RSS Feed for Chỉ có điện hạt nhân mới cứu rỗi được trái đất | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 03:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chỉ có điện hạt nhân mới cứu rỗi được trái đất

 - Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo chúng ta rằng: Thế giới phải cắt giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 30 năm tới để ngăn chặn việc bùng phát thảm họa tiềm tàng đối với trái đất. Đối mặt với thách thức này là một vấn đề đạo đức, nhưng nó cũng là một bài toán khó, và một phần quan trọng của đáp án cho bài toán này phải là điện hạt nhân. Do đó, nhiều chuyên gia năng lượng, môi trường quốc tế kêu gọi: Hãy cân nhắc kỹ lưỡng đối với bài toán thay thế nhiên liệu hoá thạch: Để có những bước tiến đủ nhanh, thế giới cần xây dựng rất nhiều lò phản ứng.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 1]
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 2]
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 3]

Những người dân địa phương đang câu cá tại sông Viên gần nhà máy điện hạt nhân tại Civaux (Pháp) - hoạt động từ năm 1999.

 

NHÓM TÁC GIẢ: JOSHUA S.GOLDSTEIN VÀ STAFFAN A.QVIST (*)


Hiện nay, hơn 80% nguồn năng lượng của thế giới đến từ nhiên liệu hóa thạch - đây chính là nguồn nhiên liệu được dùng để sản xuất điện năng, dùng để sưởi ấm và làm nhiên liệu cho động cơ ô tô và máy bay. Tuy nhiên, hiện trạng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đang trở nên tồi tệ hơn do việc nhiều quốc gia thoát nghèo ngày càng sử dụng năng lượng nhiều hơn, dẫn đến lượng nhiên liệu hoá thạch tiêu thụ tăng lên nhanh chóng. Việc áp dụng những phương pháp sử dụng hiệu quả năng lượng có thể làm giảm bớt một phần gánh nặng, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng trên thế giới.

Bất kỳ một nỗ lực nghiêm túc nhằm mục đích khử carbon cho nền kinh tế thế giới đều đòi hỏi năng lượng sạch ngày càng nhiều, có thể đáp ứng nhu cầu 100.000 tỷ kilowatt giờ mỗi năm - theo tính toán của chúng tôi đây là mức tương đương với lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hàng năm hiện tại. Một biến số quan trọng cần xem xét ở đây là chính là tốc độ. Để đạt được mục tiêu trong vòng 3 thập kỷ tới, thế giới cần bổ sung thêm 3,3 nghìn tỷ kilowatt giờ năng lượng sạch mỗi năm.

Chỉ riêng năng lượng mặt trời và năng lượng gió không thể tăng quy mô đủ nhanh để sản xuất ra lượng điện khổng lồ mà chúng ta cần có đến giữa thế kỷ này, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới việc chuyển đổi động cơ xe hơi và các phương tiện tương tự từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu không phát thải carbon. Bất chấp những nỗ lực gần đây của nước Đức nhằm tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo - đây được coi là nỗ lực tham vọng tầm cỡ quốc gia nhất từ trước đến nay cũng không đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại. Với thành công của nước Đức, nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ được bổ sung thêm 0,7 nghìn tỷ kilowatt giờ điện sạch mỗi năm. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1/5 của mục tiêu 3,3 nghìn tỷ Kilowatt giờ điện mỗi năm.

Hay nói cách khác, ngay cả khi thế giới có những nỗ lực và thành tựu công nghệ như nước Đức về năng lượng tái tạo, điều này lại không giống với thực tế ở đại đa số các quốc gia, thì với tốc độ này, việc khử carbon của thế giới sẽ mất gần 150 năm.

Mặc dù chúng ta có thể phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhanh hơn, nhưng những vấn đề lớn vẫn còn tồn tại. Mặc dù các chi phí đối với nguồn năng lượng mặt trời và gió đã giảm đáng kể, nhưng chúng lại không thể là nguồn năng lượng thay thế trực tiếp và đáng tin cậy cho than đá và khí đốt.

Trên thực tế, những lúc không có mặt trời, hay không có gió, chúng ta sẽ hầu như không, hoặc chỉ thu được rất ít năng lượng. Thậm chí, khi được thiên nhiên ủng hộ thì nguồn năng lượng tái tạo đôi khi lại bị lãng phí do không được sử dụng hợp lý.

Bill Gates - người đã đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ vào nguồn năng lượng tái tạo, nói rằng "sẽ không có công nghệ pin nhiên liệu nào cho phép, hoặc thậm chí gần đến mức có thể cho phép tạo ra điện chỉ từ các nguồn năng lượng tái tạo". Nếu chúng ta tiếp tục mở rộng, các trạm điện gió, mặt trời và thủy điện cũng sẽ phá hủy diện tích lớn đất nông nghiệp và rừng. Cái mà thế giới cần hiện nay là nguồn điện không carbon, có thể gia tăng trên quy mô lớn một cách nhanh chóng và cung cấp nguồn năng lượng ổn định suốt ngày đêm, bất kể trong điều kiện thời tiết nào mà không cần mở rộng diện tích sản xuất... Đáp án cho bài toán này chính là điện hạt nhân!

Khi Thụy Điển và Pháp xây lò phản ứng hạt nhân để thay thế nhiên liệu hóa thạch những năm 1970 và 1980, họ đã sản xuất ra lượng điện năng tương ứng với sự tăng trưởng GDP của mình, gấp 5 lần so với tốc độ phát triển năng lượng tái tạo ở Đức. Lượng khí thải carbon của Thụy Điển đã giảm một nửa ngay cả khi sản lượng điện của họ tăng gấp đôi. Giá điện hiện nay ở nước Pháp, một quốc gia mà nguồn điện chủ yếu là điện hạt nhân, chỉ bằng 55% so với ở Đức.

Vậy, tại sao không có ai quan tâm đến việc sự biến đổi khí hậu sẽ ra sao đằng sau sự phát triển của điện hạt nhân? Tại sao ngành công nghiệp điện hạt nhân ở Mỹ và thế giới không tiếp tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu nguồn năng lượng sạch? Lý do chủ yếu là hầu hết chính sách của các quốc gia được xây dựng không phải trên cơ sở những sự thật "khó nghe" mà bởi những ám ảnh lâu đời và được truyền bá rộng rãi về phóng xạ.

Qua 6 thập kỷ, điện hạt nhân chỉ gặp duy nhất 1 tai nạn gây chết người - tai nạn Chernobyl năm 1986, đã trực tiếp làm 60 người tử vong và bị cáo buộc là tiếp tục gây ra cái chết của hàng ngàn người khác do bức xạ mức thấp. Đó thực sự là một tai nạn nghiêm trọng, nhưng những tai nạn công nghiệp phi hạt nhân khác thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều. Một sự cố vỡ đập thủy điện ở Trung Quốc năm 1975 đã gây ra cái chết cho hàng chục ngàn người, năm 1984 vụ rò khí Bhopal tại nhà máy Union Carbide ở Ấn Độ theo tính toán ban đầu đã giết chết 4.000 người và sau đó ước tính khoảng 15.000 người nữa đã thiệt mạng vì tai nạn này. Nhưng không vì vậy mà chúng ta kỳ thị toàn bộ các ngành công nghiệp đó.

Tai nạn năm 1979 tại Đảo Ba Dặm (Three Mile Island) may mắn không gây ra thương vong nào. Năm 2011 tại Nhật Bản, trận động đất lớn thứ 4 trong lịch sử cùng với cơn sóng thần cao 50 ft (tương đương 14,4 m) đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người và phá hủy cơ sở hạt nhân Fukushima, gây ra rò rỉ phóng xạ. Theo Chính phủ Nhật Bản, phơi nhiễm bức xạ trong quá trình xảy ra sự cố đó đã gây ra cái chết cho một công nhân vào năm 2016. Ngược lại, việc sơ tán dân chúng một cách vội vàng, thiếu tổ chức khỏi khu vực xảy ra sự cố đã bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến điều kiện sống khổ sở và cái chết cho nhiều người di tản.

Điện hạt nhân được kiểm soát cứ như thể là bất kỳ mức phóng xạ nào đều cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, khi chúng ta đi xung quanh khu vực có phóng xạ, chúng ta chỉ bị nhiễm trung bình khoảng 3 millisieverts (mSv) mỗi năm và có thể lên tới 200 mSv ở một số nơi, mà không bị bất kỳ một nguy hại nào. Các khuyến cáo về nghề nghiệp và y tế đều ở dưới mức 50 mSv mỗi năm.

Thực tế tại Fukushima, chỉ có 12 người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân đã bị phơi nhiễm hơn 200mSv, và không có ai ngoài phạm vi nhà máy bị nhiễm vượt quá mức 50 mSv. Có thể đo được và theo dõi được bức xạ dù ở mức độ rất thấp, nhưng chúng hoàn toàn vô hại.

Tương tự như vậy, chất thải phóng xạ không phải vấn đề quá lớn như mọi người vẫn nghĩ. So với lượng thải độc hại không lồ từ sản xuất công nghiệp thì lượng chất thải hạt nhân là rất nhỏ. Chất thải hạt nhân sinh ra từ lượng điện hạt nhân mà 1 người Mỹ tiêu thụ cả đời chỉ tương đương 1 lon soda. Lượng nhiên liệu đã qua sử dụng từ tất cả các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ trong suốt 60 năm qua có thể lấp đầy 1 sân bóng đá, với chiều cao 20 ft (tương đương 6,9m).

Hiện nay, chất thải phóng xạ được lưu giữ tại các lò phản ứng, chúng được xếp trong những thùng bê tông (phóng xạ không thể bị rò rỉ ra khỏi bê tông) và nó sẽ được giữ an toàn ở đó hàng trăm năm. Sau đó, chúng sẽ được đốt cháy trong những lò phản ứng mà hiện tại đang được thiết kế, hoặc được chôn sâu trong lòng đất vĩnh viễn. Tất cả những lý do được đưa ra để phản đối điện hạt nhân đều bắt nguồn từ những nỗi lo sợ thái quá rằng: Chẳng có cách nào ngăn chặn được những hiểm họa thực sự do biến đổi khí hậu mà loài người phải đối mặt.

Điện hạt nhân, nếu được mở rộng quy mô đúng cách thì có thể dễ dàng cạnh tranh về giá với các loại nhiên liệu hiện nay đang gây ra ô nhiễm. Hàn Quốc, quốc gia đã xây dựng 10 lò phản ứng dựa trên cùng 1 thiết kế, đã sản xuất điện hạt nhân với mức giá bằng, hoặc thấp hơn nhiên liệu hóa thạch. Những nỗ lực gần đây của Mỹ và châu Âu để thiết kế ra những lò phản ứng đầu tiên trong môi trường siêu điều tiết (hyper- regulated environment) đã dẫn đến việc chi phí bị đội lên và cả sự chậm trễ. Tuy nhiên, trong những năm tới, thế giới có thể xây dựng lò phản ứng một cách tập trung trong các nhà máy, hoặc xưởng đóng tàu, sử dụng các thiết kế tiêu chuẩn nên sẽ đạt giá thành thấp hơn so với sử dụng các nhiên liệu khác. Chúng ta có thể xây dựng hàng trăm lò phản ứng mỗi năm trên toàn thế giới và đáp ứng nhu cầu khổng lồ về nguồn năng lượng sạch.

Đây là chiến lược đôi bên cùng có lợi (win-win), đối với nhân loại, là cách duy nhất để ngăn chặn thảm hoạ về khí hậu mà vẫn đảm bảo được nguồn năng lượng cần thiết cho các quốc gia kém phát triển. Đây cũng là chiến lược duy nhất hợp lý.

Bài viết được lấy từ cuốn sách "Một tương lai mới: Một số quốc gia đã giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào và các quốc gia khác có thể theo sau" của nhiều tác giả, được Public Affairs xuất bản.

BIÊN DỊCH: CAO VŨ THÁI HÀ (VINATOM)

(*) Ông Goldstein là giáo sư danh dự ngành quan hệ quốc tế của Đại học Mỹ; Ông Qvist là kỹ sư và là một nhà tư vấn trong lĩnh vực năng lượng.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động