RSS Feed for Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền năm 2023 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 21:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền năm 2023

 - Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền (The International Symposium on Physics of Unstable Nuclei - ISPUN) - là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai vật lý hạt nhân cơ bản. Hội thảo là nơi gặp gỡ và trao đổi những kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghê hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cả ở trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Liên bang Nga thăm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Phó Thủ tướng Liên bang Nga thăm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử (lần thứ 7) Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử (lần thứ 7)

Ngày 6 - 7/10/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân (KH & CNHN) cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) lần thứ 7. Hội nghị do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Vinatom và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhằm mục đích trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KH & CNHN của các cán bộ trẻ kể từ Hội nghị lần thứ 6 (tổ chức năm 2020) cho đến nay và xác định các hướng nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ trong thời gian tới.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân lần thứ 14 Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân lần thứ 14

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân (VINANST), được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Hội nghị là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghê hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác.

Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền năm 2023
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền (ISPUN23).

Kể từ năm 2002, được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) cho phép, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) đã 5 lần tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền.

Năm 2023, hội thảo tiếp tục được tổ chức lần thứ sáu tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong 5 ngày (từ 4 - 8/5).

Cũng như những lần trước, hội thảo lần này không những có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu mà còn thu hút được sự tham gia của các nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ đang học tập và làm việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới, trong đó có hơn 50 tổ chức với hơn 110 đại biểu trong và ngoài nước.

Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của hội đồng khoa học, hội thảo ISPUN23 lần này đã chọn được 93 báo cáo (Oral presentation). Điều đặc biệt tại hội thảo lần này là việc hội thảo đã dành một thời lượng để tri ân sự đóng góp, cống hiến cho lĩnh vực khoa học chuyên ngành cũng như việc chúc mừng hai giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện KH&KTHN) và Nicolas Alamanos (Viện Năng lượng Nguyên tử Pháp) nhân dịp các giáo sư đến tuổi nghỉ hưu.

Các giáo sư là những người đề ra ý tưởng và trực tiếp tham gia tổ chức loạt hội thảo ISPUN thành công kể từ lần đầu tiên vào năm 2002. Là các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực vật lý hạt nhân có đóng góp và được biết đến rộng rãi, các giáo sư đã tạo cho ISPUN một uy tín lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng.

Bắt đầu hội thảo (sáng ngày 4/5), phần tri ân, kỷ niệm sự nghiệp làm khoa học của 2 giáo sư Đào Tiến Khoa và Nicolas Alamanos được nhắc đến bởi TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện NLNTVN, trong bài phát biểu chào mừng đại biểu.

Viện trưởng phát biểu rằng tất cả chúng ta hôm nay có mặt ở hội thảo này là vì niềm đam mê chung đối với khoa học vật lý hạt nhân. Trong những ngày tiếp theo chúng ta sẽ cùng trao đổi về tình hình triển khai các thí nghiệm, các kết quả mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt nhân trên thế giới. Để có được chuỗi hội thảo ISPUN thành công như ngày hôm nay, chúng tôi xin cảm ơn GS. Đào Tiến Khoa, chủ tọa của các hội thảo ISPUN trước đây cũng như cố vấn chính của hội thảo lần này.

Ngoài ra, Viện trưởng Trần Chí Thành cũng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu để thúc đẩy và tổ chức thành công các hội thảo ISPUN của các giáo sư Nicolas Alamanos, Thomas Aumann, Gianluca Colo, Peter Egelhof, Sydney Gales, Nguyen Van Giai, Betty Tsang và những chuyên gia khác.

Tiếp theo trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN - TS. Lê Xuân Định đã chỉ ra rằng những kết quả nghiên cứu vật lý hạt nhân đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ như: Khoa học sức khỏe, khoa học vật liệu, khoa học môi trường, công nghệ vật liệu mới… đặc biệt các nghiên cứu vật lý hạt nhân cơ bản đã góp phần đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Những nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học đã cho thấy nhiều khía cạnh của vật lý hạt nhân hiện đại và tác động của nó tới nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau.

GS. Nicolas Alamanos là người chủ trì phiên đầu của hội thảo. Mở đầu bài phát biểu, giáo sư đã nhắc đến những đóng góp quan trọng của GS. Đào Tiến Khoa trong việc khởi đầu và tổ chức thành công loạt hội thảo ISPUN.

Giáo sư cũng nhấn mạnh rằng đến nay đây là diễn đàn thảo luận về cấu trúc hạt nhân và cơ chế phản ứng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà vật lý. GS. Nicolas Alamanos cũng dành lời cảm ơn đặc biệt đến GS. Đào Tiến Khoa vì những cống hiến của mình cho cộng đồng Vật lý hạt nhân thế giới.

Tiếp theo là các tham luận, báo cáo về tình hình hiện tại và triển vọng của các thiết bị, dự án khoa học mang tính tiên phong tại các trung tâm nghiên cứu hạt nhân trên thế giới.

Tại phiên đầu tiên, có các bài trình bày:

1/ GS. Hiroyoshi Sakurai đến từ RIKEN (Nhật Bản) trình bày tổng quan về thành tựu và kế hoạch tại RIBF. GS.

2/ Hervé Savajols đến từ GANIL (CH Pháp) trình bày về những điểm nổi bật của trang thiết bị tại GANIL/SPIRAL2.

3/ Tiếp theo là báo cáo của GS. Haik Simon đến từ GSI Darmstadt (CHLB Đức) trình bày về hiện trạng và sự phát triển các trang thiết bị của dự án FAIR.

4/ Một đại diện đến từ dự án ELI-NP là GS. Klaus Spohr trình bày tổng quan dự án ELI-NP, tại Rumani.

5/ Kết thúc phiên làm việc đầu tiên là bài trình bày của GS. Wenlong Zhan đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc về tổng quan các thiết bị nghiên cứu hạt nhân lớn của nước bạn.

Bắt đầu phiên thứ hai là các bài trình bày:

1/ GS. Seung-Won Hong đến từ RISP-RAON về tổng quan và tình trạng của các trang thiết bị tại RAON, tại Hàn Quốc.

2/ Sau đó là bài nói của GS. Tomohiro Uesaka từ RIKEN trình bày về các nghiên cứu phản ứng bứt nucleon trong các hạt nhân hình thành từ nhiều cụm nucleon.

3/ Tiếp theo là bài trình bày của GS. Vandana Nanal của TIFR Mumbai về các trang thiết bị nghiên cứu vật lý hạt nhân tại Ấn độ - Hiện trạng và triển vọng.

4/ Một bài báo cáo về Phòng thí nghiệm iThemba mở ra một kỷ nguyên mới cho châu Phi trong lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng trên cơ sở máy gia tốc được GS. Rudolph Nchodu trình bày.

5/ Tiếp theo GS. AdamMaj trình bày về nghiên cứu vật lý hạt nhân tại trung tâm xạ trị proton CCB ở Krakow, Ba Lan.

6/ Bài trình bày cuối cùng của buổi sáng ngày 4/5 là của GS. Taeksu Shin từ IBS-RAON trình bày về các thí nghiệm vận hành chùm tia năng lượng thấp và các chương trình khoa học trong tương lai của RAON, tại Hàn Quốc.

Các phiên tiếp theo bao gồm tham luận về những thành tựu mới nhất đạt được trong những năm vừa qua. Bốn lĩnh vực chính được thảo luận là:

(i) Cấu trúc hạt nhân: Các nghiên cứu thực nghiệm gần đây về cấu trúc của hạt nhân không bền, sự tiến hóa lớp vỏ của hạt nhân giáp danh đường bền, cấu trúc từ các cụm hạt nhân và của hạt nhân siêu nặng; Sự phát triển của các phương pháp lý thuyết, như các phép tính ab-initio vi mô, hàm mật độ năng lượng phi tương đối tính và hiệp biến, xấp xỉ pha ngẫu nhiên phản hạt (QRPA), và các mô hình hệ nhiều hạt …

(ii) Phản ứng hạt nhân: Các nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết gần đây về phản ứng hạt nhân trực tiếp gây ra bởi cả chùm hạt bền và không bền, cụ thể là phương pháp xấp xỉ Born sóng méo (DWBA), xấp xỉ xung sóng méo (DWIA), và/hoặc các phân tích liên kênh cho tán xạ giả đàn hồi trong cả động học trực tiếp và động học ngược, mô tả vi mô thế quang học; Những nghiên cứu về phản ứng tổng hợp và phân hạch hạt nhân, động học va chạm của các ion nặng, ảnh hưởng của năng lượng đối xứng hạt nhân và sự chênh lệch số proton-nơtron lên các quá trình phản ứng khác nhau…

(iii) Vật lý thiên văn hạt nhân: Phản ứng hạt nhân ở vùng năng lượng vật lý thiên văn, tổng hợp hạt nhân và tốc độ phản ứng nhiệt hạch của hệ các hạt ion nhẹ trong quá trình tiến hóa sao; Những phát triển mới nhất trong mô hình hóa phương trình trạng thái của vật chất hạt nhân nóng và đặc, thông tin từ dữ liệu quan sát các vụ sáp nhập sao neutron…

(iv) Thiết bị nghiên cứu hạt nhân: Tổng quan về các thiết bị thực nghiệm (đang vận hành và/ hoặc sắp đưa vào hoạt động) cho nghiên cứu vật lý của các hạt nhân không bền…

Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền năm 2023 (ISPUN23) là một sự kiện khoa học chuyên ngành vật lý hạt nhân quan trọng, là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận, trao đổi thông tin và định hướng sự phát triển tiếp theo.

Hội thảo được tổ chức thành công góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam, chủ nhà trong cả 6 lần ISPUN diễn ra. Ngoài ra, đây là cơ hội tiếp cận những nghiên cứu tiên tiến nhất trên thế giới, tăng cường hợp tác, đào tạo cho các nhà khoa học và sinh viên chuyên ngành trong nước trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.

Các thông tin về Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền năm 2023 được đăng trên: https://ispun23.vn/

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động