RSS Feed for Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ cuối) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ cuối)

 - Một thị trường điện cân bằng không chỉ đơn giản là một cơ chế cho phép cân bằng hệ thống. Trong thực tế, nó là nền tảng của việc vận hành thị trường điện một cách hiệu quả, vì nó tạo cho các nhà sản xuất cơ hội bán những khối lượng điện sản xuất bổ sung chưa có hợp đồng. Mặt khác, tạo cho người tiêu dùng cơ hội mua những khối lượng điện bổ sung để đáp ứng cho nhu cầu chưa có hợp đồng. Đặc biệt là cho phép các bên tham gia thị trường giải quyết các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát phụ tải không chính xác, cũng như hình thành được giá cơ sở cho việc ký kết các hợp đồng có kỳ hạn.


Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 1)
Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 2)


KỲ CUỐI:

V. HÌNH THÀNH CƠ CHẾ CÂN BẰNG ĐIỆN

Các công ty sản xuất và cung ứng điện khác với các nhà kinh doanh điện ở chỗ là họ không chỉ mua và bán điện theo hợp đồng, mà còn thực hiện các dịch vụ kèm theo đối với người tiêu dùng điện. Điều này có nghĩa, các công ty sản xuất sẽ tiến tới bán hết sản lượng điện mà họ đã lập kế hoạch sản xuất.

Tương tự, các công ty cung ứng cũng cố gắng mua đủ sản lượng điện mà các khách hàng của họ đã lập kế hoạch sử dụng.

Khi các công ty sản xuất và cung ứng xác định được khối lượng sản xuất và tiêu dùng điện, họ có trách nhiệm đặt hàng cho Nhà vận hành hệ thống. Trách nhiệm này được qui cho các tổ máy phát có công suất đặt trên 50 MW và các hộ tiêu dùng hơn 50 MW điện từ lưới. Nhà vận hành hệ thống có trách nhiệm tiếp thu các đơn đặt hàng mua - bán này và sử dụng chúng với mục đích kiểm soát cân bằng cung - cầu trong thời gian thực theo từng khu vực, hoặc trên toàn quốc.

1. Vận hành thị trường điện cân bằng

Mục đích của việc cân bằng thị trường là đảm bảo cân bằng vật lý về công suất và các đặc tính vận hành quan trọng nhất của hệ thống. Để đạt mục đích này, Nhà vận hành hệ thống có trách nhiệm thực hiện các chức năng sau:

Một là: Duy trì tần số trong lưới điện.

Hai là: Hiệu chỉnh dòng công suất để đảm bảo tính ổn định.

Ba là: Cung cấp các dịch vụ phụ trợ cho các bên tham gia thị trường.

Hoạt động của cơ chế cân bằng đối với từng nửa giờ nhất định sẽ bắt đầu ngay sau mỗi lần “đóng cổng”. Nhà vận hành hệ thống chịu trách nhiệm cá nhân về các đơn đặt hàng đã được thị trường chấp nhận và có thể tiếp nhận đơn đặt hàng về thay đổi toàn bộ, hoặc một phần các đơn hàng đã được thị trường chấp nhận (“Đơn thay đổi”) vào bất cứ thời điểm nào giữa các lần “đóng cổng” với thời gian thực. Nhà điều hành hệ thống bắt buộc phải đảm bảo các “lệnh” của mình phải phù hợp với các đặc tính kỹ thuật hoạt động của cơ chế cân bằng (ví dụ tốc độ lên tải của tổ máy phát).

Các “Đơn thay đổi” tham gia vào hoạt động của Thị trường cân bằng sẽ cho thấy bên tham gia thị trường sẵn sàng từ chối, hoặc thay đổi một thông số được kiểm soát nào đó để đổi lấy việc bồi thường. Nhà vận hành hệ thống có trách nhiệm tiếp nhận các đơn thay đổi thông số đó và nếu sau đó Nhà vận hành hệ thống cho rằng: Đơn thay đổi thống số nào đó đã không có căn cứ hay không cần thiết, thì cũng không thể hủy bỏ đơn đó. Trong trường hợp này, Nhà vận hành hệ thống sẽ tiếp nhận một đơn thay đổi có tính ngược lại, do các đơn thay đổi các thông số thường được các bên tham gia thị trường đưa ra theo từng cặp với các đơn mang tính trái ngược.

Như vậy, một thị trường cân bằng không chỉ đơn giản là một cơ chế cho phép cân bằng hệ thống. Trong thực tế, nó là nền tảng của việc vận hành thị trường điện một cách hiệu quả, vì nó tạo cho các nhà sản xuất cơ hội bán những khối lượng điện sản xuất bổ sung chưa có hợp đồng. Mặt khác, tạo cho người tiêu dùng cơ hội mua những khối lượng điện bổ sung để đáp ứng cho nhu cầu chưa có hợp đồng. Đặc biệt là cho phép các bên tham gia thị trường giải quyết các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát phụ tải không chính xác, cũng như hình thành được giá cơ sở cho việc ký kết các hợp đồng có kỳ hạn.

2. Xử lý mất cân bằng về điện

Như đã nêu trên, việc mua và bán buôn điện trên thị trường được thực hiện trên cơ sở các hợp đồng song phương và ở các sàn giao dịch khác nhau. Các tổ chức phát điện, cung ứng điện cũng chịu trách nhiệm về khối lượng vật lý của điện được sản xuất và được tiêu thụ. Các tính toán về mất cân bằng điện năng là cần thiết để có thể xử lý được sự khác nhau giữa thực tế và hợp đồng.

Để làm việc này, cứ 30 phút một lần, cần so sánh các số liệu Kế toán thương mại sản xuất hay tiêu dùng của từng bên tham gia hợp đồng với tình trạng hợp đồng.

Ngoài ra, cần xác định giá mà theo đó sự mất cân bằng sẽ được giải quyết. NETA qui định hai mức giá thanh toán cho việc mất cân bằng, theo đó giá trả cho các bên tham gia có cân bằng điện năng dư thừa khác với giá mà các bên tham gia có cân bằng điện năng thiếu phải trả. Mỗi bên tham gia có 2 tài khoản mất cân bằng điện năng - tài khoản sản xuất và tài khoản tiêu dùng. Khối lượng mất cân bằng được tính bằng sự chênh lệch giữa các giá trị được đo của việc phát điện và tiêu dùng, cũng như giữa các giá trị của hợp đồng.

Mất cân bằng sản xuất điện là chênh lệch giữa tổng khối lượng sản xuất tính theo số liệu Kế toán thương mại và tổng khối lượng sản xuất thô tính theo hợp đồng. Tương tự, mất cân bằng tiêu dùng điện là chênh lệch giữa tổng khối lượng điện tiêu dùng tính theo số liệu Kế toán thương mại và tổng khối lượng tiêu dùng thô tính theo hợp đồng. 

3. Tính giá phải trả cho các mất cân bằng về điện năng

Giá phải trả vì mất cân bằng là cần thiết để có thể thanh toán cho các lượng điện năng dư thừa, hoặc thiếu hụt trong các tài khoản mất cân bằng điện năng. Có 2 loại giá phải trả được áp dụng, đó là giá mua của hệ thống (System Buy Price) và giá bán của hệ thống (System Sell Price): 

Một là: Về giá mua của hệ thống là giá trung bình mà hệ thống cần mua để trang trải cho lượng điện còn thiếu trong các tài khoản của các bên tham gia. Do đó, nếu trong tài khoản đã đăng ký cân bằng điện năng âm thì chủ tài khoản phải trả cho sự mất cân bằng đó với giá mua của hệ thống.

Hai là: Về giá bán của hệ thống là giá các bên tham gia được nhận do có dư điện năng. Giá này hiển thị giá trung bình của điện năng mà hệ thống đã phải bán để thoát khỏi (xử lý) sự dư thừa điện năng. Do đó, nếu trong tài khoản đã đăng ký điện năng dư thì chủ tài khoản bán lượng điện năng dư đó theo giá bán của hệ thống.

Giá thanhh toán cho các mất cân bằng điện năng được tính trên cơ sở của các giá trong các Đơn yêu cầu thay đổi thống số mà Nhà vận hành hệ thống đã nhận trên Thị trường cân bằng. Giá mua của hệ thống cho mỗi 30 phút được tính bằng giá trung bình có trọng số tính theo các khối lượng của các đơn thay đổi lệch xuống đã được chấp nhận cho 30 phút đó. Giá phải trả cho thay đổi lệch lên sẽ nhỏ hơn, hoặc bằng giá thay đổi lệch xuống. Các đơn được sử dụng không phải cho việc cân bằng khối lượng điện năng, mà để cân bằng hệ thống.

Ví dụ với mục đích chống quá tải của lưới hay chống các vi phạm tính ổn định khác thì sẽ không được quan tâm trong thời gian tính giá phải trả cho mất cân bằng. Tức là, cơ chế cân bằng được thiết kế không chỉ để loại bỏ sự mất cân bằng điện năng, mà còn cho phép người vận hành hệ thống duy trì độ tin cậy của hệ thống.

Ngoài những điều trên, trong việc tính toán giá cho sự mất cân bằng điện, một số sửa đổi cũng được áp dụng để tính đến tổn thất và những yếu tố khác.

4. Hình thành thị trường chứng khoán điện

Trên thị trường điện của Anh có một số sàn giao dịch, trong đó lớn nhất là UK PX được các bên tham gia thành lập từ năm 2001. Trong thành phần của sàn UL PX cũng có một Nhà thanh toán bù trừ. Phần lớn các hoạt động trên sàn giao dịch diễn ra trong Thị trường Giao ngay - đây là một bổ sung cho Thị trường của Các hợp đồng dài hạn Song phương. Thị trường Giao ngay cung cấp giao dịch điện gần với thời điểm bắt đầu giao hàng. Sàn giao dịch UL PX buôn bán các dạng hợp đồng sau:

Một là: Tùy thuộc vào giờ cung cấp, có các hợp đồng cho phụ tải đáy và phụ tải đỉnh.

Hai là: Tùy thuộc vào thời gian cung cấp, có:

1/ Các hợp đồng theo mùa (hợp đồng mùa đông và hợp đồng mùa hè).

2/ Các hợp đồng theo quý 13 tuần.

3/ Các hợp đồng tháng.

4/ Các hợp đồng tuần cho phụ tải đáy và phụ tải đỉnh.

5/ Các hợp đồng ngày đêm cho phụ tải đỉnh từ 7h đến 19h hàng ngày.

6/ Các hợp đồng giao ngay (các hợp đồng nửa giờ).

Tất cả các nhà thầu trên sàn giao dịch đều là thành viên của Cơ quan Thanh toán Bù trừ, theo dõi việc tuân thủ các điều khoản cung cấp (tiêu thụ) điện và thanh toán của nó.

5. Các lý do chủ yếu thay “pool” bằng NETA

Theo các tuyên bố chính thống và từ các chiến dịch quảng bá, lý do thay thế “pool” bằng NETA trong mô hình của thị trường điện gồm:

Thứ nhất: Sự không linh hoạt trong quản lý của mô hình “pool” đã cản trở những thay đổi và kìm hãm việc cải tổ trong lĩnh vực điện.

Thứ hai: Sự tham gia hạn chế của bên mua trong cơ chế định giá đã dẫn đến sự hình thành các giá điện cao hơn so với giá có cơ sở kinh tế.

Thứ ba: Sự phức tạp, không minh bạch của cơ chế hình thành giá điện và những rào cản cạnh tranh đã kìm hãm sự phát triển của các thị trường tài chính, cũng như hạn chế tính thanh khoản trên thị trường các hợp đồng.

Thứ tư: Các điều kiện của thị trường “pool” đã tạo ra sự lạm dụng các cơ hội trên thị trường do giá điện chỉ được hình thành trên cơ sở các đơn hàng của một số nhà phát điện lớn và các nhà phát điện đều được trả theo cùng một giá.

Hay nói cách khác, sự tồn tại của một giá thay cho giá trong các hợp đồng giữa những người mua và người bán riêng lẻ đã cản trở sự ảnh hưởng của phía “cầu” tới việc hình thành giá.

6. Năng lực thông qua của lưới điện

Theo định nghĩa, sự có mặt của các hợp đồng song phương mua - bán điện hiện vật đòi hỏi mỗi thỏa thuận như vậy phải đi kèm với sự kiểm soát và phải phù hợp với năng lực thông qua của lưới điện trên thực tế. Các hệ thống mạng trục xương sống (Backbone networks) của Anh tương đối mạnh, tuy nhiên có gần hai chục các hạn chế thường xuyên của hệ thống. Tình hình rất phức tạp bởi thực tế là rất khó để tách biệt các hoạt động của Nhà điều hành hệ thống liên quan đến nhu cầu cân bằng với các hoạt động nhằm duy trì độ tin cậy - một phần quan trọng của các hoạt động có một mục tiêu chung.

Như trên đã trình bày, trong NETA không có cơ chế tập trung để lựa chọn thành phần của tổ máy, soạn thảo và đưa vào hoạt động các chế độ của hệ thống điện, đã từng đặc trưng cho thị trường điện của Anh. Thay vào đó, các hành động của người mua, cũng như của người bán được xác định chủ yếu bằng các hợp đồng mà họ đã có thể ký được.

Một hệ thống các mối quan hệ thương mại như vậy, cũng như việc đảm bảo độ tin cậy của việc cung cấp điện sẽ được củng cố bằng các yếu tố sau đây:

1/ Có dự phòng (dư thừa) các công suất phát mà chủ yếu là các thiết bị hiện đại nhất và linh hoạt nhất.

2/ Có hệ thống mạng điện đường trục mạnh với đủ năng lực thông qua.

3/ Kinh nghiệm hoạt động được tích lũy qua các năm gần đây trong môi trường cạnh tranh.

4/ Một khung pháp lý được xây dựng cẩn trọng.

5/ Một cấu trúc hoàn hảo của các mối quan hệ tài chính.

6/ Một hệ thống đo lường phát triển và Hệ thống kế toán thương mại điện năng tự động (ACKOE).

7/ Thị trường nhiên liệu (thị trường năng lượng sơ cấp) thực sự tự do.

Mặc dù vậy, việc triển khai NETA đi kèm với những khó khăn đáng kể, chủ yếu liên quan đến việc tạo ra một tổ hợp phần cứng và phần mềm được thiết kế để thực hiện các quy định của Luật Cân bằng và Dàn xếp.

Do đó, thành công của việc cải cách thị trường năng lượng ở Anh là do các yếu tố khá thuận lợi - sự hiện diện của nguồn dự trữ năng lượng đáng kể với mức tiêu thụ năng lượng tăng vừa phải, sử dụng rộng rãi khí đốt tự nhiên giá rẻ (vào thời điểm đó) làm nhiên liệu chính cho các nhà máy điện (thay thế các tổ máy phát điện chạy bằng than), có các lưới điện phát triển (về năng lực thông qua và có dự phòng)... Việc đưa thị trường điện cạnh tranh vào hoạt động đã làm tăng hiệu quả của sản xuất điện và giảm giá bán điện.

Đồng thời, cần lưu ý rằng, gần như toàn bộ tác động của việc không can thiệp ban đầu là nhằm tăng đáng kể lợi nhuận của khâu phát điện, còn giá bán lại cao hơn đáng kể so với chi phí sản xuất (giá thành).

Trong quá trình cải tổ cũng đã phát hiện sự không hiệu quả của việc kinh doanh điện năng thông qua Thị trường Giao ngay. Do đó, một cơ chế kinh doanh điện mới (NETA) đã được áp dụng với sự chuyển đổi sang các hợp đồng dài hạn và một thị trường cân bằng. Năm 2003, khái niệm thị trường cạnh tranh đã được chuyển đổi thành Chế độ Thương mại và Truyền tải điện của Anh (BETA)./.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Nguồn: http://energetika.in.ua/ru/books/book-5/part-4/section-4/4-2

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động