RSS Feed for Để mùa xuân tuần hoàn theo quy luật của tự nhiên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 08:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Để mùa xuân tuần hoàn theo quy luật của tự nhiên

 - Ai cũng biết, quy luật tuần hoàn tạo hóa, mỗi năm có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, không khí ấm áp, hoa lá khoe sắc, muôn loài tìm bạn tình mà sinh sôi nẩy nở vĩnh hằng. Từ khi con người thoát khỏi thế giới động vật, xây dựng và phát triển xã hội loài người một cách thần kỳ, tuy nhiên đã thể hiện không ít những mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên và cả con người với nhau!

PGS, TS BÙI HUY PHÙNG - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Theo thống kê quốc tế năm 2015, tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu là trên 13 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi), tiêu thụ điện là 23 nghìn tỷ kWh, bình quân đầu người tương ứng là 1.800 kgOE/ng và khoảng 3.100 kWh/người. Với các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người: Singapore là 8.909, Malaysia: 4.466; Thái Lan: 2.462, Trung Quốc: 3.454; Hàn Quốc: 10.980; Nhật Bản: 9.394 kWh, v.v...

Quá trình sử dụng năng lượng toàn cầu tăng không ngừng, giúp con người có cuộc sống vật chất cao và nền văn minh hiện nay. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ năng lượng như nói trên, tới nay nguồn thủy điện đã cạn, với những đánh giá tuy có khác nhau, nhưng cho thấy, nguồn dầu mỏ chỉ còn sử dụng trong vài ba chục năm, nguồn khi tự nhiên khoảng 50-60 năm, nguồn than dồi dào hơn được đánh giá còn sử dụng được khoảng 100-110 năm.

Mặt khác, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều vùng giàu tài nguyên lại là vùng nghèo, mất an toàn, chính trị bất ổn, thậm chí chiến tranh năng lượng. Nhiều vùng sau khi khai thác năng lượng đã bị sa mạc hóa, môi sinh bị hủy hoại, nhiều cánh rừng, dòng sông bị bức tử, gây biến đổi khí hậu, cây cỏ, hoa lá héo hắt. Mùa Xuân tuần hoàn rối loạn và có thể không trở lại!  Nhân loại cảm nhận xót xa, bất ổn,... đang hô hào giảm tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu sử dụng sang năng lượng tái tạo và cũng không quên khuyến cáo thận trọng với nguồn năng lượng này!

Ở Việt Nam, điện năng tiêu thụ những năm gần đây tăng nhanh, với tốc độ khoảng 10-11%/năm. Cụ thể, năm 2011: 98,5 tỷ; 2018 khoảng 190 tỷ kWh (điện sản sản xuất và nhập: 212 tỷ kWh). Tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2017 khoảng 75 triệu TOE. Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã phê duyệt  tháng 3/2016, tổng điện năng sản xuất so với QHĐ VII, được điều chỉnh giảm khoảng 20% và cũng không dễ thực hiện. Cụ thể, năm 2020: 265; 2025: 400; 2030: 575 tỷ kWh. Điện sản xuất đầu người được dự báo năm 2020: 2.800; 2025: 4.100; 2030: 5.200 kWh/người. Với mức dự báo này, so với các nước tiên tiến còn thấp, so với mức trung bình thế giới, tiêu thụ năng lượng nói chung Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 30-35%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 60%. Tuy nhiên, không nên so sánh đơn thuần cao thấp mà quan trọng là đã đáp ứng nhu cầu và sử dụng hữu ích?

Hãy xem, tiêu chí cường độ điện/năng lượng đối với GDP, trong khi cường độ điện một số nước như: Nhật Bản, CHLB Đức là 0,22 - 0,25, Thái Lan là 0,56 kWh/USD; cường độ năng lượng khoảng 150-200 kgOE/nghìn USD,... thì Việt Nam hiện nay cường độ điện khoảng 1,15-1,2kWh/USD, lại còn được dự báo tăng lên vào 2020-25; cường độ năng lượng trên 300kgOE/nghìn USD. Đồng thời hệ số đàn hồi điện (tỷ lệ giữa tốc độ tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP) các nước nói chung nhỏ hơn 1, Việt Nam hiện tại trên 1,5 và có xu thế tăng.

Những con số vừa nêu nói lên hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam rất thấp, đã và đang chi nhiều tiền sản xuất năng lượng mà sử dụng kém hữu ích!

Một tiêu chí quan trọng khác, là năng suất lao động của Việt Nam vào loại thấp nhất khu vực, trong khi tốc độ tăng sử dụng điện lại cao nhất khu vực (trên 10%/năm).

Theo thông báo của Tổng cục Thống kê và Hội thảo khoa học: Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (Hà Nội, 20-12-2018) cho thấy, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt  9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Thông báo còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Cụ thể, Tổng cục Thống kê dẫn nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo sức mua tương đương - PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016. Tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ  6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD. 

Chúng ta cần nhận thức rõ quan điểm "phát triển" và "tăng trưởng kinh tế". Tăng trưởng là sản xuất tăng, sản phẩm nhiều lên, cung cấp ra thị trường nhiều hơn, thu nhiều lợi nhuận, nhưng không đồng đều, nhiều vùng vẫn lạc hậu, nghèo đói. Phát triển kinh tế là đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội. Phát triển kinh tế mang nội hàm rộng hơn, là quá trình hoàn thiện về mọi mặt của nền kinh tế: Kinh tế - xã hội - môi trường - thể chế, nhằm đảm bảo rằng GDP tăng cao tương ứng với phân phối công bằng, chất lượng cuộc sống, hạnh phúc cao hơn.

Liên Hợp Quốc đã sử dụng khá phổ biến chỉ số phát triển con người (HDI) để đo lường chất lượng cuộc sống. Một số nước cũng đã tìm cách đánh giá mức độ hạnh phúc của quốc gia mình, từ 1972 Vương quốc Bhutan đã sử dụng chỉ số "Tổng hạnh phúc quốc gia" để làm mục tiêu phát triển mà không dựa vào tăng trưởng vất chất.

Năm 2016, Liên hợp quốc công bố "Báo cáo hạnh phúc thế giới" lần thứ Tư, trong đó xếp hạng 156 quốc gia, dựa trên sự phản hồi của công dân về mức độ hài lòng với chất lượng cuộc sống. Theo đó, Bắc Âu hạnh phúc nhất, người Ấn Độ dù GDP tăng liên tục, nhưng chỉ số hạnh phúc giảm; nhà giàu Qutar lại kém hạnh phúc hơn "nhà nghèo" sử dụng ít điện Costa Rica, Việt Nam đứng thứ 96… Thực sự cần xem xét điều thú vị này!

Một nhận xét gần gũi khác. Theo thông báo, năm 2018, GDP đầu người Việt Nam 2.540 USD, hơn gấp đôi năm 2010: 1.168 USD, dự kiến năm 2020 là 3.700USD, Việt Nam thu nhập tăng ba lần so với năm 2010, nhưng không có nghĩa chúng ta phát triển và có chất lượng cuộc sống cao hơn ba lần!

Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn, nhưng xin thêm một lần lưu ý: Để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn thì nền kinh tế cần phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp. Hiện nay công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng năng lượng thượng mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5%GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép,... được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó, nông - lâm - ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng, vừa qua chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28% tổng năng lượng thương mại mà đem lại 22% GDP. Thực tế hiện nay nông nghiệp vẫn bị đánh giá là canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi,… Phải chăng chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và nội dung điện khí hóa trong nông nghiệp (?) 

Hiện nay, Chính phủ đang cỗ vũ Cách mạng công nghiệp 4.0; Nông nghiệp công nghệ cao,... theo chúng tôi, chúng ta cần làm rõ, cụ thể hóa nội hàm là gì, kể cả vai trò của năng lượng ra sao, thì mới thực hiện được. Mặt khác, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là "đầu tư ngắn ngày mau ăn", đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược; nghĩa là chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình phát triển. Như vậy, vấn đề sử dụng hợp lý, hiệu quả có ý nghĩa lớn, bao quát hơn; cơ cấu hợp lý các ngành của nền kinh tế quốc dân, cho phép giảm cường độ năng lượng lớn hơn.

Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm là khâu cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng sạch giá rẻ, là quốc sách thâm canh trong năng lượng, là phát triển bền vững, giúp mùa xuân tuần hoàn theo quy luật tự nhiên. Do đó, chúng ta cần có chính sách đủ mạnh để thay đổi công nghệ, khuyến khích, hỗ trợ, thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, xây dựng các chỉ tiêu pháp lý cho hoạt động này. Đó chính là không ham hố chạy theo sản xuất nhiều năng lượng mà phải là đủ dùng, hiệu quả.

Đầu xuân xin gửi lời nhắn tới Bộ Công Thương và các chuyên gia xây dựng Quy hoạch điện VIII tới đây cần đổi mới tư duy, nghiên cứu, sử dụng phương pháp hợp lý để dự báo, tính toán cung - cầu năng lượng sát đúng cho phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ hành tinh... để mùa Xuân không lỗi tuần hoàn.

Hà Nội, ngày cuối năm 2018

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động