RSS Feed for Cơn sốt tăng giá nhiên liệu và lo ngại về khủng hoảng năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 18/11/2024 02:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cơn sốt tăng giá nhiên liệu và lo ngại về khủng hoảng năng lượng

 - Tổng hợp, phân tích dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề cập đến cơn sốt giá năng lượng vào nửa sau năm 2021 trên toàn cầu, bắt nguồn từ Đông Bắc Á và châu Âu. Qua đó, nêu rõ nguyên nhân, tác động kinh tế - xã hội và môi trường, dự báo sự tăng giá sắp tới, đồng thời gợi mở định hướng các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi nước, khu vực.
Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện

Trong bối cảnh thế giới đang cố gắng thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì khủng hoảng năng lượng xuất hiện, khiến nhiều quốc gia châu Âu phải tìm giải pháp tình thế, dùng than để sản xuất điện... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Năm 2020, nhu cầu năng lượng toàn cầu ước tính giảm 4,5%, kéo theo sự sụt giảm lượng khí thải các bon từ việc sử dụng năng lượng cũng gây ấn tượng không kém, với lượng khí thải giảm hơn 6% - mức giảm lớn nhất kể từ năm 1945. Tuy nhiên, sang năm 2021 xảy ra sự biến động ngược lại, giá năng lượng tăng và sự thắt chặt cân bằng cung - cầu năng lượng đã trở thành xu hướng toàn cầu, lo ngại ngày càng tăng rằng: Sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Trung Quốc.

Giá dầu thô kỳ hạn đã tăng vượt 70 USD/thùng vào tháng 7 năm nay [1] và chững lại trước khi tiếp tục xu hướng tăng từ cuối tháng 8. Giá hợp đồng kỳ hạn tháng trước ước tính lên đến 80 USD/thùng vào ngày 4 tháng 10 đối với dầu thô Brent và vào ngày 11 tháng 10 đối với dầu thô West Texas Intermediate (WTI). Giá dầu kỳ hạn, do đó đạt mức cao nhất trong bảy năm kể từ tháng 11 năm 2014.

Giá khí đốt và LNG thậm chí còn tăng mạnh hơn. Giá LNG giao ngay tại Đông Bắc Á đã tăng mạnh trong tháng 10, được báo cáo là đạt mức cực cao, lần đầu tiên vượt qua mức 50 USD/triệu Btu. Giá 50 USD mỗi triệu Btu tương đương với giá dầu thô khoảng 300 USD/thùng. Ở châu Âu cũng vậy, giá của các trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên đã tăng vọt lên mức 40 USD/ triệu Btu vào một số ngày.

Giá than cho sản xuất điện đã tăng đáng kể. Giá than Úc giao ngay đã vượt 200 USD/tấn vào đầu tháng 10 và được báo cáo là đã tăng lên gần 250 USD/tấn, tăng gần 5 lần so với mức đáy của năm ngoái.

Giá điện châu Âu tăng đã thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Tại Vương quốc Anh, nơi cán cân cung cầu điện đang được thắt chặt đáng kể, giá bán buôn điện trung bình hàng ngày đạt 498 Euro/MWh (khoảng 65 Yên/kWh) vào ngày 15 tháng 9, tăng gấp 10 lần so với mức đáy trung bình được ghi nhận vào tháng Hai năm ngoái. Mức cao tạm thời là 380 Yên/kWh. Mức trung bình vẫn trên 200 Euro/MWh cho đến trong tháng này. Hoặc tại Đức, giá điện đã đạt mức kỷ lục (91 Euro/MWh vào đầu tháng 9/2021), sau đó tiếp tục tăng. Mức giá này cao hơn gấp ba lần giá điện ở Ontario (Ca-na-đa), ngay cả trong thời kỳ nhu cầu cao điểm.

Tại sao giá năng lượng tăng một cách tràn lan như vậy? Điều gì đã xảy ra trên thị trường năng lượng toàn cầu? Yếu tố cơ bản sau bất kỳ một sự biến động giá nào là sự thắt chặt mối quan hệ cân đối cung cầu. Sự cân đối cung cầu đã bị thắt chặt nói chung trên các thị trường năng lượng. Tuy nhiên, đã có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự thắt chặt cân đối cung cầu năng lượng. Ví dụ, đối với giá dầu thô, sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ sau thảm họa đại dịch Covid-19 đã kết hợp với sự hạn chế sản lượng của khối OPEC và các nước ngoài OPEC gọi chung là nhóm OPEC+, cũng như sự sụt giảm sản lượng dầu của Mỹ gây ra bởi bão tố hồi tháng 9. Sự biến động của giá dầu hiện tại được kích hoạt bởi quyết định mới nhất của nhóm OPEC+ từ chối tăng sản lượng dầu. Tại thị trường LNG châu Á, sự mở rộng nhu cầu thông qua sự thèm muốn bùng nổ đối với LNG của Trung Quốc cùng với nguồn cung bổ sung hạn chế đã thắt chặt cân bằng cung cầu, khiến giá giao ngay tăng lên do lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung trong tương lai, cũng như độ dày và chiều sâu thị trường hạn chế.

Tại châu Âu, nhu cầu LNG tăng trong bối cảnh nhiệt độ thấp bất thường kéo dài tận mùa xuân năm ngoái, dẫn đến hàng tồn kho thấp và các khó khăn trong việc mở rộng nguồn cung cấp. Cân bằng cung cầu ở châu Á thắt chặt khiến châu Âu gặp khó khăn trong việc mua thêm LNG đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cung và cầu khí đốt tự nhiên. Việc cung cấp bổ sung khí đường ống của Nga đã không đạt được như mong đợi. Giá LNG đã tăng vọt do cán cân cung cầu được lo ngại sẽ thắt chặt hơn nữa vào mùa đông, thời điểm mà việc phát điện bằng khí ngày càng trở nên quan trọng hơn trong điều kiện cân bằng cung - cầu điện ngày càng thắt chặt.

Trong khi giá than thấp trước đó đã ảnh hưởng đến việc mở rộng nguồn cung ngay cả trong bối cảnh nhu cầu phục hồi sau thảm họa Covid-19 và dẫn đến sự không chắc chắn về đầu tư phát triển than, sản xuất than trong nước của Trung Quốc đã giảm xuống theo các quy định chính sách bao gồm các biện pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu. Nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc theo đó đã tăng rất cao, làm cho giá than tăng đột biến. Thị trường than quốc tế bị méo mó do mối quan hệ Trung Quốc - Úc xấu đi, gây ra những khó khăn trong việc mở rộng cung cấp, điều đó kết hợp với sự gia tăng nhu cầu than nhập khẩu đột biến của Trung Quốc dẫn đến thiếu thốn hơn trong cân đối cung cầu. Đối phó với sự thiếu điện, Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng nâng cao sản lượng than nội địa, đảm bảo nhập khẩu than ổn định và tăng cường mua thêm LNG. Tuy nhiên, mất điện liên tục và chi phí điện tăng cao được cho là sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia này.

Tình hình cũng trầm trọng như vậy ở châu Âu. Tại Vương quốc Anh (UK) có sự thắt chặt đáng chú ý nhất trong việc cân đối cung - cầu điện năng, giá bán buôn điện tăng cao do giảm dài hạn sản lượng điện gió và sự gián đoạn nguồn cung từ các trạm điện gió hỗn hợp lại. UK hiện phải phụ thuộc vào nguồn điện nhiên liệu hóa thạch cho việc cung cấp ổn định điện năng. Tuy nhiên, công suất nguồn điện than đang xu hướng tiếp tục giảm. Đồng thời, giá than và khí thiên nhiên cao đã dẫn đến làm tăng cao giá bán buôn điện năng. Việc tăng cao phí phát thải theo quy định của Hệ thống Thương mại Phát thải châu Âu cũng góp phần làm tăng cao chi phí điện năng. Sự cân đối cung - cầu điện năng sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa tùy thuộc vào sự phát triển trong tương lai. Đối mặt với cú sốc tăng giá năng lượng, các nước EU đang xem xét, hoặc thực hiện mở rộng trữ lượng khí đốt, các biện pháp cứu trợ những người dân thu nhập thấp bị tác động bởi giá năng lượng tăng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và các giải pháp khác.

Về nguyên nhân, theo [3] Martin King cho rằng: Có nhiều lý do cần phân tích như yếu tố khí hậu ở Bắc Mỹ và châu Âu, từ những cơn bão mùa hè đến sự suy giảm nguồn cung ở trong nước và nước ngoài khiến giá tăng cao. Ngoài ra, còn có yếu tố lạm phát kỷ lục của Mỹ, tăng vọt lên 4,1% vào tháng 8/2021, cao nhất kể từ năm 2003 cho đến yếu tố đại dịch Covid kéo dài... đã khiến giá khí đốt đồng loạt tăng trên phạm vi toàn cầu. Riêng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gấp 5 lần kể từ năm ngoái, đẩy giá điện ở châu lục này lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Theo ông Jack Fusco - Giám đốc điều hành Cheniere Energy của Công ty Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có trụ sở tại Houston, Texas: Giá của cùng một loại khí đốt ở Mỹ tăng 5 USD còn ở châu Âu và châu Á lại tăng tới 20 USD/triệu Btu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đến năm 2024, nhu cầu khí thiên nhiên được dự báo tăng 7% so với mức trước đại dịch Covid-19. Còn theo phân tích của McKinsey & Co. về dài kỳ, nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng được dự báo tăng 3,4%/năm cho tới năm 2035, vượt xa các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác. Theo dự báo của các chuyên gia ở Ngân hàng Đầu tư Mỹ Goldman Sachs Group, Inc. (Goldman Sachs): Vào mùa đông năm nay giá khí thiên nhiên ở Mỹ sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng nữa. Trên thị trường kỳ hạn, hợp đồng khí đốt tự nhiên giao tháng 10/2021 đã tăng giá trên 5 USD/triệu Btu. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2014. Ngoài nhu cầu điện và sưởi ấm, khí đốt tự nhiên còn là nhiên liệu quan trọng cho nhiều ngành sản xuất hóa chất, phân bón, giấy và thủy tinh, cùng nhiều sản phẩm khác [2].

Như đã nêu trên, có các yếu tố nền tảng khác nhau dẫn đến sự tăng giá sốc của từng nguồn năng lượng và tại từng khu vực. Tiếp theo, mọi người có thể hỏi tại sao sự cân đối cung - cầu tại từng khu vực thắt chặt hơn và sự tăng giá sốc đồng thời đến với nhiều nguồn năng lượng như vậy? Sau đây là ý kiến của chuyên gia Nhật Bản về câu hỏi trên đây [1].

Thứ nhất: Về tác động của đại dịch Covid-19. Sự suy giảm đáng kể nhu cầu và giá năng lượng từ năm 2020 xảy ra như một cú sốc chưa từng có, tác động đến đầu tư năng lượng nói chung. Để ứng phó với sự giảm giá, việc phục hồi sự cân bằng cung - cầu thông qua cắt giảm cung trở thành ưu tiên hàng đầu. Đến khi nhu cầu năng lượng phục hồi sau đại dịch Covid-19, song, việc mở rộng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng cao bị thất bại, dẫn đến cung và cầu không phù hợp. Một câu châm ngôn thị trường nói "đáy càng sâu, đỉnh càng cao". Giá thị trường năng lượng chuyển động theo chu kỳ. Do cú sốc của đại dịch Covid-19 rất lớn, sự phản ứng lại đối với điều đó có thể rất lớn.

Thứ hai: Công suất nguồn cung dư thừa bị suy giảm đáng kể trên tất cả các thị trường, theo đó dẫn đến phải hợp lý hóa sản xuất và cắt giảm chi phí nhằm nỗ lực tối đa hóa hiệu quả. Tất cả các thị trường năng lượng đều cắt giảm chi phí và nguồn cung dư thừa để cứu vãn sự cạnh tranh gay gắt. Hậu quả là, họ đã cắt giảm cung - cầu đệm và công suất dư thừa, dẫn đến họ bị mất đi tính linh hoạt , cũng như sự ổn định trong mối quan hệ cân đối cung cầu. Trong tình hình đó, người chơi có đủ khả năng/công suất cung cấp thặng dư (bao gồm Nhóm OPEC + trên thị trường dầu mỏ và Nga trên thị trường khí) sẽ gắng sức gây ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Thứ ba: Chúng ta sẽ quan tâm đến các tác động của chuyển dịch thị trường năng lượng sang các bon thấp, hoặc khử các bon. Theo các vấn đề về cung - cầu năng lượng đã nêu, việc tăng cường phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) và các tác động của một số gián đoạn nguồn cung NLTT là đáng quan tâm. Trong khi một số người quan tâm tới các tác động của việc suy giảm điện gió hiện hành tại châu Âu, sự sụt giảm điện gió giữa lúc khủng hoảng điện ở Texas hồi tháng Hai và sự sụt giảm điện năng lượng mặt trời kéo theo sự thắt chặt của Nhật Bản trong cân đối cung cầu điện năng vào hồi đầu năm này. Tuy nhiên, những sự cố đó có thể xem xét cùng với khả năng cung cấp dư thừa để bù đắp cho việc sụt giảm sản xuất điện. Sự tác động của việc giảm sản xuất điện thông qua cắt giảm công suất điện đốt than ở châu Âu cũng được đặc biệt quan tâm. Điều đó có thể xem xét cùng với tổng công suất thặng dư. Cũng cần phải lưu ý rằng, sự thắt chặt cân đối tổng cung - cầu năng lượng hiện hành được đặc trưng bởi công suất lắp đặt và thiếu hụt cung cấp nhiên liệu đã gây ra sự thắt chặt tổng hợp của cung và cầu.

Thứ tư: Việc thắt chặt cân đối cung - cầu hiện hành cho các nguồn năng lượng có thể sụt giảm chỉ ra rằng: Sự cân bằng thắt chặt đối với tất cả các nguồn năng lượng đã đóng lại bất kỳ kẽ hở nào, dẫn đến việc cân bằng thắt chặt hơn và giá tăng trong một phản ứng dây chuyền. Mối quan tâm về đầu cơ thị trường, dự báo nguồn cung và giá tăng hơn nữa có thể đã góp phần thúc đẩy giá, tùy thuộc vào độ dày của thị trường và độ sâu của giao dịch.

Giá năng lượng có thể tăng thế nào? Liệu sự tăng giá hiện hành có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng hay không? Với các câu hỏi đó, chúng ta phải theo dõi chặt chẽ sự phát triển thị trường trong tương lai. Điều quan trọng cần quan tâm hàng đầu đối với mỗi nước, nhóm nước, khu vực và thế giới là:

1/ Sự biến động nhu cầu, kéo theo sự biến động nguồn cung và giá cả các dạng năng lượng do các tác động thị trường và phi thị trường là điều luôn có thể xảy ra với tần suất, biên độ khác nhau trong phạm vi từng nước, nhóm nước, khu vực, cũng như thế giới.

2/ Để ứng phó với sự biến động đó cần có chiến lược, giải pháp đồng bộ, tổng thể phù hợp khai thác, phát triển các nguồn tiềm năng tài nguyên năng lượng sẵn có trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng nước, nhóm nước, khu vực.

3/ Trong bất kỳ bối cảnh nào, điều đầu tiên là phải đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời, ổn định, đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Tiếp theo là đảm bảo tính khả thi về kinh tế, giá cả phù hợp và tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu trong từng thời kỳ/giai đoạn.

4/ Mối quan hệ giữa tính khả thi về kinh tế, giá cả và yêu cầu về bảo vệ môi trường, mức độ phát thải khí nhà kính luôn tuân thủ nguyên tắc theo hướng sạch hơn phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia, nhóm nước./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

[1] Ken Koyama, PhD: Resent energy price hikes and growing concern on energy crisis. IEEJ October 15th 2021. Special Bulletin.

[2] Khắc Nam: Dự báo về những ‘biến động lớn’ của giá khí thiên nhiên trong ngắn hạn. NLVN online 07:19 | 28/09/2021.

[3] https://www.cnbc.com/2021/09/09/natural-gas-prices-are-rising-and-could-be-the-most-expensive-in-13-years-this-winter.html.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động