RSS Feed for Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [kỳ 1]: Hiện trạng, nhu cầu, kế hoạch, biện pháp huy động | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 26/11/2024 14:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII [kỳ 1]: Hiện trạng, nhu cầu, kế hoạch, biện pháp huy động

 - Tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD (nguồn điện 119,8 tỷ USD, truyền tải điện 14,9 tỷ USD). Đây là một thách thức rất lớn. Trước thực tế này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam thực hiện chuyên đề phản biện khoa học về: “Nhu cầu, thách thức huy động vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII và giải pháp chính sách”. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [tạm kết]: Giải pháp và 5 nhóm vấn đề cần ưu tiên Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [tạm kết]: Giải pháp và 5 nhóm vấn đề cần ưu tiên

Trong các kỳ trước, chúng ta đã tham khảo các phân tích về thực trạng, cơ hội, rủi ro, thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đầu tư phát triển ngành điện Việt Nam. Tạm kết chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và khuyến nghị 5 nhóm vấn đề cần được ưu tiên tháo gỡ để sớm có dòng vốn FDI cho Quy hoạch điện VIII.

Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 2]: Nhu cầu, rào cản và các cơ hội Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 2]: Nhu cầu, rào cản và các cơ hội

Trong kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích làm rõ về nhu cầu vốn, rào cản chính sách, cũng như các cơ hội huy động vốn FDI để thực hiện dự án trong Quy hoạch điện VIII. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 1]: Thực trạng và chính sách hiện hành Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 1]: Thực trạng và chính sách hiện hành

Trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích thực trạng, cơ hội, rủi ro, thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đầu tư phát triển ngành điện Việt Nam trong những năm qua và khuyến nghị, gợi ý giải pháp chính sách khơi thông dòng vốn này cho các dự án nguồn, lưới điện trong Quy hoạch điện VIII. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

KỲ 1: HIỆN TRẠNG, NHU CẦU, KẾ HOẠCH VÀ BIỆN PHÁP HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ CHO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023. Một số quan điểm, mục tiêu phát triển Quy hoạch điện VIII được thể hiện như sau:

- Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

- Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030 với tổng công suất các nhà máy điện là 150.489 MW và điện thương phẩm khoảng 505,2 tỷ kWh.

Nhu cầu vốn đầu tư:

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD (trung bình 13,5 tỷ USD/năm). Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm).

Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt QHĐ VIII đã nêu giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện:

- Nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành điện.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, đảm bảo quốc phòng an ninh và cạnh tranh trong thị trường điện. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC…) các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh…

- Đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công tư…) đối với các dự án điện. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện. Tiếp tục đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.

- Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu.

- Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.

- Từng bước tăng khả năng huy động tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

- Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển điện lực.

Kiểm điểm thực hiện vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2024:

- Khối doanh nghiệp nhà nước:

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kiểm điểm lại giá trị vốn đầu tư cho các công trình điện (bao gồm nguồn và lưới điện) được giải ngân trong các năm từ 2021-2023 và ước vốn đầu tư năm 2024 của riêng EVN, con số này là 365.925 tỷ đồng [1]. Nếu lấy trung bình tỷ giá USD là 23.500 đồng/USD qua 4 năm, ước tính vốn đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện giai đoạn 2021-2024 của EVN là 15,571 tỷ USD.

Nếu ước tính thêm vốn đầu tư đã thực hiện của dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong 4 năm đạt khoảng 16,9 tỷ USD (tương đương 31% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành theo Quy hoạch điện VIII).

- Khối tư nhân:

Giai đoạn vừa qua có 3 dự án điện than lớn đầu tư theo hình thức BOT là Nghi Sơn (vận hành tháng 7/2022), Vân Phong (vận hành tháng 3/2024) và Vũng Áng 2 (dự kiến tháng 6/2025), ước tính tổng vốn đầu tư thực hiện 3,5 năm qua đạt khoảng 4,8 tỷ USD.

Sau tháng 12/2020, khi chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 11 và 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời (FIT1 và FIT2), không có dự án điện mặt trời trang trại nào được đầu tư xây dựng mới.

Sau tháng 10/2021, khi hết hiệu lực của Quyết định số 39/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió, cũng chưa có dự án điện gió nào được đầu tư xây dựng. Ước tính vốn đầu tư năm 2021 cho khoảng 4.000 MW điện gió kịp hưởng giá FIT là 2,4 tỷ USD.

Tính đến ngày 23/5/2024 có 8 dự án điện gió và 77 dự án điện mặt trời chậm tiến độ so với các quy định nêu trên, nhưng đã đầu tư và hoàn thành xây dựng với tổng công suất trên 4.734,5 MW. Trong đó có 81 dự án đang đàm phán để được vận hành phát điện với giá bán điện mà EVN tạm tính (bằng 50% tham chiếu giá trần theo Quyết định số 21/QĐ-BCT, ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương về khung giá phát điện nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp). Các dự án này đã được đầu tư trong các năm 2020-2022, ước tính vốn đầu tư các dự án trong hai năm này khoảng 5,2 tỷ USD [2].

Ngoài khoảng 500 MWp của các dự án điện mặt trời tự sản, tự tiêu được lắp đặt sau năm 2020 và một hai dự án điện rác, điện sinh khối đang triển khai với vốn không lớn, hầu như các nguồn vốn cho dự án điện năng lượng tái tạo đang “nằm chờ” cơ chế thích hợp.

Như vậy, tổng số vốn đầu tư cần thực hiện theo Quy hoạch trong các năm (từ 2021 đến nay) ước đạt khoảng 29,8 tỷ USD, chỉ đạt 63% so với dự kiến thực hiện vốn đầu tư hàng năm trong Quy hoạch điện VIII. Với quỹ thời gian còn lại chỉ còn khoảng hơn 6 năm mà phải thực hiện khối lượng với mức độ huy động vốn hàng năm đạt hơn 16 tỷ USD, cho thấy áp lực rất lớn để thực hiện Quy hoạch.

Kế hoạch và biện pháp huy động vốn đầu tư:

Quyết định số 262/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 1/4/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhắc lại một trong các mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là: “Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển điện lực”.

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII: Dự kiến giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư là 1.366,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 57,1 tỷ USD. Như vậy, nếu ước tính trong 3,5 năm thực hiện đầu tư được 29,8 tỷ USD, thì chỉ trong một năm rưỡi (từ giữa năm 2024 đến hết năm 2025) cần thực hiện tổng vốn đầu tư là hơn 27,3 tỷ USD, thực sự là thách thức lớn.

Cũng theo Kế hoạch này, giai đoạn 2026-2030 vốn đầu tư dự kiến là 1.856,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 77,6 tỷ USD (trong đó cho nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD).

1. Kế hoạch xây dựng nguồn điện:

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII: Tổng công suất nguồn điện xây dựng mới và mở rộng giai đoạn 2024-2030 là hơn 74.914 MW. Tổng hợp các dự án nguồn điện cần thực hiện từ nửa năm 2024 đến hết năm 2030 như bảng sau:

Công suất-MW

Ghi chú

DA Điện than đang xây dựng

3710

Quảng Trạch 1 (EVN); Vũng Áng 2 (BOT); Long Phú 1 (PVN); Na Dương 2 (TKV)

DA điện LNG đang xây dựng

2824

Nhơn Trạch 3&4 (PVN); Hiệp Phước GĐ 1 (IPP)

12 DA điện LNG

20900

Có 3 DA chưa chọn chủ ĐT

9 DA điện khí trong nước

7420

16 DA Thủy điện vừa và lớn

1976.3

Bao gồm TĐ Hòa Bình, Yaly và Trị An mở rộng (thuộc EVN)

Thủy điện nhỏ

4462

Thủy điện tích năng

2400

Bao gồm 2 DA Bác Ái và Phước Hòa

Điện gió trên bờ, gần bờ

17894

Điện gió ngoài khơi

6000

ĐMT trang trại

1500 [3]

ĐMT mái nhà

2600

Điện sinh khối

766

Điện rác

1112

Điện đồng phát

1350

2. Kế hoạch xây dựng lưới điện:

Theo Quy hoạch điện VIII, khối lượng đầu tư lưới truyền tải từ năm 2021 đến năm 2030 cũng rất lớn, bao gồm:

- Đường dây 500 kV: Xây dựng mới 12.300 km và cải tạo 1.324 km.

- Trạm 500 kV: Xây dựng mới 49.350 MVA và cải tạo 38.168 MVA.

- Đường dây 220 kV: 16.285 km và cải tạo 6.484 km.

- Trạm 220 kV: Xây dựng mới 78.525 MVA và cải tạo 34.977 MVA.

Dù sao, đầu tư lưới truyền tải cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Đơn vị này trước nay đã luôn đảm bảo hoàn vốn các dự án truyền tải. Năm 2023 được Fitch Ratings - tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới xếp hạng tín nhiệm ở mức “BB” dựa trên hồ sơ hợp nhất của công ty mẹ (EVN), còn đạt mức “BB+” dựa trên hồ sơ tín nhiệm độc lập của EVNNPT.

Vì vậy, vấn đề huy động vốn đầu tư cho lưới truyền tải tuy lớn, nhưng EVNNPT có thể vay vốn đầu tư các dự án lưới truyền tải thông thường. Khó khăn nằm ở huy động vốn cho các đường dây nhằm thu gom, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, thường có hệ số khai thác công suất thấp và khả năng hoàn vốn chậm hơn.

Nhưng khó khăn lớn nhất chủ yếu thuộc về khả năng huy động và tiến độ vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện nói trên.

Kỳ tới: Nhận diện rủi ro, thách thức trong huy động vốn đầu tư cho các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII

NGUYỄN ANH TUẤN (A) - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Lài liệu tham khảo:

[1] Tổng hợp số liệu theo Báo cáo tổng kết EVN năm 2021, 2022 và 2023.

[2] Ước tính dựa trên suất đầu tư tham khảo trong “Cẩm nang công nghệ sản xuất điện Việt Nam”, công bố năm 2023.

[3] Nội suy từ tổng công suất ĐMT mặt đất cuối năm 2020 và quy mô công suất ĐMT mặt đất trong Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt QHĐ VIII.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động