RSS Feed for Cụ thể hóa thỏa thuận đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 18:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cụ thể hóa thỏa thuận đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch

 - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đại diện cho Chính phủ Việt Nam) và Bà Charlotte Laursen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam (đại diện cho Chính phủ Vương quốc Đan Mạch) đã ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác phát triển trong chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2017 - 2020 sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Năng lượng Việt Nam và vấn đề phát triển bền vững
Năng lượng gió Việt Nam: Đầu tư và lợi nhuận

Theo đánh giá, Hiệp định này đánh dấu bước phát triển toàn diện trong quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng, nhằm cụ thể hóa các nội dung đã thỏa thuận trong Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng, Khí hậu và Tòa nhà Đan Mạch (nay đổi thành Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu) về hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, năng lượng tái tạo ký kết ngày 18/6/2015.

Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch do Bộ Công Thương quản lý thực hiện, với sự tham gia của Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững - Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo và Cục Điều tiết Điện lực. Chương trình sẽ được triển khai từ năm 2017 cho đến năm 2020, với tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 21,6 triệu Cua ron Đan Mạch (tương đương 3,15 triệu USD).

Mục tiêu tổng quát của chương trình là hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi các cơ hội chuyển đổi carbon thấp, tối ưu về chi phí trong hệ thống năng lượng Việt Nam.

Các mục tiêu cụ thể của Chương trình bao gồm: 

1/ Tăng cường phát triển bền vững hệ thống năng lượng Việt Nam thông qua triển khai các chính sách và quy hoạch năng lượng bằng hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong công tác quy hoạch năng lượng của Bộ Công Thương. Thử nghiệm, phát triển và phân tích các kịch bản phát triển năng lượng dài hạn có xét đến gia tăng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

2/ Tích hợp hiệu quả năng lượng tái tạo vào hệ thống điện Việt Nam thông qua hỗ trợ cho Cục Điều tiết Điện lực trong việc nâng cao năng lực cho các trung tâm điều độ hệ thống điện và các tổng công ty điện lực nhằm mục tiêu gia tăng tỷ trọng các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện quốc gia theo phương thức có hiệu quả về kinh tế.

3/ Hỗ trợ mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp công nghiệp trong việc chuyển đổi sang ngành công nghiệp carbon thấp trên toàn quốc.

Để triển khai các mục tiêu nêu trên, chương trình được xây dựng với 3 hợp phần:

Hợp phần 1: Nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn, hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, hợp tác với Cục Điều tiết Điện lực.

Hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp, hợp tác với Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai thực hiện chương trình theo các nội dung đã thỏa thuận trong Hiệp định đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động