Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia [Kỳ 1]
14:01 | 06/06/2018
Bất cập của Quy hoạch điện lực quốc gia và kiến nghị khắc phục
KỲ 1: THÀNH TỰU 10 NĂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Chiến lược đã đề ra các mục tiêu cụ thể là:
1/ Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5 - 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE.
2/ Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thuỷ điện và u-ra-ni-um). Mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.
3/ Phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2010 độ tin cậy cung cấp của nguồn điện là 99,7%; lưới điện bảo đảm tiêu chuẩn n-1.
4/ Phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 đến 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020.
5/ Bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, đạt 60 ngày vào năm 2020 và đạt 90 ngày vào năm 2025.
6/ Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020, và khoảng 11% vào năm 2050.
7/ Hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi. Đưa số hộ nông thôn sử dụng năng lượng thương mại để đun nấu lên 50% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020. Đến năm 2010 đạt 95% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.
8/ Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng; đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
9/ Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.
10/ Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, sau đó tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.
11/ Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Phấn đấu từ năm 2010-2015, thực hiện liên kết lưới điện khu vực (bằng cấp điện áp đến 500 kV), từ năm 2015 - 2020, thực hiện liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực.
Kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược
Các chỉ tiêu chính đạt được như sau:
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | 2007 | 2010 | 2015 | 2016 | 2017 |
Năng lượng sơ cấp |
|
|
|
|
|
|
Tổng tiêu thụ | 106toe | 30,6 | 44,3 | 63,7 | 64,8 | 68,23 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 144,8 | 143,8 | 101,7 | 105,2 |
Ngành điện |
|
|
|
|
|
|
Công suất đặt | MW | 13.512 | 21.542 | 38.523 | 42.340,96 | 46.049,56 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 159,4 | 178,8 | 109,9 | 108,8 |
Điện cung cấp | GWh | 67,8 | 97,3 | 160,3 | 178,4 | 192,9 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 143,5 | 164,7 | 111,3 | 108,1 |
- Nhập khẩu | “ | 2.630 | 5.599 | 2.393 | 2.715 | 1.321 |
- Điện phát ra | Tỷ kWh | 64,2 | 91,7 | 157,9 | 175,7 | 191,6 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 142,8 | 172,2 | 111,3 | 109,0 |
Ngành than |
|
|
|
|
|
|
Sản lượng than cung cấp | 103T | 43.268 | 46.006 | 48.391 | 51.726 | 52.497 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 106,3 | 105,6 | 106,5 | 101,5 |
Sản lượng khai thác |
| 42.483 | 44.835 | 41.464 | 38.527 | 37.9995 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 105,5 | 92,9 | 92,5 | 98,6 |
Nhập khẩu | “ | 785 | 1.171 | 6.927 | 13.199 | 14.498 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 149,2 | 591,5 | 190,5 | 109,8 |
Xuất khẩu | 106T | 32,1 | 19,8 | 1,7 | 1,4 | 1,15 |
Ngành dầu khí |
|
|
|
|
|
|
Dầu thô | 103T |
|
|
|
|
|
Tổng sản lượng |
| 15.920 | 15.014 | 18.746 | 17.230 | 13.5675 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 94,3 | 124,9 | 91,9 | 78,7 |
Khai thác trong nước |
| 15.920 | 14.795 | 16.880 | 15.200 | 12.0003 |
Khai thác ở nước ngoài |
| - | 217 | 1.866 | 2.030 | 1.5673 |
Xuất khẩu |
| 15.062 | 7.977 | 9.181 | 6.848 | 6.806 |
Khí tự nhiên dạng khí | 103m3 | 7.080 | 9.402 | 10.660 | 10.610 | 9.920 |
Chỉ số phát triển | % | 100 | 132,8 | 113,4 | 99,5 | 93,5 |
Xuất khẩu xăng dầu | 106USD | 627 | 969 | 2.875 | 3.170 | 3.2855 |
Nhập khẩu xăng dầu | 103T | 13.195 | 9.853 | 10.415 | 11.753 | 6.9915 |
Nguồn: Thống kê Năng lượng Việt Nam 2013; 2015; Niên giám TKVN 2010 & 2016, Báo cáo của EVN 2016 & 2017 và BP Statistical June 2017, Ước tính; Tổng cục Hải Quan; Thời báo KTVN 2017-2018.
Qua số liệu nêu trên cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2017 sau 10 năm thực hiện Chiến lược đã đạt được các kết quả chủ yếu sau:
Thứ nhất: Về năng lượng sơ cấp (NLSC): Tổng năng lượng sơ cấp tiêu thụ đã tăng từ 30,6 lên khoảng 68,2 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), tăng gần 2,23 lần.
Thứ hai: Về ngành điện: Tổng công suất các nguồn điện tăng từ 13.512 lên 46.050 MW, tăng 3,4 lần; tổng sản lượng điện phát ra tăng từ 64,2 lên 191,6 tỷ kWh, tăng gần 3 lần. Trong đó, thủy điện và điện từ các nguồn năng lượng tái tạo khác chiếm tới 44% tổng công suất nguồn điện và 46,5% tổng sản lượng điện phát ra; tổng lượng điện nhập khẩu giảm từ 2.630 xuống còn 1.321 triệu kWh, giảm một nửa; tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện đến năm 2017 đạt 98,83%; đã liên kết lưới điện cấp 110kV với các nước: Trung Quốc, Cămpuchia và Lào (chủ yếu phục vụ cho nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và xuất khẩu điện cho Cămpuchia). Tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ mức khoảng 10% năm 2007 xuống còn hơn 7% năm 2017.
Thứ ba: Về ngành than: Sản lượng than sạch khai thác trong nước giảm từ 42,5 xuống còn 38 triệu tấn, giảm 10,6%; sản lượng xuất khẩu giảm từ 32,1 xuống còn 1,1 triệu tấn, giảm hơn 29 lần; sản lượng nhập khẩu tăng từ 0,8 lên 14,5 triệu tấn, tăng hơn 18,1 lần.
Tỷ lệ tổn thất than trong khai thác giảm mạnh từ năm 2007 đến năm 2017: trong khai thác hầm lò giảm từ 32,9% xuống còn khoảng 23% và trong khai thác lộ thiên giảm từ khoảng 8% xuống còn hơn 4,5%.
Đến nay các đơn vị trong ngành than đã lập và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống chống bụi, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải ra môi trường đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn, trồng cây phục hồi môi trường tại các khu vực khai thác, các bãi thải đất đá sau khi kết thúc hoạt động.
Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành hệ thống vận chuyển than bằng băng tải, với tổng công suất trên 20 triệu tấn/năm thay cho vận chuyển than bằng ô tô trên đường bộ tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh và đã đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại xã Dương Huy (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) để xử lý các chất thải rắn, chất thải nguy hại của các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn trên địa bàn các tỉnh phía Bắc.
Thứ tư: Về ngành dầu - khí: Sản lượng dầu thô giảm từ 15,9 xuống còn 13,6 triệu tấn. Trong đó, khai thác trong nước giảm từ 15,9 xuống còn khoảng 12 triệu tấn; sản lượng khai thác ở nước ngoài từ chưa có đã đạt khoảng trên dưới 2 triệu tấn/năm; sản lượng dầu thô xuất khẩu giảm từ 15,1 xuống còn 6,8 triệu tấn; sản lượng khí tự nhiên ở dạng khí đã tăng từ 7 tỷ m3/năm lên khoảng 10 tỷ m3/năm. Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm đã đi vào sản xuất từ năm 2009 và đến năm 2018 có thêm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn công suất 10,0 triệu tấn bắt đầu đi vào hoạt động.
Thứ năm: Về năng lượng tái tạo: Sản lượng năng lượng tái tạo (không kể thủy điện các loại) đến năm 2016 đạt khoảng 0,1 triệu TOE, bằng 0,16% tổng NLSC; điện năng từ năng lượng mới và tái tạo đến năm 2017 đạt tổng công suất đặt 380MW (chiếm 0,83% tổng công suất nguồn điện) và sản lượng điện sản xuất 549 triệu kWh (chiếm 0,3% tổng sản lượng điện phát ra).
Thứ sáu: Về thị trường năng lượng: Đã bước đầu hình thành và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh; sản xuất kinh doanh xăng dầu, khí đốt về cơ bản đã theo cơ chế thị trường, riêng sản xuất than còn nửa vời, lẫn lộn giữa theo thị trường và theo kế hoạch hóa.
Có thể nói ngành năng lượng thời gian qua đã có sự phát triển đáng kể, đặc biệt là ngành điện, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Nếu tính cả thủy điện thì Việt Nam có tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp nói chung và tổng điện năng phát ra nói riêng vào nhóm các nước cao nhất thế giới.
Kỳ tới: Bất cập trong thực hiện các quy hoạch - tiềm ẩn rủi ro an ninh năng lượng
Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam.