RSS Feed for Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Hướng tới tầm cao mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Hướng tới tầm cao mới

 - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), tiền thân là Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Năng lượng Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 38/2004QĐ-BNV ngày 21/5/2004 của Bộ Nội vụ. Tiếp đó, ngày 18/10/2004, Bộ Nội vụ có Quyết định số 72/2004QĐ-BNV Phê duyệt bản Điều lệ của VEA. Đại hội Nhiệm kỳ I được tổ chức vào ngày 13/8/2004 đánh dấu thời gian VEA chính thức đi vào hoạt động. Sau gần 6 năm thực thi nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, VEA đã thể hiện được vai trò quan trọng của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có tiếng nói xây dựng độc lập, đóng góp cho sự nghiệp phát triển năng lượng quốc gia. Ngày 16/6/2010, VEA đã triệu tập Đại hội Nhiệm kỳ II và từ thành công của Đại hội này, ngày 21/10/2010 Bộ Nội vụ có Quyết định số 1203/2010QĐ-BNV về việc Đổi tên và Phê duyệt Điều lệ VEA.

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch VEA

“Ngôi nhà chung” của ngành Năng lượng Việt Nam

Từ một tổ chức khi thành lập có khoảng 200 thành viên, đến nay VEA đã có trên 350 thành viên là các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước, các công ty và doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức nước ngoài… hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Mục tiêu chủ yếu của VEA là phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ tư vấn chiến lược và tư vấn dự án năng lượng. Đồng thời bám sát Điều 2, Điều 5 của Điều lệ, phối hợp mọi nội lực trong toàn ngành Năng lượng (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo…) xây dựng thành công các công trình năng lượng.

Những mục tiêu khác mà VEA hướng tới là liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong nghiên cứu khoa học, thành quả về kinh tế kỹ thuật, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của thành viên; cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; tạo thêm việc làm cho thành viên và cải thiện đời sống cho người lao động. VEA luôn xác định vai trò của mình là trở thành ngôi nhà chung của các thành viên, luôn đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên phía trước về sự nghiệp phát triển ngành Năng lượng Việt Nam.

Đây chính là nhận thức mà toàn thể Ban chấp hành VEA được tín nghiệm bầu ra trong Đại hội Nhiệm kỳ II đã quán triệt.

Đặc điểm tình hình thời kỳ Nhiệm kỳ II

Ngay khi bước vào hoạt động Nhiệm kỳ II, VEA đã nhận thức được đây là thời kỳ ngành Năng lượng Việt Nam tăng tốc phát triển và cũng là thời kỳ các Tập đoàn năng lượng quốc gia (EVN, PVN, TKV) là các thành viên quan trọng của VEA đứng trước nhiều thách thức lớn về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà việc đầu tiên là phải thực hiện tốt các Đề án quy hoạch năng lượng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào những năm đầu của thời kỳ này. Đó là Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30/3/2011), Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét triển vọng đến năm 2030-QHĐVII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011), Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030-QH60 (Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/10/2012).

Tiếp đó là phải tìm ra giải pháp đối phó với nhiều rủi ro như việc mất cân bằng năng lượng đã xảy ra và được dự báo sẽ còn xảy ra ở nước ta; Nguy cơ không đảm bảo nguồn cung cấp than nội địa nên phải nhập khẩu than cung ứng cho một số nhà máy nhiệt điện sẽ xây dựng; Điều kiện thời tiết được dự báo không thuận lợi cho việc sản xuất điện vào mùa khô; Hệ thống điện còn nhiều tiềm ẩn, nhiều khả năng chưa đáp ứng an ninh cung cấp điện; Sản lượng khai thác dầu khí bắt đầu sụt giảm, các mỏ mới chưa thể sớm đưa vào khai thác; Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm tiến triển chậm và hiệu quả còn thấp; Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo chưa phát triển; Khó khăn về nguồn vốn lớn cho đầu tư các dự án năng lượng; Cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án năng lượng…trong khi đó, hệ thống pháp lý điều chỉnh phát triển ngành Năng lượng của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa thiết lập được một cơ quan đầu mối để thống nhất quản lý và điều tiết tổng thể.

Tuy nhiên, trước khó khăn và thử thách nêu trên, với quyết tâm và danh dự của những người đã từng tham gia xây dựng phát triển ngành Năng lượng, uy tín nghề nghiệp trách nhiệm đối với ngành và xã hội, tập thể lãnh đạo và cán bộ thường trực VEA đã đoàn kết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, hỗ trợ đắc lực các thành viên của mình vượt qua khó khăn góp phần vào sự nghiệp phát triển năng lượng quốc gia.

10 thành tựu nổi bật trong Nhiệm kỳ II

Một là, Quan tâm đặc biệt đến chức năng tư vấn chiến lược phát triển ngành Năng lượng.

Trong Nhiệm kỳ II, VEA đã hoàn thành 9 văn bản kiến nghị về các nội dung chủ đề liên quan đến ngành năng lượng trình Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ưng Mặt trận Tổ quốc, đó là:

(1)   Văn bản kiến nghị số 106/VBKN-VEA ngày 12/9/2011 về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng của đất nước.

(2)   Văn bản kiến nghị số 61/VBKN-HHNL ngày 10/7/2012 về việc Phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(3)   Văn bản kiến nghị số 92/VBKN-VEA ngày 24/10/2012 về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành Năng lượng Việt Nam.

(4)   Văn bản kiến nghị số 41/KN-VEA ngày 29/7/2013 về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất.

(5)   Văn bản kiến nghị số 11/VBKN-VEA ngày 17/2/2014 về việc giải quyết vốn cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách.

(6)   Văn bản kiến nghị số 67/VBKN-VEA ngày 26/9/2014 về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

(7)   Văn bản kiến nghị hỗ trợ sản xuất vật liệu không nung từ xỉ than nhiệt điện.

(8)   Văn bản kiến nghị số 137/VBKN-VEA ngày 31/12/2015 về việc lựa chọn nhà thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II.

(9)   Văn bản kiến nghị số 08/VBKN-VEA ngày 24/02/2016 về việc đề nghị Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn cho PVN.

Ngoài 9 văn bản kiến nghị trên VEA còn thực hiện:

- Văn bản đóng góp ý kiến số 130/VBĐGYK-VEA, ngày 26/11/2011 về Đề án “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020” Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 02/12/2011, VEA hoàn thành Văn bản góp ý này theo sự chỉ đạo của Chủ tịch nước (Công văn số 1081/VPCTN-TH ngày 22/12/2011).

- Tham luận với chủ đề “Thực hiện tốt chủ trương nội địa hóa ngành Năng lượng Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm chế biến chế tạo mới về lĩnh vực này của thế giới trong thời gian tới”. Tham luận của VEA đã được đưa vào Tập Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 24/10/2015. VEA thực hiện nhiệm vụ này theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam (theo Công văn số 6953/NHNN-VCL ngày 11/9/2015).

Để đảm bảo chất lượng các văn bản kiến nghị, trước khi trình Lãnh đạo cấp cao, VEA đã thực hiện hai giải pháp sau đây:

(i) Đối với các kiến nghị về cơ chế chính sách thường tổ chức Hội thảo khoa học để lấy ý kiến các cơ quan liên quan đến ngành Năng lượng trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế tài chính và kỹ thuật hiểu biết sâu về ngành Năng lượng.

(ii) Đối với các kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các Tập đoàn năng lượng nhà nước, đã tổ chức các đợt khảo sát thực địa để các chuyên gia Hội đồng Khoa học của VEA có điều kiện đến các cơ sở sản xuất điển hình trong cả nước nhằm thu thập các dữ liệu trung thực.

VEA rất vui mừng khi được biết nhiều kiến nghị của VEA đã được Lãnh đạo cấp cao xem xét và giải quyết.

Cụ thể như Văn bản kiến nghị số (1) của VEA nêu trên, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Công văn số 805/VPCTN-KTXH ngày 26/9/2011 gửi VEA thông báo: “Khi nhận được văn bản kiến nghị về việc giải quyết tiến độ các dự án năng lượng của đất nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của VEA trong việc góp phần phát triển năng lượng quốc gia và đề nghị VEA trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu cho Chính phủ góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng của đất nước”.

Các Văn bản kiến nghị số (4), (5) và (6) của VEA nêu trên, khi Thủ tướng Chính phủ nhận được đã giao cho Văn phòng Chính phủ ban hành các công Văn số: 6875/VPCP-KTN ngày 19/8/2013, số 1311/VPCP-KTN ngày 28/2/2014 và số 8195/VPCP-KTN ngày 12/4/2014 giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu các đề xuất của VEA trong quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển ngành Năng lượng.

Văn bản kiến nghị số (8) của VEA nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ gửi Phiếu chuyển số 48/PC-VPCP ngày 21/01/2016 cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị TKV “xem xét, giải quyết theo quy định hiện hành và thông báo kết quả để VEA biết”.

Gần đây nhất, đối với Văn bản kiến nghị số (9) của VEA nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1449/VPCP ngày 8/3/2016 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương xem xét giải quyết và Bộ Công Thương đã có Công văn số 2334/BCT-TCNL ngày 18/3/2016 gửi VEA cho biết “Thống nhất với các đánh giá của VEA về các khó khăn của PVN, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan, trong đó có VEA triển khai các giải pháp nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN đạt hiệu quả”.

Hai là, Thực hiện tốt chức năng tư vấn xây dựng phát triển ngành Năng lượng.

Hoạt động này của VEA tập trung vào các nội dung như tham vấn, tọa đàm, bài viết, văn bản góp ý về những sự kiện có liên quan đến ngành Năng lượng ở cấp Bộ, Ban, Ngành và các Tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước. Cụ thể trong Nhiệm kỳ II, VEA đã hoàn thành khối lượng lớn công việc:

Tham gia đoàn khảo sát, đánh giá chất lượng văn bản của các Bộ, Ngành trong năm 2010, VEA được Chính phủ mời.

Tham vấn ý kiến đối với đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế trên cở sở nghiên cứu tài liệu khoa học “Tổng hợp các cam kết của Việt Nam trong các thỏa thuận khu vực mậu dịch tự do (FTA) đã ký kết”.

Tham vấn cho Ban Kinh tế Trung ương Đảng về phát triển năng lượng gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nước ta (11/2013).

Tọa đàm với chủ đề “Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam với vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành than, do TKV tổ chức tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh (19/5/2012). Tại buổi tọa đàm này, Chủ tịch VEA đã phát biểu tập trung phân tích về: “Giải quyết vốn cho phân ngành Than, thị trường hóa giá than, giảm mức thuế than xuất khẩu…”. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội dự tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến của VEA hứa sẽ báo cáo các Cơ quan của Quốc hội và Chính phủ quan tâm.

Lập nhiều văn bản góp ý các Dự thảo Thông tư, Nghị định, Quyết định, Luật, Đề án… có liên quan đến ngành Năng lượng do các Bộ, Ban, Ngành biên soạn trước khi trình lãnh đạo cấp cao (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng) ký và ban hành, cụ thể là:

(a). Bộ Công Thương: Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Luật Chuyển giao công nghệ; Đề án Thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam; Cải cách thủ tục hành chính.

(b). Bộ Tài chính: Chế độ khấu hao tài sản; Nghị định Vốn do nhà nước nắm giữ 100%; Nghị định Hướng dẫn Luật doanh nghiệp; Thông tư Phân cấp quản lý thuế; thông tư sửa đổi, bổ sung 7 luật thuế.

(c). Bộ Khoa học và Công nghệ: Thông tư Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

(d). Bộ Xây dựng: Nghị định Kinh doanh bất động sản; Sửa đổi bổ sung một số điều  của Nghị định thi hành Luật đất đai.

(đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghị định Đầu tư trực tiếp nước ngoài.

(e) Tổng cục Hải quan: Đánh giá về khảo sát của chức năng hệ thống VNCCS/VCIS.

(g) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đánh giá khảo sát về kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Nghị định Quản lý phát triển cụm công nghiệp.

Ba là, Giữ được niềm tin trong hoạt động tư vấn dự án năng lượng.

Nhiệm vụ tư vấn dự án năng lượng VEA giao cho thành viên của mình là Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) đảm nhận. Tại Nhiệm kỳ II này trong thời gian từ 16/6/2010 đến 10/7/2015, VECC điều hành một quỹ tư vấn công nghệ với đội ngũ các chuyên gia các ngành liên quan đến năng lượng của đất nước. Các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và trí thức cao do VECC cung cấp bao gồm: Tư vấn quy hoạch phát triển ngành; Tư vấn lập hồ sơ thu thập tài liệu cơ sở thiết kế các dự án nhà máy nhiệt điện than; Tư vấn lập hồ sơ mời thầu các gói thầu dự án nhà máy nhiệt điện; Tư vấn thẩm định chủ trương đầu tư; Tư vấn lập và thẩm tra báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh, thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, tổng dự toán, bản vẽ thi công, dự toán, đề án đánh giá tác động môi trường,… của các dự án thuộc phân ngành điện, bao gồm các chuyên ngành nhiệt điện, thủy điện, lưới điện, năng lượng xanh…

Là một tổ chức lấy chữ tín làm trọng, trong Nhiệm kỳ II của VEA chỉ tính riêng lĩnh vực tư vấn dự án phân ngành Điện, VECC đã tham gia thực hiện 40 dự án, tăng hơn 10 dự án so với Nhiệm kỳ I (30 dự án) với vốn đầu tư của các dự án đã thực hiện trên 30 tỷ USD.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và nhu cầu phát triển của ngành Năng lượng nói riêng, bằng kinh nghiệm và tín nhiệm của mình, VECC không chỉ tham gia vào các dự án trọng điểm của đất nước mà còn mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các đơn vị thành viên của VEA nâng cao trình độ chuyên môn thông qua tổ chức các hội thảo khoa học kỹ thuật, khóa học nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình công nghiệp.

Bốn là, Đề cao trách nhiệm là đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ba thành viên EVN, PVN, TKV.

Trước lộ trình tăng giá điện từ ngày 01/8/2013 và vào tháng 10/2013 Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVN trong đó nêu nguyên nhân làm cho giá điện sản xuất cao là do chi phí đầu tư xây dựng một số hạng mục như biệt thự, nhà chung cư, sân tennis… đã hạch toán vào giá thành, đồng thời do nhiều dự án bị chậm tiến độ đã dẫn đến xuất hiện nhiều thông tin sai lệch trên công luận. Trước tình hình đó VEA có giải trình minh bạch, thuyết phục, nên đã được dư luận chấp nhận: “Các hạng mục này đều nằm trong khuôn viên của Nhà máy, được địa phương cấp đất, kinh phí xây dựng được trích từ nguồn khấu hao cơ bản, từ lợi nhuận sau thuế không hạch toán vào giá thành điện; việc chậm tiến độ một số dự án là do không thu xếp được vốn đầu tư và gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng”.

Đầu tháng 3/2013, ba tập đoàn EVN, PVN, TKV đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Sau sự kiện này một số người lo ngại rằng việc hợp tác này sẽ tăng thêm “hàm lượng độc quyền” trong lĩnh vực năng lượng. VEA đã khẳng định rằng: “Nhiều yếu tố khách quan cần thiết dẫn đến hợp tác chiến lược này và mục tiêu chủ yếu là nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Năm là, tổ chức Hội chợ - Triển lãm và Hội thảo về năng lượng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển ngành Năng lượng.

Trong Nhiệm kỳ II, VEA đã chỉ đạo VECC, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIE Promotion) - đơn vị thành viên của VEA tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm quốc tế về phát triển năng lượng Việt Nam (VEExpo 2012, ngày 26/5/2012). VEExpo 2012 đã thu hút nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tham gia trưng bày các sản phẩm, giới thiệu những tiến bộ khoa học-công nghệ mới của ngành Năng lượng, bao gồm các phân ngành, các chuyên ngành điện, than, dầu khí, điện hạt nhân, cơ khí chế tạo, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Cũng trong nhiệm kỳ này VECC đã phối hợp với Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng tổ chức thành công 3 Hội thảo quốc tế, với các chủ đề: “Giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển Năng lượng Việt Nam”,“Giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng của đất nước”“Tiết kiệm Năng lượng - Những vấn đề cấp bách”.

Thông qua các hoạt động hội chợ - triển lãm và hội thảo nói trên, nhiều Tổ chức và Tập đoàn quốc tế đã đến với VEA để tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển, VEA đã cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin về tiềm năng, hỗ trợ tư vấn đầu tư, giúp đỡ đàm phán,… vì vậy nhiều dự án năng lượng lớn của đất nước được triển khai xây dựng tại nước ta trong những năm qua có đóng góp thiết thực của VEA. Mặt khác nhiều thành viên của VEA đã có cơ hội đến một số nước trên thế giới tham quan, học tập, tiếp thu thành tựu về khoa học kỹ thuật, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Những năm 2011-2014, VECC của VEA đã tiếp cận và làm việc với các tổ chức về năng lượng của Nga (EITEK), Hoa Kỳ (SUNKUN, PRBC,…), Tây Ban Nha (NIKASH), Canada (CIMA),… và nhiều nước khác như Cộng hòa Séc, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc,… thu hoạch được nhiều thông tin bổ ích làm tăng chất lượng công tác tư vấn dự án năng lượng đất nước.

Sáu là, Duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền lên tầm cao mới phục vụ phát triển ngành Năng lượng Việt Nam.

Công tác tuyên truyền VEA giao cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn Năng lượng, Hội đồng Khoa học Năng lượng của VEA thực hiện và đã hoạt động có chất lượng trong Nhiệm kỳ II này.

Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietNam.vn/VietNamEnergy.vn là cơ quan ngôn luận của VEA. Bằng ý thức trách nhiệm, sự quan tâm đến chiến lược phát triển ngành Năng lượng Việt Nam, Tạp chí đã luôn cố gắng để thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của các phân ngành, các chuyên ngành Năng lượng. Cũng trong thời kỳ này Tòa soạn và Ban biên tập của Tạp chí đã thực hiện nhiều bài viết phản biện kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Năng lượng Việt Nam phát triển, kịp thời đính chính những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Năng lượng Việt Nam. Những thông tin đa chiều trên đã được bạn đọc ghi nhận và đánh giá là bổ ích.

Về các ấn phẩm, nếu Nhiệm kỳ I, VEA chỉ xuất bản được quyển sách “Năng lượng Việt Nam: Bước ra biển lớn” thì trong Nhiệm kỳ II, VEA đã cho ra đời thêm 4 quyển sách: “Năng lượng Việt Nam: Tầm nhìn thế kỷ”, “Ngành Năng lượng Việt Nam: Thành tựu 25 năm đổi mới”, “Ngôi nhà chung của ngành Năng lượng Việt Nam” và “Niêm giám Năng lượng Việt Nam 2012”. Đây là những ấn phẩm VEA đã thực hiện có chất lượng, in ấn đẹp và được bạn đọc đánh giá cao.

Bảy là, Thành lập các đơn vị trực thuộc mới và phát triển thêm thành viên.

Trong Nhiệm kỳ II, VEA đã thành lập 3 đơn vị trực thuộc đó là: Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam (VESB), Trung tâm Hỗ trợ phát triển Năng lượng Việt Nam (VESC) và Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng Xanh (MSH-GE).

Hội đồng Khoa học Năng lượng của VEA được thành lập ngày 16/6/2011 đã tập hợp được một đội ngũ các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ, phó giáo sư-tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư cao cấp, các chuyên gia đã hoạt động lâu năm trong ngành Năng lượng. Trải qua gần 5 năm hoạt động VESB đã có đóng góp tốt cho VEA, cụ thể là đưa ra được một số ý kiến phản biện, đề xuất và kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành Năng lượng Việt Nam. Gần đây, ngày 17/5/2016 VEA đã có Quyết định về việc tái cơ cấu, hoàn chỉnh tổ chức tạo mọi điều kiện để VESB hoạt động sáng tạo, đạt hiệu quả cao nhất, thực hiện tốt chức năng tư vấn cho Chủ tịch, Thường trực Ban chấp hành VEA về các hoạt động khoa học trong ngành Năng lượng.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Năng lượng Việt Nam được VEA thành lập ngày 14/5/2014 với mục tiêu hỗ trợ phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. VESC hiện có 5 sản phẩm, dịch vụ chính là: Kiểm toán năng lượng, Tư vấn thiết kế, Tuyển dụng và Đào tạo, Xúc tiến tài chính và Nghiên cứu phát triển.

Hội Thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh, đơn vị trực thuộc VEA là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ; năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều,…Ngày 1/10/2015 tại Hà Nội, VEA đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc. Hội đi vào hoạt động nhằm mục tiêu đóng góp cho ngành Năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả; về phân ngành Điện tiếp tục phát triển các nguồn điện mới nhằm tăng sản lượng, tăng công suất bổ sung vào Hệ thống điện quốc gia.

Về công tác phát triển thành viên, từ những hiệu quả thiết thực trong việc giúp các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, trong Nhiệm kỳ II, VEA đã kết nạp trên 100 thành viên mới là các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đồng thời kết nạp thêm một số thành viên liên kết là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Tám là, Tăng cường mối quan hệ mật thiết với các Bộ, Ngành, các Địa phương, các Tổ chức, Hiệp hội chuyên ngành và các Cơ quan Thông tin đại chúng. Trong Nhiệm kỳ II, VEA tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và Địa phương, các Hiệp hội chuyên ngành, các Cơ quan báo chí; chính vì vậy, trong các hoạt động VEA luôn nhận được sự đồng thuận cao tạo được thuận lợi trong quá trình thực hiện chức năng của mình.

Chín là, Kịp thời chia sẻ với phân ngành Than trước tác động của thiên tai.

Trước những thiệt hại nặng nề về vật chất của TKV trong cơn mưa lũ lịch sử từ ngày 26-31/7/2015 trên địa bản tỉnh Quảng Ninh; VEA đã gửi lời chia sẻ động viên tới lãnh đạo và cán bộ công nhân viên phân ngành Than và ủng hộ những biện pháp khắc phục của TKV.

Mười là, Thể hiện mạnh mẽ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981trái phép ở vùng biển Việt Nam, ngày 9/7/2014, VEA đã có văn bản phản đối Trung Quốc. Văn bản của VEA đã gửi đến Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ Tướng Chính phủ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; các Cơ quan Thông tấn báo chí.

Khó khăn

Trong quá trình hoạt động Nhiệm kỳ II, VEA đã gặp một số khó khăn phải khắc phục, trong đó có 3 khó khăn chính sau đây:

(1). Một số văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước còn chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể; nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước về vị trí, vai trò của VEA trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế còn hạn chế, do đó chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho VEA hoạt động.

(2). Một số thành viên chưa thấy hết được tầm quan trọng và vai trò của VEA, chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Nhiệm kỳ II của VEA. Do vậy, mặc dù VEA đã tập trung đông đảo các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhưng chưa thực sự tạo được sức mạnh tổng hợp. Một số thành viên không nộp đầy đủ hội phí hàng năm.

(3). Bộ máy, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động còn quá khó khăn.

Kết quả và bài học kinh nghiệm

(1). Đạt được kết quả to lớn nêu trên, ngoài sự nỗ lực vươn lên của Thường trực Ban chấp hành VEA, còn có sự giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương trên cả nước; sự giúp đỡ nhiệt thành và có hiệu quả của tất cả các tập thể, các cá nhân trong VEA.

(2). Mặc dù hoạt động trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng VEA đã thực sự là "ngôi nhà chung" của cộng đồng các doanh nghiệp ngành Năng lượng Việt Nam, thực hiện có hiệu quả việc hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chung của các thành viên.

(3). VEA đã thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng các doanh nghiệp ngành năng lượng với các cơ quan quản lý Nhà nước; đã phản ánh một cách khách quan, đề xuất những giải pháp thích hợp và nhiều ý kiến đã được chấp thuận, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

(4). VEA đã thực sự là người đại diện cho ngành Năng lượng Việt Nam trên trường quốc tế trong quan hệ hợp tác với các tổ chức cùng ngành trên thế giới.

(5). Thực hiện chức năng cầu nối doanh nghiệp thành viên với các cơ quan Nhà nước, trong Nhiệm kỳ II, VEA đã tham gia xây dựng với các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ngành nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên.

(6). VEA đã thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hiệp hội theo các quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động theo Điều lệ của VEA.

(7). Với những thành tích đạt được trong quá trình hoạt động, năm 2014, VEA đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; Bộ Công Thương tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc; 34 thành viên và cá nhân được VEA đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen.

Phương hướng nhiệm vụ Nhiệm kỳ III

Tại Đại hội Nhiệm kỳ III của VEA, các đại biểu sẽ thảo luận và xây dựng đề án hoạt động cho thời kỳ 2016-2021. Dưới đây nêu lên một số phương hướng nhiệm vụ để Đại hội có cơ sở xem xét xây dựng thành nghị quyết.

(1). Nghiên cứu và nắm vững các quyết định chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng của Thủ tướng Chính phủ ban hành còn hiệu lực, đặc biệt là hai Quyết định mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) và Quyết định phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (số 428/QĐ-TTg ngày 13/8/2016), để tiếp tục thực hiện tốt, có chất lượng chức năng tư vấn chiến lược và tư vấn dự án năng lượng.

Tiếp tục thực hiện quyết định Phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (số 403/QĐ-TTg ngày 20/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

(2). VEA bám sát hoạt động của các thành viên trên tất cả các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, sản xuất, vận chuyển và truyền tải, phân phối, kinh doanh, thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ, xuất nhập khẩu năng lượng... để nắm bắt những khó khăn, trăn trở của những thành viên, kịp thời động viên chia sẻ và đặc biệt là các kiến nghị tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các bộ, ngành chức năng về những rào cản tác động xấu đến sự phát triển của các thành viên.

(3). Đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc xác định tiềm năng các nguồn năng lượng than, dầu khí, thủy điện, mặt trời, gió, sinh khối - khí sinh học, địa nhiệt... từ đó xác định đầu tư bằng công nghệ tiên tiến nhất, nguồn vốn khả thi, tổ chức thực hiện. Đặc biệt quan tâm đến xác định trữ lượng nguồn tài nguyên than ở khu vực Đông Bắc, Quảng Ninh, Đồng bằng sông Hồng, trên cơ sở đó đề xuất chiến lược phát triển phân ngành Than trong tương lai.

(4). Đối với phân ngành Dầu khí, VEA đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải pháp về công nghệ và nhân tài, mời thêm tư vấn nước ngoài để tìm kiếm, thăm dò xác định tiềm năng, trữ lượng dầu khí ở khu vực Biển Đông nói chung và thềm lục địa Việt Nam nói riêng ở độ sâu dưới 1000m.

(5). Kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã bị loại bỏ với điều kiện các dự án này phải đáp ứng các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật - môi trường. Bên cạnh đó, VEA sẽ kiến nghị việc khẩn trương triển khai các dự án thủy điện tích năng và các dự án thủy điện cột nước thấp.

(6). VEA sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các Hội chợ - Triển lãm Hội thảovề năng lượng tại nước ngoài nhằm kết hợp quảng bá ngành Năng lượng Việt Nam, đồng thời ở trong nước sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tổ chức các Hội thảo khoa học về chính sách phát triển ngành năng lượng, các Hội thảo quốc tế về năng lượng xanh (gió, mặt trời, sinh khối...).

(7). Hội đồng Khoa học Năng lượng nghiên cứu và tư vấn một số vấn đề theo yêu cầu của Chủ tịch và Thường trực Ban chấp hành VEA. Đặc biệt là các nội dung về Quy hoạch phát triển, về Cơ chế chính sách năng lượng; Thị trường năng lượng chủ yếu là thị trường điện; Công nghệ điện hạt nhân và vấn đề an toàn; Sử dụng hiệu quả nguồn thuỷ điện; Vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động năng lượng. Trước tiên cần hoàn chỉnh kiến nghị “Ngành Năng lượng Việt Nam cần một tầm nhìn mới” trình các Lãnh đạo cấp cao.

(8). Hỗ trợ và phối hợp với các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV... triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nguồn điện như: lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và thẩm định, thẩm tra các hồ sơ dự án ở các bước đầu tư...

(9). Tiếp tục chương trình đi tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn và một số đơn vị thành viên đang gặp khó khăn để kịp thời đề xuất với Chính phủ, các Cơ quan Nhà nước giải quyết vướng mắc giúp thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

(10). Tổ chức hội nghị, hoặc làm việc trực tiếp với một số thành viên quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn tồn tại. Quan tâm nhiều hơn đến các thành viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(11). Tập trung tìm hiểu sâu về thực hiện một số cơ chế, chính sách trong thi hành Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đấu thầu, vấn đề trượt giá trong xây dựng, công tác di dân giải phóng mặt bằng các dự án công trình nguồn điện, chính sách thuế xuất nhập khẩu vật tư nguyên liệu, sản phẩm thiết bị điện, vấn đề ưu đãi đầu tư v.v... 

(12) Tổ chức hội nghị Ban chấp hành các khu vực và các thành viên trên cả nước.

(13).Tiếp tục thực hiện công tác phát triển thành viên mới và đẩy mạnh công tác thi đua khen thương trong toàn VEA.

Chính sách của Nhà nước và lời khuyến cáo về an ninh năng lượng VN
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Sắc xuân mới của ngành Năng lượng Việt Nam
Kiến nghị lựa chọn nhà thầu EPC Dự án nhiệt điện Na Dương 2
VEA chia sẻ với ngành Than sau cơn lũ lịch sử

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động