RSS Feed for "Hướng đi tối ưu" trong việc đảm bảo nguồn điện Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 27/11/2024 06:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Hướng đi tối ưu" trong việc đảm bảo nguồn điện Việt Nam

 - Phương án nào có thể hạn chế việc sử dụng lượng than lớn để sản xuất điện trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa? Kết quả khảo sát do chính ông John Kerry và các cộng sự thực hiện trước thềm cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy, có nhiều cách để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong tương lai một cách kinh tế và thân thiện với môi trường mà không phải lệ thuộc vào than như các kế hoạch hiện nay.

Hoa Kỳ đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng
Điện than: "Việt Nam cần phát triển đúng hướng"

Hồi cuối tháng 6/2017, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, để bàn về việc phát triển năng lượng, trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang buộc phải tái cơ cấu mạnh hơn theo lộ trình thị trường điện cạnh tranh.

World Bank năm 2016 đã ước tính, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đến năm 2020 là 320 tỉ kWh và 690 tỉ kWh đến năm 2030. Con số này tương đương với mức tăng trưởng 16% mỗi năm từ 2015 - 2020 và 8% mỗi năm đến 2030. Tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2030 sẽ vượt mức 6000 kWh, cao hơn tại Đan Mạch và Vương quốc Anh.

Việt Nam cần sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu của người dân với mức chi phí hợp lý, bao gồm cả chi phí sản xuất và phân phối nguồn điện ổn định liên tục, nhưng đến nay vẫn chưa làm được điều này.

Các kế hoạch phát triển hiện nay của Việt Nam đòi hỏi gia tăng nguồn cung nhiệt điện từ các nhà máy nhiện điện than trên khắp cả nước, đặc biệt trong bối cảnh hoãn triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Nếu tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên, một phần năng lượng điện cũng sẽ theo đó tăng lên hoặc nhờ vào nguồn nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng với chi phí đắt đỏ hơn.

Nhiệt điện than đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với các nguồn điện khác do những quan ngại về ô nhiễm môi trường, nguyên liệu nhập khẩu, thậm chí phải đóng thuế phát thải các bon trong 10 năm tới.

Nhưng phương án nào có thể hạn chế việc sử dụng lượng than lớn để sản xuất điện trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa?

Kết quả khảo sát do chính ông John Kerry và các cộng sự thực hiện trước thềm cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy, có nhiều cách để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong tương lai một cách kinh tế và thân thiện với môi trường mà không phải lệ thuộc vào than như các kế hoạch hiện nay.

Việt Nam nên bắt đầu từ việc xem xét lại dự đoán nhu cầu sử dụng điện, kế đến là các khoản đầu tư có hiệu quả, sản lượng mỗi kWh sử dụng nhiều hơn…

Tốc độ giảm giá nhanh chóng của năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận vốn đối với các dự án “xanh”… nhiều khả năng là các giải pháp hiệu quả, với chi phí dài hạn, mức độ ô nhiễm thấp và nhận được nhiều hơn sự ủng hộ từ cộng đồng so với việc sử dụng than sản xuất điện của Việt Nam.

Thế nhưng, năng lượng tái tạo đến nay vẫn chưa được Việt Nam đầu tư đúng mức. Lý do này khiến năng lượng tái tạo chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các kế hoạch về nguồn cung điện, dù có tốc độ phát triển nhanh.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ cùng nhóm cộng sự tin rằng, nếu năng lượng gió có giá 9,35 cent như năng lượng mặt trời hiện nay, năng lượng gió sẽ được phát triển nhanh chóng và đáng kể. Chi phí cho năng lượng gió vào thời điểm năm 2016 là 7,8 cent/kW và có thể sẽ tăng trong năm 2017.

Điện từ năng lượng gió sẽ hoạt động tốt nhất khi là một phần của lưới điện, có thể thích ứng với sự thay đổi nguồn cung cấp gió rất nhanh, như là khí hydro và khí tự nhiên thay vì than đá.

Khi kích thước tua bin gió tăng lên và chi phí giảm xuống dưới 2000 USD/kW, lúc đó chi phí điện gió ở những địa điểm tốt không được trợ giá sẽ giảm xuống chỉ còn từ 4-5 cent/kW tại Hoa Kỳ.

General Electric (GE), một tập đoàn công nghiệp lớn nhất của Mỹ, đã cung cấp hơn 30% tổng công suất điện trên cả nước sau 24 năm đầu tư vào Việt Nam bằng những cách thức mới và sáng tạo. Gần đây nhất, GE cho ra mắt danh mục sản phẩm và hệ sinh thái các giải pháp năng lượng tại Việt Nam; đây là tập hợp các giải pháp năng lượng của GE trên quy mô toàn cầu, từ sản xuất điện, truyền tải và phân phối… đến các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ lưu trữ và hỗ trợ tài chính cho mục tiêu phát triển năng lượng của các quốc gia, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà GE giới thiệu khái niệm này. Trước đó, GE cũng đã để lại những dấu ấn công nghệ trong các dự án năng lượng quan trọng của quốc gia nhà máy điện Phú Mỹ 2-1, thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La…

Năng lượng tái tạo đến nay vẫn chưa được Việt Nam đầu tư đúng mực. Lý do này khiến năng lượng tái tạo chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các kế hoạch về nguồn cung điện, dù có tốc độ phát triển nhanh...

Như vậy, đầu tư của GE vào Việt Nam không chỉ có điện gió, song mục tiêu phát triển 1GW điện gió mà GE và Bộ Công Thương Việt Nam ký hồi tháng 5/2016, đã có thêm động lực từ thỏa thuận hợp tác mới trị giá 2 tỷ USD Mỹ, xây dựng và vận hành trang trại điện gió Phú Cường, công suất 800 MW tại tỉnh Sóc Trăng. Xác định được tiềm năng phát triển điện gió ở Việt Nam, GE đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Bạc Liêu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như dự án Điện gió Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk.

Với thế mạnh là nhà máy GE Hải Phòng, 1 trong 7 Brilliant Factory được GE công nhận trên toàn thế giới, vận hành các dây chuyền sản xuất, từ máy phát điện tuabin gió 1.X và máy phát điện tuabin gió 2.X tới những linh kiện trong hệ thống quản lý điện, dầu khí, linh kiện máy phát điện ngoài khơi cũng như gia công chế tạo, GE hứa hẹn đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, GE đang cùng với các cơ quan có liên quan của Chính phủ Việt Nam định hình Hợp đồng mua bán điện (PPA). Ông Andres Isaza, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thương mại GE Renewables, tin rằng kế hoạch 1GW điện gió vào năm 2025 “nằm trong tầm tay” khi có PPA.

Một PPA với mức giá rõ ràng, minh bạch mới có thể thu hút được các nhà đầu tư. Hiện các nhà đầu tư đang kỳ vọng về một PPA có thông tin rõ ràng về mức FIT, đặc biệt là thời gian Chính phủ quyết định mua điện.

Thêm nữa, nối lưới điện là vấn đề quan trọng Việt Nam cần tính đến khi phát triển các trang trại gió. Không ít quốc gia trên thế giới đã mắc sai lầm khi xây dựng nhiều trang trại điện gió nhưng không phát triển hạ tầng lưới điện thích ứng.

Mới đây, GE đã trao đổi với EVN về tầm quan trọng của việc cải thiện hệ thống lưới điện. “Chúng tôi khuyến khích EVN tập trung hơn vào nâng cấp lưới điện để sẵn sàng đón nhận điện gió khi PPA được ban hành”, ông Andres Isaza cho biết.

Một hệ thống lưới điện tốt là trụ cột để phát triển năng lượng tái tạo bền vững ở Việt Nam. “Chúng tôi thực sự lo ngại rằng sẽ có khoảng cách giữa tốc độ phát triển điện gió, điện mặt trời với phát triển hệ thống lưới điện thích ứng”, ông Andres Isaza nói.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động