RSS Feed for Giao thông, thủy điện trên Sông Hồng: Dự án to, nỗi lo lớn! | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 07:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giao thông, thủy điện trên Sông Hồng: Dự án to, nỗi lo lớn!

 - Vừa qua từ thông tin báo chí được biết, Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên của Tập đoàn Xuân Thành, đề xuất Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp 6 thủy điện trên Sông Hồng, tổng vốn đầu tư dự kiến 1,1 tỷ USD, dự án sẽ thực hiện theo phương thức BOO. Đề xuất dự án đã được Bộ KH&ĐT xem xét và cho biết đã được sự đồng thuận cao của nhiều bộ, và đã trình Chính phủ vào cuối tháng 4/2016.

Xây dựng thủy điện trên sông Hồng mới chỉ là ý tưởng
Cần thay đổi tư duy lỗi thời về năng lượng tái tạo
Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và những thách thức

PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - VEA

Với bối cảnh đất nước hiện nay đang mong muốn thu hút vốn đầu tư, phát triển nhanh và có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa - học công nghệ, những đề xuất ý tưởng táo bạo là rất đáng trân trọng và khích lệ. 

Tuy vậy, là người đã làm việc nhiều năm trong ngành năng lượng, chúng tôi khá ngạc nhiên và lo ngại. 

Chúng ta đều biết, đã từ nhiều thập niên trước, Việt Nam đã có quy hoạch thủy lợi, thủy điện. Trên hệ thống Sông Hồng, gồm cả Sông Đà, sông Thao, Sông Lô; nhưng chỉ có Sông Đà phù hợp với xây dựng thủy điện, còn Sông Lô chủ yếu phòng lũ - giữ nước. 

Với hệ thống quy hoạch này, hiện nay dân cư, đất đai đã được sắp xếp khá ổn định. 

Ngày nay, mọi dự án phát triển đều phải đảm bảo lợi ích cộng đồng, nhà đầu tư và đặc biệt đảm bảo môi trường bền vững. Xu thế hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã và đang hoàn nguyên các dòng sông, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã hiện hữu.

Với dự án lớn này, chúng tôi cảm nhận có nhiều vấn đề còn bỏ ngõ, thiếu minh bạch.

Theo Bộ KH&ĐT cho biết, dự án mới là ý tưởng và cũng chưa thấy công khai tài liệu. Chúng tôi chỉ xin nêu một số suy nghĩ (không phải phản biện), với hy vọng cung cấp thêm thông tin tham khảo cho cơ quan công quyền, nhà đầu tư và cộng đồng.

1. Nội dung chính của dự án là cải tạo Sông Hồng thành tuyến giao thông thủy xuyên Á, nối với Tây Nam của Trung Quốc. Với khoảng cách ngắn, sẽ hình thành 6 con đập và âu thuyền, thuyền bè cỡ lớn có thể lưu thông.

Như vậy, Sông Hồng sẽ bị cắt thành 6 khúc, nước dâng thành hồ, sinh thái dòng sông sẽ trở thành sinh thái hồ. Điều này chúng ta đã thấy rõ ở hệ thống sông Tây Nguyên, Sông Mêkong gây hạn hán, xâm nhập mặn... Trong quá trình cải tạo, nạo vét hàng trăm km đường sông từ Việt Trì lên Lào Cai, xây đập, âu thuyền sẽ hủy hoại nhiều, kiến tạo địa chất, cảnh quan thiên nhiên quý giá, môi trường sinh thái thay đổi.

2. Với 6 con đập, từng chặng sông, nước sẽ dâng lên, chắc chắn ảnh hưởng tới phân bố dân cư, đất đai vốn đã khá ổn định; phù sa nuôi dưỡng đồng bằng Sông Hồng sẽ ít đi, vựa lúa Đồng bằng Sông Hồng bị đe dọa, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, sinh kế và xã hội của hàng chục triệu dân Bắc bộ.

3. Cũng với 6 đập, nước dâng sẽ ảnh hưởng tới các công trình thủy lợi, thủy điện hiện có. Phần hạ lưu, mức nước sẽ giảm bớt, hiện tượng thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ tăng lên, ảnh hưởng khôn lường chưa dự báo được.

4. Về kết hợp thủy điện, dự án dự kiến xây 6 thủy điện có tổng công suất 228 MW. Như vậy, theo phân loại của Việt Nam là các thủy điện vừa (trên 30MW mỗi trạm), với lượng điện phát hằng năm chưa tới một tỷ kWh, đối với Việt Nam hiện tại và tương lai, chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Có thể nói, cho tới nay (năm 2016), Việt Nam đã xây dựng 7 Quy hoạch điện quốc gia, chưa thấy nghiên cứu nào đề cập tới xây dựng thủy điện trên Sông Hồng. Phải chăng các Quy hoạch điện quốc gia đều bỏ sót!

Tuy dự án đề nghị sẽ xây dựng thủy điện cột nước thấp, nhưng cũng phải đắp đập, tích nước thì mới có thế năng.

Mặt khác, dự tính lúc xây xong giá điện khoảng 1900đ/kWh, sau đó sẽ là 3500đ/kWh.

Xin lưu ý, hiện tại giá điện bình quân hệ thống của Việt Nam chưa tới 1900đ/kWh. Giá điện năng lượng tái tạo ở nhiều nước hiện nay khoảng 8cents/kWh và dự kiến đến năm 2020 sẽ giảm 20%.

Vậy ai sẽ mua điện của dự án? 

5. Về năng lực tài chính, với dự án 1,1 tỷ USD, yêu cầu chủ đầu tư phải có 30%, được biết vốn điều lệ của chủ đầu tư khoảng 1200 tỷ đồng, vậy có tương xứng không? Chắc sẽ vay, hoặc kêu gọi nhiều công ty góp vốn. Trong kinh doanh, vay - trả, trả - vay là chuyện bình thường; tuy nhiên mức độ rủi ro chậm tiến độ, đặc biệt mất tự chủ là rất cao.

Việt Nam hiện nay chắc đã có khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.

Do vậy, theo chúng tôi, đã đến lúc chúng ta phải chia tay các dự án "tình huống", hay "cơ chế đặc thù"...

6. An ninh và lợi ích là vấn đề hết sức quan trọng và nhạy cảm. Hiện nay Việt Nam vừa hoàn thành nhiều tuyến đường bộ hiện đại lên phía Bắc với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng, chưa thấy có đánh giá nào về mức mang tải của các tuyến đường này, nhưng trực quan thấy còn thưa thớt lắm.

Cho tới nay, lợi ích dự án thế nào? Đường thủy của dự án sẽ chở gì, ai đi lại? Cộng đồng dân Việt hưởng lợi thế nào? Chưa rõ! Thấy rõ nét hơn, đường thủy xuyên Á này khơi thông, tạo thuận lợi cho vùng Vân Nam của Trung Quốc.

Nói tóm lại là dự án lớn này còn nhiều nội dung chưa minh triết, lợi ích cộng đồng chưa rõ ràng, nhưng ảnh hưởng xấu tới môi trường, môi sinh đã rõ nét, làm nhiều người lo lắng, mong các cơ quan công quyền hết sức thận trọng, cần thiết tổ chức thẩm định độc lập và nhất thiết phải tham vấn ý kiến cộng đồng.

                                                                  Tháng 5/2016

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động