RSS Feed for Những thách thức trong chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 19:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những thách thức trong chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam

 - Ngành năng lượng Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại nhiều bất cập, làm hạn chế không nhỏ tới tiến trình phát triển bền vững về số lượng và chất lượng.

TRẦN VIẾT NGÃI - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)

Nhìn lại chặng đường đã qua Ngành Năng lượng Việt Nam có những bước tiến quan trọng, đến nay hệ thống điện quốc gia có tổng công suất khoảng 34.000MW, sản xuất điện năm 2014 khoảng 140 tỷ kWh; than khai thác trên 40 triệu tấn; dầu khai thác khoảng 17 triệu tấn và khí 10 tỷ m3 , năng lượng tái tạo (NLTT) bước đầu khai thác sử dụng hiệu quả.

Ngành năng lượng đã thực sự là động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam đã xây dựng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2050” từ năm 2007.

Sau hơn bảy năm thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Về phần mình Hiệp hội Năng lượng Việt nam (VEA) rất đồng tình ủng hộ và đã góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu Chiến lựơc phát triển năng lượng quốc gia nêu trên. 

Tuy nhiên qua triển khai Chiến lược này đã nhận thấy một số bất cập. Một số mục tiêu chiến lược còn thiếu những luận chứng khoa học. Chiến lược chưa thể hiện một cách mạch lạc thông qua quy hoạch năng lượng tổng thể và các quy hoạch các phân ngành.

Nhiều mục tiêu khó đạt được như trong khai thác than, dầu-khí, NLTT, điện hạt nhân (ĐHN). Nội dung sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TK&HQ NL) kết quả còn khiêm tốn, tính lan tỏa yếu, còn trông chờ ỷ lại Nhà nước; Cơ cấu tổ chức, xây dựng thị trường năng lượng còn chậm, lúng túng, chưa thực chất.

Những thách thức và kiến nghị

Về nguồn năng lượng

Nguồn thủy điện, Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa vì vậy tổng lượng mưa trung bình khá cao từ 1570 – 2000 mm/năm. Lượng mưa này là nguồn trực tiếp tạo ra dòng chảy; lượng mưa lớn thường tập trung 4 đến 5 tháng trong một năm nên đạt tới 70 – 80% tổng lưu lượng của dòng chảy.

Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3260km cũng là điểm cuối cùng của dòng chảy, tổng lượng dòng chảy đổ ra biển (bao gồm cả các nước láng giềng) là khoảng 867 tỷ m3/năm. Với thiên thời địa lợi như vậy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện về lý thuyết là dồi dào được phân bổ trên hầu khắp các vùng lãnh thổ.

Hàng năm hơn 2000 sông suối lớn nhỏ có chiều dài trên 10km của Việt Nam có thể sản xuất ra khoảng 300tỷ kWh điện năng tương đương khoảng 150 triệu tấn than. Tổng tiềm năng kỹ thuật được đánh giá vào khoảng 120tỷ kWh với công suất tương ứng khoảng 30.000MW. Tuy nhiên nếu xem xét thêm các yếu tố kinh tế xã hội, tác động đến môi trường và dự báo về biến đổi khí hậu sẽ xẩy ra tại VIệt Nam thì tiềm năng kinh tế kỹ thuật chỉ trong phạm vi 83 ~ 104 tỷ kWh với công suất tương ứng 20.750MW ~ 26.000MW.

Bộ Công Thương tính đến cuối năm 2012 cả nước có 1237 dự án thủy điện với tổng công suất là 25.968,9MW (≈ 26.000MW) đã được quy hoạch. Đây được coi là tiềm năng kinh tế kỹ thuật lớn nhất về thủy điện của Việt Nam.

Thực tế thời gian qua chúng ta xây dựng thủy điện với quy hoạch chưa tốt, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ chỉ mới chú ý tới hiệu quả phát điện là chính, chưa quan tâm đầy đủ việc sử dụng tổng hợp nguồn nước, chưa chú ý đầy đủ phòng lũ hạ lưu, cũng như quy trình vận hành hệ thống công trình thủy điện bậc thang, thậm chí một số công trình chưa kiểm định đã chạy, thiếu tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế… nên đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển xanh và buộc phải loại bỏ nhiều dự án ra khỏi quy hoạch.

Quy hoạch điện VII Việt Nam sẽ khai thác hết các nguồn thủy điện ở dạng tiềm năng kinh tế kỹ thuật vào năm 2017 để đạt được 17.325MW sau đó sẽ xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nơi tập trung nhiều thủy điện nhất là Tây Nguyên, có khoảng 50 dự án, dự kiến sử dụng khoảng 10.000ha rừng. Với những thủy điện sử dụng rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh quốc gia là loại tài sản vô giá, không thể đưa ra phân tích kinh tế - tài chính như các loại tài nguyên khác. Đây là những bài toán đáng suy nghĩ và cần tiếp tục tìm lời giải.

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên ngày nay khai thác thủy điện phải thận trọng về môi trường, môi sinh, phát triển bền vững. Hội thủy điện quốc tế đã đưa ra quan điểm chỉ xây dựng các “Thủy điện bền vững”.

Nguồn than, Quy hoạch ngành than được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 cho thấy tổng tài nguyên-trữ lượng than của nước ta, tính đến 1-1-2011 là 48,7 tỷ tấn, trong đó than đá 48,4 tỷ, than bùn 0,3 tỷ tấn. Tài nguyên và trữ lượng huy động vào quy hoạch là 7,2 tỷ tấn, trong đó than đá 7tỷ và than bùn 0,2 tỷ tấn.

Nguồn than Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH), tuy được đánh giá có tiềm năng lớn, nhưng chưa thể đưa vào quy hoạch. Theo quy hoạch, sản lượng khai thác than có thể đạt như sau. Năm 2012:45-47 triệu tấn; 2015:55-58 triệu tấn Năm 2020: 60-65 triệu tấn; 2025:66-70 triệu tấn; 2030:75 triệu tấn.

Riêng bể than ĐBSH, Quy hoạch than đến 2012 chỉ mới ghi: Lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất-mỏ thích hợp để tiến hành thăm dò trong kỳ kế hoạch 2012-15 phục vụ việc đầu tư khai thác thử nghiệm vào cuối kế hoạch; phấn đấu đến 2030 hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc vùng Khoái Châu-Tiền Hải; đến 2020 có sản lượng 0,5-1 triệu tấn, 2025: 2 triệu; 2030: khoảng 10 triệu tấn.

Nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch đối với than ĐBSH là chậm,chưa thoả đáng. Đã vậy,cho tới nay kế hoạch khai thác thử nghiệm vẫn còn thảo luận,”Thần than” ĐBSH chắc nhỡ “chuyến tàu” công nghiệp hoá đất nước! Vấn đề nhập than chủ yếu cho sản xuất điện mấy năm qua được đề cập khá nhiều, tuy nhiên chưa có giải pháp nào chắc chắn.

Theo dự báo của những quy hoạch điện than hiện có, yêu cầu nhập than với số lượng ngày càng lớn, đây là vấn đề mà nhiều chuyên gia đã kiến nghị cần rà soát lại, có thật sự cần phải nhập hàng trăm triệu tấn không.

Mặt khác viêc nhập than với khối lượng lớn là không dễ, nhiều nước cũng có nhu cầu nhập. Bởi vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng từ nguồn than, tính ổn định, giá cả, xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận, kể cả việc đầu tư ra nước ngoài để có than.

Thời gian qua, ngành than được đánh giá là chậm đổi mới công nghệ, một số chính sách đối với công nhân hầm mỏ chưa thoả đáng, khó nâng cao và phát triển đội ngũ này. Nếu nhà nước, các ngành liên quan không quan tâm đầy đủ thì tính bền vững và an ninh năng lượng khó đảm bảo.

Nguồn dầu-khí, theo đánh giá của ngành dầu-khí, trữ lượng dầu-khí của Việt nam có thể thu hồi là 3,8-4,2 tỷ tấn dầu quy đổi (TOE), trữ lượng đã được xác minh khoảng 1,05-1,14 tỷ TOE, trong đó khí đốt chiếm trên 60%.

Dự báo khả năng khai thác dầu-khí giai đoạn tới 2030, kể cả đầu tư ra nước ngoài như sau: 2010 2015 2020 2025 2030 Dầu thô Phương án cơ sở (triệu tấn) 19,86 20,0 20,7 21,7 22,0 Trong đó nội địa 19,16 17 16,3 16,2 16 Khí đốt (tỷ m3) 8 11 17 17 17 Nguồn dầu-khí trong nước, với mức độ hiểu biết hiện nay, rõ ràng rất hạn chế, không thể đảm cho nhu cầu.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đã nhìn thấy bất cập này; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, trong đó kể cả đầu tư ra nước ngoài để bổ sung sản lượng dầu.

Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn nhận một số hạn chế: thiếu đồng bộ của quy hoạch phát triển dầu-khí so với quy hoạch điện, than, quy hoạch, kế hoạch cung cấp khí cho một số công trình chậm như điện đạm Cà Mau, Ô Môn...

Gần đây, câu chuyện nhập khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) được nhiều người quan tâm, với mục đích bổ sung nguồn nhiên liệu có khả năng thiếu hụt, thay thế than, giảm phát thải khí nhà kính (KNK), đây là quan điểm, ý đồ rất tích cực.

Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng, hiện nay giá LNG là 15-16 USD/1triệu BTU (tại châu Á giá vào giữa 2014), nếu dùng cho nhà máy điện sử dụng công nghệ chu trình kết hợp khí-hơi hiện đại nhất, chi phí riêng LNG để sản xuất 1kWh sẽ khoảng 11,5USc, tương đương giá điện gió hiện nay ở Việt Nam!

Ngoài ra để nhập LNG cần phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng từ cảng, đường ống, kho bãi....Vấn đề này chúng tôi thiết nghĩ, cũng như nhập than, cần được xem xét tổng thể hơn, kỹ lưỡng hơn trong Quy hoạch năng lượng tổng thể, để làm rõ hơn vai trò của LNG trong cân bằng năng lượng quốc gia, lúc nào nên nhập và nhập bao nhiêu là hợp lý.

Nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), Việt Nam được đánh giá có tiềm năng năng NLTT lớn, tuy nhiên đến nay tài liệu, số liệu khảo sát, đo đạc còn thiếu và độ tin cậy thấp, về thể chế đã có quan tâm nhưng chưa đủ để khuyến khích đầu tư, phát triển sử dụng.

Việc sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước phát điện đến nay được đánh giá là có hiệu quả. Một số dự án điện gió như ở Bình Thuận, Bạc Liêu.., tuy giá thành điện còn khá cao,nhưng đã phát huy tác dụng.

Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu:

- Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: trong đó năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5 - 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE.

- Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thuỷ điện và u-ra-ni-um). Mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.

- Phát triển nguồn lưới điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2010 độ tin cậy cung cấp của nguồn điện là 99,7%.

- Phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 đến 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020.

- Bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, đạt 60 ngày vào năm 2020 và đạt 90 ngày vào năm 2025.

- Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020, và khoảng 11% vào năm 2050. - Hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi. Đưa số hộ nông thôn sử dụng năng lượng thương mại để đun nấu lên 50% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020. Đến năm 2010 đạt 95% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

- Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng; đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.

- Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

-.Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, sau đó tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Phấn đấu từ năm 2010-2015, thực hiện liên kết lưới điện khu vực (bằng cấp điện áp đến 500 kV), từ năm 2015 - 2020, thực hiện liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực.

Theo QHĐVII dự kiến đưa tỷ lệ NLTT trong sản xuất điện đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% vào 2030, như vậy tương ứng phải đạt 16 tỷ kWh (6-7 nghìn MW) và 42-45 tỷ kWh (15-20 nghìn MW).

Trong bối cảnh hiện nay với những tiến bộ công nghệ và yêu cầu của chiên lược tăng trưởng xanh, tỷ lệ này được đánh giá là còn thấp, cần phải nghiên cứu, nỗ lực hơn từ khảo sát, quy hoạch, lựa chọn công nghệ thích hợp, đầu tư và nội địa hoá dần, để nâng cao hơn tỷ trọng NLTT, đáp ứng nhu cầu phát triển xanh.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm&hiệu quả là khâu cực kỳ quan trọng, nó được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng xanh giá rẻ, là quốc sách thâm canh trong năng lượng. Chính phủ đã xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án TK&HQNL, tuy hoạt động khá sôi nổi nhưng tính lan tỏa và hiệu quả còn khá hạn chế.

Chương trình mục tiêu hiệu quả về sử dụng NLTK&HQ đã đề ra nhiều chỉ tiêu khá cụ thể cho từng lĩnh vực, về tổng quát giai đoạn 2006-10 giảm 3-5% tổng tiêu thụ năng lượng. Giai đoạn hai 2011-15 giảm 5-8%, với tổng kinh phí từ nhiều nguồn khoảng 930 tỷ đồng.

Chương trình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từ nâng cao nhận thức, xây dựng quy phạm pháp luật, thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng ở các ngành và địa phương, tiêu thụ năng lượng ở một số ngành công nghiệp được đánh giá có tiến bộ như gốm sứ, vật liệu xây dựng,…

Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Công Thương trong kỳ tổng kết Chương trình giai đoạn 2006-10: Do nguồn lực có hạn lại đầu tư dàn trải nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp tham gia, nhiều dự án manh mún, chưa đúng tầm mục tiêu quốc gia, nhiều đơn vị còn trông chờ, ỷ lại Nhà nước, công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, đặc biệt vai trò khoa học công nghệ còn thiếu vắng.

Thể chế và thị trường năng lượng

Trong quá trình phát triển, ngành năng lượng Việt Nam không ngừng hoàn thiện về thể chế, hướng tới phát triển và hoạt động hiệu quả, hài hoà giữa các phân ngành năng lượng.

Những năm gần đây năng lượng cũng đang chuyễn đổi sang cơ chế thị trường có định hướng quản lý nhà nước. Đến nay về quản lý nhà nước có Chính phủ, Bộ Công Thương, trực thuộc Bộ có Tổng cục Năng lượng, Cục điều tiết điện lực; trực tiếp vận hành ngành năng lượng có ba tập đoàn chính: Điện lực (EVN), Than và Khoáng sản (TKV), Dầu-khí (PVN) và những đơn vị tư nhân. 

Cùng với cả nước, các tập đoàn trong ngành năng lượng đang tiến hành tái cơ cấu. Vừa qua 23-11-2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của EVN giai đoạn 2012-2015. Đây là những hoạt tích cực bước đầu rất đáng khích lệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nội dung tái cấu trúc không nên chỉ dừng lại ở xác định ngành nghề kinh doanh, thoái vốn đối với những kinh doanh trái ngành,tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp... Đặc biệt đối với ngành năng lượng, có tính hệ thống cao, việc nghiên cứu tái cấu trúc cần đuợc xem xét tổng thể hơn không những trong từng phân ngành điện, than, dầu-khí, mà trong cả ngành năng lượng.

Câu chuyện giá điện/giá năng lượng vẫn luôn được người dân, các chuyên gia, các nhà quản lý quan tâm, bởi giá là đòn bẩy cho phát triển sản xuất,kinh doanh và an sinh xã hội. Hiện nay công tác kiểm toán, công bố giá thành sản xuất năng lượng đang được chú ý.

Tuy vậy giá điện chỉ là một thành phần của giá năng lượng, để có thể giải quyết vấn đề cơ bản hơn, cần nghiên cứu, rà soát giá năng lượng nói chung từ điện, than, dầu, khí, trên cơ sở đó mới có thể cân đối, hài hoà, làm tăng tính minh bạch.

Công việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh là nội dung quan trọng, có tính chiến lược. Vừa qua Quốc hội, Nhà nước, Bộ Công Thương, EVN, các ngành liên quan đã rất quan tâm nghiên cứu xây dựng mô hình, lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện.

Qua một thời gian thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1), tuy thời gian còn ngắn và chưa có những đánh giá cụ thể, nhưng nhiều chuyên gia có nhận xét đã bộc lộ những bất cập về mô hình thị trường, cơ chế tổ chức, chức năng các đơn vị điều hành, quản lý chưa được làm rõ, còn tập trung, trùng chéo. Trong bối cảnh hiện nay thị trường điện, giá điện nên được thực hiện khẩn trương và thận trọng, có sự kiểm soát, điều tiết của nhà nước và ý kiến người tiêu dùng, giải quyết hài hoà với than,dầu-khí.

Đổi mới cơ cấu kinh tế quốc dân

Tiến trình phát triển kinh tế và năng lượng đã có hiệu ứng “tách đôi” diễn ra từ những năm 50 của thế kỷ trước ở các nước công nghiệp phát triển, đó là hiện tượng tốc độ tăng trưởng năng lượng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Để đạt đựơc điều này đồng thời với tiết kiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, phải nghiên cứu đổi mới cơ cấu nền kinh tế quốc dân hợp lý, phát hiện và khuyến khích các ngành tiêu thụ ít năng lượng mà cho gía trị gia tăng cao ( như trong chiến lược tảng trưởng xanh đã đề cập).

Đây là phương thức quan trọng để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm cường độ điện/năng lượng đối với GDP, không thể chấp nhận cường độ điện đối với GDP ngày càng tăng như dự báo của QHĐVII :2010 là 1; 2020 là1,5; 2030 là1,7kWh/1USD; trong lúc các nước chỉ 0,4-0,5kWh/USD; cần nhanh chóng đổi mới cơ cấu kinh tế.

Hiện nay công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng NLTM mà chỉ làm ra 32,5%GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép,.., được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó nông-lâm- ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lương, vừa qua chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28 % tổng NLTM mà đem lại 20%GDP. 

Thực tế hiện nay nông nghiệp vẫn bị đánh giá: canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi,…Phải chăng chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và điện khí hóa trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là “đầu tư ngắn ngày mau ăn”, đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược; nghĩa là chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Thời đại ngày nay không thể định hướng công nghiệp hóa kiểu tiền tư bản, mà cần hướng tới hiện đai hóa và kinh tế tri thức, có như vậy mới tránh được tụt hậu. Công việc này chắc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì gánh vác Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia (QHNLTTQG) Trong cả quá trình phát triển cho tới nay (2014), chúng ta đã xây dựng 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ); 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT); 3 Quy hoạch phát triển dầu-khí (QHDK); 1Dự thảo Quy hoạch năng luợng tái tạo; 1 Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia -2007. Các quy hoạch này đã góp phần quan trọng định hướng phát triển năng lượng.

Tuy nhiên Ngành năng lượng có tính hệ thống rất cao, sản phẩm đầu vào của phân ngành này là đầu ra của phân ngành kia, nhưng hiện nay chúng ta đang thực hiện các quy hoạch phân ngành một cách riêng lẻ, nên thiếu hài hoà, đồng bộ về khối lượng, vốn đầu tư,giá cả và cả về thời gian quy hoạch, Quy hoạch than ra sau Quy hoạch điện, Quy hoạch dầu-khí, NLTT thì chưa có.

Các kết quả dự báo về nhu cầu,khả năng đáp ứng còn chênh lệch nhiều. Các quy hoạch phân ngành chưa thể hiện sự thống nhất từ chiến lược. Môt biện pháp cơ bản góp phần khắc phục những bất cập nói trên là nghiên cứu xây dựng QHNLTTQG, mà Luật Điện lực sửa đổi năm 2013, Thông báo Chính phủ gần đây cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương.

Trên cơ sở đó đổi mới cơ cấu ngành năng lượng, tạo đột phá và thưc hiện phát triển xanh. Nội dung cơ bản của QHNLTTQG: Xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế-năng lượng quốc tế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điều kiện các nguồn năng lượng trong và ngoài nước (than, dầu, khí, thuỷ năng, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân..), tính thay thế lẫn nhau giữa chúng, tiến bộ khoa học-công nghệ và yêu cầu bảo vệ môi trường, tính toán đồng thời và xây dựng phương án hơp lý phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả, bền vững trong suốt thời gian quy hoạch.

Bằng phương pháp khoa học và công cụ tính toán hiện đại, mà hiện nay ở Việt nam đã được chuyển giao và nghiên cứu, có thể giải quyết được bài toán lớn này. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vài thập niên tới là rất lớn và tăng nhanh, các nguồn năng lượng trong nước không phải dồi dào.

Để đáp ứng đầy đủ năng lượng cho phát triển bền vững và an ninh quốc gia, ngành năng lượng Việt Nam cần thực hiện một số nội dung có tính đột phá trong quy hoạch nguồn, đổi mới thể chế, cơ cấu ngành, góp phấn đổi mới cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm giảm nhu cầu năng lượng, thực hiện thành công chiến lược phát triển xanh.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động