RSS Feed for Dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII ‘vẫn chưa thấy thuyết phục’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 07:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII ‘vẫn chưa thấy thuyết phục’

 - Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân”. Để đáp ứng được mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ của Quy hoạch điện VIII là phải xác định đúng đắn, chính xác nhu cầu điện hợp lý của nền kinh tế trong tương lai. Trong bài này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số ý kiến đóng góp cho phương pháp, căn cứ và kết quả dự báo nhu cầu điện với mong muốn góp phần cho Quy hoạch điện VIII thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên làm căn cứ cho xây dựng phương án phát triển điện hợp lý.


Vài ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn

Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII

Bàn về nhu cầu và cơ cấu nguồn điện quốc gia trong vài thập niên tới

Ý kiến trao đổi về Quy hoạch điện VIII


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]


“Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt là Quy hoạch điện VIII) được xây dựng theo Nhiệm vụ phê duyệt tại Quyết định số  1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo lần 1 (tháng 2/2021) của Quy hoạch này được công bố trên trang Web của Bộ Công Thương để xin ý kiến của các bộ, ngành và cơ quan liên quan. 

Sau đây là một số ý kiến về dự báo nhu cầu điện trong dự thảo QH điện VIII nêu trên.

Tại mục “4.2.1. Các tiêu chí dự báo phụ tải” chủ yếu chỉ mới nêu chung chung là: “Đánh giá đầy đủ tác động của các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các công nghệ sản xuất điện phân tán, các công nghệ sử dụng điện mới”.

Tại mục “6.3.1. Đề xuất các kịch bản dự báo nhu cầu điện”: 

Các kịch bản dự báo nhu cầu điện được chia thành 3 kịch bản: Thấp, Cơ sở và Cao tương ứng với 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế sau: Kịch bản tăng trưởng thấp; Kịch bản tăng trưởng trung bình (Kịch bản cơ sở) và Kịch bản tăng trưởng cao.

Kết quả dự báo của các Kịch bản được trình bày tại bảng 6.2. Trong đó Kịch bản tăng trưởng trung bình (Kịch bản cơ sở) là: Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,6%/ năm, giai đoạn 2031 - 2045 bình quân 5,7%/ năm; dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỷ kWh, năm 2045 đạt 877 tỷ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,58 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,20).

Qua xem xét căn cứ và kết quả dự báo nhu cầu điện của các Kịch bản thấy có một số vấn đề sau:     

a) Dự báo nhu cầu điện (tại bảng 6.2) chủ yếu mới căn cứ vào tăng trưởng GDP mà chưa bám sát một trong các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW là: “3. Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả”.

Ví dụ, nhu cầu điện theo các ngành kinh tế ở Kịch bản phụ tải cơ sở (Bảng 6.4):

Trong Kịch bản này (bảng 6.4) cơ cấu kinh tế chuyển dịch như sau:

- Tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng (CN - XD) tăng từ 41,0% năm 2020 lên 45,6% năm 2045 (tăng 4,6%).

- Tỷ trọng Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản (NN-LN-TS) giảm từ 15,1% năm 2020 xuống còn 8,7% năm 2045 (giảm 6,4%).

- Tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ (TM-DV) tăng từ 43,9% năm 2020 lên 45,7% năm 2045 (tăng 1,8%).

Cơ cấu kinh tế được mô tả tại hình 6.2 chuyển dịch như sau:

- Tỷ trọng CN - XD tăng từ 37,9% năm 2020 lên 43,2% năm 2045 (tăng 5,3%).

- Tỷ trọng NN-LN-TS giảm từ 14,0% năm 2020 xuống còn 8,2% năm 2045 (giảm 5,8%).

- Tỷ trọng TM-DV tăng từ 40,6% năm 2020 lên 43,3% năm 2045 (tăng 2,7%).

- Thuế và trợ giá giảm từ 7,6% năm 2020 xuống còn 5,2% năm 2045 (giảm 2,4%).

Như vậy, qua số liệu ở bảng 6.4 và hình 6.2 tuy có sự khác nhau song đều cho thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sau 25 năm rất chậm và có thể nói vẫn theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều điện. Cụ thể là (theo bảng 6.4): Tỷ trọng CN-XD tăng 4,6% trong khi tỷ trọng TM-DV chỉ tăng 1,8% và NN-LN-TS giảm 6,4%. Chẳng hạn, năm 2018 tỷ trọng của các ngành này trong GDP và tỷ trọng tiêu thụ điện năng của chúng như sau [1]:

- CN - XD: Tỷ trong trọng GDP 34,49%, tỷ trọng tiêu thụ điện năng 55%.

- NN-LN-TS: Tỷ trọng trong GDP 13,96%, tỷ trọng tiêu thụ điện năng 3%.

- DV: Tỷ trong trọng GDP 41,64%, tỷ trọng tiêu thụ điện năng 42% (trong đó: Thương mại - Dịch vụ: 6,0%; Quản lý - Tiêu dùng: 32,0%; Khác: 4,0%).

Điều này cũng được thể hiện rõ rệt trong “Hình 6.3: Tác động của thay đổi cơ cấu kinh tế đến tăng trưởng điện thương phẩm trong kịch bản phụ tải cơ sở”. Trên Hình 6.3 cho thấy: 

Năm 2020: Tỷ trọng tiêu thụ điện năng của CN-XD là 54,0% (trong khi CN-XD chỉ chiếm tỷ trọng trong GDP là 41% - bảng 6.4). 

Năm 2045: Tỷ trọng tiêu thụ điện năng của CN-XD là 58,6% (trong khi CN-XD chỉ chiếm tỷ trọng trong GDP là 45,6% - bảng 6.4).

Nguyên nhân của tình trạng kết quả dự báo nêu trên có thể là do phương pháp dự báo. Khi thuyết minh phương pháp, về mặt lý thuyết thì rất hoành tráng (tại mục 6.1 và 6.2), nhưng khi áp dụng cụ thể thì không đạt được như kỳ vọng, kết quả vẫn là “bình mới, rượu cũ”.

Dự báo áp dụng phương pháp đa hồi quy với bộ cơ sở dữ liệu về kinh tế - năng lượng theo chuỗi năm quá khứ khoảng 29 năm (từ 1990 đến 2019). Qua đó cho thấy nhu cầu điện chủ yếu dự báo theo “quy luật” trong quá khứ, chứ không phải theo yêu cầu “Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả” nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW.

Điều này cũng được thể hiện qua thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2010 - 2019 [1]: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Cụ thể là khu vực tiêu hao ít năng lượng hơn như dịch vụ tuy có tỷ trọng tăng nhưng còn chậm: Từ năm 2010 đến năm 2019 chỉ tăng thêm 4,6% (từ 36,94% lên 41,64%); Nông, lâm và ngư nghiệp giảm 4,42% (từ 18,38% xuống 13,96%). Ngược lại, khu vực tiêu hao nhiều năng lượng, điện năng như Công nghiệp - Xây dựng cũng có tỷ trọng tăng tuy thấp hơn là 2,36% (từ 32,13% lên 34,49%), cho nên chỉ tiêu Cường độ điện năng trong giai đoạn này tăng tương đối cao từ năm 2010 đến 2019, tương ứng tăng từ 828,7 lên  1186,2 kWh/103USD, tăng 1,43 lần. 

Ngoài ra, việc lấy giá điện làm 1 trong những biến số của hàm hồi quy dự báo nhu cầu điện cũng cần xem xét lại và làm rõ mối quan hệ này trong quá khứ chứ không nên mặc nhiên. Trong thực tế, thời gian qua giá điện do Nhà nước quy định và kiểm soát, chỉ có tăng mà không giảm, cho nên “quy luật” trong quá khứ là giá điện càng tăng thì cầu càng tăng. Điều đó mâu thuẫn với quy luật thị trường. Vì rằng, về mặt lý thuyết trong quan hệ cầu và giá thì giá càng tăng cầu càng giảm, ngược lại trong quan hệ cung và giá thì giá càng tăng cung sẽ càng tăng. 

Như vậy, cần xem xét lại kết quả dự báo nhu cầu điện. Thiết nghĩ, nhu cầu điện phải xác định phù hợp với yêu cầu “Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả”. Theo đó, nhu cầu điện được xác định phải tính đến các yếu tố sau:

1/ Phần nhu cầu tăng do tăng trưởng GDP.

2/ Phần nhu cầu giảm do chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng giảm các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều điện năng và tăng các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít điện năng.

3/ Phần nhu cầu giảm do thực hiện sử dụng tiết kiệm điện (do đổi mới công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu và cải tiến quản lý).

4/ Phần nhu cầu tăng do thực hiện điện khí hóa theo hướng phát triển các phương tiện, thiết bị chạy điện, nhất là phương tiện giao thông vận tải, thay thế các phương tiện, thiết bị chạy xăng, dầu, than và các nhiên liệu khác.

5/ Phần nhu cầu tăng do dân số tăng và thu nhập tăng. 

Cần lượng hóa các yếu tố trên cho từng giai đoạn 5 năm từ 2021 - 2045 để làm căn cứ dự báo nhu cầu điện.

Thực chất, đây cũng là cái khó của việc lập quy hoạch điện, vì việc “Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả” là nhiệm vụ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lẽ ra phải đã có, còn quy hoạch điện chỉ có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu điện năng một cách hiệu quả nhất theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như đã nêu trong Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 55-NQ/TW “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân”.

Chính vì vậy thường xảy ra điều trớ trêu là: Các kịch bản tăng trưởng GDP đề ra trong Quy hoạch này đơn thuần chỉ để làm căn cứ dự báo nhu cầu điện năng, chứ không nhất thiết là các kịch bản áp dụng cho tất cả các quy hoạch hay chiến lược có liên quan.

b) Các kịch bản tăng trưởng GDP trong dự thảo QH tổng thể về NLQG và QH điện VIII chưa thống nhất:

Ví dụ như sau: Mặc dù 2 Quy hoạch này là “anh em ruột”, (chỉ đề cập giai đoạn 2021 - 2030 để có thể so sánh được với nhau):

Kịch bản tăng trưởng thấp:

- QH tổng thể về NLQG: Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,24%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 5,85%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,05%/năm.

- QH điện VIII: Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,2%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 5,8%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,0%/năm.

Kịch bản tăng trưởng trung bình:

- QH tổng thể về NLQG: Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,62%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 6,21%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,42%/năm.

- QH điện VIII: Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 6,4%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,6%/năm.

Kịch bản tăng trưởng cao:

- QH tổng thể về NLQG: Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 7,39%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 7,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 7,19%/năm.

- QH điện VIII: Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 7,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đạt bình quân 7,2%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 7,4%/năm.

Trên đây chỉ mới nêu ví dụ về tốc độ tăng trưởng GDP. Ngoài ra còn có sự khác biệt về cơ cấu kinh tế và các yếu tố khác.

Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các loại quy hoạch, chiến lược và sự chênh lệch giữa quy hoạch điện, cũng như nhu cầu điện trong thực tế như đã xảy ra trước đây./.

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Cảnh Nam: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Việt Nam: Thực trạng và vấn đề đặt ra. Nangluongvietnam Online 06:13 |04/11/2020.

 

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động