đều dẫn đến những đột biến “gây hại hoặc gây chết người”, thậm chí những tác hại này được coi là “vĩnh viễn và không thể khắc phục được.”
Đáng tiếc là quan điểm này đã được một số nhà khoa học công nhận trong một thời gian dài nhiều thập kỷ, đó là những người cổ súy cho thuyết Linear no-threshold” (LNT), tạm dịch “Mô hình phi ngưỡng tuyến tính (LNT)”, một mô hình đã được sử dụng trong bảo vệ bức xạ để định lượng phơi nhiễm bức xạ và thiết lập giới hạn quy định về liều bức xạ.[4]. Theo mô hình này, bức xạ luôn được coi là có hại và không có ngưỡng an toàn. Quan điểm cho đến gần đây vẫn đang được tranh cãi về chuyên môn này đã giao thoa với các chương trình nghị sự của các nhà khoa học và nhà hoạt động chống hạt nhân nói trên, “đã thúc đẩy các mô hình bức xạ phi ngưỡng tuyến tính LNT và phóng đại các hiệu ứng của nó”. Chính những quan điểm này đã dẫn đến việc đưa ra các chính sách và quy định để điều khiển sự phát triển của ngành công nghệ điện hạt nhân mấy chục năm qua.
Những con số biết nói về sự phát triển điện hạt nhân
Điện hạt nhân đã trải qua thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn 1970-1980 - giai đoạn hoàng kim của điện hạt nhân. Trong thời kỳ này, công nghệ điện hạt nhân đã được thương mại hóa cao, cộng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ trên thế giới xảy ra vào thời gian này đã làm cho nhiều quốc gia đẩy nhanh tốc độ phát triển điện hạt nhân, nâng tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện toàn cầu tăng gần hai lần, từ 9% lên 17%. [5]
Tuy nhiên, trên con đường phát triển điện hạt nhân vốn đã lắm chông gai, vai trò của công tác thông tin truyền thông là vô cùng quan trọng, có tác động lớn đến tâm lý của người dân, thậm chí đến các nhà hoạch định chính sách. Có thể lấy ví dụ về sự ảnh hưởng của cơn bão truyền thông đến tương lai của điện hạt nhân ở Pháp. Mặc dù cho đến nay, ba phần tư sản lượng điện của Pháp hiện vẫn là điện hạt nhân, nhưng dự kiến đến giữa thập kỷ 2020, tỷ trọng này sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa. Theo Giáo sư Pierre Dariulat, lý do chính là sự thiếu thiện cảm của công chúng với điện hạt nhân, nhất là trong khoảng ba thập kỷ trở lại đây sau thảm họa Chernobyl và Fukushima, kèm theo tác động từ trào lưu tuyên truyền Xanh ở đa số các nước phát triển. Tuy tâm lý phản đối điện hạt nhân nhiều khi xuất phát từ cảm tính - điển hình là một thống kê gần đây cho thấy 58% người dân Pháp lầm tưởng rằng điện hạt nhân gây biến đổi khí hậu (???), trong khi chỉ có 46% biết rằng thủ phạm là điện than, nhưng xét về mặt chính trị, trào lưu này phát triển rất hiệu quả, một số quốc gia đã quyết định dừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân và không xây thêm các nhà máy mới.[3]
Trong khi đó, ngày càng có nhiều các nhà khoa học chuyên về bức xạ, khí hậu và sức khỏe cộng đồng đang cho rằng các nhà máy điện hạt nhân là yếu tố quan trọng để cứu rỗi nhân loại. Trong cuốn sách gây được tiếng vang của mình nhan đề “Năng lượng: Lịch sử nhân loại”, nhà sử học đoạt giải Pulitzer, Richard Rhode lưu ý rằng trong năm 2013, các nhà khoa học khí hậu Pushker Kharecha và James Hansen đã phát hiện ra rằng “điện hạt nhân đã ngăn chặn trung bình 1,84 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí”. Và đó là trước khi tính đến những hậu quả tiềm ẩn của biến đổi khí hậu do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện năng.
Trong thời gian qua, nhiều nhà khoa học chuyên về khí hậu như Hansen và các học giả như Rhodes đã tham gia lực lượng ủng hộ việc bảo vệ và mở rộng các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, từ Illinois và New York ở Hoa Kỳ cho đến các quốc gia khác như Hàn Quốc và Pháp. Hiện nay, sau các vụ tai nạn hạt nhân, các nhà khoa học bức xạ với sự ủng hộ của chính phủ Anh và Ấn Độ đang kêu gọi các chính phủ giữ bình tĩnh và tiếp tục ủng hộ điện hạt nhân.
Nỗ lực của các nhà khoa học này đã củng cố niềm hy vọng rằng, cho dù mối quan ngại về ô nhiễm không khí và sự nóng lên toàn cầu có thể lấn át nỗi lo sợ về tai nạn hạt nhân hay không, chúng ta ít nhất có thể ngăn bản thân mình không phản ứng tiêu cực quá mức với điện hạt nhân.
Triển vọng của điện hạt nhân
Nhìn tổng thể, trong gần 8 năm qua kể từ tai nạn hạt nhân Fukushima, điện hạt nhân thế giới vẫn phát triển theo chiều hướng tích cực: Theo số liệu tháng 6 năm 2018 của Hiệp hội Hạt nhân thế giới, công suất của 450 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại 30 quốc gia kể cả Đài Loan đạt khoảng 390 GWe, cao nhất trong lịch sử điện hạt nhân thế giới (sau điện than, khí thiên nhiên, thủy điện), và đóng góp 11% điện năng toàn cầu. Khoảng 50 nhà máy điện hạt nhân mới đang được xây dựng ở 13 quốc gia, chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ, UAE và Nga [6]. Theo xu thế mới, châu Á là nơi tiếp nhận công nghệ và thực hiện nhiều dự án hạt nhân lớn trên thế giới, trở thành nơi thúc đẩy công nghệ hạt nhân để phục vụ cho những mục tiêu phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội cho những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Bangladesh, Hàn Quốc, v.v.
Tại Nhật Bản, quốc gia hứng chịu tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011, cho đến nay đã có 9 tổ máy được tái khởi động và đang vận hành, phát điện. Mới đây nhất, sau khi đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn an toàn hạt nhân mới, 2 lò phản ứng - Genkai-3 và Genkai-4 - đã được tái khởi động lần lượt vào tháng 3/2018 và 6/2018. Theo đánh giá, từ tháng 3/2019 sẽ có ít nhất từ 10 đến 15 lò phản ứng hạt nhân nữa tiếp tục được kết nối lưới điện tại đây, cho thấy điện hạt nhân đang từng bước trở lại với quốc gia này. [7].
Với sự trở lại của điện hạt nhân Nhật Bản, có thể thấy rằng điện hạt nhân sẽ là một lựa chọn khả dĩ cho bài toán năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh đối phó với biến đổi khí hậu. Điện hạt nhân nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại và phát triển mạnh một cách an toàn hơn, kinh tế và là nguồn điện sạch không phát thải khí nhà kính.
***
Để kết thúc, có thể dẫn lại lời bình luận của Giáo sư Pierre Dariulat: “Trong số các luận điểm ủng hộ điện hạt nhân, ưu điểm không thải ra carbon hiển nhiên được nhấn mạnh: đó thực sự là lợi thế lớn và được chú trọng trong bối cảnh dư luận có những lo ngại về môi trường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhận thức rằng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, hay nhiên liệu sinh học không thể đóng góp tới một phần tư nhu cầu năng lượng của cả hành tinh. Minh chứng là ở Đức, nơi đã lắp đặt các trạm năng lượng tái tạo khắp nơi, nhưng cũng chỉ nâng tỷ lệ tới mức 15%”.[3]
Đến đây, hẳn độc giả đã có thể trả lời được câu hỏi “Thực sự điện hạt nhân có đáng sợ như người ta đồn thổi?”
(Biên dịch, tổng hợp phỏng theo bài viết “If Nuclear Power Is So Safe, Why Are We So Afraid Of It?” của Michael Shellenberger, Chủ tịch, Tổ chức Vì Tiến bộ môi trường (EP). Thời báo “Người Anh hùng của Môi trường”, đăng trên TẠP chí Forbes).
Ghi chú: Linear no-threshold” (LNT), tạm dịch “Mô hình phi ngưỡng tuyến tính (LNT)”, một mô hình đã được sử dụng trong bảo vệ bức xạ để định lượng phơi nhiễm bức xạ và thiết lập giới hạn quy định về liều bức xạ. Mô hình này thường được sử dụng để tính xác suất ung thư do bức xạ gây ra ở cả phạm vi liều bức xạ cao - phạm vi mà các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, và ảnh hưởng của liều thấp - một phạm vi liều bức xạ chưa được nhiều nghiên cứu chứng minh về mặt thống kê, nhưng dù sao cũng đã dẫn đến các quyết định chính sách liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Mô hình này giả định rằng tác hại về mặt sinh học lâu dài do bức xạ ion hóa (chủ yếu là nguy cơ ung thư) là tỷ lệ thuận với liều bức xạ. Điều này cho phép có thể xác định các liều tích lũy cá nhân là tổng của tất cả các liều bức xạ phơi nhiễm, không cần tính đến mức liều và suất liều. Nói cách khác, bức xạ luôn được coi là có hại và không có ngưỡng an toàn, và tổng của một số phơi nhiễm liều bức xạ rất nhỏ lại được coi là có ảnh hưởng giống như tác động của một liều lớn hơn [4].
Tài liệu tham khảo:
1.https://aeon.co/ideas/fear-of-radiation-is-more-dangerous-than-radiation-itself
2.https://en.wikipedia.org/wiki/Fukushima_Daiichi_nuclear_disaster_casualties
3.http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Tuong-lai-cua-dien-hat-nhan-tren-the-gioi-10951
4.https://en.wikipedia.org/wiki/Linear_no-threshold_model
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM