RSS Feed for Khơi dậy tiềm năng điện mặt trời tại Khánh Hòa | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khơi dậy tiềm năng điện mặt trời tại Khánh Hòa

 - Nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa có diện tích hơn 5.000 km2 (bao gồm cả các đảo và quần đảo). Khí hậu nhiệt đới ôn hòa với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa ngắn, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Các tháng còn lại là mùa nắng, với tổng số giờ nắng trung bình lên tới 2.600 giờ/năm.

Phát triển năng lượng tái tạo: Việt Nam cần giải pháp đột phá
Một góc nhìn khác về năng lượng tái tạo

Khơi dậy tiềm năng điện mặt trời tại Khánh Hòa

Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời.

Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa khoảng 26,7°C. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình hơn 5 kWh/m2. Đặc biệt là khu vực Cam Ranh, cường độ bức xạ mặt trời lên đến 5,34 kWh/m2/ngày - là khu vực thuận lợi nhất để phát triển điện mặt trời.

Theo Sở Công thương Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm có thể phát triển điện năng lượng mặt trời, diện tích có thể đưa vào sản xuất điện năng lượng mặt trời là hơn 7.500 ha, tổng công suất hơn 3.000 MW. Qua khảo sát, các địa phương có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng này là Cam Ranh, Cam Lâm, Vạn Ninh… 

Hiện nay địa bàn 3 xã, gồm Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) đã được 5 nhà đầu tư chọn địa điểm lập dự án điện mặt trời. Trong khi đó, tại huyện Cam Lâm có 5 nhà đầu tư đề xuất địa điểm làm dự án thuộc các xã Cam An Bắc, Cam Phước Tây, hồ Đá Bàn, hồ Suối Dầu. Còn ở huyện Vạn Ninh, hiện nay đã có nhà đầu tư chọn địa điểm làm dự án tại xã Vạn Hưng.

Chuyên gia ADB khảo sát thực địa xây dựng dự án điện mặt trời của EVNCPC tại Khánh Hòa.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho chủ trương đầu tư 2 dự án ở TP Cam Ranh, gồm Công ty CP Khai thác Thủy điện Sông Giang đầu tư nhà máy điện mặt trời công suất 60 MWp trên địa bàn xã Cam Thịnh Đông và xã Cam Thịnh Tây; Công ty CP Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân cũng đầu tư dự án với tổng công suất 10 MWp, với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng tại xã Cam Thịnh Tây.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Công ty TNHH KN Vạn Ninh làm chủ đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời trên diện tích 200 ha tại thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh với vốn đầu tư trên 2.400 tỷ đồng và tổng công suất 100MW…

Đối với các dự án điện mặt trời có công suất trên 50 MW, sau khi UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương, hồ sơ dự án sẽ được chuyển lên Bộ Công Thương xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung dự án vào danh mục dự án nguồn điện quốc gia gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Tuy nhiên, trước tình trạng có nhiều doanh nghiệp muốn làm điện mặt trời ở các vùng phía Nam của tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa mong muốn các bộ, ngành Trung ương cho phép Khánh Hòa triển khai điện năng lượng mặt trời một phần trên các hồ chứa của tỉnh.

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Trung đang triển khai dự án điện mặt trời tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đây là khu vực đồi hoang, bằng phẳng, không thể canh tác nông, lâm nghiệp, không nằm trong quy hoạch, rất thuận lợi triển khai dự án năng lượng mặt trời. Theo thiết kế sơ bộ, dự án có công suất thiết kế 50 MW, sản lượng điện ước tính 83 GWh/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. 

Vị trí nhà máy điện mặt trời của EVNCPC.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, cùng với các dự án khác, dự án điện mặt trời của EVNCPC sẽ góp phần thúc đẩy phát triển một ngành công nghiệp mới trên địa bàn TP Cam Ranh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư cần quan tâm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, đồng thời tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân khu vực triển khai dự án. 

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới (không áp dụng điện mặt trời trên mái nhà) được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, được hỗ trợ về đầu ra... Cụ thể, toàn bộ điện năng sản xuất từ các dự án điện mặt trời sẽ được mua, ưu tiên khai thác toàn bộ công suất... Mức giá với dự án nối lưới là 2.086 đồng/kWh (chưa thuế VAT).

Giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Giá điện này được xem là khá cao, vì giá bán điện bình quân của EVN hiện nay chỉ 1.622 đồng/kWh. Cũng theo quyết định của Thủ tướng, chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được tính toán đầy đủ, là thông số đầu vào để tính phương án giá bán điện hằng năm của EVN. Đây sẽ là một cú hích cho các nhà đầu tư đầu tư vào điện mặt trời, nhất là tại một số địa phương có số ngày nắng trong năm cao như Khánh Hòa.

NGÂN HƯƠNG - TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN TRUNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động