RSS Feed for Chương trình hoạt động của VEA trong giai đoạn phát triển mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 00:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chương trình hoạt động của VEA trong giai đoạn phát triển mới

 - Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) lần thứ III (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã được tổ chức thành công vào cuối tháng 6/2016 tại Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng - đó là định hướng cho hoạt động giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, Đại hội đã giao Ban Chấp hành khóa mới xây dựng chương trình hoạt động nhiệm kỳ III và kế hoạch chi tiết hàng năm. Trên cơ sở tình hình thực tế và định hướng phát triển của ngành năng lượng, Ban Chấp hành đã đề xuất những mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể về những hoạt động chính, phù hợp với vị trí, vai trò và chức năng của Hiệp hội trong giai đoạn phát triển mới…

Tám định hướng nghiên cứu khoa học của VEA trong nhiệm kỳ mới
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Hướng tới tầm cao mới

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Điều lệ của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt từ tháng 10 năm 2010, để duy trì, củng cố, phát triển và điều hành hoạt động của Hiệp hội từng bước đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật, Ban Chấp hành khóa III đã gửi lấy ý kiến các thành viên Hiệp hội về dự thảo Điều lệ Hiệp hội, phù hợp với các quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ pháp luật hiện hành; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở Điều lệ sửa đổi, bổ sung được duyệt, Hiệp hội sẽ ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo Hiệp hội; Quy chế quản lý, sử dụng tài chính; Quy định chức năng nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn và các quy định khác trong nội bộ Hiệp hội.

Đổi mới cơ cấu tổ chức và phát triển nguồn nhân lực

Ngay sau Đại hội lần III, bộ máy của Hiệp hội được xác lập, bao gồm: Ban Chấp hành; Ban Thường vụ; Ban Thường trực; Ban Kiểm tra, các Ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Bộ máy của Hiệp hội được tổ chức theo nguyên tắt gọn nhẹ, chuyên trách và kiêm nhiệm, phát triển bộ máy theo mức độ phát triển thành viên và hoạt động của Hiệp hội. Hội đồng khoa học tiếp tục được củng cố và tăng cường hoạt động nhằm tư vấn cho Ban Chấp hành và Chủ tịch Hiệp hội trong việc tham gia hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành năng lượng của Việt Nam, tư vấn, phản biện, thẩm định về quy hoạch, chiến lược phát triển, đầu tư xây dựng, cơ chế, chính sách, công nghệ chế tạo thiết bị, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ,…

Hiệp hội sẽ thành lập một Viện nghiên cứu với các chức năng Tư vấn (các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và tư vấn đầu tư,...); Nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu; Dịch vụ (chuyển giao dịch vụ khoa học, công nghệ); Đào tạo và tổ chức đào tạo.

Về phát triển nguồn nhân lực: Chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của Hiệp hội. Để đảm bảo chất lượng cán bộ có đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ, các cán bộ làm việc tại Hiệp hội cần đáp ứng yêu cầu công việc và theo các tiêu chuẩn tuyển dụng của Hiệp hội; cán bộ trẻ thường xuyên đào tạo và đào tạo bổ sung; có chính sách khuyến khích cán bộ không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn; việc sử dụng lao động phù hợp theo nguyên tắc, chính sách sử dụng lao động và các lợi ích khác gắn với đóng góp và kết quả công việc.

Đề xuất chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam

Trong thời gian tới Hiệp hội sẽ tập trung nghiên cứu về chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Đảng và Chính phủ “tầm nhìn mới trong phát triển ngành năng lượng Việt Nam”, đề xuất các chính sách về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường trong các hoạt động năng lượng; tái cấu trúc ngành năng lượng, hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh; giá năng lượng và vấn đề nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng; phát triển nguồn năng lượng tái tạo; phát triển khoa học - công nghệ năng lượng và hợp tác quốc tế và xuất, nhập khẩu năng lượng.

Tư vấn và nghiên cứu khoa học

Việc phát triển các hoạt động, dịch vụ, ngoài việc tạo thu nhập còn nâng cao vị thế của Hiệp hội, tương xứng với quy mô và vai trò trong tổng thể ngành năng lượng Việt Nam và thu hút các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng, góp phần vào quá trình phát triển ngành năng lượng. Các hoạt động bao gồm:

- Tổ chức hoạt động đào tạo, hợp tác với các tổ chức đào tạo có uy tín và chất lượng tốt để liên kết đào tạo mới, đào tạo lại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp thành viên; nhất là nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý dự án, giám sát thi công công trình. Tăng cường việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thông qua hội thảo, tập huấn, trên trang thông tin điện tử, đường dây nóng về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm hoặc những vấn đề có tính thời sự.

- Tư vấn và nghiên cứu trong lĩnh vực chiến lược, chính sách và quy hoạch năng lượng, bao gồm: Thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện các đề tài, đề án, dự án,… trong lĩnh vực năng lượng. Khai thác, trực tiếp ký và triển khai thực hiện các hợp đồng tư vấn và hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu như: Xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp lý về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; lập, tham gia lập Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, vùng, địa phương; Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia, vùng, địa phương; Chương trình, dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành năng lượng. Xây dựng, tham gia cơ sở dữ liệu năng lượng Việt Nam; các định mức, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, nghiên cứu biên soạn các quy trình, quy phạm trong ngành năng lượng.

- Tư vấn và nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo: Nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất điện nối lưới; xây dựng mô hình quản lý và khai thác điện năng lượng tái tạo ngoài lưới; đề xuất công nghệ năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ các thiết bị năng lượng tái tạo; nghiên cứu nội địa hóa các thiết bị năng lượng tái tạo và định hình thị trường công nghệ.

- Tư vấn và nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường trong lĩnh vực năng lượng: Nghiên cứu, đề xuất sử dụng công nghệ mới, hiện đại trong các cho các công trình nguồn, lưới điện; kết hợp đổi mới, hoàn thiện công nghệ cho các cơ sở hiện có, đảm bảo phát triển năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu tiềm lực khoa học công nghệ năng lượng; đề xuất hình thành, phát triển một số tổ hợp nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị năng lượng. Hợp tác quốc tế, thực hiện chuyển giao công nghệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

- Tư vấn và dịch vụ khoa học công nghệ: Tư vấn và thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ; về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, bảo tồn năng lượng, phát triển bền vững, kiểm toán và quản lý dữ liệu năng lượng; Tư vấn thực hiện các dự án cơ chế phát triển sạch và các vấn đề về biến đổi khí hậu và tham gia hoặc làm đầu mối hợp tác với nước ngoài thực hiện các đề án, dự án trong lĩnh vực năng lượng.

Phát triển thành viên và quan tâm tới lợi ích thành viên

Phát  triển thành viên và không ngừng quan tâm lợi ích của thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Hiệp hội.

(1) Về phát triển thành viên: Trong thời gian qua, công tác vận động các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội đã được thực hiện tích cực và đã đạt được những kết quả tốt, đến nay Hiệp hội đã có gần 300 thành viên chính thức, trong đó có 258 thành viên là tổ chức và 40 thành viên cá nhân. Việc phát triển thành viên được coi là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Hiệp hội trong giai đoạn 5 năm tới và cần đạt được những nội dung chủ yếu sau:

- Về số lượng: Đến năm 2020, Hiệp hội có từ 350 đến 400 thành viên, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hoặc liên quan đến đầu tư, xây dựng, chế tạo cơ khí, kinh doanh vật tư thiết bị năng lượng; các cá nhân là cán bộ quản lý ngành năng lượng; cán bộ quản lý, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng.

- Về chất lượng: Có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp có các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau liên quan đến ngành năng lượng và các doanh nghiệp có quy mô khác nhau.

(2) Không ngừng quan tâm đến lợi ích thành viên: Qua quá trình hoạt động và phát triển, Hiệp hội nhận thấy rằng phát triển thành viên phải luôn song hành với việc củng cố và tăng cường lợi ích thành viên. Các thành viên khi quyết định tham gia Hiệp hội đều gửi niềm tin và mong muốn nhận được từ Hiệp hội những sự hỗ trợ cần thiết, nhất là tư vấn chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Hiệp hội coi phát triển thành viên và không ngừng quan tâm đến lợi ích thành viên là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Hiệp hội sẽ làm tốt nhiệm vụ đại diện cho thành viên, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng về chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, giúp đỡ phát triển ngành, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thành viên; Giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của ngành và của thành viên.

Cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước

Trong những năm qua, Hiệp hội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ và giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan liên quan, cùng toàn thể thành viên là các doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới, Hiệp hội tiếp tục phát triển quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các quan hệ hợp tác này để làm tốt nhiệm vụ là vai trò người đại diện và bảo vệ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các mối quan hệ hợp tác, làm việc với các cơ quan của Nhà nước, Hiệp hội chủ động trong việc truyền đạt nguyện vọng của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội cũng chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên về tài chính, tín dụng, lãi suất, miễn giảm thuế và các cơ chế đặc thù, ưu đãi khác nhằm giúp các thành viên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Hiệp hội sẽ bám sát hoạt động của các thành viên trên tất cả các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, sản xuất, vận chuyển, truyền tải, phân phối, kinh doanh, thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ, xuất nhập khẩu năng lượng,... để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời động viên, chia sẻ; đặc biệt kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ kịp thời.

Hợp tác quốc tế

Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (đa phương và song phương) và trong nước nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước là một trong những hướng hoạt động cần được ưu tiên trong 5 năm tới, nhất là đối với các tổ chức Hiệp hội quốc tế có cùng mục tiêu nhằm phối hợp hành động, nâng cao hiệu quả hoạt động vì mục tiêu chung là hỗ trợ, phát triển hiệu quả, bền vững ngành năng lượng, góp phần ứng phó thành công với biến đổi khí hậu.

Thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi các kinh nghiệm trong hoạt động thuộc lĩnh vực năng lượng cũng như các kinh nghiệm phát triển tổ chức Hiệp hội.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để các thành viên Hiệp hội hiểu rõ về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, nhất là các quyết định phê duyệt quy hoạch, chiến lược của  Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, góp phần xây dựng và phát triển ngành năng lượng Việt Nam bảo đảm theo đúng quy hoạch, chiến lược đã được duyệt. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, thủy điện,…), góp phần vào việc giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu khỏ, khí đốt), ngày càng cạn kiệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hiệp hội sẽ hỗ trợ và phối hợp với các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV,... trong việc triển khai các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án nguồn điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho đất nước trong 5 năm tới; nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước về các nhà máy thủy điện thiếu hụt, sẽ xảy ra thiếu điện, nếu các nhà máy điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa vào chậm so với tiến độ được phê duyệt.

Tìm hiểu tình hình thực tiễn tại các đơn vị thành viên

Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV, thực hiện chương trình đi thực tế để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các đơn vị thành viên, nhất là tại các dự án trọng điểm, các dự án điện, than tại khu vực phía Nam, các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành và đang được đầu tư xây dựng, các đơn vị đang gặp khó khăn để kịp thời đề xuất với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, giúp các đơn vị thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao ,hoặc xem xét điều chỉnh các cơ chế, chính sách, các quy hoạch, chiến lược hiện hành, đã được phê duyệt để đảm bảo cung cấp có hiệu quả năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động