RSS Feed for Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 1]: Thực trạng và chính sách hiện hành | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 08/09/2024 06:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 1]: Thực trạng và chính sách hiện hành

 - Trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích thực trạng, cơ hội, rủi ro, thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đầu tư phát triển ngành điện Việt Nam trong những năm qua và khuyến nghị, gợi ý giải pháp chính sách khơi thông dòng vốn này cho các dự án nguồn, lưới điện trong Quy hoạch điện VIII. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
‘Đường cong con vịt California’ đã xuất hiện ở Việt Nam? ‘Đường cong con vịt California’ đã xuất hiện ở Việt Nam?

Trong bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích về đường cong con vịt California trong tích hợp năng lượng mặt trời vào hệ thống điện và làm rõ thêm câu hỏi: Vịt California đã đến Việt Nam chưa? Các tác động, hệ lụy của hình dáng đồ thị này thế nào? Những vấn đề gì chúng ta cần quan tâm?

KỲ 1: THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ FDI NĂM 2023 VÀ CHÍNH SÁCH, KHUNG PHÁP LÝ HIỆN HÀNH

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VIII, ngành điện cần được đầu tư khoảng 135 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2030, tương đương 33% GDP hiện tại của Việt Nam.

Trong tổng số 135 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2021-2030, theo Quy hoạch điện VIII có khoảng 119,8 tỷ USD được phân chia cho các dự án nguồn điện, tập trung vào phát triển nguồn điện gió, điện khí LNG và khoảng 14,9 tỷ USD được dành cho các khoản đầu tư vào lưới truyền tải điện.

Những con số đầu tư đáng kể này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng điện và mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, với khoản đầu tư 135 tỷ USD trong 10 năm đối với ngành điện sẽ là quá lớn đối với tăng trưởng tín dụng dài hạn hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, khoản tín dụng dài hạn này sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến trái phiếu xanh.

Dưới đây, nêu một vài nét thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong những năm qua và phân tích về các chính sách trong việc huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng.

I. Một vài nét về thực trạng thu hút đầu tư FDI năm 2023:

1. Khối lượng vốn FDI năm 2023:

Theo báo cáo thường niên 2023 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do VAFIE ban hành: Vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 56,6%; vốn đăng ký đạt gần 20,19 tỷ USD tăng 62,2%.

Có 1.262 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 14%, vốn tăng thêm đạt 7,88 tỷ USD, giảm 22,1%.

Có 3.451 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 3,2%, giá trị vốn góp đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ.

STT

Chỉ tiêu

Năm 2021

Tỷ lệ

Năm 2022

Tỷ lệ

Năm 2023

Tỷ lệ

Tổng vốn đăng ký (tỷ USD)

31,153

100 %

27,718

100 %

36,607

100 %

1

Đăng ký cấp mới (tỷ USD)

15,245

49,0 %

12,446

45,0 %

20,185

55,1 %

2

Đăng ký tăng thêm (tỷ USD)

9,014

29,0 %

10,117

36,0 %

7,880

21,5 %

3

Góp vốn, mua cổ phần (tỷ USD)

6,893

22,0 %

5,154

19,0 %

8,541

23,3 %

2. FDI theo lĩnh vực đầu tư:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất, phân phối điện xếp thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,37 tỷ USD, tăng 4,9 %; ngành tài chính - ngân hàng xếp thứ 4 với tổng vốn đăng kí đạt gần 1,56 tỷ USD, gấp gần 27 lần. Còn lại là các ngành khác.

3. FDI tính theo đối tác đầu tư:

Có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ châu Á - đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan). Đầu tư của 6 đối tác châu Á đã chiếm tới 78,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhật Bản đứng thứ 2, với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Hồng Kông đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... đứng ở các vị trí tiếp theo. Trong đó, 10 đối tác đứng đầu năm 2023 có vốn đăng ký 33,0 tỷ USD, chiếm 90,3% tổng vốn đăng ký năm 2023.

4. FDI trong khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN):

Đến cuối năm 2023, cả nước có 413 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất khoảng 120 nghìn ha. Có 19 khu kinh tế (KKT) ven biển, với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha, gồm diện tích đất liền khoảng 583,1 nghìn ha và diện tích mặt biển 288,4 nghìn ha.

Trong năm 2023 các KCN, KTT của Việt Nam đã thu hút được 27,72 tỷ USD vốn đầu tư. Lũy kế đến nay, các KCN, KTT thu hút được trên 11,2 nghìn dự án FDI với 238,6 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 69% và 10,4 nghìn dự án trong nước với 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 46,5%.

Năm 2022 tổng tài sản các doanh nghiệp FDI là 9.444.170 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2021. Trong đó 5 lĩnh vực chiếm 91% tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI gồm: Doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo (60%), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (10%), bất động sản (7%), sản xuất chế biến, khí đốt, điều hòa (4%) và khoa học, công nghệ (4%). Vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI đạt 4.069.190 tỷ đồng, tăng 11,7%; vốn đầu tư chủ sở hữu tăng gần 14%, lợi nhuận lũy kế (chưa phân phối) là 1.012.064 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, trong vài năm gần đây vốn FDI có xu hướng giảm, như TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước. Tính từ năm 1988 đến tháng 6/2023, TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ với 11.868 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư khoảng 82 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, tổng vốn FDI vào địa phương này chỉ đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm gần 40% so với năm 2021.

Tình trạng sụt giảm nói trên đến từ nhiều nguyên nhân. Một trong số đó có thể nói đến là vấn đề về khung khổ pháp lý trong thu hút đầu tư tại Việt Nam chưa tạo được lực hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, có sức lan tỏa lớn.

Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng, việc huy động nguồn vốn FDI vào ngành điện trong năm 2023 và những năm qua rất hạn chế (chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong tổng vốn FDI tại Việt Nam) và tỷ trọng rất thấp so với nhu cầu vốn cho phát triển dự án theo Quy hoạch điện VIII.

II. Chính sách, khung pháp lý hiện hành về huy động vốn FDI:

1. Khung pháp lý:

Trong những năm vừa qua, cùng với sự thay đổi trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam đang chuyển biến cách quản lý kinh tế theo hướng thượng tôn pháp luật và chính sách, ngày càng chuẩn hóa để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Các quy định pháp luật về đầu tư nói chung và việc thu hút FDI ở Việt Nam hiện đang dần được bổ sung hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều quy định vẫn còn chồng chéo, không nhất quán, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Luật Đầu tư và các nghị định, hướng dẫn liên quan. Từ Luật Đầu tư được ban hành ban đầu năm 1987, chúng ta đã chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn FDI luôn bám sát và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ. Luật Đầu tư đã liên tục được sửa đổi và bổ sung 7 lần vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000, 2005, 2014 và 2020.

Hiện nay, cơ sở pháp lý đang áp dụng là Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, cùng với Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã tạo ra sức hút nhà đầu tư đến với Việt Nam. So với quy định của Luật đầu tư trước đó, Luật Đầu tư 2020 bổ sung những ngành nghề ưu đãi đầu tư mới như: Sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế… Quy định mới của Luật Đầu tư 2020 về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung hơn vào lĩnh vực công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Những thay đổi này mang ý nghĩa rất tích cực trong việc làm rõ và bổ sung các quan điểm, chính sách hợp lý của Việt Nam nhằm thu hút vốn FDI.

Cùng với Luật Đầu tư, việc đầu tư FDI còn được chi phối bởi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm đảm bảo sự đồng bộ để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan.

Như vậy, ngoài Luật Đầu tư, khung pháp lý chi phối đến hoạt động FDI còn phải kể đến một số luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Thương mại, Bộ Luật lao động, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, việc kiểm tra, rà soát những văn bản pháp luật chưa đảm bảo chất lượng, xung đột, chồng chéo cần được điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư ở Việt Nam.

Đồng thời, liên quan đến ĐTNN còn được chi phối bởi các khung pháp lý song phương, đa phương - đó là hàng chục hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư với các khu vực, các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

2. Về chính sách:

Với chính sách thu hút FDI, Việt Nam đã chú trọng đến chính sách tăng trưởng xanh được phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 202 -2030, tầm nhìn 2050) được triển khai trong tất cả các lĩnh vực giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, qua đó thúc đẩy đầu tư phát triển công nghệ cao.

Các ưu đãi chính sách tài chính thu hút FDI có hiệu quả trong thời gian qua là chính sách:

- Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu.

- Ưu đãi về tài chính, đất đai.

Đối với ưu đãi thuế TNDN: Để phục vụ các chiến lược và định hướng chuyển đổi nền kinh tế, hệ thống chính sách về thuế tiếp tục được cải cách lần thứ tư với thay đổi quan trọng nhất là giảm thuế suất thuế phổ thông.

Cụ thể, mức thuế suất phổ thông qua các lần sửa Luật Thuế TNDN theo xu hướng giảm, từ 28% trong giai đoạn 2001-2008 xuống còn 25% trong giai đoạn 2009-2013, 22% trong giai đoạn 2014-2015 và 20% từ ngày 1/1/2016.

Bên cạnh việc giảm thuế suất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 (Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, hiệu lực thi hành từ 1/1/2014) đã bổ sung ưu đãi đối với đầu tư trong khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi) và dự án đầu tư mở rộng; quy định ưu đãi thuế TNDN ở mức cao đối với một số lĩnh vực mũi nhọn cần khuyến khích đầu tư đã góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tích lũy.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã bổ sung một số lĩnh vực, ngành nghề thuộc diện ưu đãi thuế như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất có quy mô vốn lớn và công nghệ cao.

Theo quy định hiện hành, mức thuế suất ưu đãi cao nhất là 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới trong một số lĩnh vực đặc thù, khuyến khích phát triển như công nghệ thông tin, phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; lĩnh vực bảo vệ môi trường; lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI) còn được hưởng các ưu đãi khác như:

- Được chuyển lỗ sang năm sau, trừ vào thu nhập tính thuế, thời gian không quá 5 năm (kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ).

- Cho phép thực hiện khấu hao nhanh.

- Ưu đãi giảm thuế TNDN trong một số lĩnh vực đặc thù để giải quyết các vấn đề xã hội.

Đối với ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Trước năm 2016, các chính sách ưu đãi được thực hiện theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005. Việc miễn thuế nhập khẩu tiếp tục được duy trì đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu; máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư; miễn thuế đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo…

Từ năm 2016 đến nay, chính sách ưu đãi được áp dụng theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016 (Luật số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 có hiệu lực từ 1/9/2016). Theo đó, Luật đã bổ sung doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học - công nghệ, tổ chức khoa học - công nghệ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong thời hạn 5 năm (kể từ khi bắt đầu sản xuất). Bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Một số ưu đãi thuế xuất khẩu, nhập khẩu đang được áp dụng như:

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài thì được miễn thuế xuất khẩu.

- Hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày (kể từ ngày mở tờ khai hải quan); hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày (kể từ ngày hết hạn).

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Đối với các ưu đãi về đất đai: Trước ngày 30/6/2014, các ưu đãi về đất đai được chia theo hai hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất, áp dụng giảm số tiền phải nộp ở các mức 20%, 30%, 50%, hoặc miễn giảm về thời hạn 7 năm, 11 năm, 15 năm. Từ đầu tháng 7/2014 đến nay, các ưu đãi về đất đai thực hiện theo Luật Đất đai 2013 (Luật số 45/2013/QH13) và các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, Nhà nước đã thống nhất áp dụng hình thức cho thuê đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, có tính thời hạn và theo từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời, để thu hút đầu tư, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đất đai tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 quy định thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao với mức ưu đãi cao hơn các dự án đầu tư thông thường.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ về đất đai đối với doanh nghiệp như:

- Giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn 2011-2014.

- Điều chỉnh giảm tỷ lệ tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% (quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP) xuống còn 1% (quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP) và UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ trong khung từ 0,5-3% theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất để áp dụng thu tiền thuê đất tại địa phương.

- Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất trong việc xác định giá đất để tính thu tiền thuê đất.

Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/1/2024, (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) và Chính phủ cũng đã có Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2024 sửa đổi Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định vè giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Kỳ tới: Nhu cầu, rào cản, thách thức và cơ hội huy động vốn FDI cho các dự án trong Quy hoạch điện VIII

NGUYỄN THÁI SƠN - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

- VAFIE: Báo cáo thường niên 2024 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam _ Trước thách thức và cơ hội mới- Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn._ GS.TS Nguyễn Mại

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024_ Trang điện tử Ngân hang Nhà nước Việt Nam, ngày 20/02/2024.

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - Lê Như Quỳnh - Trường Đại học Thương mại. 16:42 26/01/2023; https://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-he-thong-phap-luat-nham-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-viet-nam.html

- Xoay sở 135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII bằng cách nào_ Vneconomy online 17:23 28/06/2023; https://vneconomy.vn/xoay-xo-135-ty-usd-cho-quy-hoach-dien-viii-bang-cach-nao.htm

- Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút vốn FDI; Báo Nhân dân online_ Thứ hai, ngày 17/07/2023 - 21:58 - https://nhandan.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-thu-hut-von-fdi-post762750.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động