RSS Feed for Campuchia khởi động nguồn nhân lực cho điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 16:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Campuchia khởi động nguồn nhân lực cho điện hạt nhân

 - Campuchia và Nga đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch chuẩn bị nhân sự và việc xây dựng tiếp theo cho nhà máy điện hạt nhân ở quốc gia này, trong tình hình nhu cầu sử dụng năng lượng tại Campuchia tăng vọt theo sự phát triển kinh tế.

Liên bang Nga và Campuchia ký Biên bản ghi nhớ về phát triển điện hạt nhân

 

Một nhóm làm việc chung giữa Campuchia và Nga đã họp bàn buổi đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh để tìm hiểu về những giải pháp sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đại sứ Nga tại Campuchia, ông Dmitry Tsvetkov, cùng đại diện của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) đều tham dự buổi họp. Chủ đề chính được bàn bạc là quá trình đào tạo ngắn và dài hạn cho các chuyên gia hạt nhân của Campuchia.

Tháng 6/2016, một biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Hội đồng Phát triển Campuchia và ROSATOM nhằm thành lập một trung tâm thông tin hạt nhân, và tiến đến thành lập một nhóm làm việc chung cho dự án phát triển năng lượng hạt nhân tại Campuchia. Trung tâm thông tin hạt nhân sẽ giúp người dân nước này hiểu thêm về các công nghệ năng lượng hạt nhân, những đóng góp của công nghệ năng lượng hạt nhân cho nền công nghiệp và kinh tế quốc gia, đồng thời tăng uy tín của ngành nghề khoa học kỹ thuật.

“Chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào đào tạo phát triển nhân lực để thu hút giới trẻ đến với lĩnh vực khoa học, toán, vật lý, và kỹ thuật. Đồng thời chúng tôi cũng dự định thành lập một Trung tâm thông tin về công nghệ hạt nhân,” ông Sok Kean, đại diện của Bộ Môi trường cho biết. Theo ông, hai bên cũng đã bàn về học bổng dành cho sinh viên Campuchia có mong muốn theo học ngành kỹ thuật, vật lý, và các bộ môn khoa học khác tại Nga. Dự kiến xây dựng của nhà máy điện hạt nhân tại Campuchia sẽ thuộc về dự án dài hạn. Ông Sok Kean nói thêm rằng, yếu tố nhân sự là vô cùng quan trọng vì các dự án điện hạt nhân nước này thậm chí còn chưa bàn tính đến vấn đề tài chính.

Theo Bộ trưởng Môi trường Campuchia: “Campuchia cần phải đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng cho tương lai, và đạt được an ninh năng lượng, đồng thời chung tay cùng thế giới trong nỗ lực giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì những lý do này, Chính phủ chúng tôi đang tìm hiểu những nguồn năng lượng thay thế, như năng lượng thủy điện, năng lượng mặt trời, hay năng lượng sinh khối. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tính đến những thuận lợi về lâu dài của năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, chúng tôi rất có hứng thú với những áp dụng khác của năng lượng hạt nhân trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, và các phân khúc khác của ngành kinh tế”.

Om Romny, Giám đốc Điều hành của Viện Kỹ thuật Campuchia cho biết: Trung tâm thông tin hạt nhân sẽ cho sinh viên và các nhà nghiên cứu nước này cơ hội tìm hiểu thêm về lợi ích của năng lượng hạt nhân cùng các ứng dụng cho ‘mục đích hòa bình’. “Campuchia cần thêm những chuyên gia kỹ thuật nguyên tử, và việc hợp tác với Nga sẽ giúp ích lớn cho quá trình đào tạo”, ông cho biết thêm.

Các dự án năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại đất nước chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân này được coi như chất xúc tác cho sự đổi mới và phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao. ROSATOM cung cấp cho đối tác cách tiếp cận toàn diện ở các nước phát triển điện hạt nhân, bao gồm cả các dự án xây dựng lẫn bảo trì các lò phản ứng nghiên cứu và các tổ máy điện hạt nhân, dự án nghiên cứu chung, đào tạo cán bộ cho ngành công nghiệp điện hạt nhân, hỗ trợ trong lĩnh vực an toàn hạt nhân và bức xạ, và hỗ trợ trong việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý cần thiết. Bước đầu tiên trong việc thực hiện các chương trình của các nước này về sử dụng nguyên tử hòa bình là việc xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân có điện năng thấp để thực hiện các dự án về y học, năng lượng, công nghiệp.

Châu Á là khu vực có công suất phát điện, đặc biệt là điện hạt nhân tăng đáng kể trên thế giới. Từ Đông Á đến Nam Á, có 128 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động, 40 lò đang được xây dựng, và dự kiến sẽ có thêm 90 lò nữa sẽ được xây. Rất nhiều các dự án khác đang được đề xuất. Sự tăng trưởng mạnh nhất về năng lượng hạt nhân được dự đoán ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và Ấn Độ. Hơn 45 quốc gia đang tích cực cân nhắc phát triển điện hạt nhân, bao gồm các nền kinh tế phức tạp cho đến các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia dẫn đầu bao gồm các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Belarus, và Ba Lan. ROSATOM đang phát triển dự án ở các quốc gia kể trên, trừ các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ba Lan.

ROSATOM là tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga, với hơn 262.000 nhân viên ở 360 doanh nghiệp và viện khoa học, bao gồm toàn bộ các công ty hạt nhân dân sự Nga, các tổ chức nghiên cứu, và hạm đội tàu phá băng hạt nhân duy nhất trên thế giới.

Với 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân, ROSATOM là đơn vị dẫn đầu trên thế giới, đồng thời triển khai các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 8 nhà máy ở Nga và 34 nhà máy trên khắp thế giới.

NGUYỄN THÙY LINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động