RSS Feed for Vài ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 19:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vài ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

 - Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (QHNL) được xây dựng theo Nhiệm vụ phê duyệt tại Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 3/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Bản dự thảo tháng 12/2020 của Quy hoạch này được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến của toàn xã hội. Nhân dịp này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số ý kiến đối với bản dự thảo nêu trên. Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý, phản biện của bạn đọc.


Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn

Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII

Bàn về nhu cầu và cơ cấu nguồn điện quốc gia trong vài thập niên tới


Ý kiến trao đổi về Quy hoạch điện VIII


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]

Sau đây là một số ý kiến đối với bản dự thảo QHNL:

1/ Về căn cứ và cơ sở xây dựng QH (mục 2 trong Mở đầu, Phần I):

Hiện tại, trong bản dự thảo mới chỉ nêu chủ yếu các cơ sở pháp lý, bao gồm Luật Quy Hoạch (QH), Nghị Quyết số 11/2018/NQ-CP về triển khai thi hành Luật QH, Quyết định số 995/2018/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập QH ngành quốc gia, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật QH, Công văn số 9699/2018/BCT-KH về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ lập QH, các hiệp ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Như vậy, đó mới chỉ là cơ sở pháp lý của việc triển khai lập QH.

Còn về căn cứ để xây dựng nội dung QH thì mới chỉ có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ở đây có vấn đề là cả 2 văn bản này mới chỉ là định hướng của Đảng để làm cơ sở cho Chính phủ xây dựng chiến lược chứ chưa phải là chiến lược đúng theo quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước.

Ví dụ: Như trước đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007, trên cơ sở đó Chính phủ xây dựng và phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27/12/2007. Đó mới đúng là chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển làm căn cứ để lập QHNL theo quy định của Luật QH.

Vấn đề quan trọng là theo quy định của Luật QH, Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Theo đó, nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia phải đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Tuy nhiên, cả 2 Quy hoạch này đều chưa được nêu là căn cứ của QHNL.

Ngoài ra, đến nay cũng chưa có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2050, mà mới chỉ có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 vừa được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 và năm 2030, còn tầm nhìn đến năm 2045 chỉ là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Đặc biệt chưa có quy hoạch phát triển các vùng, miền trên cả nước và các ngành, lĩnh vực để QHNL thực hiện được một trong các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW là:

Một là: Cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng. Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Hai là: Rà soát, điều chỉnh phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng linh hoạt theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số địa phương, kết hợp chặt chẽ với phân bố lại không gian phát triển công nghiệp và đô thị trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương.

Vấn đề nữa là, chưa nêu các căn cứ về bảo vệ môi trường làm cơ sở cho việc lập nội dung về Đánh giá môi trường chiến lược của QH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như Chiến lược môi trường quốc gia, Quy hoạch môi trường quốc gia và các chiến lược, chương trình khác có liên quan còn hiệu lực (như đã nêu ở mục 1.2.3. Hiện trạng chính sách và các chương trình phát triển năng lượng chính).

2/ Về mục tiêu của QHTTNLQG (mục 4 trong Mở đầu):

Trong bản dự thảo QH sau mục tiêu tổng quát đã nêu 6 mục tiêu cụ thể. Qua xem xét nội dung thì đó không phải là mục tiêu cụ thể mà chỉ là 6 nhiệm vụ của việc lập QH. Mục tiêu cụ thể cần phải đề ra theo kiểu giống như trong Nghị quyết số 55-NQ/TW. Trong đó cần cụ thể hóa thêm các mục tiêu về phân bố hợp lý theo vùng, khu vực, đa dạng hóa theo hướng huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội, kể cả đầu tư nước ngoài, tăng cường tính tự chủ trên cơ sở nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong tất cả các khâu, v.v.

Hơn nữa, trong 2 nhiệm vụ đầu tiên nêu phân tích và dựa trên hiện trạng giai đoạn 2011-2018, song trong nội dung của QH là hiện trạng giai đoạn 2010-2019.

3/ Về hiện trạng năng lượng quốc gia (mục 1.2 Chương 1):

3.1. Về tiêu thụ năng lượng, mới chỉ nêu chỉ tiêu Cường độ năng lượng (tiêu thụ năng lượng trên GDP) theo năng lượng cuối cùng mà chưa nêu theo năng lượng sơ cấp, vì suy cho cùng lượng năng lượng sơ cấp bị tiêu hao và tổn thất trong quá trình vận chuyển/truyền tải, chế biến thành năng lượng cuối cùng (tức năng lượng đến người sử dụng cuối cùng) cũng là lượng năng lượng tiêu thụ trên phạm vi nền kinh tế. Thông qua so sánh 2 chỉ tiêu Cường độ năng lượng theo năng lượng sơ cấp và theo năng lượng cuối cùng sẽ cho thấy mức độ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi nền tế quốc dân, theo đó cần đề ra mục tiêu cụ thể cần đạt được về chỉ tiêu Cường độ năng lượng theo năng lượng sơ cấp.

3.2. Về hiện trạng chính sách và các chương trình năng lượng chính:

- Về chiến lược phát triển năng lượng: Trong dự thảo QH đang nêu theo Nghị quyết số 55-NQ/TW là không chuẩn xác, vì Nghị quyết này ban hành đầu năm 2020 cho giai đoạn sau 2020 và đây chỉ là một trong những căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng, cùng lắm thì đó chỉ là một trong những căn cứ để lập QHNL cho giai đoạn sau 2020. Việc nêu hiện trạng không chỉ là nêu tên văn bản đã có mà còn phải phân tích, đánh giá thực trạng của các văn bản cũng như thực trạng thực hiện các văn bản đó để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn lập QH sắp tới. Theo đó cần phải nêu hiện trạng các chính sách, chiến lược và các chương trình lớn có hiệu lực trong giai đoạn vừa qua như Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27/12/2007; “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt theo Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg; “Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035” được phê duyệt theo Quyết định số 1748/2015/QĐ-TTg; “Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg.

Lẽ ra chiến lược làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, song trên thực tế, trong thời gian qua nhiều quy hoạch các phân ngành năng lượng (điện, than, dầu khí) không lấy các chiến lược nêu trên làm căn cứ để xây dựng QH. Có thể nói việc xây dựng chiến lược và quy hoạch của toàn ngành năng lượng nói chung và của từng phân ngành năng lượng nói riêng tuy được quan tâm nhất nhưng chưa tuân theo một thể chế thống nhất, cho nên trong thực tế chiến lược toàn ngành và chiến lược từng phân ngành chưa có mối quan hệ hữu cơ với nhau và chưa thực sự đóng vai trò là cơ sở định hướng cho việc xây dựng quy hoạch. Đây là một thực trạng cần tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm cho thời gian tới.

- Về các luật và các chương trình khác có liên quan: Còn thiếu Luật biển, Luật đa dạng sinh học, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, v.v..

4/ Hiện trạng các lĩnh vực phân ngành than (mục 1.4 Chương 1):

Nội dung này trình bày còn hết sức sơ sài và không chuẩn xác. Cụ thể đang nêu là:

Công tác thăm dò đã nâng cấp độ tin cậy của trữ lượng, tài nguyên toàn ngành từ 7,3% lên 7,5%, trong đó bể than Đông Bắc từ 43,3% lên 51,6%, chi tiết các bể than xem bảng 1.4.1.1.

Bảng 1.4.1.1. Trữ lượng, tài nguyên than toàn ngành:

TT

Khu vực

QH403

Hiện trạng

Thay đổi (1000 tấn)

TL, TN (1.000 tấn)

Độ tin cậy (%)

TL, TN (1.000 tấn)

Độ tin cậy (%)

1

Bể than Đông Bắc

6.287.077

43,3

5.257.112

51,6

-1.029.965

2

Bể than sông Hồng

42.010.804

1,2

41.909.570

1,4

-101.234

3

Các mỏ than nội địa và địa phương

243.689

72,8

204.721

90,3

-38.968

4

Các mỏ than bùn

336.382

39,7

328.132

39,2

-8.250

 

Tổng cộng

48.877.952

7,3

47.699.536

7,5

-1.178.416


Những điều trình bày trên đây không đúng với quy định hiện hành.

Theo Thông tư số 60/2017/TT-BTNMT quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn (trong đó có than được cụ thể hóa theo Thông tư số 25/2007/QĐ-BTNMT) trữ lượng được phân thành 3 cấp (111, 121, 122), tài nguyên phân thành 6 cấp (211, 221, 222, 331, 332, 333) và 2 cấp tài nguyên dự báo (334a, 334b).

Mức độ tin cậy của trữ lượng đảm bảo tối thiểu là 80% (cấp 111 và 121) và 50% (cấp 122). Mức độ tin cậy địa chất của tài nguyên bảo đảm tối thiểu 80%. (cấp 211, 221, 331), 50% (cấp 222, 332) và 20% (cấp 333).

Như vậy, độ tin cậy chỉ quy định cho từng cấp trữ lượng và cấp tài nguyên chứ không có quy định chung như nêu trong bảng trên.

Theo số liệu trong QH than 403/2016 thì trữ lượng, tài nguyên than như sau (1000T):

Khu vực

Tổng số

Trữ lượng

Tài nguyên

Chắc chắn

Tin cậy

Dự tính

Dự báo

Bể than Đông Bắc

6.287.077

2.218.617

 109.452

394.958

1.585.050

1.979.000

Bể than ĐBSH

42.010.804

 

0

524.871

954.588

40.531.345

Than nội địa

206.255

41.741

 51.559

73.967

32.345

6.643

Than địa phương

37.434

 

0

10.238

8.240

18.956

Than bùn

336.382

 

0

133.419

106.611

96.352

Tổng cộng

48.877.952

2.260.358

 161.011

1.137.453

2.686.834

42.632.296

 

Qua bảng trên cho thấy: Cấp trữ lượng là 2.260.358 ngàn tấn, chiếm 4,63%, cấp tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 1.298.464 ngàn tấn, chiếm 2,66%, tổng cộng trữ lượng và tài nguyên cấp chắc chắn + tin cậy là 3.558220 ngàn tấn, chiếm 7,29% tổng trữ lượng, tài nguyên than.

Đây là nội dung quan trọng hàng đầu và là căn cứ đảm bảo tin cậy cho lập quy hoạch khai thác cũng như quy hoạch thăm dò than trong thời gian tới. Vì vậy đề nghị:

Thứ nhất: Cần trình bày rõ hiện trạng các cấp trữ lượng và tài nguyên than tương tự như đã nêu trong QH 403/2016.

Thứ hai: Nêu rõ phần trữ lượng giảm do đã khai thác từng năm trong thời gian qua (bao gồm đã khai thác thành than nguyên khai và tổn thất để lại trong lòng đất, bao gồm tổn thất công nghệ và tổn thất địa chất) và phần trữ lượng chênh lệch tăng giảm giữa thực tế so với số liệu trong báo cáo thăm dò, đánh giá trữ lượng. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường giám sát tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác cũng như nâng cao chất báo cáo đánh giá trữ lượng than.

Thứ ba: Đánh giá chất lượng số liệu báo cáo về các cấp trữ lượng và tài nguyên cấp chắc chắn + tin cậy qua thực tế khai thác, thăm dò thời gian qua.

Thứ tư: Nêu rõ phần trữ lượng thăm dò nâng cấp từ các cấp tài nguyên trong thời gian qua.

Thứ năm: So sánh, đánh giá sự cân đối giữa phần trữ lượng thăm dò tăng thêm và phần trữ lượng giảm do khai thác, tổn thất và do sai lệch so với báo cáo trữ lượng làm cơ sở cho đề xuất định hướng công tác thăm dò và giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới.

5/ Hiện trạng phân ngành năng lượng tái tạo (mục 1.5 Chương 1):

Trong nội dung mục này phần về hiện trạng tiềm năng các nguồn NLTT bao gồm NL: gió, mặt trời, sinh khối, chất thải rắn, NLTT khác nêu còn mờ nhạt, chưa phân tích, so sánh giữa tiềm năng theo dự báo trước đây và tiềm năng thực tế có sự biến động ra sao, nguyên nhân là gì? Và chưa nêu cụ thể về quy mô các cấp tiềm năng lý thuyết, kinh tế - kỹ thuật theo các vùng, khu vực để làm cơ sở cho việc tích hợp QH khai thác gắn với nhu cầu theo các vùng, khu vực.

6/ Về hiện trạng phân ngành điện lực (mục 1.6 Chương 1):

Hiện trạng nguồn điện (mục 1.6.1) có nêu rằng: “Cơ cấu nguồn theo chủ sở hữu đã khá đa dạng do sự phân chia các nguồn điện thuộc EVN trước đây thành các công ty phát điện, hiện tại EVN chỉ chiếm 16% tổng công suất nguồn điện, trong khi tỷ trọng công suất nguồn điện thuộc sở hữu tư nhân đã lên tới 27% chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chủ sở hữu”.

Nhận xét trên đây là không chuẩn xác, phần của EVN mới chỉ tính của riêng Công ty mẹ, trong khi các nhà máy điện của các tổng công ty điện lực (GENCO 1, 2, 3) là các công ty con của EVN cũng thuộc EVN, giống như các tổng công ty điện lực của TKV, PVN. Đề nghị nội dung này nên trình bày lại như sau:

(1) Cơ cấu nguồn điện theo thành phần kinh tế: Nhà nước (trong đó nêu rõ tỷ trọng của: (i) EVN, (ii) TKV, (iii) PVN và (iv) các DNNN khác, nếu có), ngoài nhà nước và khu vực có FDI.

(2) Cơ cấu nguồn điện theo loại nhiên liệu, năng lượng (như đã có tại trang 54), song riêng nhiệt điện than cần phân ra: Công nghệ lò than phun (PC) gồm (i) Công nghệ cận tới hạn; (ii) Công nghệ siêu và trên siêu tới hạn và Công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn (CFB).

Với việc trình bày cơ cấu nguồn điện theo đề xuất nêu trên sẽ cho thấy: (1) Thực trạng huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước; (2) Cơ cấu nguồn điện đã đa dạng hóa theo nguồn nhiên liệu và theo trình độ công nghệ (đối với nhiệt điện than).

7/ Về phương án phát triển tổng thể năng lượng (mục 6.3 Chương 6):

- Các phương án phát triển tổng thể năng lượng được xây dựng tương ứng với các kịch bản phát triển kinh tế (tăng trưởng GDP) và các điều kiện khác. Như vậy, nhu cầu năng lượng được xây dựng chủ yếu dựa vào tăng trưởng GDP mà chưa tính đến sự chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trên cơ sở giảm tỷ trọng các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng (kể cả sau khi đã áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng) và tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng nhưng có giá trị gia tăng cao.

- Đã đề ra 6 Kịch bản phát triển tổng thể năng lượng và qua xem xét, đánh giá đã chọn Kịch bản A1 cho Phương án phát triển tổng thể năng lượng. Đây là Kịch bản có khả năng đáp ứng các mục tiêu chính sách ở mức chi phí chấp nhận được.

Tuy nhiên có vấn đề là chưa liên kết, tích hợp các kịch bản với nhau để có các kịch bản ứng phó đối với các biến động trong tương lai.

Kịch bản A1 chỉ là kịch bản được chọn, chứ không phải sau này trong thực tế mọi sự sẽ diễn ra hoàn toán đúng như vậy vì “người tính không bằng trời định”, nhất là trong thời kỳ hội nhập sâu rộng đầy biến động phức tạp, khó lường và tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng còn có nhiều bất định. Chẳng hạn, do điều kiện thuận lợi nên nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên so với dự kiến, hoặc ngược lại, do bối cảnh khó khăn nên nhu cầu giảm xuống, hoặc có thể sẽ xuất hiện các nguồn tài nguyên có lợi thế hơn so với các nguồn tài nguyên đã dự kiến huy động, hoặc do tiến bộ khoa học công nghệ làm cho chi phí, mức phát thải của trường hợp kịch bản không được chọn giảm xuống, v.v..

Hơn nữa, các Kịch bản còn lại tuy không tối ưu bằng Kịch bản được chọn nhưng trong thực tế vẫn có thể có trường hợp xảy ra theo các kịch bản này ở mức độ nào đó, chứ không phải các kịch bản này hoàn toàn bỏ đi, đề ra chỉ đóng vai trò “quân xanh” để gọi là cho có nhiều kịch bản theo quy định. Do vậy, lẽ ra cần phải có sự tích hợp giữa các kịch bản đó theo tinh thần là: Trên cơ sở Kịch bản được chọn dự kiến các sự biến động tăng lên theo hướng kịch bản cao hơn hoặc giảm xuống theo kịch bản thấp hơn. Theo đó, nếu có sự biến động tăng lên thì sẽ bổ sung như thế nào trong khuôn khổ của Kịch bản cao hơn đã đề xuất, hoặc ngược lại, nếu có sự biến động giảm xuống thì sẽ giảm, đình hoãn, điều chỉnh như thế nào cho phù hợp trong khuôn khổ Kịch bản thấp hơn đã đề xuất. Như vậy, sau này trong quá trình thực hiện Kịch bản được chọn nếu có sự biến động như đã dự kiến thì cứ thế mà điều chỉnh theo các tình huống đã đề ra.

Tóm lại, nguyên tắc là: Để đi tới đích thành công theo con đường đã chọn, phải có các giải pháp phòng ngừa rủi ro suốt dọc đường. Đó mới là nguyên tắc lập quy hoạch trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường luôn có sự biến động.

8/ Một số vấn đề khác:

Đối với phân ngành than:

- Rút kinh nghiệm giai đoạn vừa qua: SXKD than trong nước khi thiếu than thì theo kế hoạch, khi thừa than (do ồ ạt nhập khẩu) thì theo thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp khai thác than trong nước. Hơn nữa, để thực hiện một trong những quan điểm đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW “khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia”, đề nghị đề xuất các chính sách, giải pháp thích hợp đảm bảo cho việc khai thác than trong nước thực hiện được mục tiêu sản lượng đã dự kiến trong QH, coi đó là mức sản lượng tối thiểu cần đạt được để các doanh nghiệp trong nước, nhất là TKV và TCT Đông Bắc yên tâm đầu tư phát triển mỏ theo định hướng trong QH.

- Về nguồn than nhập khẩu: Cần có định hướng rõ ràng hơn, nhất là đối với các nguồn than dự kiến nhập khẩu và đầu tư mua mỏ, góp vốn khai thác than ở nước ngoài.

- Về dự trữ than: Do nhu cầu nhập khẩu than ngày càng tăng cao, hơn gấp đôi sản lượng than khai thác trong nước, theo đó sẽ kéo theo nhiều rủi ro gián đoạn nguồn cung nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bên cạnh dự trữ sản xuất của doanh nghiệp đề nghị bổ sung giải pháp lập kho dự trữ than quốc gia với quy mô phù hợp với quy mô sản lượng than nhập khẩu cho từng giai đoạn.

- Về ý kiến cho rằng “Than là động lực chính khiến cho chỉ số HHI tăng gần như liên tục. Năm 2010 chỉ số HHI là 2.288, tăng lên 2.730 vào năm 2015 và 3.4191 vào năm 2019. Đây không phải là một tín hiệu tốt, cho thấy sự đa dạng của nguồn cung sơ cấp đang giảm dần và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào than”. Thiết nghĩ, từ kinh nghiệm thực tế của nhiều nước do hoàn cảnh cụ thể, nhất là tiềm năng nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng ở nước ngoài nên cơ cấu tiêu thụ năng lượng của họ chủ yếu tập trung vào một hay hai loại nhiên liệu chính nhưng vẫn phát triển bình thường.

Ví dụ: Năm 2019 dầu chiếm tỷ trọng rất cao tại một số nước: Mỹ (39,1%); Mexico (42,6%); Brazil (38,1%); Bỉ (50,9%); Đức (35,6%); Hà Lan (47,0%); Tây Ban Nha (47,6%); LH Anh (39,7%); Ảrập Xê-ud (62,7%); Nhật Bản (40,3%); Singapore (86,2%); Hàn Quốc (42,8%); Đài Loan (40,1%); Thái Lan (48,5%), v.v..

Hoặc khí thiên nhiên chiếm tỷ trọng rất cao tại một số nước: Ác-hen-ti-na (49,4%); Ý (40%); Nga (53,7%); Iran (65,2%); UAE (56,7%); Ai Cập (54,5%); Pakistan (46,1%).

Hoặc than đá chiếm tỷ trọng rất cao tại các nước: Ba Lan (44,6%); Kazakhstan (53,9%); Nam Phi (70,6%); Trung Quốc (57,6%); Ấn Độ (54,7%); Indonesia (38,3%).

Do vậy đi đôi với việc sử dụng chỉ số HHI, cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể hơn. Vấn đề quan trọng là khối lượng than đã vượt quá mức hay chưa xét trên góc độ phát thải CO2 và rủi ro về nguồn cung.

Về nguồn LNG nhập khẩu:

Việt Nam là nước mới gia nhập thị trường này, hơn nữa nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng tăng cường nhập khẩu nguồn nhiên liệu này, do đó sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Do đó, cần đề ra định hướng nguồn cung nhập khẩu cụ thể, rõ ràng, kèm theo các chính sách, giải pháp thích hợp để thực hiện./.

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động