RSS Feed for Cập nhật tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện độc lập ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 22:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cập nhật tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện độc lập ở Việt Nam

 - Như chúng ta đều biết, hiện ở Việt Nam có 10 dự án nguồn điện đang triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức IPP (dự án nguồn điện độc lập), với tổng công suất 11.092 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 dự án đang hoạt động (triển khai chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng), còn lại gần như không hoạt động do gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động vốn, giải phóng mặt bằng... Theo cập nhật tiến độ mới nhất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy: Các dự án IPP “đang hoạt động” đều đã chậm tiến độ nhiều năm và phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cập nhật tiến độ dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch Cập nhật tiến độ dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch

Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch bao gồm 3 dự án thành phần: Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2. Đây được xem là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình, nhưng hiện đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Còn với dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi công nghệ từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí.

Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Cập nhật tiến độ các dự án hạ nguồn Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Cập nhật tiến độ các dự án hạ nguồn

Theo kế hoạch, dự án Nhiệt điện Ô Môn 4 sẽ được khởi công vào quý 2/2023. Tuy nhiên, tiến độ dự án này còn phụ thuộc kế hoạch phát triển cụm mỏ khí Lô B. Còn với dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, đến thời điểm này vẫn chưa được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất sử dụng vốn ODA và UBND TP Cần Thơ chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án, v.v... Nếu không không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên sẽ dẫn đến trễ tiến độ cả Chuỗi khí Lô B.

1/ Dự án Thủy điện Hồi Xuân (102 MW) - theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) yêu cầu tiến độ vận hành năm 2018:

Về thi công xây dựng tại dự án Thủy điện Hồi Xuân, theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện các hạng mục công trình chính đạt khoảng trên 98% khối lượng. Dự kiến đến cuối năm 2022 (sau khi dự án được tiếp tục cấp vốn) sẽ tiếp tục thi công và tiến hành tích nước.

Còn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình tránh ngập trên địa bàn huyện Quan Hóa, dự kiến sẽ bắt đầu ngay sau khi được giải ngân vốn vay.

Về khó khăn vướng mắc tại dự án này, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO cho biết: Ngày 25/6/2021, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngay sau khi hợp đồng được ký, chủ đầu tư đã làm việc với các tổ chức tín dụng trong nước để thu xếp khoản vay bổ sung, tuy nhiên việc đàm phán khoản vay gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát và thời gian của một số thủ tục vay vốn với ngân hàng bị kéo dài.

Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương khắc phục khó khăn sớm thỏa thuận được khoản vay bổ sung để có nguồn triển khai thi công, thử nghiệm hoàn thành dự án. Dự kiến có thể thu xếp được vốn và thi công trở lại cuối năm 2022 và phấn đấu phát điện các tổ máy vào đầu năm 2023.

2/ Dự án Nhiệt điện Công Thanh (1x600 MW) - theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) yêu cầu tiến độ vận hành năm 2020:

Với dự án này, Hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký với Công ty mua bán điện EVN từ ngày 27/2/2020. Hiện dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, san gạt mặt bằng nhà máy chính đến cao độ thiết kế nhà máy chính, đã xây tường rào nhà máy chính và nhà điều hành của tổng thầu, v.v…

Còn hợp đồng EPC và thu xếp vốn đã được ký từ tháng 12/2019 giữa Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh với Liên danh Tổng thầu là Viện Thiết kế Trung Nam (CSEPCDI) và Tập đoàn Kỹ thuật Điện lực Quảng Đông - Trung Quốc (GPEC). Tuy nhiên, do Chính phủ Trung Quốc có chủ trương ngừng cấp vốn đầu tư nước ngoài đối với các dự án nhiệt điện than, nên Nhiệt điện Công Thanh đang nghiên cứu phương án chuyển đổi nhiên liệu, công nghệ từ than sang sử dụng khí LNG nhập khẩu và tìm đối tác thu xếp vốn để thực hiện dự án.

Gần đây nhất, ngày 4/7/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận chuyển đổi dự án này sang sử dụng nhiên liệu LNG và thay đổi công suất lên 1.500 MW trong Quy hoạch điện VIII sắp tới.

3/ Dự án Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang (1x650 MW) - theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) yêu cầu tiến độ vận hành năm 2022 - 2023:

Dự án Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang, mặc dù chủ đầu tư đã đàm phán được khoản vay thương mại từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), nhưng do thay đổi chính sách từ Chính phủ Trung Quốc nên phải chuyển sang thu xếp vay vốn từ các ngân hàng trong nước. Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục vay vốn thanh toán cho hợp đồng EPC.

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu nhà máy chính, đã thi công công trình phụ trợ và đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục thuê đất đợt 2.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đối với phần diện tích bãi tro xỉ, hành lang tuyến ống... của dự án này sẽ hoàn thành chậm nhất vào tháng 12/2023.

4/ Dự án Nhiệt điện khí Ô Môn 2 (1.050 MW) - theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) yêu cầu tiến độ vận hành dự kiến năm 2022 - 2023 (đồng bộ tiến độ dự án khí Lô B):

Ngày 20/6/2022, Tổ hợp nhà đầu tư (Marubeni - Vietracimex) đã trình lại Bộ Công Thương báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án. Được biết, hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu Tổ hợp nhà đầu tư bổ sung đủ các tài liệu về phòng cháy chữa cháy và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định.

Còn về đàm phán các thỏa thuận thương mại: Ngày 20/6/2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi thông báo cho Liên danh Marubeni - Vietracimex về khả năng cấp khí Lô B cho Nhiệt điện Ô Môn 2.

Ngày 27/6/2022, Liên danh Marubeni - Vietracimex có văn bản trả lời PVN. Theo Tổ hợp nhà đầu tư, trên tinh thần đàm phán linh hoạt, Marubeni - Vietracimex có thể thống nhất với đề xuất của PVN, nhưng lưu ý một số điểm để các bên có thể hoàn tất đàm phán, ký các thỏa thuận thương mại của dự án Nhiệt điện Ô Môn 2.

Cụ thể, Liên danh Marubeni - Vietracimex đề xuất thời hạn của hợp đồng bán khí - GSA cần đồng bộ với thời hạn của hợp đồng mua bán điện - PPA, nên đề nghị PVN cung cấp nguồn khí khác (sau khi hết khí Lô B đảm bảo thời gian 25 năm của PPA)./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động