RSS Feed for Thuế carbon: Giải pháp hữu hiệu nhất giảm phát thải khí nhà kính | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thuế carbon: Giải pháp hữu hiệu nhất giảm phát thải khí nhà kính

 - Thuế carbon là một loại thuế đánh vào hàm lượng carbon của nhiên liệu (ngành vận tải, năng lượng) và tương tự như kinh doanh khí thải carbon - một hình thức định giá carbon. Tính đến năm 2018, ít nhất 27 quốc gia và địa phương đã thực hiện thuế carbon. Nghiên cứu cho thấy: Thuế carbon có hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Còn các nhà kinh tế cho rằng: Thuế carbon - giải pháp hiệu nghiệm, hiệu quả nhất để kiềm chế biến đổi khí hậu, với những tác động ít ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế.

Triển vọng chuyển đổi năng lượng trên thế giới




TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Khi nhiên liệu hydrocarbon như than, dầu mỏ, hoặc khí tự nhiên cháy, carbon của nó được chuyển đổi thành carbon dioxide (CO2) và các hợp chất khác của carbon. Bảng 1 dưới đây cho thấy: Khi một đơn vị nhiên liệu (ĐVNL) cháy, tùy thuộc vào hàm lượng carbon trong đó mà phát thải ra một lượng CO2 (tính trung bình) nào đó:

Bảng 1: Lượng CO2 phát thải từ một đơn vị nhiên liệu:

Loại nhiên

liệu (NL)

Xăng

Dầu

diesel

Xăng máy bay

Khí tự nhiên

Than non(Lignite)

Than bùn

(Subbitum)

Than bùn (bitum)

Than gầy

(Antraxit)

KgCO2/ĐVNL

2,35kg/L

2,67kg/L

2,65kg/L

1,93kg/m3

1,394 kg/kg

1,858kg/kg

2,466kg/kg

2,843kg/kg

 

CO2 là một trong một số GHG bẫy nhiệt do các hoạt động của con người phát ra và là nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới, các hoạt động của con người phát thải ra khoảng 27 tỷ tấn CO2  hàng năm.

Trong Nghị định thư Kyoto, lượng khí thải CO2 được điều tiết cùng với các GHG khác. Các GHG khác nhau có các tính chất vật lý khác nhau, và chúng được quy đổi tương đương về CO2 góp phần vào tiềm năng nóng lên toàn cầu.

Dưới đây là sơ lược tình hình thực hiện thuế carbon của một số nước trên thế giới:

Trung Quốc hiện là nơi phát thải khí nhà kính lớn nhất và nhiều thành phố lớn của quốc gia này bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Kế hoạch giao dịch carbon quốc gia của Trung Quốc là một hệ thống giới hạn và thương mại cho lượng khí thải carbon dioxide được triển khai vào cuối năm 2017. Với kế hoạch này, Trung Quốc sẽ hạn chế lượng khí thải từ sáu ngành công nghiệp phát thải carbon dioxide hàng đầu (bao gồm các nhà máy nhiệt điện than và sớm trở thành thị trường lớn nhất trong giao dịch CO2).

Chương trình giao dịch phát thải này (Emission Trading Scheme - ETS) tạo ra một thị trường carbon - nơi các nhà phát thải có thể mua, bán tín dụng phát thải (tín dụng carbon là giấy phép, hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu, phát thải CO2, hoặc các khí nhà kính khác). Các mức phát thải khí nhà kính dao động từ 30-350 tấn carbon dioxide, tương đương mỗi năm khi giá CO2 dao động từ 1,4 đến 13 US$/tấn. Ngoài ra, còn có 2 loại phụ cấp: Một loại dành cho những nhà phát thải mới tham gia thị trường và một loại của chính phủ. Các khoản phụ cấp dành cho những người mới tham gia có nhu cầu tăng trưởng được phân phối tự do, còn phụ cấp chính phủ thì cố định, ổn định và được mua bán theo thỏa thuận, hoặc đấu thầu.

Ấn Độ là quốc gia có sản lượng điện than chiếm hơn một nửa tổng sản lượng điện toàn quốc, nên nước này đã áp dụng thuế carbon trên phạm vi toàn quốc từ 1/7/2010 với 50 Rupee/tấn (1,06 USD) cho cả than nội địa lân than nhập. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng: Thuế carbon là một bước để giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu tự nguyện của họ là giảm lượng CO2 được giải phóng trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm trong nước xuống 25% so với năm 2005 và thuế carbon nội địa phải được đưa ra trước thuế carbon toàn cầu và quốc gia này đã áp đặt thuế này trong khi những quốc gia khác còn đang tranh luận. 

Với Chính phủ mới ở Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, thuế carbon đã được tăng thêm từ 100Rs/tấn lên 200Rs/tấn trong Ngân sách 2015-2016. Hiện tại thuế carbon ở mức 400 Rs/tấn (khoảng 5,6 USD/tấn với tỷ giá 71,4 Rs/USD).

Vào tháng 10/2012, Nhật Bản đã đưa ra thuế Carbon với mục tiêu hành động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu nguy hiểm. Chính phủ Nhật có kế hoạch sử dụng các khoản thu được tạo ra từ thuế này để tài trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng sạch.

Theo tính toán, tác động thuế carbon dự kiến sẽ làm giảm lượng phát thải CO2 vào khoảng 6 - 24 triệu tấn/năm vào năm 2020 (bằng 0,5 - 2,2% lượng khí thải CO2 vào năm 1990), trong đó 1,8 triệu tấn/ năm là kết quả của hiệu ứng giảm sử dụng năng lượng thông qua thuế) và 3,9 - 22 triệu tấn/năm từ hiệu ứng sử dụng doanh thu thuế carbon cho các biện pháp giảm phát thải.

Tại Singapore, theo Đạo luật Định giá carbon, thông qua vào ngày 20 tháng 3 năm 2018 với thuế carbon được quy định bằng 5 đô la Sing (0,365 US$)/ton CO2.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã đặt mục tiêu, giảm phát thải CO2 vào năm 2020 bằng 4% tổng phát thải của năm 2005. Đối với thuế carbon thì quy định rằng 8% lượng khí thải carbon từ sử dụng năng lượng không phải nộp thuế, còn 92% phải đối mặt với mức thuế bằng hoặc trên 5.55USD/tấn CO₂, trong đó 16% phải đối mặt với mức giá bằng, hoặc trên 33 USD/tấn CO₂.

Đài Loan đã phê duyệt một đạo luật giảm phát thải GHG trong đó nêu rõ: Sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải so với mức của năm 2005 (268 triệu tấn) vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Đài Loan đã khuyến nghị mức thuế 2.000 Đài tệ (61,8 US$) cho mỗi tấn khí thải CO2. Với mức thuế này, theo ước tính, Đài Loan có thể tăng 164,7 tỷ Đài tệ (5,1 tỷ US$) từ thuế năng lượng và thêm 239 tỷ Đài tệ (7,3 tỷ US$) từ thuế carbon vào năm 2021. Do số tiền thu từ thuế carbon tương đối cao như vậy, Chính phủ Đài Loan đang có kế hoạch trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp và giao thông công cộng bằng cách sử dụng các khoản thu từ thuế carbon.

Tại Canada, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Định giá ô nhiễm khí nhà kính vào mùa thu năm 2018, đề cập đến phí, hoặc định giá thay cho thuế CO2. Khoản phí này được bắt đầu tính từ tháng 1 năm 2019 là 20$/tấn CO2 và sẽ tăng thêm mỗi năm 10$ lên đến 50$ vào năm 2022. Thông qua Đạo luật này, các tỉnh có thể linh hoạt tạo ra các giải pháp để xử lý khí thải GHG trong thẩm quyền riêng của họ.

Giá carbon là một phần của gói cải cách năng lượng rộng lớn gọi là "Kế hoạch tương lai năng lượng sạch", nhằm giảm phát thải khí nhà kính ở Australia bằng 5% mức phát thải của 2000 vào năm 2020 và 80% mức 2000 vào năm 2050. Hiện nay tại nước này đang thực hiện giá CO2 là 10$/tấn với mức giảm phát thải tối thiểu.

Tại châu Âu, một số quốc gia như: Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ireland, Ý, Hà Lan, Na Uy, Slovenia, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh đã áp dụng thuế năng lượng, hoặc thuế năng lượng một phần dựa trên hàm lượng carbon. Tuy nhiên, không một quốc gia nào trong số này đưa ra được mức thuế carbon thống nhất cho nhiên liệu sử dụng trong tất cả các lĩnh vực.

Năm 2010, Ủy ban châu Âu đã cân nhắc áp dụng thuế tối thiểu đối với các giấy phép ô nhiễm được mua theo Chương trình giao dịch GHG của Liên minh châu Âu (EU ETS), trong đó đề xuất thuế mới được tính theo hàm lượng carbon thay vì khối lượng CO2. Theo đề xuất mới này, mức thuế tối thiểu cho mỗi tấn khí thải CO2 dao động từ 4 đến 30€.

Hoa Kỳ là một quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu, phát thải GHG lớn thứ hai trên thế giới không thực hiện thuế carbon. Ngày 5/11/2019, Hoa Kỳ đã kích hoạt tiến trình rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia duy nhất (trong số 187 quốc gia ký thỏa thuận Paris) không tham gia hiệp ước lịch sử này.

Tuy nhiên, bất chấp quyết định của Chính phủ, hàng trăm chính quyền địa phương, các tập đoàn và tổ chức tại nước này đã tham gia phong trào "Chúng tôi sẽ vẫn tham gia" nhằm cam kết cắt giảm khí thải và ủng hộ năng lượng tái tạo. Nhiều tập đoàn năng lượng của nước này đã thiết lập một mức giá nội bộ đối với phát thải CO2 nhằm đánh giá giá trị rủi ro của các dự án trong tương lai khi đưa ra quyết định đầu tư. Giá carbon nội bộ thường được tính cao hơn: Khi doanh nghiệp thải ra một lượng lớn CO2 và khi doanh nghiệp dự kiến phát thải nhiều hơn nữa trong tương lai.

Tài sản (máy móc, nhà máy lọc dầu) của các tập đoàn dầu mỏ có tuổi thọ dài và có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách năng lượng trong tương lai, trong khi đó sản phẩm, tài sản của các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các chính sách hiện hành, nên giá carbon của Hoa Kỳ thường tính thấp hơn so với các doanh nghiệp năng lượng. Chẳng hạn, giá carbon nội bộ của Exxon Mobil là 60 US$/tấn CO2, của Shell and BP là 40 US$, trong khi của Google là 13US$ và Disney là 10 - 20 US$.

Các doanh nghiệp dầu mỏ áp dụng giá carbon nội bộ này cho các hoạt động hiện tại và tương lai của mình với động lực là "áp dụng giá carbon nhiều như vậy nhằm thúc đẩy giảm thiểu và xác định các rủi ro".

Mục tiêu của thuế carbon là đưa Nam Phi vào một "con đường bền vững". Nam Phi đã đưa ra các kịch bản giảm thiểu dài hạn (LTMS) để giải quyết các vấn đề chính sách khí hậu xem xét các biến số như: Công nghệ, đầu tư, chính sách (bao gồm thuế carbon) và để làm rõ vị thế của Nam Phi trong các cuộc đàm phán tiềm năng Hiệp định khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC)./.                                                              


Tài liệu tham khảo:

1/ Carbon Tax - Wikipedia.

2/ Pricing carbon - World Bank Group.

3/ These Countries have Prices on Carbon - Are They working?

4/ Carbon Credit.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động