RSS Feed for Bình luận về trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 08:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bình luận về trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

 - Sau khi Tạp chí Năng lượng Việt Nam xuất bản bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, BBT nhận được nhiều ý kiến bình luận, phản biện đa chiều, trong đó có ý kiến của TS. Tô Văn Trường (chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về tài nguyên và môi trường). Cho rằng, qua bài phỏng vấn Bộ trưởng, nhiều vấn đề cần phải được quan tâm, làm rõ.

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG

 

 



Tôi đã đọc bài Bộ trưởng Công Thương trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh nguy cơ thiếu điện cận kề; những lo ngại về an ninh năng lượng khi nhiều dự án chậm được khởi công và không đảm bảo tiến độ; vấn đề nhập khẩu nhiên liệu than, LNG cho sản xuất điện; cơ chế phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh, Lô B; chính sách phát triển nguồn, lưới điện, năng lượng tái tạo, cũng như cơ hội, thách thức trong nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc trong tương lai tới...

Nhận xét chung

Qua nội dung phỏng vấn cho thấy, Bộ trưởng nắm chắc những vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách, trả lời khá thẳng thắn các câu hỏi của Phóng viên với những thông tin mạch lạc và chi tiết.

Trong đó, người đọc chú ý đến nội dung các nguyên nhân gây chậm tiến độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng đến phát triển điện theo Quy hoạch điện 7, một số địa phương lo ngại về vấn đề môi trường. Bộ trưởng có cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong đầu tư và vận hành các nhà máy nhiệt điện. Trên thực tế, rất nhiều địa phương đang từ chối các nhà máy nhiệt điện than vì môi trường, sợ ô nhiễm, sợ tro xỉ. Những nỗi lo đó, là vấn đề thời sự khi một số nhà máy cam kết thì hay, nhưng khi thực hiện thì dở! Bởi vì thực tế tại một số nơi, vẫn nhiều nhà máy làm hình thức, chưa thực sự coi môi trường là một vấn đề sống còn của nhà máy. Vẫn ngại tốn kém khi đầu tư và vận hành các thiết bị xử lý khí thải, cán bộ nhà máy chưa được tập huấn đầy đủ vẫn lơ mơ vấn đề môi trường, thông tin số liệu chưa công khai để dân hiểu (một số nhà máy đã công khai dữ liệu nhưng để dưới dạng mà chuyên gia cũng không hiểu hết chứ chưa nói đến dân, các sở TNMT chưa đủ năng lực để tiếp nhận và xử lý số liệu ...), chưa làm cho dân địa phương yên tâm, nhất là vấn đề xử lý tro xỉ!

Các vấn đề còn tồn tại cần quan tâm làm rõ

Thứ nhất: Người dân vẫn mong muốn có trọng điểm về vấn đề quan trọng và hướng giải pháp, nhằm cân đối cung - cầu trong 10 năm sắp tới là bao nhiêu cũng như hướng giải quyết cụ thể nguồn cung như thế nào?

Thứ hai: Bộ trưởng sẽ chỉ đạo cụ thể ở từng nhà máy (hiện chỉ có 27 nhà máy đang hoạt động): đã làm những gì, những gì chưa được, những gì cần làm ngay, công khai thông tin cho người dân biết và chăm lo quan tâm đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Thứ ba: Ba thành tích (1, 2,3) đầu tiên trong bài trả lời phỏng vấn không phải là thành tích. Chưa dám đụng chạm tới vấn đề giá điện ngoài một câu nhỏ nhỏ là nếu đầu tư 4.000 MW điện từ NLG thì giá điện tổng thể tăng khoảng 1,2%.

Thứ tư: Xuyên suốt cuộc phỏng vấn là giải quyết vấn đề thiếu điện, nhưng giải pháp cho nó chủ yếu tập trung vào vấn đề phát triển nguồn cung điện, mà không có chiến lược đặc biệt nào để tối ưu hóa giảm thiểu nguồn cầu.

Thực ra, để giải quyết một vấn đề thì nên nhìn cân bằng cả hai phía cung cầu. Bộ trưởng chỉ đặt trách nhiệm vào nguồn cung để đáp ứng nguồn cầu thì sẽ thiên lệch. Nguồn cầu có từ đâu? Từ các ngành công nghiệp, nhà máy... đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta cần tối ưu hóa nguồn cầu để qua đó nâng cao chất lượng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Nếu cần thì đặt ra luôn chỉ tiêu cần phải có trong dự án đầu tư về chỉ số điện năng tiêu thụ trên giá trị sản phẩm sản xuất ra làm tiêu chí đánh giá cấp phép đầu tư chẳng hạn.

Thứ năm: Về căn bản, bài phỏng vấn vẫn chỉ ra sự đáp ứng nguồn cung chủ yếu tập trung vào nhiệt điện than. Đây dẫu sao cũng là điều cần thiết trong giai đoạn này, nhưng lại trái ngược với sự mong đợi của công luận. Việc nói sâu hơn về tối ưu hóa nguồn cầu sẽ giúp nhẹ bớt cái ấn tượng này của bài phỏng vấn và giúp cho công luận cảm nhận được sự trọn vẹn hơn trong tư duy của một vị lãnh đạo ngành vốn quản lý cả nguồn cung lẫn phần lớn nguồn cầu.

Xin lưu ý

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung (nguyên Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cho tôi biết: Từ thập niên 90 đã vô cùng lo lắng cho vấn đề năng lương và kinh tế năng lượng của nước nhà. Theo Nguyễn Trung, một số Bộ trưởng trước Trần Tuấn Anh phạm một sai lầm rất lớn là chỉ lo cho công việc trong nhiệm kỳ của chính họ để hạ cánh an toàn và thỏa mãn được những yêu cầu riêng, trong khi đó chiến lược phát triển năng lượng thì không có nhiệm kỳ.

Nhà nghiên cứuh Nguyễn Trung mong Trần Tuấn Anh với cương vị Bộ trưởng của mình, lại là một Bộ trưởng trẻ, hãy cống hiến hết mình trong nhiệm kỳ này cho 2 nhiệm vụ:

Một là: Bảo đảm đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia trong  nhiệm kỳ của mình.

Hai là: Thiết kế và tranh thủ được sự chấp thuận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về chiến lược năng lượng quốc gia cho đến giữa thế kỷ này.

Theo tôi, trong chiến lược năng lượng điện, "tư lệnh ngành" phải tính đến bài toán cơ cấu lại các thành phần năng lượng tham gia vào kinh tế năng lượng của nước ta, vì cơ cấu kinh tế năng lượng hiện nay của nước ta quá nguy hiểm trên cả 3 phương diện: Kinh tế, môi trường, công nghệ, đang đặt ra cho nước ta rất nhiều thách thức lớn và sự lệ thuộc nhạy cảm đang ngày càng nghiêm trọng vào bên ngoài (theo nghĩa: Sự lệ thuộc là tất yếu, song có sự lệ thuộc dẫn đến cái thòng lòng "treo cổ", đặt ra đòi hỏi phải đi tìm và tạo ra chiến lược có khả năng lựa chọn sự lệ thuộc nào phía ta có nhiều khả năng xử lý, bù đắp hay cân đối lại trực tiếp, hay gián tiếp có hiệu quả hơn).

Nếu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra được đối với đất nước một chiến lược như vậy sẽ là công lao rất lớn, góp phần chấm dứt thói quen và lẽ sống "tư tưởng nhiệm kỳ" trong hệ thống chính trị hiện nay, chưa nói đến việc quốc gia sẽ được nhờ vả gì!

Trong lĩnh vực chiến lược năng lượng nhìn chung cần công khai, minh bạch để tranh thủ hợp tác quốc tế và thu hút FDI (ngoại trừ vấn đề "nhạy cảm" báo cáo riêng với lãnh đạo) nhưng phải tính đến những trường hợp bất ngờ nhất, để chủ động trong mọi tình huống (kể cả ở Biển Đông) chứ không phài để "co lại, chưa bị đánh đã giơ tay hàng".

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động