RSS Feed for Nhận định bước đầu về định hướng phát triển điện tái tạo Trung Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 17:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhận định bước đầu về định hướng phát triển điện tái tạo Trung Nam

 - Như Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đưa tin, ngày 29/11/2019, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã tổ chức lễ phát điện dự án Nhà máy điện gió Trung Nam (giai đoạn 2) với tổ máy đầu tiên công suất 4 MW, trong tổng 64 MW (16 cột tua bin) của giai đoạn này. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với những đặc điểm về công nghệ tiên tiến, sự kết hợp phát điện giữa điện gió và điện mặt trời, thì đây là một mô hình phát triển năng lượng tái tạo đáng được học hỏi.

Tua bin gió trên đất liền công suất lớn nhất Việt Nam phát điện




 Lễ phát điện dự án Nhà máy điện gió Trung Nam (giai đoạn 2).


Trungnam Group là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phát triển điện năng lượng tái tạo (NLTT). Ngay từ khi chưa có cơ chế giá khuyến khích (FIT) cho điện mặt trời (ĐMT), và cơ chế FIT điện gió còn chưa thực sự hấp dẫn, dự án điện gió Trung Nam 90 MW đã có tên trong Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18 tháng 3 năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Ngày 27 tháng 4 năm 2019, Tổ hợp điện gió - điện mặt trời Trung Nam (giai đoạn 1) đã được khánh thành, đưa vào hoạt động. Tổ hợp này bao gồm 39,95 MW điện gió (17 cột tua bin với công suất 2,35 MW/tua bin), và khoảng 267 MWp công suất điện mặt trời (705.000 tấm panel  pin mặt trời), được xây dựng tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là tổ hợp điện NLTT đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam được đấu nối và hòa lưới điện trong năm 2019, đánh dấu bước phát triển mới về NLTT của tỉnh Ninh Thuận.

Đến trước thời điểm tháng 11 năm 2019, tổng cộng trên toàn quốc đã có 11 nhà máy điện gió với công suất 346,9 MW đang vận hành, bao gồm cả điện gió Trung Nam 1. 

Quy mô của các dự án điện gió Trung Nam gồm tổng cộng 151,95 MW được phát triển theo 3 giai đoạn:

1/ Giai đoạn 1: 39,95 MW đã hoàn thành.

2/ Giai đoạn 2: 64 MW đã phát điện tua bin đầu tiên 4 MW, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2019.

3/ Giai đoạn 3: 48 MW hoàn thành trong Quý IV năm 2020.

Việc kết hợp trang trại điện gió, điện mặt trời là mô hình có ưu việt về kết hợp tận dụng diện tích đất dự án, tăng mật độ công suất dự án, kết hợp vận hành giữa ban ngày (điện mặt trời) và ban đêm (điện gió) để tăng thêm hiệu quả sản xuất điện, giảm áp lực cho lưới điện khi bớt gián đoạn vận hành nhà máy trong suốt cả ngày lẫn đêm. 

 


Sau khi toàn bộ công suất điện gió được đưa vào vận hành, với số giờ sử dụng thiết bị (Tmax) được tính toán là 2.785 giờ/năm, ước tính sản lượng điện từ trang trại điện gió của Trung Nam sẽ đạt 423 triệu kWh/năm. Cùng với 267 MWp của nhà máy điện mặt trời Trung Nam, được xây dựng trong tổ hợp này, hàng năm dự kiến tổng lượng điện đóng góp cho hệ thống điện quốc gia lên tới 850 - 900 triệu kWh. Có thể những tính toán có thiên hướng cao về số giờ vận hành thiết bị tu bin gió, hoặc số giờ nắng cũng hơi cao, nhưng chắc chắn công nghệ tiên tiến được áp dụng là những yếu tố quan trọng về hiệu quả dự án.

Về mặt công nghệ, điện gió Trung Nam sử dụng loại tua bin công suất lớn, từ 2,35 đến 4 MW, công nghệ "không hộp số" (Gearless) và tự động điều chỉnh đón gió do Enercon (CHLB Đức) - nhà sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu châu Âu cung cấp. Công nghệ này cho phép các tua bin gió khởi động ngay cả khi tốc độ gió thấp với 2,5 m/s, trong khi với công nghệ thông thường của nhiều dự án khác tại Việt Nam, tua bin chỉ khởi động được khi tốc độ gió đạt từ 4 m/s.

Mặt khác, công nghệ "không hộp số" cũng cho phép giảm ma sát gây hao mòn, giảm công việc duy tu bảo trì, tăng số giờ vận hành và giảm chi phí. Đặc biệt, với công nghệ này, các chỉ tiêu về diện tích chiếm đất giảm xuống chỉ còn 0,14 ha/MW (so với suất sử dụng đất quy định không quá 0,35 ha/MW) góp phần đáng kể trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.

Với dự án điện mặt trời, Trungnam Group sử dụng các công nghệ Dual Glass Mono Perc 72 Cell 375 - 380 Wp,  thiết bị Inverter do Siemens cung cấp, hệ giá đỡ tự điều hướng có góc xoay 120 độ. Công nghệ các tấm Panel Dual Glass Mono Perc 72 Cell 375 - 380 Wp có hiệu suất module cao hơn (19 - 19,5%), sản lượng điện lớn hơn với vận hành cả khi mức bức xạ mặt trời thấp. Các thiết bị được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40 độ C, mà không suy giảm hiệu suất chuyển hóa, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao. Công nghệ hệ giá đỡ tự điều hướng với góc xoay 120 độ cho phép đón nắng mặt trời với góc trực diện trong suốt các giờ nắng, tuy chi phí đầu tư và vận hành có cao hơn đôi chút, nhưng sẽ đạt sản lượng điện cao hơn từ 15 - 20% so với hệ giá đỡ cố định.

Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều nhà đầu tư nhà nước và tư nhân đang đẩy mạnh phát triển các dự án điện NLTT, đặc biệt là ĐMT, điện gió. Qua sự kiện khánh thành dự án nhà máy điện gió Trung Nam (giai đoạn 2) lần này, các cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng, cũng như các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cần quan tâm những vấn đề sau:

Thứ nhất: Cần xem xét áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiệu suất thiết bị cao nhằm sử dụng tối đa số giờ vận hành thiết bị. Không vì giá đầu tư thấp mà chọn các công nghệ nhái, hiệu suất thấp, xuất xứ thiết bị không rõ ràng, thiếu chế độ bảo hành hợp lý...

Thứ hai: Việc kết hợp trang trại điện gió và điện mặt trời là mô hình có ưu việt về kết hợp tận dụng diện tích đất dự án, tăng mật độ công suất dự án, kết hợp vận hành giữa ban ngày (điện mặt trời) và ban đêm (điện gió) để tăng thêm hiệu quả sản xuất điện, giảm áp lực cho lưới điện khi bớt gián đoạn vận hành nhà máy trong suốt cả ngày lẫn đêm. 

Thứ ba: Các nhà đầu tư cần có tầm nhìn về xu thế phát triển ngành năng lượng của đất nước. Cơ chế FIT tạo điều kiện cho khởi đầu phát triển NLTT, nhưng sẽ không thể tiếp tục kéo dài. Sắp tới, khi chúng ta áp dụng cơ chế đấu thầu dự án, cần đánh giá, khảo sát các địa điểm - vị trí thuận lợi cho dự án như vùng có nhiều gió, có bức xạ tốt, ổn định, vùng có nhu cầu điện cao, hạ tầng truyển tải, phân phối điện sẵn có, hoặc khối lượng cần nâng cấp không lớn, v.v... 

NGUYỄN ANH TUẤN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động