Quy hoạch năng lượng, khoáng sản, du lịch ở Bình Thuận - Một số vấn đề cần lưu ý
15:28 | 02/05/2023
Giải pháp nào cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp ở Việt Nam? Tính đến hết ngày 5/4/2023, mới có 17 nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ dự án để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trong khi đó, đây là vấn đề các nhà đầu tư rất sốt sắng, bởi vì dự án càng chậm đưa vào vận hành thương mại sẽ khiến chủ đầu tư càng lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Tại sao lại có hiện tượng lệch pha như vậy? Điều gì đã làm cho các nhà đầu tư chậm trễ trong việc cung cấp hồ sơ dự án cho EVN? Dưới đây là phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ‘thị trường dịch vụ năng lượng’ ở Việt Nam Qua gần 20 năm hoạt động, nhưng các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các chuyên gia là do chúng ta thiếu khung pháp lý cụ thể, cũng như sự hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng... Bài viết dưới đây của TS. Trần Thanh Liễn - Chuyên gia cao cấp về năng lượng sẽ phân tích thực trạng, cơ hội, thách thức, giải pháp thúc đẩy hoạt động ESCO của Việt Nam. |
Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay Bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích, đánh giá, kiến nghị các nội dung liên quan đến thị trường điện và chính sách giá điện Việt Nam. Cụ thể là các giải pháp mà ngành điện đã thực hiện, đạt kết quả, cũng như những tồn tại cần khắc phục và kiến nghị giải pháp cần tiếp tục triển khai để đảm bảo các mục tiêu an ninh cung cấp điện, phát triển bền vững trong giai đoạn tới. |
Chỉ đạo của Bộ Chính trị:
Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW ngày 28/11/2013 “Về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”.
Trong Kết luận 76-KL/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu sớm xây dựng các đề án để hình thành tại Bình Thuận 3 trung tâm kinh tế mang tầm cỡ quốc gia gồm: Trung tâm năng lượng, Trung tâm chế biến quặng titan và Trung tâm du lịch - thể thao biển.
Tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng các đề án theo Kết luận nêu trên của Bộ Chính trị. Đến nay, trung tâm năng lượng đã hình thành mang tầm cỡ quốc gia với công suất 6.500 MW, là nguồn cấp điện chính cho các tỉnh phía Nam. Các nguồn điện năng lượng tái tạo cũng có tiềm năng lớn nhất trong cả nước. Trung tâm du lịch biển đang phát triển tốt, chia thành nhiều khu du lịch lớn, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trung tâm chế biến quặng titan còn phân tán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc hình thành 3 trung tâm trên còn có nhiều bất cập, không hài hòa, còn có hiện tượng chồng lấn và xung đột lợi ích trong quá trình quản lý phát triển theo quy hoạch.
Đặc biệt, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, Bộ Chính trị đã đề ra 4 quan điểm phát triển cụ thể, gồm:
(i) Tiềm năng khoáng sản (TNKS) “cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”.
(ii) “Điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển…”.
(iii) “Công tác quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt, trung và dài hạn; hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia”.
(iv) “Có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến sử dụng khoáng sản; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại đại, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”.
Những bất cập cần được khắc phục trong Quy hoạch khoáng sản:
Đối chiếu với các quan điểm phát triển trong Nghị Quyết số 10 nêu trên của Bộ Chính trị, Quy hoạch khoáng sản (QHKS) đang trong quá trình thẩm định lần này còn có một số bất cập cần được xử lý. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: QHKS chưa thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển lĩnh vực khai khoáng “hài hòa, bền vững” theo “mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”. Tài nguyên khoáng sản (TNKS) cần được quy hoạch phát triển theo hướng hình thành các nền tảng/cơ sở cho sự phát triển lan tỏa và hình thành các khu công nghiệp tập trung và/hoặc hình thành các vùng kinh tế đặc biệt có đủ sức cạnh tranh, cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, QHKS không nên theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, tràn lan, không có “trụ cột”, không có “đầu tàu”, không có “mũi nhọn”.
Thứ hai: QHKS còn thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa khai thác và chế biến. Chế biến là khâu quyết định nâng cao giá trị thặng dư và giá trị sử dụng của TNKS, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng GDP. Vì vậy, cần được gắn kết chặt chẽ với khai thác.
Thứ ba: QHKS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, theo các phụ lục trong dự thảo lần này còn có nguy cơ xung đột với các quy hoạch khác, như nông nghiệp, du lịch, năng lượng, GTVT v.v...
Các kiến nghị cụ thể:
Trước hết, theo Kết luận số 76 nêu trên của Bộ Chính trị, định hướng của QHKS có liên quan đến Bình Thuận là hình thành “trung tâm chế biến quặng titan”. Vì vậy, các dự án liên quan đến titan cần được ghi rõ là “khai thác - chế biến” (khai thác gắn liền với chế biến) coi chế biến là điều kiện bắt buộc. Như vậy, các Phụ lục số 2 và số 3 nên tổng hợp thành một Phụ lục để thống nhất trong quản lý cấp phép sau này. Việc “chế biến sâu” cần có định hướng phát triển hiệu quả tương tự như các dự án tuyển than ở Quảng Ninh.
Đặc biệt, QHKS cần tiến tới mục tiêu hình thành một khu kinh tế đặc biệt dưới dạng một “thung lũng titan” của Việt Nam ở Bình Thuận. Tuy nhiên, giá trị đầu tư vào chế biến sâu thành pigment rất lớn và phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài. Nên cân nhắc coi xử lý quặng thành xỉ titan là “chế biến”.
Thứ hai: TNKS, đối với nền kinh tế, cần được coi là tài sản hữu hình. Trong kinh tế thị trường, tài sản này (TNKS) cần được đánh giá theo giá trị hiện thời (NPV) - tức được khai thác càng sớm thì TNKS càng có giá trị.
Ví dụ, một mỏ titan có trữ lượng công nghiệp là 15 triệu tấn, nếu được quy hoạch khai thác trong 50 năm (công suất bình quân 0,3 triệu tấn/năm) với hệ số chiết khấu là 9%/năm thì giá trị hiện thời của mỏ là 3,29 triệu tấn. Nếu được quy hoạch khai thác trong 30 năm (công suất bình quân tăng lên 0,5 triệu tấn/năm, thì với cùng hệ số chiết khấu, giá trị hiện thời của mỏ tăng lên thành 5,89 triệu tấn - tức tăng lên 1,8 lần. Điều này là vô cùng giá trị để phát triển nền kinh tế. Vì vậy, cũng giống như than Quảng Ninh, các dự án khai thác và chế biến titan trên địa bàn Bình Thuận cần được quy hoạch rút ngắn thời gian khai thác, để nâng cao giá trị hiện thời của khoáng sản - tức cần được quy hoạch với quy mô công suất lớn để có điều kiện đầu tư các công nghệ khai thác và công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại theo định hướng của nền kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, cũng tương tự như khâu khai thác, trong QHKS không nên đưa ra giới hạn về tổng công suất của khâu chế biến để phù hợp với chủ trương khuyến khích chế biến, để thu hút (mở cửa) việc đầu tư vào chế biến cho mọi đối tượng và thành phần kinh tế.
Với công nghệ khai thác lộ thiên, các mỏ quặng sa khoáng ở Bình Thuận nên được quy hoạch với công suất tối thiểu (tính theo khoáng vật nặng) không dưới 0,5 triệu tấn/năm. Trên thế giới, chu kỳ đổi mới công nghệ khai thác các mỏ lộ thiên hiện nay bình quân là < 8 năm, chu kỳ đổi mới công nghệ chế biến bình quân là <10 năm. Các dự án khai thác và chế biến trên thế giới thường có 3 ÷ 5 chu kỳ đổi mới công nghệ.
Hay nói cách khác, thời gian tồn tại (đời sống kinh tế) của các dự án khai khoáng là 24 ÷ 50 năm. Như vậy, mỗi dự án khai thác - chế biến titan cần được quy hoạch với trữ lượng công nghiệp ít nhất là 12 ÷ 25 triệu tấn (tính theo khoáng vật nặng). Vì vậy, việc quy hoạch khoáng sàng Lương Sơn, huyện Bắc Bình với 13 dự án là không có cơ sở. Nên giữ nguyên như trong các quy hoạch trước.
Thứ ba: Để tránh tình trạng “chồng lấn” quy hoạch (vốn có) và tránh mâu thuẫn (sẽ có) giữa “trung tâm chế biến quặng titan” với “trung tâm du lịch - thể thao biển” và các khu vực phát triển dự án năng lượng, QHKS lần này cần xử lý/giải quyết dứt điểm các vấn đề cụ thể có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo tinh thần thống nhất giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh Bình Thuận với lãnh đạo của Ban Kinh tế Trung ương. Cụ thể như sau:
1/ Đối với các dự án đã cấp phép khai thác titan có khả năng ảnh hưởng đến các quy hoạch du lịch và năng lượng: Các chủ giấy phép đang còn hạn khai thác được chuyển đổi giấy phép sang khu vực mới trên tinh thần thỏa thuận đảm bảo hài hòa quyền lợi và chi phí đã bỏ ra theo hướng sáp nhập để hình thành một dự án mới có quy mô lớn hơn kèm với chế biến sâu được triển khai trong phạm vi khu mỏ Lương Sơn III, huyện Bắc Bình.
2/ Đối với một số không nhiều các dự án đã cấp phép khai thác, nằm trong khu vực có khả năng ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch và năng lượng, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không có công nghệ chế biến sâu và/hoặc không có khả năng chế biến sâu nên được đưa ra khỏi QHKS lần này.
3/ Đối với các khu vực dự trữ khoáng sản titan: Theo quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia” và Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ “Về quản lý khoáng sản sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”, tính đến nay, thời gian dự trữ các khoáng sản titan ở Bình Thuận chỉ còn 40 năm là không còn ý nghĩa. Vì vậy cần xử lý theo các hướng sau:
- Căn cứ vào kết quả khảo sát thăm dò địa chất đã có, cần đưa ra khỏi dự trữ những khu vực có hàm lượng khoáng vật nặng thấp hơn hàm lượng biên đã được điều chỉnh, đặc biệt là các khu vực có tiềm năng du lịch ven biển.
- Căn cứ vào tiến độ phát triển của các mỏ được huy động tại khoáng sàng Lương Sơn, để quy định phù hợp và cụ thể thời hạn dự trữ cho các khoáng sàng nằm trong “khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia” để tỉnh có thể xem xét quy hoạch sử dụng mặt đất tại các khu vực này cho các mục đích khác (phát triển phù hợp các dự án nông nghiệp, năng lượng và/hoặc du lịch), tránh lãng phí tài nguyên đất. Các khu vực có dự trữ khoáng sản khác trên tỉnh cũng phải quy định rõ các dự án năng lượng, du lịch, nông nghiệp... được phép đầu tư với thời hạn sử dụng đất cho đến khi khai thác, có thể cho mượn đất để khai thác titan và trả lại sau khi hoàn thổ nếu thời hạn cấp đất dài hơn tốc độ khai thác mỏ.
Thứ tư: QHKS cần ưu tiên khuyến khích các chủ đầu tư và/hoặc các dự án phát triển đồng bộ, khép kín theo nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh như đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10/2/2022 nêu trên của Bộ Chính trị. Theo đó, cần xác định trong QHKS việc bắt buộc hình thành các dự án “tuần hoàn” và “xanh” trên cơ sở tận dụng các diện tích/khu vực đã khai thác để phát triển các dự án như nông nghiệp công nghệ cao, và/hoặc điện gió, và/hoặc điện mặt trời, và/hoặc du lịch/bất động sản, nhằm mang lại lợi ích cao nhất trong sử dụng các nguồn tài nguyên đất. QHKS cần đưa ra các mục tiêu (dự kiến) quy hoạch phát triển các dự án xanh (như nông nghiệp, hay điện gió, điện mặt trời) được triển khai ngay trong các quy trình hoàn thổ và đóng cửa mỏ của các chủ đầu tư, để tận dụng những diện tích “thải ra” từ ngành khai khoáng thành “đầu vào” cho phát triển các ngành kinh tế khác.
Thứ năm: Để giảm thiểu đến tối đa việc chiếm đất và xâm hại đến môi trường trong hoạt động khoáng sản, ngoài việc gắn chặt khai thác với chế biến về mặt công nghệ, QHKS cũng cần gắn chế biến với khai thác về mặt không gian - chế biến tại chỗ, chế biến ngay trên bờ mỏ (trong cùng một mặt bằng công nghiệp), hoàn thổ đúng quy trình, với tốc độ nhanh nhất có thể. Điều này còn có ý nghĩa về mặt kinh tế, giảm chi phí vận tải vô công ngoài mỏ.
Thứ sáu: QHKS cần tính đến khả năng tận dụng các khoảng không đã khai thác titan và điều kiện tự nhiên (nguồn nước khoảng 400 triệu mét khối từ Sông Lũy sau thủy điện Đại Ninh và Thủy điện Bắc Bình đang chảy lãng phí ra biển hàng năm) để thiết lập các hồ chứa nước ngọt nhân tạo (giống như các hồ tự nhiên Bầu Ông, Bầu Bà), nhằm bổ sung nguồn nước ngọt vốn đang rất khan hiếm ở Bình Thuận để trước hết cấp nước sinh hoạt cho khu đô thị Phan Rí Cửa và tạo ra các cảnh quan cho phát triển du lịch và/hoặc bất động sản.
Thứ bảy: Với công nghệ khai thác lộ thiên các mỏ sa khoáng bằng sức nước, “đất đá bóc” chính là cát sạch đã qua rửa nước, nhưng thường có độ hạt rất mịn, không thể sử dụng trong sản xuất bê tông, nhưng rất phù hợp cho san lấp mặt bằng, trong khi Bình Thuận còn tương đối “nghèo” về tài nguyên đất. Vì vậy, trong QHKS cũng nên xem xét, khuyến khích việc tận dụng cát mịn để phát triển quỹ đất (lấn biển như ở Quảng Ninh) sau khi đảm bảo hoàn thổ khu vực khai thác. Điều này nếu được thực hiện còn tạo ra nhiều khoảng không để hình thành các hồ chứa nước ngọt trên đất liền (giống như các moong than đã đóng cửa ở Quảng Ninh).
Thứ tám: Nếu không có kho dự trữ monazite quốc gia, cần kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích xuất khẩu monazite có tính phóng xạ nhằm loại bỏ khoáng vật có chứa phóng xạ ra khỏi khu vực đất hoàn thổ sau khai thác để tiếp tục sử dụng cho các mục đích du lịch, năng lượng, nông nghiệp...
(Được biết, dự án chế biến monazite sẽ được Viện Khoa học Công nghệ Titan (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) và Viện Xạ hiếm (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Nam) tổ chức triển khai lập Báo cáo đầu tư trong thời gian sắp tới).
Kết luận:
Bình Thuận nên được coi là một đối tượng điển hình cho việc có thể kết hợp hài hòa giữa các quy hoạch ngành kinh tế với các quy hoạch vùng lãnh thổ, để kết hợp giải quyết các xung đột lợi ích và chứng minh cho tính khả thi của kinh tế tuần hoàn (đầu thải ra của ngành này là đầu vào có ích của ngành khác), cũng như kinh tế xanh nhằm khai thác tối đa và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ngay trên địa bàn./.
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM