RSS Feed for Tình hình thực hiện đầu tư dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 01:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tình hình thực hiện đầu tư dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

 - Nhằm đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mới đây, đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) do ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV dẫn đầu đã làm việc với một số chủ đầu tư nguồn điện tại Lào.
Cập nhật tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện độc lập ở Việt Nam Cập nhật tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện độc lập ở Việt Nam

Như chúng ta đều biết, hiện ở Việt Nam có 10 dự án nguồn điện đang triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức IPP (dự án nguồn điện độc lập), với tổng công suất 11.092 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 dự án đang hoạt động (triển khai chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng), còn lại gần như không hoạt động do gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động vốn, giải phóng mặt bằng... Theo cập nhật tiến độ mới nhất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy: Các dự án IPP “đang hoạt động” đều đã chậm tiến độ nhiều năm và phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chuyên gia Việt Nam sẽ tham gia quản lý vận hành hồ, đập thủy điện tại Lào Chuyên gia Việt Nam sẽ tham gia quản lý vận hành hồ, đập thủy điện tại Lào

Ngày 1/8/2022, tại Hà Nội, đoàn công tác của Cục Quản lý An toàn Công nghiệp Năng lượng (DESM) thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi về công tác vận hành hồ chứa, an toàn hồ, đập thủy điện, cũng như khả năng hợp tác trong lĩnh vực quản lý an toàn đập, hồ chứa.

Theo báo cáo Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) - chủ đầu tư Nhà máy điện gió Monsoon, thì dự án này có tổng công suất 600 MW, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 930 triệu USD, được xây dựng ở phía Đông Nam nước Lào, nằm cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km, nhằm mục đích xuất khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Đây là dự án trang trại điện gió đầu tiên ở Lào và là một trong những dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á (đến thời điểm hiện nay).

Theo IEAD, tại Lào, chu kỳ mùa gió ngược với chu kỳ mùa mưa, do đó, các nguồn điện gió sẽ là sự bổ sung rất hữu ích cho tổng công suất nguồn điện của Lào vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy thủy điện. Hiện dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu vận hành thương mại (COD) vào quý 2 năm 2025.

Dự án Nhà máy điện gió Monsoon được triển khai theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm mục tiêu nhập khẩu nguồn điện năng lượng tái tạo từ Lào về Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ dự án này và chỉ đạo EVN xây dựng các công trình truyền tải điện cần thiết tại Việt Nam.

Vào tháng 7 năm 2021, Hợp đồng mua bán điện giữa IEAD với EVN đã được ký kết và Hợp đồng điều chỉnh, sửa đổi được ký kết vào tháng 1 năm 2022. Toàn bộ sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Việt Nam theo Hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN.

Tình hình thực hiện đầu tư các dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam
Tổng quan về dự án Nhà máy điện gió Monsoon.

Việc nhập khẩu điện từ dự án điện gió Monsoon về Việt Nam được thực hiện thông qua đường dây 500 kV mạch kép (từ TBA 500 kV Monsoon đến TBA 500 kV Thạnh Mỹ). Trong đó, chiều dài đường dây trên địa phận Lào là 22 km (do IEAD làm chủ đầu tư, thực hiện thông qua hợp đồng EPC), phần trên lãnh thổ Việt Nam là 44 km (do EVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 2 thực hiện quản lý dự án).

Theo thiết kế, đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ không chỉ truyền tải công suất từ dự án điện gió Monsoon, mà còn truyền tải công suất của các cụm nhà máy thủy điện: Xekong (3A, 3B, 5), Xekaman (2A, 2B) do Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) làm chủ đầu tư đấu nối vào TBA 500 kV Monsoon với tổng công suất khoảng 870 MW.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết: Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ là hệ thống truyền tải 500 kV đầu tiên liên kết lưới truyền tải điện của Việt Nam với quốc gia khác. Do đó, để đường dây có thể đấu nối vào TBA 500 kV Thạnh Mỹ (do EVNNPT/PTC2 đang quản lý vận hành) cần phải thực hiện dự án mở rộng ngăn lộ và cải tạo TBA 500 kV Thạnh Mỹ (do EVNNPT làm chủ đầu tư). Dự án này EVNNPT đã giao Ban QLDA truyền tải điện (NPTPMB) thực hiện quản lý dự án từ tháng 9/2021.

Dự án mở rộng ngăn lộ và cải tạo TBA 500 kV Thạnh Mỹ dự kiến được xây dựng trên cơ sở mở rộng diện tích TBA 500 kV Thạnh Mỹ hiện hữu, trên địa bàn thôn Cà Đăng, xã Tà B‘Hing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với quy mô như sau:

- Mở rộng ngăn lộ tại TBA 500 kV Thạnh Mỹ: Đầu tư mở rộng 2 ngăn lộ 500 kV tại TBA 500 kV Thạnh Mỹ phục vụ đấu nối đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ, hoàn thành đồng bộ với dự án đường 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) do EVNPMB2 thực hiện.

- Cải tạo sơ đồ phía 500 kV từ sơ đồ tứ giác sang sơ đồ 3/2 bao gồm cả dự phòng vị trí cho các ngăn lộ 500 kV đồng bộ với đường dây 500 kV (4 mạch) Thạnh Mỹ - rẽ Quảng Trạch - Dốc Sỏi (giai đoạn 2021 - 2025) và đường dây 500 kV Thạnh Mỹ - Pleiku 2 mạch 2 (giai đoạn 2026 - 2030) theo dự thảo Quy hoạch điện VIII.

- Chuyển đổi, sắp xếp lại các đấu nối 220 kV hiện có (hoặc đang thực hiện đầu tư) trước trạm và đầu tư các ngăn lộ tại TBA 500 kV Thạnh Mỹ để đấu nối đồng bộ các đường dây 500 kV theo dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Hiện nay, NPTPMB đang rất khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án để đáp ứng tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2024.

Tình hình thực hiện đầu tư dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam
Buổi làm việc giữa EVNNPT và IEAD.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng mong muốn IEAD thường xuyên trao đổi thông tin với EVNNPT, thông qua đầu mối là NPTPMB về tiến độ triển khai các dự án điện gió Monsoon, đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (phần trên địa phận Lào) và TBA 500 kV Monsoon. Đồng thời giao các ban liên quan của Tổng công ty hỗ trợ tối đa cho NPTPMB trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án và yêu cầu NPTPMB tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các thủ tục để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Tại Thủ đô Viêng Chăn, EVNNPT cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Phongsubthavy (Lào) - chủ đầu tư của cụm thủy điện Nậm Sum và rất nhiều nhà máy thủy điện khác tại Lào.

Phongsubthavy (PGC) là tập đoàn tư nhân, đăng ký hoạt động từ năm 2001 và có trụ sở tại Lào. Lĩnh vực kinh doanh chính của PGC là đầu tư các nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện than.

Tính đến thời điểm hiện tại, PGC đã ký 7 biên bản ghi nhớ với EVN về việc nhập khẩu điện từ 26 dự án thủy điện từ Lào về Việt Nam, trong đó đã ký 14 hợp đồng PPA với tổng công suất là 471 MW và đang trình Chính phủ 2 nước chủ trương nhập khẩu điện với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết: Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần nguồn điện nhập khẩu trong giai đoạn 2022 - 2025 khoảng 3.853 MW - 4.728 MW, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 3.936-5.742 MW và đến năm 2045 lên đến 11.042 MW để bổ sung cho nguồn điện thiếu hụt trong nước. Tuy nhiên, hiện nay việc nhập khẩu nguồn điện từ các nước lân cận vào Việt Nam mới ở mức dưới 1.500 MW (700 - 800 MW từ Trung Quốc và khoảng 572 MW từ cụm thủy điện Xekaman thuộc Nam Lào, qua 2 tuyến đường dây 220 kV Xekaman 3 - TBA 500 kV Thạch Mỹ và Xekaman 1 - Pleiku 2).

Theo kế hoạch, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Cụ thể:

1/ Khu vực Bắc Lào có tổng công suất tiềm năng nhập khẩu về Việt Nam lên đến gần 4.000 MW. Để nhập khẩu hết lượng công suất này thì cần xây dựng 4 đường dây truyền tải bao gồm:

- Đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống (mạch kép, 2xACSR 330/43) đang được xây dựng và dự kiến vận hành năm 2023 (phần trên lãnh thổ Việt Nam do EVNNPT làm chủ đầu tư, NPMB thực hiện quản lý dự án).

- Đường dây 220 kV Nậm Mô - Tương Dương (mạch kép, 2xACSR 330/43) đang được xây dựng và dự kiến vận hành 2022 (phần trên lãnh thổ Việt Nam do EVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 1 thực hiện quản lý dự án).

- Đường dây 220 kV Nậm Ou 5 - Điện Biên đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến vận hành giai đoạn 2023 - 2024 (phần trên lãnh thổ Việt Nam do EVNNPT làm chủ đầu tư, NPMB thực hiện quản lý dự án).

- Đường dây 500 kV Sam Neau - Ninh Bình, dự kiến vận hành giai đoạn 2026 - 2030.

2/ Khu vực phía Trung Lào có tiềm năng điện gió, nhiệt điện và thủy điện nên các nhà máy điện gió, nhiệt điện khu vực này được đề xuất bán điện cho Việt Nam với công suất khá lớn (trong đó có nhiệt điện Boualapha 2.000 MW dự kiến đấu nối bằng đường dây 500 kV về trạm 500 kV Hà Tĩnh).

3/ Khu vực Nam Lào có tiềm năng phát triển nguồn điện rất lớn, đặc biệt nguồn thủy điện. Các nguồn điện khu vực Nam Lào được đề xuất nhập khẩu về Việt Nam với tổng công suất 3.329 MW, trong đó các nguồn điện đã được nghiên cứu phương án liên kết nhập khẩu với tổng công suất là 1.711 MW (gồm các nhà máy thủy điện với tổng công suất 1.111 MW và dự án điện gió Monsoon - 600 MW).

Tình hình thực hiện đầu tư dự án nguồn, lưới nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam
Buổi làm việc giữa EVNNPT và PGC.

Về tình hình thi công các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ cụm thủy điện Nậm Sum về Việt Nam, ông Bounnam Khamphilavanh - Phó tổng Giám đốc PGC cho biết: Theo kế hoạch, PGC sẽ khởi công dự án trạm cắt 220 kV Nậm Sum vào tháng 11/2022, dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống (phần trên địa phận Lào, dài khoảng 2,4 km) vào tháng 1/2023 và dự kiến hoàn thành 2 dự án này trong quý 2/2023. Tổng công suất các nguồn thủy điện đấu nối về trạm cắt 220 kV Nậm Sum là 523 MW.

Về dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống (phần trên địa phận Việt Nam), ông Hoàng Văn Tuyên - Giám đốc NPMB cho biết: Đường dây có quy mô 2 mạch, dài khoảng 130 km, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam - Lào) đến TBA 220 kV Nông Cống gồm 299 vị trí (VT) móng cột (trong đó 80% số VT móng liên quan đến đất rừng), đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.149 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công vào tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2023. Hiện nay, NPMB đang khẩn trương triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng dự án. Đến nay, đã bàn giao được 136/299 VT móng, đã hoàn thành thi công đúc móng được 69 VT. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án là công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của cụm thủy điện Nậm Sum, Chủ tịch HĐTV EVNNPT đã đề nghị Tập đoàn Phongsubthavy tích cực trao đổi thông tin, phối hợp và hỗ trợ NPMB làm việc với UBND các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng như thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn các tỉnh này./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động