RSS Feed for Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ Bắc Âu? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 05:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ Bắc Âu?

 - Bước đầu tiên để tạo ra một thị trường điện trong nước cạnh tranh ở các nước Scandinavi là sự chấp thuận của Quốc hội Na Uy về Luật cải cách điện mới vào năm 1990, có hiệu lực từ ngày 1/1/1991. Luật này quy định về việc phân tách các chức năng của truyền tải, quản lý hệ thống điện và cho phép người dùng điện được tự do lựa chọn các nhà cung cấp.


Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 1)
Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 2)
Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ cuối)


Quá trình hình thành thị trường điện Scanadivia hợp nhất 

Năm 1993, Sàn giao dịch điện Scandinavia được thành lập như một công ty độc lập. Vào tháng 7/1993, đã áp dụng hiệu chỉnh giá điện trong chế độ “một ngày trước”, cũng như sàn giao dịch đầu tiên trên thế giới về các hợp đồng tương lai. Năm 1997, đã hủy bỏ ‘phí thay đổi nhà cung cấp điện’ và kể từ năm 1998, mỗi người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn cho mình một nhà cung cấp mới mà chỉ cần gửi tin nhắn trước một tuần.

Giai đoạn thứ hai trong việc hình thành thị trường điện trong các nước candinavia bắt đầu với sự chấp thuận của Quốc hội Thụy Điển vào 5/1992 một đạo luật mới về cải cách ngành điện, đặt nền tảng cho việc tạo ra cạnh tranh bán buôn và cũng đã xây dựng một kế hoạch cho các biện pháp bổ sung tiếp theo. Luật, đặc biệt yêu cầu tách biệt khâu phát điện và khâu quản lý lưới điện. Sau khi Luật được thông qua, người ta đã quyết định thành lập một thị trường giao dịch điện Na Uy - Thụy Điển có tên là “Nord Pool”, bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/1996.

Ở Na Uy và Thụy Điển, quá trình tự do hóa thị trường năng lượng diễn ra gần như song song, nhưng ở Na Uy, cải cách về quan hệ cạnh tranh được thực hiện nhanh chóng hơn. Một trong những yếu tố quan trọng của cải cách ở Thụy Điển là suy thoái kinh tế khá nghiêm trọng diễn ra vào thời điểm đó. Tính đến tỷ trọng lớn của các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng ở Thụy Điển, người ta đã nhấn mạnh đến việc giảm chi phí năng lượng từng rất cao khi đó.

Giai đoạn tiếp theo trong sự phát triển của thị trường điện Scandinavi là sự hội nhập của Phần Lan vào thị trường này. Quá trình này cũng bắt đầu với việc thông qua một đạo luật mới về cải cách ngành điện, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/61995. Đạo luật này đã cho tất cả các bên thứ ba quyền truy cập vào mạng điện, ngoại trừ những người mua có mức tiêu thụ dưới 500 kW. Nhưng từ ngày 1/1/1997, rào cản này cũng đã được dỡ bỏ.

Năm 1995, trong khuôn khổ thực hiện các dự án thương mại tư nhân ở Phần Lan, hai sàn giao dịch điện đã được thành lập, sau đó hai sàn này được sáp nhập vào năm 1996. Kể từ ngày 1/6/1998, sàn giao dịch Phần Lan này đã trở thành đại diện của thị trường “Nord Pool” ở Phần Lan. Do đó, Phần Lan đã thâm nhập thành công vào thị trường Scandinavia với các hiệu chỉnh giá điện theo “ngày tới”.

Bước cuối cùng trong việc tạo ra một thị trường điện thống nhất Scandinavia là việc hội nhập của Đan Mạch vào thị trường này theo hai giai đoạn. Động lực thúc đẩy tự do hóa ở Đan Mạch là việc thông qua luật năm 1999 về cung cấp năng lượng điện, mở rộng phạm vi thị trường cùng với các quốc gia khác ở Scandinavia, cũng như Chỉ thị đầu tiên của EU về thị trường năng lượng điện. Do đó, vào năm 1993, Na Uy và Thụy Điển đã trở thành thành viên của Nord Pool, Phần Lan vào năm 1998 và Đan Mạch trở thành quốc gia cuối cùng của các nước Scandinavia tham gia Nord Pool vào năm 2000.

Các thị trường điện nội bộ của các nước Scandinavia

Thị trường điện trong nước của các nước Scandinavi có các nhà sản xuất, nhà cung cấp quốc gia và người tiêu dùng điện.

Tại Na Uy, công ty nhà nước Stattkraft và các công ty của thành phố lớn tham gia vào việc sản xuất điện. Khoảng 220 nhà cung cấp khu vực thực hiện việc cung cấp điện cho người tiêu dùng cuối cùng. Việc truyền tải điện trong nước được thực hiện bởi Công ty lưới điện Statnett, thuộc sở hữu của nhà nước.

Ở Thụy Điển, việc sản xuất điện được thực hiện bởi một số công ty nhà nước và tư nhân. Khoảng 50% thị trường phát điện thuộc sở hữu của công ty nhà nước “Vattnfall”.

Công ty “Sydkraft” sở hữu khoảng 20% thị trường và 15% khác thuộc sở hữu của “Stockholm Energi_gullspang”. Phần còn lại của thị trường có sự tham gia của khoảng 250 công ty cung ứng điện địa phương. Truyền tải điện được thực hiện bởi Công ty lưới điện nhà nước “Svenska Kraftnat”.

Thị trường điện Đan Mạch cũng bao gồm các nhà sản xuất điện, nhà cung cấp khu vực và người dùng điện cuối. Hai công ty có liên quan đến truyền tải điện trong nước - Eltra ở khu vực phía Tây và Elkraft ở khu vực phía Đông.

Thị trường điện ở Phần Lan có 120 nhà sản xuất điện. Trong đó, hơn 50% sản lượng điện thuộc về 2 công ty phát điện lớn nhất. Các công ty phát điện ký các hợp đồng cung ứng điện với các nhà bán buôn. Các nhà bán buôn, sau đó, cấp điện cho các hộ tiêu dùng công nghiệp lớn và/hoặc cho các nhà bán lẻ. Việc truyền tải điện được thực hiện bởi Công ty “Fingrid”- Nhà vận hành hệ thống, 10 nhà vận hành lưới điện khu vực và hơn 100 công ty phân phối điện.

Nord Pool - sàn giao dịch điện năng đầu tiên trên thế giới

Nord Pool là sàn giao dịch điện đầu tiên, đã hợp nhất thị trường của một số quốc gia. Công ty Statnett SF của Na Uy và công ty Svenska Kraftnat của Thụy Điển thực hiện các chức năng của Nhà vận hành hệ thống, mỗi công ty sở hữu 50% cổ phần của Nord Pool. Quốc hội Na Uy đã đặt ra các nền tảng pháp lý của sàn giao dịch điện. Sàn giao dịch điện hoạt động trên cơ sở giấy phép của Tổng cục Nước và Năng lượng Na Uy - là cơ quan quản lý độc lập của sàn giao dịch theo Luật Năng lượng Na Uy năm 1991. Các cơ quan quản lý của sàn giao dịch là Hội đồng Giám đốc và Hội đồng Thị trường.

Nord Pool có ba chức năng: Tổ chức thị trường và thương mại; thanh toán bù trừ (thanh toán); và cung cấp thông tin cho người tham gia.

Trên thị trường điện Scandinavia, người sản xuất, người cung ứng và người tiêu dùng điện có quyền trực tiếp ký các hợp đồng mua - bán song phương ngay trên sàn giao dịch, hoặc ngoài sàn giao dịch. Gần 70% điện năng được cung cấp theo các hợp đồng song phương trực tiếp, còn gần 30% các hợp đồng cung cấp điện được ký trên sàn. Điều kiện quan trọng nhất để vận hành thị trường điện hợp nhất Scandinavia là sự thống nhất về các qui tắc và điều kiện hoạt động của các chủ thể trên thị trường.

Thị trường điện hợp nhất Scandinavia có một loạt các đặc tính như: Qui tắc kinh doanh được thống nhất, không có thuế xuyên biên giới cho việc mua - bán điện, có khả năng thanh toán tiền điện bằng bất kỳ đồng tiền nào của các nước là thành viên thị trường. Việc kinh doanh điện năng trên thị trường giao dịch được thực hiện theo hai hình thức: Cung cấp điện năng hiện vật (vật lý) và với sự trợ giúp của các công cụ tài chính.

Đầu tiên, trên sàn giao dịch Scandinavia đã xuất hiện thị trường của các giao dịch về cung cấp điện hiện vật. Kể từ ngày 2/1/2002 thị trường này đã hoạt động như một đơn vị cấu trúc độc lập của sàn giao dịch - Nord Pool Spot AS. Thị trường cấp điện hiện vật đã được phân thành 2 phân khúc: Elspot và Elbas:

Elspot là thị trường điện năng và công suất, ở đó, các hợp đồng cấp điện hiện vật “ngày tới” được bán. Giá điện được hình thành trên cơ sở cân bằng cung - cầu của các bên tham gia đấu thầu mua.

Elbas là thị trường để cân bằng cung - cầu, ở đó, việc kinh doanh điện năng được thực hiện trước khi cung cấp điện. Phân khúc này của thị trường đã vận hành có hiệu quả từ năm 1998, và đến nay có khả năng thực hiện các cân bằng cung - cầu trước khi cấp điện 2 giờ.

Vì mục tiêu của Nord Pool là tạo ra một thị trường hiệu quả với độ tin cậy cao cho tất cả các bên tham gia, hợp đồng tương lai và hợp đồng có kỳ hạn giao dịch trên thị trường Eltermin được thiết kế để phòng ngừa rủi ro cho người tham gia giao dịch. Các hợp đồng trên thị trường tương lai và thị trường có kỳ hạn được ký kết trong khoảng thời gian không quá 3 năm.

Sự khác biệt trong kinh doanh giữa các hợp đồng tương lai và hợp đồng có kỳ hạn là tính toán các thay đổi trong giá trị của hợp đồng. Đối với các hợp đồng tương lai, giá trị của danh mục đầu tư được tính hàng ngày và số tiền thắng - thua được xác định, chuyển cho người bán - người mua hàng ngày.

Đối với các hợp đồng có kỳ hạn hàng ngày, hàng tuần, hàng khối (4 tuần) và hàng quý thì khi ngày thanh toán đến gần, các giao dịch hàng quý được chia thành khối, tuần và ngày. Thủ tục chuyển đổi các hợp đồng được mô tả chi tiết trong Thỏa thuận về tham gia vào Nord Pool.

Các giao dịch có kỳ hạn chỉ là các giao dịch hàng quý. Các tính toán kế toán theo hợp đồng có kỳ hạn không được tiến hành cho đến trước khi bắt đầu giai đoạn cấp điện. Các tính toán được tổng tích lũy hàng ngày trong suốt thời kỳ kinh doanh hợp đồng.

Các khung pháp lý để giao dịch các công cụ tài chính được thiết lập theo Luật Kinh doanh Chứng khoán Na Uy (Norwegian Securities Trading Act) và Luật về Sàn chứng khoán Na Uy mới (The New Norwegian Exchange Act), được thông qua lần lượt vào năm 1997 và 2000./.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Nguồn: http://energetika.in.ua/ru/books/book-5/part-4/section-4/4-2

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động