Điện hạt nhân: Thành công phải đạt được đồng thuận từ cộng đồng
08:53 | 13/11/2015
Việt Nam có cơ hội đón đầu thành tựu trong xây dựng ĐHN
IAEA, Việt Nam ký kết chương trình hành động về NLHN
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Theo các chuyên gia, tất cả các nội dung, phần việc, đều phải được chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng và tích cực, tuân thủ những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng an toàn và môi trường của nhà máy.
Một điểm thuận lợi, Luật Năng lượng nguyên tử của nước ta có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 đã tạo hành lang pháp lý và đưa công tác giám sát của Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân lên một mức cao hơn, trách nhiệm của các đơn vị triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng được xác định rõ ràng, cụ thể.
Công tác tuyên truyền có tính chất quyết định làm cho dân hiểu được giá trị của việc sử dụng năng lượng sạch, độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, nhất là sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.
Bà Tiina Tigerstedt, chuyên gia IAEA, cho rằng, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước trong phát triển điện hạt nhân. Ảnh: Hải Vân
Từ thực tế trên, việc người dân, nhất là người dân ở Ninh Thuận có những băn khoăn, lo lắng về an toàn khi tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân là không tránh khỏi, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm, quản lý, quy hoạch và xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận phải có những hoạt động thiết thực.
Ông Nguyễn Minh Trứ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết, Ninh thuận đã xây dựng nội dung, tiến hành điều tra dư luận xã hội về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Nam.
Thông qua các buổi đối thoại với nhân dân, các đơn vị chức năng đã giải thích những kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác di dân tái định cư, để dân hiểu rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận cao nhằm giúp cho việc triển khai dự án thực hiện đúng quy trình, tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Minh Trứ khẳng định, những hoạt động nêu trên, bước đầu đã tạo được nhận thức, hiểu biết của người dân về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân.
Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án 370, ông Nguyễn Phi Long – Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Ninh Thuận, cho hay, tỉnh Ninh Thuận đã nâng cao một bước nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, một bộ phận dân cư về vai trò của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế- xã hội.
Sự hiểu biết về an toàn bức xạ, công nghệ và tính chất an toàn của các kiểu lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới.
Đại bộ phận người dân ở Ninh Thuận cũng đã thể hiện sự đồng thuận với Nhà nước trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng hai Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Đến nay, 70 học sinh có thành tích cao trong học tập của Tỉnh Ninh Thuận đang học về chuyên ngành năng lượng nguyên tử tại các trường đại học của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Long cho rằng, do tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận bị lùi lại, hiện tại vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công xây dựng, nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân tại vùng dự án. Điều này, gây khó khăn nhất định đến công tác thông tin tuyên truyền đến người dân.
Cạnh đó, chức năng quản lý về hoạt động thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa thống nhất, chưa hình thành được một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất về lĩnh vực này để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
Công tác đào tạo cán bộ về lĩnh vực thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được quan tâm, gây khó khăn đến việc triển khai nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.
Từ năm 2013 đến nay, kinh phí từ Trung ương đối với công tác thông tin, tuyên truyền dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại Đề án 370 vẫn chưa được phân bổ về địa phương nên đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền.
Trong giai đoạn 2016-2020, Ninh Thuận đặt mục tiêu là tạo được sự đồng thuận của công chúng về thực hiện hai dự án. Vì vậy, sự đồng thuận của nhân dân là vấn đề rất quan trọng trong triển khai dự án một cách hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Ninh Thuận kiến nghị 6 nội dung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tuyên truyền về điện hạt nhân cho người dân trên địa bàn.
Thứ nhất, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm khẳng định mốc thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cụ thể để làm cơ sở cho Ninh Thuận định hướng tuyên truyền và triển khai đồng bộ xây dựng: Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường và Năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Thứ hai, đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần sớm xây dựng một Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận để tổ chức thực hiện chuyên trách về thông tin, tuyên truyền cho mọi tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội của tỉnh trước, trong và sau khi triển khai thực hiện Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Góp phần định hướng đúng đắn dư luận xã hội, tạo dựng và củng cố lòng tin của công chúng đối với dự án đặc biệt quan trọng này.
Thứ ba, đề nghị các Bộ, ngành biên soạn và xây dựng nguồn thông tin, tài liệu, tư liệu, ấn phẩm theo các nội dung thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân của Đề án 370, phù hợp với từng nhóm đối tượng và yêu cầu thực tiễn cung cấp đầy đủ cho Ninh Thuận để phục vụ cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân và Dự án ĐHN Ninh Thuận qua các kênh thông tin tại địa phương.
Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường hỗ trợ tư vấn về chuyên môn cho tỉnh Ninh Thuận hoàn thành các nhiệm vụ trên. Riêng Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Thuận có kiến nghị nên thành lập một phòng chuyên môn có tính đặc thù, thuộc Sở để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, tên gọi là phòng quản lý Năng lượng nguyên tử.
Thứ năm, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho giáo viên, học sinh thuộc các bậc học phổ thông các cấp.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất với Bộ Tài chính có phương án phân bổ kinh phí hàng năm về địa phương để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kế hoạch khung hàng năm và giai đoạn mà UBND tỉnh đã thông qua và đã gửi trình cho các bộ, ngành.
Hội thảo này trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE 2010, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân - Pha 2, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức hội thảo phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân nhằm chia sẻ cách tiếp cận, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát triển điện hạt nhân.
Theo IAEA, thông tin và tuyên truyền là 1 trong 19 vấn đề phát triển cơ sơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, đang hoạt động và khi nhà máy dừng hoạt động.
HẢI VÂN