RSS Feed for Việt Nam có cơ hội đón đầu thành tựu trong xây dựng ĐHN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 23:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam có cơ hội đón đầu thành tựu trong xây dựng ĐHN

 - TS. Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (giai đoạn 1988-1995). Ông là tác giả của hơn 40 công trình khoa học trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân, dẫn dắt nhiều dự án hạt nhân quốc gia và quốc tế, bao gồm cả những dự án của IAEA. Nhân kỷ niệm 70 năm ngành công nghiệp hạt nhân Nga, ông là 1 trong 3 người được Nga tặng kỷ niệm chương vì những đóng góp của ngành. Ông đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

IAEA, Việt Nam ký kết chương trình hành động về NLHN              

Mới đây ông đã có chuyến thăm tới Nga nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành hạt nhân Nga và ông là 1 trong 3 chuyên gia hạt nhân Việt Nam được nhận kỷ niệm chương vì những đóng góp to lớn cho ngành này. Xin ông chia sẻ suy nghĩ cũng như ấn tượng của mình về chuyến đi lần này?

Tôi quay trở lại Nga sau 5 năm và nhận thấy nhiều sự thay đổi ở con người và đất nước nơi đây. Hơn hết tôi thấy được và cũng hết sức tự hào về sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân Nga và thế giới. “70 năm ngành công nghiệp hạt nhân Nga” là một sự kiện khoa học - công nghệ rất lớn. Tôi có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với những bậc lão thành trong lĩnh vực này đến từ khắp nơi trên thế giới để cùng họ trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm. Hơn hết, chuyến đi này với tôi có một giá trị tinh thần không thể nào quên. Tôi được gặp lại những người bạn, những người đồng nghiệp cũ. Bộ tư liệu “Thế kỷ nguyên tử Nga” đưa sự kiện từ năm 1907 - 2015 mà tôi mang về có giá trị tham khảo quan trọng, không chỉ giúp nhìn lại chặng đường phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân Nga mà còn có thể giúp ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ con đường ấy. Tôi và nước Nga vốn có khá nhiều duyên nợ, cuốn sách “Nước Nga vĩ đại”, biên niên sử nước Nga từ thế kỷ IX đến thế kỷ XXI, do một người bạn Nga tặng nhân chuyến đi này, đối với tôi cũng là một món quà vô giá. Tôi đã chụp hơn 200 bức ảnh nhằm lưu giữ lại những ấn tượng và kỷ niệm trong suốt chuyến đi.

Trong chuyến đi này ông cũng đã gặp gỡ với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga MEPhI, ông có nhận xét gì về những sinh viên này, những chủ nhân tương lai của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam?

Trong buổi gặp gỡ với sinh viên Việt Nam, đại diện trường MEPhI đã trình bày về chương trình đào tạo các sinh viên ngành hạt nhân tại đây. Nhờ đó, tôi cảm thấy yên tâm vì các sinh viên Việt Nam được đào tạo rất bài bản, có nhiều cơ hội thực hành và tiếp xúc với công nghệ - hiện đại từ rất sớm. Các sinh viên vô cùng may mắn vì được theo học trường hạt nhân danh tiếng của Nga bởi trước đây Liên Xô cũ không đào tạo cho người nước ngoài về công nghệ vận hành hay ứng dụng hạt nhân, trong khi đến thời điểm này đã có gần 300 sinh viên Việt Nam theo học các ngành về hạt nhân mà những người đi trước không thể tiếp cận. Đây là may mắn nhưng cũng đồng thời là gánh nặng bởi lẽ họ sẽ phải gánh trên vai tương lai của nền hạt nhân nước nhà - một trách nhiệm không hề nhỏ. Họ đều là những người trẻ, nhiệt tình, hăng hái và ham học hỏi.

Họ đã chia sẻ với tôi những lo lắng hết sức thiết thực như “sau khi tốt nghiệp mà nước ta vẫn chưa xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân thì họ có thất nghiệp không?”, hay “làm việc trong ngành hạt nhân có ảnh hưởng tới sức khỏe không?”.

Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình, tôi đã chia sẻ với các sinh viên để họ có thể vững tin và yên tâm hơn trong quá trình học tập. Qua trao đổi, tôi thấy được một trong những trở ngại mà các sinh viên Việt Nam gặp phải hiện nay là vấn đề về rào cản ngôn ngữ, đây là một trong những yếu tố căn bản đầu tiên để các bạn có thể lĩnh hội kiến thức, nhưng nhiều bạn vẫn còn gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Nga. Tôi mong rằng các bạn ấy sẽ nhanh chóng vượt qua vấn đề này để tiến tới nắm bắt công nghệ - kỹ thuật hạt nhân.

Thông qua chuyến đi, cũng như bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển của nền hạt nhân Nga nói riêng và nền hạt nhân thế giới nói chung, cũng như tiềm năng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam không?

Nhờ có lịch sử phát triển lâu dài và nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, nền công nghiệp hạt nhân của Liên Bang Nga sẽ còn tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn nữa. Điển hình là nước này đã và đang xây dựng một loạt tàu ngầm hạt nhân phá băng qua Bắc Băng Dương, trong đó có 4 tàu chuẩn bị khánh thành. Hạm đội tàu này nhằm đảm bảo cho tuyến đường huyết mạch qua Bắc Băng Dương được thông suốt. Có thể nói ngành công nghiệp hạt nhân Nga đang ngày càng đi sâu vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại hiệu quả lớn cho kinh tế, an ninh và quốc phòng của quốc gia này. Chính vì vậy mà việc hợp tác với Nga để phát triển ngành hạt nhân là hoàn toàn có cơ sở.

Trong suốt chuyến đi, tôi có cơ hội tiếp xúc với một số đại diện đến từ những quốc gia đã từng hợp tác với Nga trong lĩnh vực này. Một số nước hiện nay đã tạm thời ngưng phát triển năng lượng hạt nhân, một số nước vẫn đang tiếp tục phát triển ngành này, nhưng không ai trong số họ phủ nhận lợi ích cũng như khả năng phát triển của năng lượng hạt nhân trên thế giới. Họ đều đánh giá cao sự cần thiết trong việc hợp tác với Nga và hợp tác với nhau để phát triển nền hạt nhân thế giới nói chung và nền hạt nhân mỗi quốc gia nói riêng vì mục đích hòa bình.

Việt Nam cũng đang dần tiến tới hoàn thiện các thể chế, chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân để tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Nga là đơn vị thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và cũng đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong giai đoạn chuẩn bị. Nga sẽ giúp đỡ chúng ta xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu có công suất dự kiến khoảng 15 MW (gấp 30 lần lò phản ứng hiện nay tại Đà Lạt). Cùng với sự hỗ trợ của Nga và của các nước khác trên thế giới, Việt Nam có cơ hội đón đầu những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này để xây dựng cơ sở cho ngành hạt nhân nước nhà.

Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, trong đó vấn đề an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu và cũng là sự băn khoăn của nhiều người. Theo ông, vấn đề an toàn hạt nhân có điểm gì đáng lưu ý?

Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực khoa học - công nghệ cao và phức tạp, chính vì vậy mà các nhà khoa học, các kỹ sư trong ngành luôn đặt an toàn là yếu tố đầu tiên. Trong sự phát triển của năng lượng hạt nhân, có nhiều yếu tố khiến người ta lo lắng. Sự lo lắng này là chính đáng nhưng lo lắng thái quá lại bất hợp lý, đặc biệt là do nhiều người không nắm được tiến bộ của khoa học - kỹ thuật.

Các nước đã và đang cố gắng tối đa để công nghệ hạt nhân ngày càng an toàn hơn đặc biệt là sau sự cố Fukushima, tiêu chuẩn an toàn được nâng lên cao hơn nữa, tính đến mọi biến số về thiên nhiên và cả các sự cố như máy bay rơi…Chính vì vậy, xét về mặt kỹ thuật và công nghệ, vấn đề an toàn về cơ bản đã được giải quyết. Xét về yếu tố con người, văn hóa an toàn cần được chú trọng. Phát triển an toàn kỹ thuật phải đi cùng với nâng cao nhận thức con người. Yếu tố con người mang tính quyết định.

Ở Việt Nam, vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn. Nước ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa do đó tư duy và tác phong làm việc của người Việt phần nào còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, văn hóa an toàn đã được chú trọng xây dựng và được cải thiện hơn. Nước ta lui lại thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng để đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực tốt cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo cho phát triển điện hạt nhân an toàn.

Xin cảm ơn ông!

     NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động