RSS Feed for Phát triển lưới 500kV trong dự thảo Quy hoạch điện VIII - Vấn đề cần bàn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển lưới 500kV trong dự thảo Quy hoạch điện VIII - Vấn đề cần bàn

 - Sau sự thành công của lưới điện 500kV mạch 1, có thể thấy trong quy hoạch phát triển lưới truyền tải, xu thế chung là tiếp tục phát triển mạnh lưới truyền tải 500 kV Bắc - Nam giữa các vùng miền và các trung tâm điện lực. Lưới 500 kV đang được đánh giá là cứu cánh để giải tỏa công suất nguồn điện, truyền tải điện tới các trung tâm phụ tải điện ở xa như trong định hướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện 8) hiện nay. Bài viết này xin nêu vấn đề ở khía cạnh khác để phản biện lại việc phát triển hệ thống truyền tải 500 kV tại Quy hoạch điện VIII.


Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII

Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn


Truyền tải 500 kV tăng mạnh về quy mô

Trào lưu truyền tải và phân vùng kinh tế trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.


Theo tài liệu công bố tại Hội thảo lần thứ nhất về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ8), ngày 8 tháng 7 năm 2020, giao diện truyền tải rất lớn giữa 6 vùng. Điển hình truyền tải Nam Trung bộ - Nam bộ 8.000 MW (2020) và 10.000 MW (2025), Bắc Trung bộ - Trung Trung bộ là 3.500 MW, Trung Trung bộ - Tây Nguyên là 6.000 MW, Tây Nguyên - Nam Bộ là 5.500 MW, Nam Bộ - Nam Trung Bộ là 4.500 MW, khối lượng đường dây 500kV dự tính tăng khoảng 2.250 km, như vậy tổng chiều dài đường dây lên tới hơn 10.000 km.

Thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng hơn 28.000 km đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV và 500kV, trong đó cấp điện áp 500kV là hơn 8.600 km. Hệ thống điện truyền tải Việt Nam nói chung và hệ thống điện 500kV nói riêng hiện có quy mô đứng số một Đông Nam Á, đứng thứ hai là Thái Lan với khoảng 6.000 km đường dây cấp điện áp 500kV.

Theo ước tính, 1km đường dây 500kV sẽ sinh ra 1 MVAr công suất phản kháng, việc khối lượng chiều dài lưới 500kV tăng cao sẽ khiến cho lượng công suất phản kháng sinh ra trên hệ thống tăng cao, dẫn đến cần phải trang bị thêm các thiết bị điều chỉnh điện áp như kháng điện, tụ điện nhằm đảm bảo điện áp trên lưới điện trong giới hạn cho phép.

Tổn thất năng lượng trên đường dây 500kV cũng rất lớn, khoảng từ 2,4% đến 3,8% theo công bố tại tài liệu Hội thảo. Năm 2019, sản lượng điện trên hệ thống truyền tải 500kV khoảng 90 tỷ kWh, với tổn thất khoảng 1,95% thì sản lượng tổn thất khoảng 1,76 tỷ kWh, sản lượng này lớn hơn 1/4 sản lượng nhà máy thủy điện Sơn La. Nếu ước tính tổn thất công suất trên đường dây 500kV khoảng 0,5% thì trong 1 giờ truyền tải 10.000 MW sẽ mất khoảng 50 MW, bằng công suất của một nhà máy điện mặt trời cỡ trung bình.

Với công suất truyền tải giữa các vùng lớn, nhiều mạch 500kV, nguy cơ xảy ra sự cố trên các mạch 500kV cũng sẽ tăng cao, khi xảy ra sự cố sẽ rất nghiêm trọng vì công suất truyền tải lớn được truyền qua các mạch còn lại, gây quá tải khiến hệ thống bảo vệ tác động và dẫn đến nguy cơ rã lưới hệ thống.

Như vậy có thể thấy bên cạnh lợi ích như truyền tải điện đi xa, công suất truyền tải lớn, khi hệ thống điện 500kV càng phát triển cũng xuất hiện các vấn đề về điều chỉnh điện áp càng khó khăn, tổn thất điện năng càng lớn, nguy cơ mất an toàn ổn định hệ thống điện càng cao.

Trung tâm phụ tải chủ yếu phát triển ở Bắc bộ và Nam bộ

Cũng theo thông tin dự báo về phụ tải tại quy hoạch VIII, phụ tải ở Bắc Bộ và Nam Bộ luôn cao hơn rất nhiều các khu vực còn lại, chiếm tỷ lệ khoảng gần 40% mỗi miền. Năm 2025 phụ tải  Bắc Bộ chiếm 38,2% và Nam Bộ chiếm 44,4%. Tỷ lệ này luôn được duy trì cao cho đến năm 2050 với gần 40% ở Bắc Bộ và Nam Bộ.

Điện thương phẩm dự báo theo vùng, thông tin dự thảo QHĐ VIII tháng 7/2020.


Phụ tải phát triển mạnh tập trung chủ yếu ở hai đầu đất nước, cộng với nguồn điện tập trung phần lớn các trung tâm điện lực như Chân Mây, Quảng Trạch, Dung Quất, Ninh Thuận, Bình Thuận,... chính là nguyên nhân khiến cho việc phải phát triển mạnh hệ thống 500kV để truyền tải điện từ các nguồn nằm ở miền Trung (xa trung tâm phụ tải) đi tới trung tâm phụ tải phát triển mạnh tại miền Nam và miền Bắc. Chính việc truyền tải điện đi xa khiến cho việc điều chỉnh điện áp trên lưới điện khó khăn, tốn kém, tổn thất điện năng tăng cao.

Phát triển lưới truyền tải tại một số quốc gia

Tại châu Âu, số liệu thống kê năm 2018 của ENTSO-E [1] công bố cho thấy, lưới điện của ENTSO-E phần lớn là lưới 380kV – 400kV với 176.703 km, lưới 220kV – 380kV là 131.065 km, lưới 110kV – 220kV là 166.547 km, lưới trên 400kV chỉ có chiều dài tổng là 385 km. Ngoài ra, ENTSO-E cũng vận hành lưới điện xoay chiều cáp điện với chiều dài 5.567 km và lưới điện một chiều có chiều dài 8.691 km.

Lưới điện liên kết châu Âu liên kết cả châu Âu tới châu Phi, bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Syria, Lebanon, Isarel, Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria, Morocco và quay trở lại kết nối lưới châu Âu qua Tây Ban Nha.

Có thể thấy châu Âu là một ví dụ điển hình cho việc không phát triển quá mạnh các hệ thống truyền tải cao áp. Hầu hết lưới điện được liên kết bởi hệ thống có điện áp từ 400kV trở xuống. Để làm được việc này, châu Âu đã phát triển quy hoạch đồng bộ vùng kinh tế với quy hoạch điện. Các trung tâm phụ tải châu Âu đều nằm gần các nguồn điện khiến cho lưới điện truyền tải được phát triển tối ưu, ít tổn thất. Với khối lượng lưới truyền tải có quy mô lớn nhất thế giới nhưng hệ số tổn thất lưới truyền tải châu Âu năm 2018 rất thấp, dao động trong khoảng 0,6% - 2,6% tùy từng quốc gia. [2] 

Hiệu quả sử dụng điện

So sánh hiệu quả sử dụng điện với các nước điển hình trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, hiện Việt Nam đang thể hiện việc sử dụng không hiệu quả nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế. Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, Việt Nam sản xuất khoảng 221 tỷ kWh điện để tạo ra 245 tỷ USD GDP, các con số tương tự của Thái Lan là 191 tỷ kWh và 507 tỷ USD, của Indonesia là 267 tỷ kWh và 1042 tỷ USD. Thống kê năm 2019, Việt Nam sản xuất khoảng 240 tỷ kWh và tạo ra 262 tỷ USD, Thái Lan là 198 tỷ kWh và 544 tỷ USD, Indonesia là 279 tỷ kWh và 1119 tỷ USD.

Có thể thấy cường độ sử dụng điện (kWh/USD) của Việt Nam luôn cao hơn gấp đôi so với Thái Lan và gấp hơn 3 lần so với Indonesia. Qua đó có thể thấy hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam rất thấp, nếu so với Thái Lan để làm ra 1 USD GDP, Thái Lan cần 1kWh thì Việt Nam cần gần 2,5 kWh, nếu so với Indonesia thì Việt Nam cần khoảng 3,5 kWh. Chi tiết thống kê và phân tích số liệu thể hiện tại Bảng dưới đây.

 

Việt Nam (VN)

Thái Lan (TL)

Indonesia (IN)

Tỷ lệ (VN/TL)

Tỷ lệ (VN/IN)

2019

Điện sản xuất [3], tỷ kWh

240

198

279

   

GDP [4], tỷ USD

262

544

1119

   

Cường độ sử dụng điện, kWh/USD

0.92

0.36

0.25

2.56

3.68

2018

Điện sản xuất, tỷ kWh

221

191

267

   

GDP, tỷ USD

245

507

1042

   

Cường độ sử dụng điện, kWh/USD

0.90

0.38

0.26

2.37

3.46

So sánh hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia.


Kết luận và kiến nghị

Có thể thấy trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang chú trọng phát triển mạnh hệ thống điện 500kV để truyền tải công suất từ các trung tâm nguồn điện xa các trung tâm phụ tải. Thực tế cũng cho thấy mặc dù quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 1 Đông Nam Á về lưới điện truyền tải và đứng thứ 2 Đông Nam Á về nguồn điện (sau Indonesia) nhưng việc sử dụng hiệu quả điện năng cho phát triển kinh tế của Việt Nam còn thua kém rất nhiều các nước trong khu vực.

Chính việc sử dụng không hiệu quả điện năng khiến cho Việt Nam luôn chịu áp lực trong đầu tư phát triển hệ thống nguồn điện, lưới điện với tốc độ tăng trưởng cao bình quân hàng năm 9% đến 10%, gây áp lực đầu tư cho cả Chính phủ và các đơn vị ngành điện.

Nguyên nhân gây ra việc sử dụng điện năng không hiệu quả đến từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố liên quan tới:

Thứ nhất: Cơ cấu kinh tế còn bất cập: Một vài ngành công nghiệp còn tiêu thụ nhiều năng lượng, tận dụng giá điện thấp để sản xuất - xuất khẩu các sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng (thép, clanke…). Mặt khác, hành vi sử dụng điện lãng phí nhiều lĩnh vực còn phổ biến…

Thứ hai: Công tác đồng bộ các quy hoạch phát triển kinh tế, đô thị vùng, miền. Việc tập trung phát triển kinh tế quá mạnh tại hai đầu đất nước (miền Nam và miền Bắc), không đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế với phát triển điện lực khiến cho các trung tâm phụ tải nằm xa các trung tâm nguồn điện, dẫn đến hệ thống truyền tải điện phải truyền tải điện đi xa, điện áp cao, tổn thất lớn.

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 định nghĩa Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Để Quy hoạch điện VIII hiệu quả, cần đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế, đô thị vùng, miền, quy hoạch các khu kinh tế, đô thị gần với các trung tâm nguồn điện. Qua đó xem xét việc giảm khối lượng đầu tư lưới điện 500kV và phát triển lưới truyền tải ở cấp điện áp thấp hơn 500kV. Đồng thời có các kiến nghị mạnh về chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế sang hướng giảm tiêu thụ năng lượng.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, các đơn vị cũng cần phải có các phản biện lại các quy hoạch phát triển kinh tế, đô thị vùng, miền để đồng bộ việc phát triển kinh tế cân bằng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, đạt mục tiêu phát triển tối ưu kinh tế đất nước./.

NGUYỄN QUANG VINH


Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.entsoe.eu/data/map/

[2] https://www.ceer.eu/documents/104400/-/-/fd4178b4-ed00-6d06-5f4b-8b87d630b060

[3] Annual report A0, EGAT, PLN

[4] https://tradingeconomics.com/

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động