RSS Feed for Vì sao gió, mặt trời chưa thể cung cấp năng lượng cho nền văn minh hiện đại? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 15:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao gió, mặt trời chưa thể cung cấp năng lượng cho nền văn minh hiện đại?

 - Như chúng ta đã thấy, bên cạnh những cuộc vận động, phong trào ủng hộ phát triển điện gió, điện mặt trời, cũng đã có những ý kiến, bình luận mạnh mẽ về những "mặt trái", về "hiệu quả" và "chí phí" của nguồn năng lượng này. Với mong muốn bạn đọc có cái nhìn đa chiều về năng lượng tái tạo, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết dưới đây của Tiến sĩ Lars Schernikau - Cổ đông HMS Bergbau Group (Liên bang Đức và Singapore) với tựa đề: "Tại sao gió và mặt trời không (chưa) thể cung cấp năng lượng cho nền văn minh hiện đại?". Bài báo được đăng trên Tạp chí COAL ASIA (số 25/6-25/7/2019, Tr. 70-74).

Năng lượng gió: Các vấn đề chung



TS. LARS SCHERNIKAU (*)


Mấy gạch đầu dòng:

- Chi phí cho việc tạo ra năng lượng tái tạo đã giảm nhanh hơn so với dự đoán, đây là một điều tốt, nhưng các chi phí này sẽ không giảm tiếp được 10 lần nữa vì các giới hạn vật lý.

- Các so sánh phổ biến giữa năng lượng tái tạo với sản xuất điện thông thường là sai lệch và nhầm lẫn. Bạn không thể đơn giản so sánh chi phí cận biên cho một công suất không liên tục với chi phí cận biên cho một công suất cơ sở.

- Việc bổ sung thêm điện gió và mặt trời vào lưới điện vượt quá một ngưỡng nhất định không chỉ không kinh tế, mà quan trọng hơn là gây tổn hại cho môi trường.

- Việc phát thải khí nhà kính của khí thiên nhiên từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng về cơ bản, cũng giống như đối với than. Do đó, việc thay thế than bằng khí đốt sẽ không đạt được gì ngoài việc tăng chi phí.

- Nhu cầu về tiêu hao vật chất và do đó, tác động môi trường của các loại năng lượng tái tạo ngày nay, kể cả pin mặt trời vượt xa các nguồn điện truyền thống.

"Lý do năng lượng tái tạo không thể trở thành nguồn năng lượng của nền văn minh hiện đại là bởi vì chúng không bao giờ có ý nghĩa. Một câu hỏi thú vị là tại sao bất cứ ai cũng từng nghĩ rằng năng lượng tái tạo là có thể". (Forbes, tháng 5 năm 2019). Tôi không thể nói hay hơn thế. Thế giới có một kẻ thù mới: "Nhiên liệu hóa thạch và carbon dioxide mà chúng thải ra". Kẻ thù mới này đã khiến hầu hết các quốc gia, ngân hàng lớn và hầu hết các tập đoàn công nghiệp lớn phải chạy theo các nguồn năng lượng tái tạo mà họ có thể có được. Hàng tỷ và hàng nghìn tỷ USD, chủ yếu là của những người nộp thuế, đang được chi cho việc xây dựng các trang trại gió và các tấm pin mặt trời mới. Tín dụng carbon được giao dịch, tiền tiếp tục chảy từ tay này sang tay khác (thường là từ nghèo sang giàu), bằng cách nào đó đang làm tăng chi phí năng lượng khi chúng ta thấy ở khắp mọi nơi trên báo chí rằng ngày nay năng lượng tái tạo đã trở nên rẻ như vậy?

Bạn cũng đã nghe nói về những dự án hứa hẹn năng lượng mặt trời ở mức 3 US cent mỗi kWh?

Hãy để tôi làm rõ trước, tôi là người luôn ủng hộ năng lượng tái tạo. Tương lai lâu dài của chúng ta sẽ cần và sẽ là tất cả các loại tái tạo... Nhưng liệu những gì chúng ta hiện đang làm có thực sự tốt cho môi trường của chúng ta? Có phải ngày nay, công nghệ năng lượng mặt trời và gió là giải pháp cho các vấn đề năng lượng của chúng ta? Tôi muốn đưa bạn, người đọc, vào một hành trình thoát khỏi suy nghĩ tiêu chuẩn hiện tại.

Vì vậy, xin hãy chịu đựng tôi, và quên đi một giây những gì bạn biết để xem xét những điều sau đây.

Hình 1: Đồ thị về năng lượng toàn cầu. Ghi chú: Điện sơ cấp được chuyển đổi theo phương pháp tương đương trực tiếp. Nguồn: Dữ liệu được biên soạn bởi J. David Hughes. Dữ liệu sau năm 1965 từ BP, Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới (hàng năm). Dữ liệu trước năm 1965 từ Arnulf Grubler, "Công nghệ và Thay đổi toàn cầu": Phụ lục dữ liệu (1998).

 

Thế giới ngày nay có gần 8 tỷ người sinh sống và chúng ta đang nuôi dưỡng sự khao khát quyền lực của mình tới gần 80% với các dạng hydrocarbon (than, khí đốt, dầu mỏ), hay dùng từ ngữ "nhiên liệu hóa thạch". Gió và mặt trời chiếm khoảng 2% năng lượng sơ cấp năm 2017, phần còn lại chủ yếu đến từ hạt nhân, thủy điện và một số sinh khối. Hãy nhớ rằng, chỉ 100 năm trước chúng ta là 2 tỷ người. Trong số 8 tỷ người ngày nay, có ít nhất 3 tỷ người không có, hoặc chỉ có quyền tiếp cận thất thường đến năng lượng. Chúng ta có thể mong đợi để thêm +3 tỷ người nữa được tiếp cận trong 50 năm tới.

Như vậy, chúng ta sẽ có 6 tỷ khách hàng năng lượng mới tham gia vào hành tinh yêu thương của chúng ta. Không chỉ dân số của chúng ta sẽ tăng mà khi chúng ta khao khát được sử dụng iPhone mới, máy tính, máy bay, ô tô và du hành vũ trụ nhanh hơn, thì mức tiêu thụ điện trung bình trên đầu người sẽ tăng đáng kể.

Bây giờ hãy nhìn vào Hình 1 và ngoại suy cho tương lai. Bạn có thực sự tin rằng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện sẽ cung cấp cho bạn năng lượng chúng ta cần? Liệu chúng ta sẽ có đủ không gian cho cối xay gió và các tấm pin mặt trời? Liệu chúng có thể bền vững và thân thiện với môi trường trong tương lai? Liệu chúng có thể là "cuộc cách mạng năng lượng mới" như chúng ta đang hoang tưởng? Câu trả lời của tôi cho tất cả những câu hỏi đó là KHÔNG.

Nhưng nếu bạn không đồng ý cũng không sao. Tôi cũng đã đồng ý với chính mình cho đến khi cách đây không lâu trước khi tôi bắt đầu học môn này.

So sánh táo với cam

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió rõ ràng là không mới, không mới chút nào. Thậm chí không có điều gì phi thường, hay cách mạng về hai nguồn năng lượng đó. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ, chúng ta đã cải thiện đáng kể hiệu quả của chúng.

Trên thực tế, chúng ta đã thực hiện một công việc tuyệt vời đến mức chúng ta đang tiến gần đến giới hạn vật chất của các dạng năng lượng này. Giới hạn Betz nói rằng, một cánh quạt tua bin gió có thể thu được tối đa 60% động năng trong không khí - các cối xay gió hiện đại đã đạt tới 45%. Giới hạn Schockley-Queisser nói rằng, ở mức tối đa, 33% các photon ánh sáng có thể được chuyển đổi thành các electron trong quang điện silicon - PV hiện đại đạt 26%. "Thời đại của lợi nhuận 10 trên 1". Đừng mong đợi từ năng lượng những gì bạn nhìn thấy trong máy tính. Không có luật Moore về năng lượng. Chi phí sẽ không tiếp tục giảm, và thực tế đã đến lúc chúng ta phải có một cái nhìn toàn hệ thống khi nhìn vào mặt trời và gió, thay vì giả vờ rằng mặt trời và gió sẽ cứu chúng ta khỏi bất cứ điều gì chúng ta sợ, đồng thời cấp cho chúng ta đủ năng lượng chúng ta yêu cầu để thay thế than, khí đốt, dầu và hạt nhân.

Trong bài viết này, tôi sẽ không nói về các thành phần (hoặc các vật liệu) được yêu cầu để xây dựng lắp đặt năng lượng mặt trời và gió. Tôi sẽ không nói về việc cần phải khai thác và năng lượng cần thiết để khai thác, chế biến và vận chuyển các vật liệu khác nhau cần phải có bao gồm thép, xi măng, sợi thủy tinh, nhôm, silicon, và nhiều thứ khác (để phục vụ cho việc phát triển điện gió và điện mặt trời - ND).

Tôi cũng sẽ không nói về chi phí bảo trì, hoặc yêu cầu không gian, hoặc tác động đến cuộc sống và đất nông nghiệp, động vật, côn trùng, tốc độ không khí, ô nhiễm tiếng ồn, siêu âm tần số thấp và những thứ khác. Và tôi sẽ không so sánh các chi phí khác nhau này với sản lượng năng lượng của việc lắp đặt gió và mặt trời.

Điều tôi sẽ nói ở đây là nhu cầu dự phòng cho hầu hết mọi năng lượng mặt trời, hoặc năng lượng gió được tạo ra khi được sử dụng chúng trên quy mô lớn cho mục đích thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Hãy nhớ lời giới thiệu (ở trên - ND) "Lý do năng lượng tái tạo không thể trở thành nguồn năng lượng của nền văn minh hiện đại là bởi vì chúng không bao giờ có ý đó. Một câu hỏi thú vị là tại sao mọi người từng nghĩ rằng chúng có thể". Gió và mặt trời ngày nay vốn là phương tiện không liên tục để phát điện, chúng không thể và sẽ không bao giờ thay thế được nguồn năng lượng thông thường. Điều đó có nghĩa là chúng chỉ hoạt động khi gió thổi, hoặc mặt trời chiếu sáng. Thực tế không có diện tích đủ lớn để đảm bảo luôn có gió hoặc mặt trời. Trên toàn bộ lục địa Bắc Mỹ, thường xuyên có những khoảng thời gian kéo dài hàng giờ mà không có gió, hay mặt trời ở bất cứ đâu. Điều xảy ra cứ sau vài năm, có lẽ ít nhất một lần trong một thập kỷ là lục địa này trải qua cả một, hoặc hai ngày không có nắng hay gió ở bất cứ đâu (theo Mark Mills "Nền kinh tế năng lượng mới", Viện Manhattan, tháng 3 năm 2019).

Vì vậy, chúng ta cần tính toán chi phí của các tấm pin mặt trời, hoặc chi phí điện năng thông thường để dự phòng cho gió và mặt trời khi so sánh về giá điện. Không có giá điện nào được so sánh cùng mức (LCOE) hiện nay tính đến các chi phí này. Cả LCOE tiêu chuẩn cũng không tính (1) chi phí bổ sung cho các kết nối cần thiết, cũng không tính (2) chi phí quản lý hệ thống điện với các đầu vào có các nguồn điện biến đổi mạnh, cũng như không tính (3) tổn thất về kinh tế do phải lưu trữ than, khí hoặc năng lượng hạt nhân để dự phòng (cho những khi không có gió, hoặc ánh sáng mặt trời - ND).

Số (3) rất thú vị và thực sự giải thích lý do tại sao tổng chi phí điện năng tăng lên khi bạn lắp đặt quá nhiều tua bin gió, hoặc pin mặt trời ở một điểm nhất định. Điểm nhất định đó phụ thuộc vào quốc gia và khu vực, nhưng có một điều chắc chắn: Nước Đức đã từ lâu là một điểm đó, được minh họa rõ ràng bằng giá điện của họ cao quá mức (xem Hình 2).

Hình 2: Giá điện toàn cầu- điện ở Đức là đắt nhất. Lưu ý: Thống kê này cho thấy giá điện ở các quốc gia được chọn trên toàn thế giới chưa bao gồm VAT. Nguồn: Statista 2019.

Hình 3: Giá điện so sánh cùng điều kiện theo phương pháp cũ (LCOE) và theo phương pháp mới (VALCOE) của nhiệt điện chạy than và điện mặt trời ở Ấn Độ trong giai đoạn đến năm 2040. Nguồn: IEA, WEO, ngày 12/2/2019, Chuyên gia phân tích Brebt Wanner.

Chỉ gần đây, Tổ chức Năng lượng Quốc tế - IEA mới xây dựng và áp dụng một phương pháp luận về đo lường chi phí điện mới với tên được gọi là "Chi phí điện được điều chỉnh theo giá trị", hoặc VALCOE (để thay thế cho phương pháp luận cũ là LCOE - ND).

Vào tháng 2 năm 2019, IEA đã viết "Ở Ấn Độ, ví dụ, LCOE của pin mặt trời mới dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức của các nhà máy điện chạy than vào năm 2025. Nhưng câu chuyện lại khác nếu đánh giá theo VALCOE. Khi tỷ lệ của pin mặt trời vượt 10% vào năm 2030, giá trị phát điện ban ngày của năng lượng mặt trời giảm xuống và giá trị của chi phí biến đổi tăng lên".

Hình 3 minh họa các so sánh về giá điện giữa phương pháp LCOE hiện tại với phương pháp VALCOE mới và chính xác hơn. Hãy tưởng tượng tác động về kinh tế và môi trường của việc sử dụng LCOE so với VALCOE. Thật bi thảm khi nhận thức về chi phí thực sự của gió và mặt trời trở nên rõ ràng, nhưng điều tốt là cuối cùng nó cũng xuất hiện.

Bây giờ chúng ta dần dần bắt đầu hiểu tại sao Đức có giá điện cao nhất.

So sánh than với khí

Nước Đức đã nhận thức được rằng họ vẫn cần đến năng lượng thông thường mặc dù công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió khổng lồ đã được lắp đặt (tính đến cuối năm 2018, công suất năng lượng mặt trời lắp đặt là 59GW và năng lượng gió lắp đặt là 46GW, chiếm tỷ lệ 51% trong tổng công suất lắp đặt của Đức; nhưng tỷ lệ điện gió và điện mặt trời của Đức là 17% cho điện, 6% cho năng lượng sơ cấp năm 2018). Bạn có thể đã nghe nói rằng: Đức không chỉ quyết định thoát khỏi năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima, mà năm 2019 Đức cũng quyết định thoát khỏi nhiệt điện than.

Ở đây, xin vui lòng không thảo luận về chính sách năng lượng, hãy tập trung vào một thực tế là Đức đã nhận ra rằng họ cần nguồn điện dự phòng. Gió và mặt trời sẽ không đủ, do đó họ quyết định xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới. Chúng ta biết rằng khí đốt ở châu Âu thường đắt hơn (a) so với than (không tính thuế), (b) khó vận chuyển và tốn kém hơn than vì cần có đường ống, hoặc phải hóa lỏng LNG, và (c) đắt hơn, nguy hiểm hơn và khó khăn hơn khi lưu trữ.

Vì vậy, lý do nào khiến Đức đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than hiện có và xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy khí mới? Đúng, lý do là khí thải nhà kính. Một thực tế ai cũng biết là, trong quá trình đốt (phát điện - ND) khí thải ra khoảng một nửa CO2 trên mỗi kWh so với than. Đó là một thực tế hóa học đơn giản.

Than: 1 kg C + 2,7 kg O2 => 3,7 kg CO2 + 32,8*106 J;

Khí: CxHy + (x + y/4)O2  => Nhiệt + xCO2 + y/2H2O.

Mặc dù đã được chứng minh và thực tế, nhưng có vẻ là một thực tế ít được biết đến là, trong quá trình sản xuất và vận chuyển, khí phát ra/làm rò rỉ ra khí mê-tan (một loại khí nhà kính mạnh hơn 28 lần so với CO2 trong tương lai 100 năm và mạnh hơn 84 lần trong tương lai 20 năm). Khi bạn xem xét tổng phát thải khí nhà kính và thêm vào đó sự rò rỉ khí mê-tan từ khâu khai thác khí đến khâu sử dụng khí và so sánh chúng với tổng phát thải của than cũng từ khâu khai thác đến khâu sử dụng đốt, bạn sẽ nhanh chóng đưa ra kết luận rằng tổng phát thải khí nhà kính về cơ bản là giống nhau. Điều này đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu bao gồm Poyry 2016.

Hình 4 minh họa thực tế này và so sánh phát thải trực tiếp (trực tiếp = trong quá trình đốt cháy) với phát thải gián tiếp (gián tiếp = trong quá trình sản xuất và vận chuyển):

- Khí thải ra khoảng một nửa CO2 so với than trong quá trình đốt cháy.

- Khí thải ra nhiều CO2 qui đổi hơn (chủ yếu ở dạng metan trong giai đoạn sản xuất).

- Rò rỉ khí mê-tan trong quá trình vận chuyển.

- Hoặc xử lý thêm lượng lớn CO2 qui đổi.

Hình 4: So sánh than với khí về phát thải khí nhà kính trong quá trình phát điện một phần. Lưu ý: Lượng phát thải CO2 qui đổi của LNG, hoặc khí đá phiến cao hơn hẳn so với khí thiên nhiên (PNG); IGCC đã tính cả tuabin hơi.

Công nghệ pin hiện đại không thể cứu được gió và mặt trời

Nếu khí không phải là giải pháp thì cái là gì là giải pháp? Phải rồi, bạn sẽ nói "thế còn các công nghệ pin (ắc qui - ND) tuyệt vời đó thì sao"? Đúng, pin là một hệ thống lưu trữ bền vững và giá cả phải chăng sẽ là giải pháp cho vấn đề không liên tục của gió và mặt trời đã thảo luận trước đó. Trong những năm qua, pin đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều và động thái gần đây đối với các phương tiện điện đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào pin của "Gigacfactories" (nhà máy sản xuất ắc qui khổng lồ - ND) trên toàn thế giới.

Nhà máy sản xuất pin được biết đến và bàn tán lớn nhất là nhà máy 5 tỷ USD tại Nevada của Tesla, dự kiến sẽ cung cấp sản lượng pin hàng năm là 50 GWh vào năm 2020. Đến năm 2021, CATL tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Các nhà máy này sẽ cung cấp pin cho xe điện thế giới của chúng ta và cũng cung cấp pin dự phòng cho nhà ở (xem Teslaftime Powerwall3).

Vậy, tác động về môi trường và kinh tế của các công nghệ pin hiện đại sẽ như thế nào?

Hình 5 dưới đây tóm tắt những thách thức về môi trường của công nghệ pin ngày nay. Có 2 vấn đề lớn mà công nghệ pin hiện đại phải đối mặt, là:

1/ Mật độ (lưu trữ - ND) năng lượng; và,

2/ Yêu cầu vật liệu (để chế tạo ra chúng - ND).

Hình 5: Trường hợp điển hình: Pin của Tesla - mật độ năng lượng và tác động môi trường.

Mật độ năng lượng:

Hydrocarbon là một trong những cách hiệu quả nhất để lưu trữ năng lượng. Một lần nữa, thiên nhiên đã làm một phép lạ. Ngày nay, công nghệ pin tiên tiến nhất (tôi cho rằng Tesla,) chỉ có thể lưu trữ 1/40 năng lượng mà than có thể lưu trữ (và thậm chí cực đoan hơn đối với dầu). Đó là đã tính giảm hiệu suất đối với nhà máy nhiệt điện than khoảng 40%. Điều này có nghĩa là năng lượng mà pin Tesla nặng 540 kg có thể lưu trữ chỉ tương đương với năng lượng mà 30 kg than lưu trữ. Và hãy nhớ rằng, pin Tesla vẫn phải được sạc bằng điện (thường xuyên qua lưới điện) trong khi than đã được "tích điện" sẵn.

Tất nhiên, chúng ta có thể sử dụng pin Tesla nhiều lần (than chúng ta chỉ có thể sử dụng một lần) nhưng tôi tin rằng bạn đã hiểu rõ.

Theo kết quả tính toán dưới đây, bạn có thể tính ra một năm sản lượng của nhà máy pin khổng lồ 50 GWh Tesla sẽ chỉ đủ để tích trữ lượng điện đủ dùng trong 6 phút cho toàn bộ nước Mỹ. Vì vậy, công nghệ pin hiện nay (pin Tesla - ND) không thể là giải pháp để khắc phục. Thay vào đó, chúng ta sẽ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở nghiên cứu để tìm ra các giải pháp lưu trữ (điện năng - ND) thực sự bền vững và mang tính kinh tế.

Yêu cầu về vật liệu:

Tiếp đến là vấn đề liên quan đến các yếu tố đầu vào và vật liệu cần thiết để sản xuất pin. Dự kiến và tính toán một cách thận trọng cho thấy mỗi pin Tesla 85 kWh cần phải khai thác, chế biến và vận chuyển 25-50 tấn nguyên liệu thô. Những vật liệu cần thiết này bao gồm đồng, niken, than chì, coban, lithium và đất hiếm. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể sẽ cần một số nhôm và đồng cho vỏ và dây điện. Ngoài ra, cần có 10-18 MWh điện để chế tạo ra một pin Tesla, dẫn đến phát thải 15-20 tấn khí CO2, với giả sử 50% năng lượng tái tạo.

Xin chờ, tôi có nói với bạn rằng một pin Tesla nặng 540 kg có thể lưu trữ năng lượng như 30 kg than không? Và bây giờ, còn phải khai thác, chế biến và vận chuyển 50-100 tấn nguyên liệu thô để tạo ra một sản phẩm chỉ có thể so sánh được với 30 kg than? Vâng, đó là những gì tôi đang nói với bạn! Và trên thực tế, tôi thậm chí còn chưa tính đến việc cần phải xúc, bốc, vận chuyển đất đá để khai thác được khoáng sản. Trung bình, tỷ lệ (hệ số bốc đất trong khai thác - ND) có thể được ước tính 1:10. Như vậy, bạn có thể gấp 10 lần các con số trên. Một pin Tesla cần xúc, bốc, khai thác, chế biến, vận chuyển 500-1.000 tấn vật liệu so với than chỉ cần 0,3 tấn - hệ số từ 1.700 đến 3.300.

"Chúng ta làm gì bây giờ? Có phải tất cả chúng ta đều cam chịu?"

Một sinh viên trẻ từ khán giả tại một trong những bài thuyết trình gần đây của tôi về chủ đề này đã hỏi tôi câu hỏi này sau khi nhận ra sai lầm môi trường mà chúng ta đang mắc phải bằng cách sử dụng các công nghệ gió, mặt trời và pin hiện tại ở quy mô rất lớn. Từ các phương tiện truyền thông, chúng ta được dạy rằng, nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, nếu chúng ta không mở rộng các nguồn năng lượng mặt trời, gió và ô tô chạy điện, tất cả chúng ta sẽ sớm gặp phải một thảm họa. Bài viết này không thể thảo luận về các chi tiết của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, điều rất đáng lo ngại là những người trẻ tuổi đang được dạy trong các trường phải sợ hãi về sự nóng lên được tạo ra bởi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Học sinh được dạy phải khẩn trương mở rộng việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gió và pin hiện tại mà không nhận thức được gánh nặng môi trường khổng lồ của mình.

Chúng ta đã bị ấm lên 1 độ trong suốt 200 năm qua. Một phần của sự nóng lên này là do con người gây ra, nhưng "nguyên nhân con người" này có liên quan nhiều đến sử dụng nhiệt và tiêu thụ năng lượng của chúng ta chứ không phải vì CO2. Phần lớn sự ấm lên là tự nhiên, gây ra bởi mặt trời khi chúng ta bước ra từ Kỷ Băng hà Nhỏ đã kết thúc khoảng 300 năm trước. Chúng ta không hướng đến một thảm họa, không phải lo lắng. Nhưng có, chúng ta cần phải lo lắng về môi trường của chúng ta và chất thải và khí thải chúng ta tạo ra. Chúng ta cần bắt đầu hành động nhanh chóng và dọn dẹp mớ hỗn độn phía sau chúng ta.

Dù bằng cách nào, ngay cả khi bạn tin rằng việc cảnh báo nóng lên toàn cầu là cách chính xác để tiếp cận chủ nghĩa môi trường, từ cuộc thảo luận ở trên, rõ ràng là công nghệ pin, gió và năng lượng mặt trời hiện tại - trong khi chắc chắn phù hợp cho một số ứng dụng như làm ấm bể bơi, và do đó kiếm được một vị trí trong hỗn hợp năng lượng - không thể và sẽ không thay thế được năng lượng thông thường. Để tiến lên phía trước, chúng ta cần một cuộc cách mạng năng lượng mới. Năng lượng trong tương lai sẽ hoàn toàn có thể tái tạo nhưng sẽ ít liên quan đến gió và PV (tế bào quang điện - ND) hôm nay. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào các cơ sở nghiên cứu để đạt được cuộc cách mạng năng lượng mới này.

Song song, chúng ta cần đầu tư vào, và không thoái vốn khỏi nguồn năng lượng thông thường để làm cho nó hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường. Chúng ta cần tiếp tục làm điều này cho đến khi cuộc cách mạng năng lượng mới đến với chúng ta, điều không may là sẽ cách đây rất nhiều thập kỷ. Đây là giải pháp kinh tế và thân thiện với môi trường nhất để cứu hành tinh của chúng ta khỏi tác động tiêu cực do sự tồn tại của chúng ta mà có.

Tôi đang viết điều này vì lợi ích của nhân loại và bốn đứa con của tôi. Hãy mở mắt ra, tính toán chi phí và tác động của năng lượng tái tạo ngày nay, và hãy chi tiền vào nơi giúp được môi trường của chúng ta và giảm được tác động tiêu cực mà con người phải chịu đựng trên hành tinh của chúng ta.

 


(*) Thông tin về các tác giả:

Tiến sĩ Lars Schernikau có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực nguyên liệu và năng lượng. Lars đã thành lập, làm việc và tư vấn cho nhiều công ty và tổ chức trong lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu thô và than đá ở châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Lars đã hoàn thành bằng tiến sĩ về kinh tế năng lượng, kinh doanh than và hàng hóa toàn cầu và xuất bản hai cuốn sách thương mại công nghiệp về Kinh tế thương mại than quốc tế (Springer, có sẵn trên Amazon) vào năm 2010 và 2017. Ông là thành viên của nhiều ngành kinh tế, các hiệp hội năng lượng và môi trường (bao gồm Liên minh CO2 phi lợi nhuận ở Mỹ). Ông là một diễn giả thường xuyên tại các hội nghị năng lượng than quốc tế và tư vấn cho các chính phủ, các tổ chức năng lượng hàng đầu.

Bài viết này được lấy cảm hứng từ hai nhà tư tưởng vĩ đại: Mark Mills, "Kinh tế năng lượng mới", NXB Manhattan (tháng 3 năm 2019) và Tiến sĩ Patrick Moore, "Tác động tích cực của CO2 nhân tạo đối với sự sống còn trên Trái đất" (tháng 2/2017).

NGUYỄN THÀNH SƠN (LƯỢC DỊCH)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động