RSS Feed for Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 06:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 1]

 - Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang ở nước ta đang là vấn đề nóng của dư luận xã hội. Để rộng đường cho việc trao đổi ý kiến, cũng như để cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá điện tham khảo, trên cơ sở những thông tin về thực trạng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang trong và ngoài nước, loạt bài trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ đề xuất cách tiếp cận và phương pháp xác lập biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang ở Việt Nam được căn cứ vào chi phí biên sản xuất, kinh doanh và quy mô tiêu dùng cho sinh hoạt của hộ gia đình sử dụng điện.

Bàn về hạch toán chi phí và tính giá thành các khâu sản xuất, kinh doanh điện
Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ cuối]

 


KỲ 1: THỰC TRẠNG BIỂU GIÁ ĐIỆN SINH HOẠT BẬC THANG TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC 

 



PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

Trong nước

Ta biết rằng, giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc thang là một trong những công cụ để hỗ trợ các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp được tiêu dùng điện đáp ứng nhu cầu ở mức cần thiết phù hợp với khả năng chi trả của họ và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. 

Ở nước ta, cơ chế giá điện sinh hoạt bậc thang được thiết lập từ năm 1994, gồm 3 bậc thang theo hướng sử dụng điện càng nhiều giá càng đắt. Bậc thang đầu tiên có 150 kWh, bậc thang thứ 2: 100 kWh tiếp theo và bậc thang thứ 3 từ 251 kWh trở lên.

Cho đến nay, cơ chế giá điện sinh hoạt bậc thang đã qua nhiều lần thay đổi về số bậc thang, cơ số điện trong từng bậc, mức chênh lệch giá điện giữa các bậc, v.v... Cụ thể là:

- Năm 1995, số bậc thang nâng lên 4, trong đó bậc đầu tiên: 100 kWh, bậc thứ 2: 50 kWh tiếp theo, bậc thứ 3: 100 kWh tiếp theo, bậc thứ 4 từ 251 kWh trở lên.

- Năm 1997, nâng lên 5 bậc thang: bậc 1: 100 kWh đầu tiên; bậc 2: 50 kWh tiếp theo; bậc 3: 50 kWh tiếp theo; bậc 4: 100 kWh tiếp theo; bậc 5: từ trên 300 kWh.

- Năm 2007, nâng lên 6 bậc thang: bậc 1: 100 kWh đầu tiên; bậc 2: 50 kWh tiếp theo; bậc 3: 50 kWh tiếp theo; bậc 4: 50 kWh tiếp theo; bậc 5: 100 kWh tiếp theo; bậc 6: từ trên 400 kWh.

- Năm 2009, nâng lên 7 bậc thang, trong đó 4 bậc 1, 2, 3 và 4 mỗi bậc có 50 kWh; bậc 5: 100 kWh tiếp theo; bậc 6: 100 kWh tiếp theo; bậc 7: từ trên 400 kWh. Bậc thang 1 có mức bù giá bằng 35-40% giá bán bình quân; bậc thang 2 từ 51 đến 100 kWh có giá bằng giá thành bình quân không có lợi nhuận; 5 bậc thang sau có giá tăng cao dần.

- Năm 2011, vẫn duy trì 7 bậc thang: bậc đầu tiên (từ 0 - 50 kWh) có giá ở mức tương đương giá thành điện bình quân, chỉ áp dụng cho các hộ thuộc diện thu nhập thấp (là các hộ thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng). Bậc thang thứ hai (từ 0 đến 100 kWh) có giá bằng giá bán điện bình quân được duyệt. Trừ các hộ thuộc diện áp dụng bậc thang đầu, các hộ khác áp dụng biểu giá từ bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo. Các bậc thang tiếp theo có giá tăng dần. Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo lấy từ ngân sách nhà nước.

- Cuối năm 2011, số bậc thang giảm xuống còn 6 bậc, gồm: bậc 1: 50 kWh đầu tiên; bậc 2: 50 kWh tiếp theo; bậc 3 đến bậc 5, mỗi bậc: 100 kWh tiếp theo; bậc 6 từ 401 kWh trở lên.

Từ đó đến nay duy trì biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang gồm 6 bậc, với cơ số điện mỗi bậc như trên, chỉ có mức giá điện trong mỗi bậc là thay đổi theo sự thay đổi của giá thành điện thương phẩm trong từng thời kỳ.

Mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang hiện hành (theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019) là (đ/kWh): bậc 1: 1.678; bậc 2: 1.734; bậc 3: 2.014; bậc 4: 2.536; bậc 5: 2.834; bậc 6: 2.927. Chênh lệch giá giữa các bậc từ 1 đến 6 lần lượt là: bậc 2 so với bậc 1: 56 đ/kWh; bậc 3 so với bậc 2: 280 đ/kWh; bậc 4 so với bậc 3:522 đ; bậc 5 so với bậc 4: 298 đ/kWh và bậc 6 so với bậc 5: 93 đ/kWh.

Như vậy, mức chênh lệch thấp nhất là giữa bậc 2 và bậc 1 (56 đ/kWh), mức chênh lệch cao nhất là giữa bậc 4 và bậc 3 (522 đ/kWh). Giá bình quân của bậc 1 đến bậc 5 theo cơ số điện của 5 bậc là 2.272,5 đ/kWh (nếu tính cả bậc 6 thì còn cao nữa), cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân trong Quyết định này là 1.864,44 đ/kWh.

Vấn đề là: (1) Chưa rõ căn cứ làm cơ sở xác định mức giá của từng bậc thang và mức chênh lệch giá giữa các bậc; (2) So với giá bán lẻ điện bình quân (1.864,44 đ/kWh) mức giá của bậc 1 thấp hơn 186,44 đ/kWh (bằng 10%) và giá bậc 2 thấp hơn 130,44 đ/kWh (bằng 7%).

Ở đây, không rõ liệu các mức giá đó có trợ giá hay không, bao nhiêu và dựa trên cơ sở nào? Tại sao giá bình quân của các bậc trong biểu giá lại cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân? Liệu có sự bù chéo của giá điện sinh hoạt cho giá điện của các mục đích sử dụng điện, hay nhóm khách hàng khác hay không, bao nhiêu và nhằm mục đích gì, nếu có?

Ngoài ra, ở nước ta cho đến nay còn có 2 vấn đề nữa là:

Thứ nhất: Không xét đến số người trong hộ sử dụng điện nhiều hay ít nên xảy ra việc tách hộ để được hưởng lợi từ mức sản lượng điện có giá thấp tính đều cho mỗi hộ, trong khi lại làm tăng chi phí của hệ thống điện nhưng chưa có giải pháp ứng phó thích hợp.

Thứ hai: Nếu người sử dụng điện ký hợp đồng mua điện mà không sử dụng điện thì không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào, mặc dù có nhiều khoản chi phí của hệ thống điện vẫn phát sinh vì họ và nhằm sẵn sàng cung cấp điện cho họ khi cần.

Ngoài nước

Điện là dạng năng lượng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, cho nên tất cả các nước trên thế giới đều khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Theo đó, hầu hết các nước áp dụng cơ chế giá điện sinh hoạt bán lẻ bậc thang theo cơ số lũy tiến, càng mua nhiều thì giá điện càng đắt, với lập luận rằng: Nhằm mục đích khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và mức giá thấp ở bậc thang đầu tiên nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp đáp ứng được nhu cầu điện tối thiểu.

Bậc thang về cơ số điện sử dụng cho sinh hoạt của một số nước được nêu ở bảng 1.

Bảng 1:

Nước

Bậc thang và cơ số điện trong từng bậc (kWh)

Số bậc

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Bậc 6

Bậc 7

Ghi chú

Hàn Quốc

100

100

100

100

100

>500

 

(1)

6

Hồng Kông

150

150

200

200

300

500

>1.500

(2)

7

Singapore

               

1

Malaysia

200

100

300

300

>900

     

5

Thái Lan

                 

   <150 kWh

15

10

10

65

50

250

>400

(3)

7

   >150 kWh

150

250

>400

         

3

Tây Úc

                 

   Sinh hoạt

               

1

   Sinh hoạt + KD

20

1.630

>1.650

         

3

Nguồn: [1]. Ghi chú: (1) Phí nhu cầu + phí điện năng chia 2 cấp điện áp thấp và cao; (2) Khách hàng tiêu thụ < 100kWh/tháng được giảm giá 5%, mức thu tối thiểu 17,7 $; (3) Phí dịch vụ quy định cho từng mức điện sử dụng.


Qua xem xét bảng trên và nghiên cứu các tài liệu có thể rút ra một số nhận xét về cơ chế giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc thang của các nước:

Thứ nhất: Không có cơ chế và biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc thang thống nhất cho các nước về số bậc thang, cơ số điện của từng bậc thang, mức giá và mức chênh lệch giá giữa các bậc thang cũng như xử lý giá trong các trường hợp đặc biệt. Mỗi nước có một cơ chế giá và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang riêng tùy thuộc vào giá thành điện, cơ cấu nguồn điện, trình độ phát triển của thị trường điện, trình độ phát triển của nền kinh tế, mức sống của người dân và các nhân tố chính trị, văn hóa, xã hội khác có liên quan.

Nói chung, các nước chưa có thị trường điện phát triển vẫn thực hiện thống nhất toàn quốc một biểu giá điện do các đơn vị phân phối và bán lẻ điện bán ra.

Thứ hai: Biểu giá điện ở hầu hết các nước đều có điểm chung là quy định biểu giá điện hai thành phần (phần cố định và phần theo lượng điện tiêu thụ). Theo đó, nhiều nước quy định: Nếu khách hàng ký hợp đồng sử dụng điện, nhưng trong tháng không sử dụng cũng phải thanh toán một khoản tiền nhất định nhằm bù đắp những khoản chi phí dù khách hàng không sử dụng nhưng nhà cung cấp vẫn phải bỏ ra.

Tuỳ từng mục đích và quy mô sử dụng điện mà khoản trả này được quy định cao thấp khác nhau.

Thứ ba: Ở các nước không thấy xét đến số lượng người trong mỗi hộ sử dụng điện khi xác định cơ số điện cho từng bậc thang đối với từng hộ, cho nên hộ nhiều người sẽ bị thiệt hơn so với hộ có ít người trong việc hưởng lợi giá điện thấp của các bậc thang đầu và chịu giá cao của các bậc thang cuối.

Tuy nhiên, do việc áp dụng giá điện 2 thành phần (phần cố định và phần theo sản lượng điện) nên việc tách hộ lớn thành nhiều hộ nhỏ lại bị chịu phần giá cố định tăng lên khi tách ra thành nhiều hộ (mỗi hộ đều phải trả phần giá cố định nhất định không phụ thuộc vào sản lượng điện dùng nhiều hay ít).  

Thứ tư: Tiếc rằng, trong khuôn khổ bài báo chưa có điều kiện tiếp cận được tài liệu nêu rõ căn cứ và phương pháp cụ thể của các nước trong việc xác lập số bậc thang, cơ số điện và mức giá điện của từng bậc thang, cũng như cơ chế vận hành nó.

Tuy nhiên, cũng như trong nước, tại nhiều nước cho rằng, với mức giá điện của bậc thang đầu tiên trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có sự trợ giá cho các hộ sử dụng điện thu nhập thấp và giá điện của các bậc thang cao tăng dần theo hướng càng mua nhiều thì giá điện càng đắt nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Điều này mới chỉ dựa vào việc so sánh giá bán của bậc thang đầu tiên với giá thành và giá bán lẻ điện bình quân để lập luận.

Nhưng nếu xét trên góc độ chi phí biên của sản phẩm điện thì thực tế chưa hẳn thế. Trong kỳ tới, chúng tôi sẽ phân tích làm rõ vấn đề này. 

Kỳ tới: Đề xuất cơ sở khoa học và phương pháp xác lập biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang ở Việt Nam

[*] Đơn vị công tác: Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng - EPU.


Tài liệu tham khảo:

1/ Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá. EVN, tháng 9/2015.

2/ Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 của EVN (đã được kiểm toán).

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động