Đánh giá của chuyên gia về những tín hiệu mới trong Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn
11:19 | 17/09/2021
Bế tắc 10 năm, Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn ‘không thể để chậm hơn được nữa’ Dù các chủ đầu tư vẫn đang chạy đua với tiến độ, tuy nhiên, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tháo gỡ được những bế tắc cơ bản từ 10 năm nay để Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn đi vào triển khai. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần có một quyết tâm chính trị, định hướng xuyên suốt của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn của Chuỗi dự án này nhằm thúc đẩy nhanh các phê duyệt, không nên bỏ lỡ thời cơ và không thể để chậm hơn được nữa. |
Theo nội dung Văn bản này, Chính phủ đề nghị:
1/ Về các dự án Nhà máy Nhiệt điện Tân Phước 1 và 2: Bộ Công Thương tiếp tục xem xét đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến các nội dung điều chỉnh quy hoạch các dự án này trong dự thảo Quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2/ Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo EVN khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được Chính phủ ban hành. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và EVN chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, tiến độ của dự án.
Như vậy là sau khi có tổng hợp ý kiến góp ý từ các bộ, ngành về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56 (về quản lý và sử dụng vốn vay ODA), Văn phòng Chính phủ đã chính thức có Văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo EVN bảo lưu phương án vay vốn ODA cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 3.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Văn bản số: 6535/VPCP-CN giao Bộ Công Thương làm đầu mối xử lý, trả lời các kiến nghị của EVN và các nhà đầu tư nước ngoài về phương án vay vốn thương mại cho dự án này.
Đánh giá của chuyên gia:
Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhìn nhận: Dự án Nhiệt điện Ô Môn 3 với phương án sử dụng vốn vay ODA và đã bị ‘dậm chân tại chỗ’ nhiều năm qua (kể từ ngày EVN trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư, kèm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến nay đã hơn 4 năm) do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ không xác định được cơ quan thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (để thẩm định duyệt chủ trương đầu tư), kéo theo cả Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn cũng đình trệ theo.
Hiện nay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56/2020 về quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương (từ ngày 28/6/2021) và ngày 16/8/2021 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 5335/TTr-BKHĐT trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP.
Nghị định này dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2021.
Chúng tôi cho rằng, nếu kịp thời ban hành trong tháng 10/2021, các thủ tục đầu tư được quy định rõ ràng tại Điều 53, 54 của dự thảo Nghị định sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục quy trình thẩm định phê duyệt. Theo đó, lãi suất vậy sẽ thấp hơn, tổng mức đầu tư thấp hơn, giá điện tại thanh cái trung bình của cả đời dự án cũng sẽ thấp hơn phương án vay vốn thương mại và không phải tìm kiếm lại nhà tài trợ vay vốn. Đặc biệt, về hợp tác kinh tế và ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, việc bảo lưu vốn vay ODA này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Như vậy, với một quá trình đã triển khai thủ tục chủ trương đầu tư nhiều năm qua, việc dự án đang đình trệ, tiến độ chậm chạp ở bước ban đầu (chuẩn bị đầu tư) không chỉ phụ thuộc vào chủ đầu tư mà phần lớn phụ thuộc vào việc giải quyết thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó trực tiếp là Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ.
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đã chậm trễ hơn 10 năm nay, vì vậy, với các văn bản vừa chỉ đạo, hy vọng Chính phủ và các bộ, ngành sẽ quyết liệt hơn để sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 56/2020, nhằm sớm có cơ sở thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 3.
Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Do tính chất chuỗi khí - điện, dự án Nhiệt điện Ô Môn 3 chính là điểm tắc nghẽn của cả chuỗi dự án. Vì vậy, vừa qua, sau nhiều lần ‘báo cáo, đề xuất tháo gỡ’ của EVN và của các cơ quan liên quan, hiện tại gần như các bộ, ngành đã vào cuộc, nên có thể xem đây là chỉ dấu tích cực để dự án Lô B sớm có quyết định đầu tư, đưa cả chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đi vào triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, do tính chất chuỗi dự án liên quan nhiều bên, do đó, về mặt quản lý Nhà nước, theo chúng tôi, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm thêm khi ban hành các văn bản liên quan các dự án thành phần trong Chuỗi dự án này, nên gửi thêm cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở mục (nơi nhận) để họ cùng chủ động phối hợp và cập nhật tình hình.
Được biết, hiện nay phía PVN cũng đã chủ động có các phương án chuẩn bị song song như: Tiếp tục các đàm phán thương mại và phương án thu xếp vốn vay. Đồng thời, chỉ đạo các thành viên PQPOC và SWPOC về các gói thầu EPC/EPCI để tích hợp tiến độ thượng, trung và hạ nguồn, thúc đẩy cả chuỗi dự án Lô B - Ô Môn đi vào triển khai đồng bộ./.
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM