RSS Feed for Cần thay đổi tư duy lỗi thời về năng lượng tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 17:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần thay đổi tư duy lỗi thời về năng lượng tái tạo

 - Xuất phát từ giá cả của năng lượng tái tạo (NLTT) cách đây hàng chục năm và đặc biệt từ thực trạng yếu kém của các ứng dụng NLTT ở nước ta trong thời gian qua, mà đã có những định kiến không đúng về năng lượng tái tạo như: Quá đắt, không kinh tế; không phù hợp đối với các phụ tải thương mại lớn, chất lượng không đảm bảo… Tuy nhiên, với những sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học - công nghệ, nên đến nay các định kiến này đã lỗi thời và cần phải đổi mới ngay tư duy cũ, xóa bỏ các định kiến không còn phù hợp đối với NLTT.

Giá dầu giảm, năng lượng tái tạo phát triển thế nào?

TS. ĐẶNG ĐÌNH THỐNGHiệp hội Năng lượng Việt Nam

Điện năng lượng tái tạo

NLTT chúng ta đang nói ở đây là các nguồn năng lượng (NL) tự nhiên như NL mặt trời (NLMT), NL gió, NL sinh khối, thủy năng, NL đại dương (NL sóng, thủy triều, nhiệt đại dương) và NL địa nhiệt. Các nguồn NLTT rất đa dạng, có tính chất vật lý cũng rất khác nhau, nhưng chúng có 2 đặc điểm chung rất quí báu là:

(1) Là các nguồn NL sạch, tức là các nguồn gần như không phát thải khí nhà kính (KNK), gây ô nhiễm môi trường và do đó không gây ra biến đổi khí hậu (BĐKH).

(2) Là các nguồn NL có tính tái tạo hay tái sinh và do đó ta có thể nói rằng, tiềm năng và trữ lượng của NLTT là vô cùng lớn.

Nhờ các tính chất quí báu này mà NLTT được xác định là nguồn sẽ thay thế nguồn NL hóa thạch của nhân loại trong thế kỷ 21 và trong tương lai.

Đối với sản xuất điện năng thì các nguồn như: thủy năng, NLMT, NL gió và NL địa nhiệt có vai trò rất quan trọng. Nguồn NL địa nhiệt thì không phải ở đâu cũng có. Chỉ ở một số nước như New Ziland, Ý, Philippin… có các mỏ địa nhiệt lớn, nhiệt độ cao nên khai thác NL hiệu quả.

Còn như ở nước ta, theo đánh giá sơ bộ có gần 300 nguồn địa nhiệt, nhưng có nhiệt độ thấp, phần lớn < 1000C, nên việc khai thác cho phát điện sẽ kém hiệu quả. Ngược lại, NLMT, NL gió, tuy cường độ và mật độ NL có khác nhau, nhưng đâu đâu cũng có, quốc gia nào cũng có. Vì vậy hiện nay các nguồn NLMT và NL gió là các nguồn NLTT chính để sản xuất điện.

NLTT mà chúng ta nói dưới đây ngụ ý là điện năng sản xuất từ NLTT.

Những định kiến không còn phù hợp đối với NLTT

Xuất phát từ giá NLTT cách đây hàng chục năm còn cao và đặc biệt từ thực trạng ứng dụng NLTT yếu kém ở Việt Nam mà phần lớn trong chúng ta đã có những đánh giá và định kiến không tốt đối với NLTT nói chung và điện NLTT nói riêng. Những định kiến phổ biến nhất bao gồm:

(1)  NLTT quá đắt và do đó là các nguồn NL không kinh tế.

(2)  NLTT khó có thể trở thành nguồn NL thương mại vì khó có thể đáp ứng về công suất và chất lượng điện năng đối với các phụ tải lớn, phụ tải công nghiệp.

Lý do của các định kiến về NLTT

Trước hết, cách đây hàng chục năm, giá NLTT còn khá cao do công nghệ còn chưa được hoàn thiện và do giá NL hóa thạch còn rẻ. Ví dụ, trước năm 2005, giá phổ biến của điện NLTT trên thế giới như sau: điện mặt trời (Solar PV): khoảng trên 20 UScents/kWh; nhiệt điện mặt trời (CSP): (26-30) UScents/kWh; điện gió: khoảng (15-18) UScents/kWh.  

Ngoài ra, trong thời gian qua, nước ta cũng đã có các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLTT và chủ yếu là để cấp điện sinh hoạt cho các hộ dân cư vùng sâu vùng xa (ngoại trừ các nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Bạc Liêu đang xây dựng).

Tuy nhiên, có thể nói các dự án (DA) ứng dụng NLTT ở nước ta cho đến nay (trừ các DA gió Bình Thuận và Bạc Liêu chưa thực hiện xong) là rất không hiệu quả. Lỗi này tại ai? Tại NLTT hay tại chính chúng ta? Tôi cho rằng, lỗi chính là do chúng ta. Tại sao?

Vì: 1) Các hoạt động NLTT ở nước ta hoàn toàn mang tính tự phát vì làm gì đã có chính sách, có chỉ đạo của nhà nước. Mà cái gì tự phát thì nói chung cũng chụp dật, cũng bất chấp KHCN, người không biết gì về chuyên môn cũng xin DA để làm, để kiếm tiền…

2) Đối tượng của các DA lại là khu dân cư, hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, ngoài lưới, tức là qui mô rất nhỏ (như các trạm pin mặt trời có công suất chỉ vài trăm oát (W) đến vài kW; thủy điện nhỏ, tuốc bin gió cũng chỉ có công suất từ vài trăm W đến vài chục kW), sử dụng công nghệ nguồn độc lập (phải dùng ắc qui, đắt, tuổi thọ ngắn); kinh phí một DA thường chỉ vài ba trăm triệu đồng (đó là danh nghĩa, còn thực chất chỉ khoảng 60% dùng cho DA).

3) Gần như không ai để ý đến công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng sau DA. DA lắp đặt xong, nổi trống dong cờ, nghiệm thu rầm rộ, xong là ai đi đàng nấy, bỏ lại các hệ nguồn NLTT lại cho người dân vùng sâu, vùng xa tự xoay xở. Vậy nên dăm ba tháng sau, hay may mắn thì một vài năm sau là hỏng, nằm chết mà không ai thương tiếc vì tiền chùa.

Xuất phát từ thực trạng đáng buồn như vậy mà phần lớn chúng ta, kể cả một số lãnh đạo Nhà nước đã có những đánh giá và định kiến rất xấu về NLTT. Các định kiến phổ biến cho rằng:

NLTT quá đắt, không kinh tế, hiệu quả thấp.

NLTT không thể đáp ứng được nhu cầu các phụ tải thương mại, tức là không thể cung cấp điện có công suất lớn và chất lượng ổn định.

Có thể khẳng định, đến nay những định kiến này đã quá lỗi thời, lạc hậu và chúng ta cần thay đổi ngay tư duy lỗi thời trên. Tại sao?

(1) NLTT có còn là nguồn NL quá đắt, không có hiệu quả kinh tế không?

Xin thưa là không. Đến nay giá NLTT đã hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với NL hóa thạch, ngay cả khi chúng ta ưu ái NL hóa thạch vì hoàn toàn không tính đến các tác hại mà chúng gây ra đối với môi trường. Dưới đây xin chứng minh bằng một vài con số từ các Báo cáo thường niên của Cơ quan NL quốc tế (IEA).

- Giá điện gió trên bờ năm 2015 trung bình giảm 30% so với năm 2010.

- Giá điện mặt trời năm 2015 giảm 66% so với năm 2010.

Theo Dự báo của IEA đến năm 2020 giá điện gió và giá điện mặt trời tiếp tục giảm thêm lần lượt 10% và 25% so với giá năm 2015. Giá mô đun pin mặt trời cách đây 10 năm khoảng 5000-6000 USD/kW thì hiện nay chỉ còn khoảng 800-1000 USD/kW và đến năm 2025 sẽ giảm xuống 400-450 USD/kW.

Cũng theo IEA, trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng công suất các nhà máy điện NLTT sẽ chiếm gần 2/3 tổng công suất các nhà máy điện trên toàn thế giới xây dựng trong giai đoạn này. Tỷ lệ phát điện NLTT tăng từ 22% năm 2013 lên hơn 26% vào năm 2020. Giá xây dựng hiện nay đối với điện mặt trời chỉ còn 1500-1800USD/kW.

- Gần đây một số dự án điện gió trên bờ đã được ký kết hợp đồng dài hạn với giá 60-80USD/MWh (hay 6-8 Uscents/kWh), trong đó một số dự án tốt nhất ở Ai Cập, Braxin, Nam Phi và một số bang ở Mỹ đã ký hợp đồng với giá 50USD/MWh (5USCents/kWh).

- Một số hợp đồng các dự án điện mặt trời hiện nay đã ký với giá 80-100USD/MWh (8-10USCents/kWh), trong đó các dự án tốt nhất ở Ả Rập Xê Út, Jordan, Nam Phi và một số bBang ở Mỹ có giá chỉ 60USD/MWh (6USCents/kWh).

Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, tính cạnh tranh về giá của các dự án NLTT phụ thuộc nhiều vào qui mô, tiềm năng các nguồn NLTT cũng như chi phí nối lưới, truyền tải và các chi phí môi trường liên quan đến NL hóa thạch.

(Hình 1 cho giá điện gió, mặt trời và thủy điện so sánh với giá NL hóa thạch năm 2014 và dự báo của REN15 vào năm 2025).

- Hiện nay ở châu Âu, đứng đầu là Đức, nhà nhà làm điện gió, nhà nhà làm điện mặt trời vì đầu tư vào công nghệ phát điện gió, điện mặt trời có lãi cao hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Với các con số trên thấy rằng NLTT không còn là nguồn NL xa xỉ, đắt đỏ nữa và đã hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với NL hóa thạch.

Hình 1. Giá điện gió, mặt trời và thủy điện năm 2014 và dự báo năm 2025.  So sánh với giá năng lượng hóa thạch với giả định như hiện nay

 (2) Có phải NLTT không thể đáp ứng được nhu cầu NL thương mại không?

Câu trả lời cũng là không. Tại sao?

- Năm 2014, NL gió đáp ứng 33% nhu cầu điện ở Đan Mach; 20,9% ở Tây Ban Nha; ở Ý, riêng Solar PV đáp ứng 10% tổng nhu cầu; điện NLTT ở Đức đã đáp ứng 27,7% tổng nhu cầu điện năng (trong đó: điện gió 9,5%; điện MT 7,0%; sinh khối 8,1%).

- Đặc biệt, đã có nhiều thành phố, ngành kinh tế, vùng lãnh thổ trên thế giới hướng tới sử dụng 100% NLTT vào năm 2020, như các quốc gia Djibouti, Scotland và quốc đảo Tuvalu. Số quốc gia hướng tới sử dụng 100% NLTT ngày càng tăng lên. Ở Đức, đến năm 2020, theo kế hoạch, khoảng 20 triệu người (khoảng 1/3 dân số) sẽ sống ở các khu vực 100% NLTT.

- Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong giai đoạn 2015-2020 gần như chỉ xây dựng mới các nhà máy điện NLTT, trong đó chủ yếu là các nguồn không phải thủy điện. Tổng công suất của khối này sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng công suất điện NLTT trên thế giới.

Với các minh chứng trên, thì có thể nói, các định kiến không đúng đối với NLTT cần phải thay đổi ngay, nhất là đối với các nhà chức trách ngành NL và nhà nước. Chúng ta cần phải thâm nhập ngay vào thị trường NLTT thế giới. Muốn vậy cần sớm ban hành một Chính sách NLTT phù hợp nhằm phát triển mạnh NLTT để nó dần dần có vai trò lớn hơn trong cân bằng NL Việt Nam.

Một bài học về Chính sách NLTT đúng đắn là việc ở CHLB Đức, nhà nhà đầu tư lắp đặt các hệ nguồn điện mặt trời, điện gió vì rằng pháp luật qui định ngành điện của Đức phải mua hết lượng điện của các hộ phát ra với giá qui định theo các hợp đồng minh bạch dài hạn.

Ở Việt Nam gần đây rất nhiều hộ khu vực Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh… đã gọi điện tham khảo ý kiến chúng tôi vì rất muốn lắp trên mái nhà của họ các hệ điện mặt trời để tiết kiệm tiền điện. Việc này đến nay hoàn toàn có thể thực hiện được. Với mỗi hộ, CS hệ ĐMT chỉ khoảng 3-3,5 kWp (tiêu chuẩn châu Âu, Nhật). Với giá lắp đặt phổ biến hiện nay chỉ cần đầu tư: 1500USD/kWp x 3,5kWp/hộ x 21.000 đ/USD ≈ 110 triệu đồng. Với kinh phí không lớn này đa số chúng ta đều có thể đầu tư. Nhưng cái khổ, cái khó là chúng ta chưa có Luật nối lưới đối với đối tượng này, vậy nên không thể thực hiện được vì chỉ có nối lưới thì mới có hiệu quả kinh tế cao và chất lượng điện mới đảm bảo.

Chúng ta tin rằng, nếu ngay bây giờ có Luật nối lưới công bằng và minh bạch, trong đó qui định EVN phải mua điện từ các hộ phát điện NLTT, qui định giá mua và giá bán hợp lý, có hợp đồng dài hạn thì đảm bảo sẽ có rất nhiều hộ sẽ lắp đặt các hệ điện mặt trời. Và nhờ vậy mà EVN sẽ giảm được đầu tư hàng năm rất đáng kể để phát triển mạng điện.  

Ví dụ, chỉ tính 2 thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, có khoảng 5 triệu hộ. Nếu 1/5 số đó xây dựng hệ điện mặt trời (3,5kWp/hệ) thì tổng công suất điện mặt trời lên đến 3.500MWp, và tổng chi phí đầu tư là 5.250 triệu USD.

(3) Những yêu cầu cấp bách đặt ra đối với ứng phó với BĐKH

Như ta biết, Hội nghị về BĐKH toàn cầu tổ chức vào tháng 12/2015 tại Paris. Sự thảo luận, tranh luận về vấn đề cắt giải KNK đã diễn ra rất gay gắt trong gần 10 ngày giữa các quốc gia trên toàn cầu, trong đó chủ yếu là vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế khi phải cắt giảm KNK hay phát triển NLTT. Nhưng cuối cùng đã đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc về tỷ lệ cắt giảm KNK để đến năm 2030, nhiệt độ trái đất tăng không quá 20C.

Riêng Việt Nam, Chính phủ đã cam kết cắt giảm tối thiểu 8% KNK vào năm 2030. Đây là một ví dụ cho thấy rằng việc phát triển NL sạch, NLTT không còn chỉ là vấn đề so sánh hơn thiệt về mặt kinh tế mà đã đến lúc chúng ta phải xem xét đến phát triển hay là chết. Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn năm nay ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long nước ta là một ví dụ nhãn tiền về ảnh hưởng của BĐKH lớn như thế nào, nguy hiểm như thế nào đến con người, đến nhân loại, thiệt hại kinh tế chắc chắn sẽ là rất lớn.

Kết luận

(1) Cần thay đổi ngay tư duy đã lỗi thời về NLTT.

(2) Cần xây dựng và ban hành ngay chính sách thiết thực để phát triển NLTT và thành lập một cơ quan chuyên trách về phát triển NLTT ở Việt Nam.

Hà Nội, 7/3/2016

Tài liệu tham khảo

1. Renewable Energy Medium Term Market Report 2014. Market Analysis and Forecasts to 2020. International Energy Agency (IEA).

2. Renewable Energy Medium Term Market Report 2015. Market Analysis and Forecasts to 2020. International Energy Agency (IEA).

3. REN21, Global Renewable Energy 2014, January 2015.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động