RSS Feed for Chính sách phát triển năng lượng gió, mặt trời quy mô lớn và xuất khẩu điện của Lào | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách phát triển năng lượng gió, mặt trời quy mô lớn và xuất khẩu điện của Lào

 - Chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng của Chính phủ Lào bằng cách chú trọng hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, mặt trời, sinh khối và thực hiện chính sách kết nối lưới điện ASEAN để xuất khẩu điện cho các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã và đang trở thành hiện thực.
Tình hình thực hiện đầu tư dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam Tình hình thực hiện đầu tư dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

Nhằm đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mới đây, đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) do ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV dẫn đầu đã làm việc với một số chủ đầu tư nguồn điện tại Lào.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào: 81% lượng điện tiêu thụ ở đất nước này là từ nguồn thủy điện và 17% là nhiệt điện than và 2% từ nguồn điện mặt trời, sinh khối.

Hiện Lào có 90 nhà máy điện, với tổng công suất lắp đặt gần 11.000 MW. Trong đó có 77 nhà máy thủy điện, 8 nhà máy điện mặt trời, 4 dự án sinh khối và 1 nhà máy nhiệt điện than.

Chính phủ Lào đã có kế hoạch tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 11%, được thông qua trong Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025). Theo đó, tỷ trọng nguồn thủy điện và nhiệt điện than sẽ lần lượt giảm xuống còn 75% và 14% vào năm 2025. Đây là một phần trong nỗ lực của Lào nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô và giảm thiểu nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào: Thách thức lớn nhất của quốc gia này chính là khoảng 1.500 MW từ nguồn thủy điện bị lãng phí trong mùa mưa lũ, trong khi vào mùa khô lại phải nhập khẩu điện từ Thái Lan với mức giá đắt hơn (gần gấp đôi) từ Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT).

Theo TS. Sinava Souphanouvong - Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào: Mặc dù không có nhà máy điện mới nào đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng Chính phủ Lào đang thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án năng lượng quy mô lớn đã được phê duyệt trong Kế hoạch 5 năm và cam kết đẩy mạnh khai thác tiềm năng của ngành năng lượng để có thể bán nhiều điện hơn cho các nước láng giềng.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, thì quốc gia này có khả năng sản xuất 10.000 - 15.000 MW từ nguồn điện mặt trời và khoảng 100.000 MW từ nguồn điện gió.

Phát triển điện mặt trời quy mô lớn:

Chương trình hành động của Chính phủ Lào được bắt đầu với dự án điện mặt trời Attapeu (SAPP) có tổng công suất lắp đặt là 50 MW, trị giá 69,2 triệu USD (từ nguồn vay của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - DFC) và một đường dây tải điện 115 kV ở tỉnh Attapeu, do Công ty TNHH Solar Attapeu Power Sole (SAPC) làm chủ đầu tư. Dự án này vừa được khởi công ngày 12/8 vừa qua tại huyện Xaysettha, tỉnh Attapeu và dự kiến bắt đầu vận hành thương mại vào cuối năm 2023.

Nguồn điện từ SAPP sẽ được bán cho Điện lực Nhà nước Lào (Électricité du Las - EDL) theo thỏa thuận mua bán điện (PPA) kéo dài trong 30 năm.

Từ năm 2014, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã hợp tác với Chính phủ Lào và các cấp chính quyền một số địa phương để lựa chọn địa điểm phát triển dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên tại Lào.

Vào tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Lào và các cổ đông trong Nhà máy Thủy điện Nam Theun 2 cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Năng lượng EDF của Pháp để phát triển dự án điện mặt trời nổi Nam Theun 2 - Solar, công suất lắp đặt 240 MW. Dự án điện mặt trời nổi này được xây dựng trên hồ chứa của Thủy điện Nam Theun 2 (1,08 GW) ở tỉnh Khammuan.

Theo Công ty Điện lực Nam Theun 2: Đây là trang trại năng lượng mặt trời nổi hỗn hợp lớn nhất trên thế giới, có diện tích 3,2 km2.

Dự án này nhằm mục tiêu tiết kiệm nước và tích nước cho mùa khô (khi có ánh nắng mặt trời các tấm pin nổi giúp giảm lượng nước bốc hơi và sử dụng ít nước hơn).

Theo ông Jean-Philippe Buisson - Phó Chủ tịch EDF phụ trách khu vực châu Á: Dự án Nam Theun - 2 Solar sẽ cung cấp nguồn năng lượng sạch, an toàn, đáng tin cậy và cạnh tranh, không có tác động lớn đến môi trường, hoặc xã hội. Khái niệm tiết kiệm nước ở đây là một sự đổi mới để tạo ra nguồn điện tái tạo theo cách thức đáng tin cậy hơn.

Chính sách phát triển điện gió, mặt trời quy mô lớn và xuất khẩu năng lượng của Lào
Trang trại mặt trời nổi hỗn hợp Nam Theun - 2 Solar tại tỉnh Khammuan. Ảnh: EDF

Những trang trại điện gió khổng lồ:

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á: Các trang trại điện gió ở Lào có khả năng tạo ra 1,6 GW hiện đã được lên kế hoạch (bao gồm dự án điện gió Monsoon 600 MW, được xây dựng gần sông Mekong, tại các tỉnh Xekong và Attapeu, ở phía Đông Nam nước Lào, nằm cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km). Khi đi vào vận hành thương mại, nguồn điện sẽ được xuất khẩu cho Việt Nam.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty Năng lượng Tái tạo Thái Lan Impact Energy Asia Development Limited (IEAD), được góp vốn bởi Hong Kong’s Impact Wind Investment Limited (55%) và BCPG Public Company Limited có trụ sở tại Thái Lan (45%).

Dự án điện gió Monsoon được coi là trang trại điện gió xuyên biên giới đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á (đến thời điểm hiện tại), với tổng vốn đầu tư khoảng 930 triệu USD. Trang trại điện gió này dự kiến bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2025 và sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Lào sau 25 năm nhượng quyền.

Công suất của trang trại điện gió Monsoon sẽ được mở rộng tăng hơn gấp đôi công suất (khoảng 1,6 GW), trong đó, 95% điện năng dự kiến ​​sẽ được bán cho thị trường ASEAN (chủ yếu cho Thái Lan, Việt Nam).

Dự án này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong Chính sách phát triển lưới điện ASEAN bán điện từ Lào sang Việt Nam và bán điện từ Lào qua lưới điện của Thái Lan và Malaysia cho Singapore.

Vào tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ dự án này và chỉ đạo EVN xây dựng các công trình truyền tải điện cần thiết tại Việt Nam.

Một năm sau đó (tháng 7 năm 2021), Hợp đồng mua bán điện giữa IEAD với EVN đã được ký kết và Hợp đồng điều chỉnh, sửa đổi được ký kết vào tháng 1 năm 2022. Toàn bộ sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Việt Nam theo Hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN.

Chính sách phát triển điện gió, mặt trời quy mô lớn và xuất khẩu năng lượng của Lào
Một cột đo gió được các nhà đầu tư thực hiện tại Lào.

Ngoài trang trại điện gió Monsoon, mới đây, Chính phủ Lào đã cho phép Công ty TNHH Impact Electrons Siam - một thành viên của IEAD thực hiện nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường tại một trang trại gió có tên là Xekong, công suất 1 GW. Vào tháng 2 năm nay, Keppel Infrastructure Holdings, Impact Electrons Siam và Envision đã ký biên bản ghi nhớ về khả năng mở rộng tiềm năng cho dự án này./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (NGUỒN: MEKONGASEAN)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động