RSS Feed for Việt Nam cần một lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 17:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam cần một lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn

 - "Việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ năng lượng hạt nhân - NEST là vô cùng cần thiết, đáp ứng được nhiều yêu cầu về kinh tế, nông nghiệp, xã hội, y tế cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiều khía cạnh cuộc sống", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết tại Hội thảo khoa học “Trung tâm Khoa học và Công nghệ năng lượng hạt nhân: Các khía cạnh kinh tế-xã hội và khoa học-kỹ thuật”, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết
Nhà máy điện hạt nhân nổi, xu hướng mới của nhân loại

 

 

Hội thảo khoa học “Trung tâm Khoa học và Công nghệ năng lượng hạt nhân: Các khía cạnh kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: Tại Việt Nam, lò phản ứng nghiên cứu (LPƯNC) Đà Lạt tuy có công suất nhỏ nhưng đã đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN Việt Nam cũng như các ứng dụng trong nông nghiệp, y tế và nhiều ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lò phản ứng với công suất 500 kW này không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Điều này đặt ra vấn đề cần thiết xây dựng một lò nghiên cứu mới với công suất lớn hơn. 

"Việc xây dựng Trung tâm KH&CN năng lượng hạt nhân là vô cùng cần thiết, đáp ứng được nhiều yêu cầu về kinh tế, nông nghiệp, xã hội, y tế cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiều khía cạnh cuộc sống", ông Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstatin Vnukov cho biết: 33 năm trước, đội ngũ chuyên gia Nga và Việt Nam cùng hợp tác nâng cấp lò phản ứng, lắp đặt một số trang thiết bị chuyên dụng... nhờ vậy, LPƯNC Đà Lạt đã bắt đầu hoạt động trở lại, dẫn đến kết quả là nhiều nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đã được thực hiện tại lò phản ứng Đà Lạt, đem lại nhiều đóng góp vào đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Việt Nam cũng trở thành quốc gia có những công trình nghiên cứu về năng lượng hạt nhân. 

Ông Konstatin Vnukov nhấn mạnh, để có thể đem lại những hiệu quả lớn hơn và việc vận hành lò phản ứng an toàn hơn, Việt Nam cần có những cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu tốt hơn cũng như đem lại những ứng dụng ở tầm cao hơn trong mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành, việc thành lập CNEST giúp phục vụ một số mục tiêu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế và xuất khẩu sang các nước xung quanh, sản xuất các nguồn phóng xạ và chiếu xạ silic, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trong các lĩnh vực khác cũng như đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân. Vì vậy, không chỉ đóng vai trò thay thế lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt khi lò hết thời hạn vận hành, CNEST với LPƯNC mới công suất khoảng 10 - 15 MWt sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng mới, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực của ngành NLNT.

Đại diện ROSATOM phát biểu tại hội thảo.

Ông Dmitry Vysotsky - Giám đốc Lò phản ứng Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Công ty Rosatom Overseas - cho biết: “Liên bang Nga và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác song phương lâu năm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân. Chúng tôi rất vui mừng khi được tiếp tục hợp tác với LB Nga phát triển dự án CNEST, sử dụng công nghệ mà LB Nga đã áp dụng với hơn 120 lò phản ứng nghiên cứu trên toàn thế giới”.

ROSATOM đã và đang phát triển công nghệ hạt nhân và xây dựng các cơ sở hạ tầng tương tự như CNEST trong hơn 70 năm; trong đó có 58 lò phản ứng nghiên cứu hiện đang vận hành tại LB Nga và 20% lò phản ứng nghiên cứu đang vận hành trên toàn thế giới. Với nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, cơ cấu của CNEST sẽ bao gồm lò phản ứng nghiên cứu đa chức năng với công suất lên tới 15 MW, các phòng thí nghiệm, các tổ hợp sản xuất đồng vị phóng xạ cho lĩnh vực y học hạt nhân, phân tích kích hoạt neutron phục vụ cho các ngành công nghiệp và phục vụ công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học vật liệu...

ROSATOM là tập đoàn hạt nhân quốc gia quy tụ khoảng 400 công ty công nghiệp hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu và phát triển. Với chuyên môn 70 năm trong lĩnh vực hạt nhân, làm việc với quy mô toàn cầu cung cấp các dịch vụ hạt nhân toàn diện từ lĩnh vực làm giàu uranium tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

ROSATOM là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xây dựng và triển khai các dự án xây dựng 8 lò phản ứng tại Nga và 34 lò phản ứng tại nước ngoài. ROSATOM vận hành 34 lò phản ứng với công suất 26.7 GW tại LB Nga. Tập đoàn nắm giữ 36% thị trường làm giàu uranium toàn cầu và 17% thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn thế giới.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động