Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [tạm kết]: Giải pháp và 5 nhóm vấn đề cần ưu tiên
06:29 | 20/07/2024
Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 2]: Nhu cầu, rào cản và các cơ hội Trong kỳ này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích làm rõ về nhu cầu vốn, rào cản chính sách, cũng như các cơ hội huy động vốn FDI để thực hiện dự án trong Quy hoạch điện VIII. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc. |
Huy động vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam [kỳ 1]: Thực trạng và chính sách hiện hành Trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích thực trạng, cơ hội, rủi ro, thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đầu tư phát triển ngành điện Việt Nam trong những năm qua và khuyến nghị, gợi ý giải pháp chính sách khơi thông dòng vốn này cho các dự án nguồn, lưới điện trong Quy hoạch điện VIII. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc. |
TẠM KẾT: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP, CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP CHO VIỆT NAM
Hoàn thiện các quy định pháp luật:Để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn FDI, chúng tôi khuyến nghị cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất: Chính phủ và Quốc hội cần thành lập 1 Tổ tư vấn pháp lý thống nhất để: Rà soát các luật, nghị định, thông tư về đầu tư và liên quan đầu tư. Trên cơ sở này sửa đổi, hoàn thiện ban hành các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh và đất đai để khắc phục các khiếm khuyết đã được phát hiện (như thiếu tính hệ thống, sự chồng chéo, không nhất quán giữa các bộ luật, hoặc xung khắc với nhau, luật chờ nghị định, thông tư... nên chậm được thi hành).
Cùng với đó là rà soát lại các văn bản pháp luật về đầu tư nhằm nâng cao chất lượng văn bản, giảm bớt những nội dung không tương thích với luật pháp quốc tế, cập nhật những cam kết quốc tế về mở cửa thị trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành dễ hiểu, dễ thực hiện. Các khái niệm phải được xây dựng rõ ràng để tránh việc diễn giải khác nhau gây cản trở đến các hoạt động đầu tư. Quy định rõ ràng, chi tiết, dễ dàng áp dụng các thủ tục và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài để tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư.
Thứ ba: Xây dựng quan hệ đối tác thực sự (PPD) và sự tin tưởng giữa nhà nước và các lãnh đạo doanh nghiệp thực sự (cả doanh nghiệp sở hữu trong nước, nước ngoài) để cải thiện chất lượng, tăng cường sự ổn định, đồng bộ trong quy định luật pháp.
Mặt khác, ưu tiên việc thực hiện các cải cách quan trọng nhất (bao gồm những cải cách khó khăn) - chính sách mở cửa thị trường thu hút FDI.
Thứ tư: Ổn định chính sách FDI là đòi hỏi chính đáng của nhà đầu tư. Vì vậy, trong trường hợp Chính phủ thay đổi chính sách, thì cần tạo thuận lợi cho họ, hết sức tránh gây tâm lý phản kháng vì làm thiệt hại lợi ích của nhà đầu tư (như đã xảy ra trong lần sửa đổi Luật Đầu tư Nước ngoài năm 1996).
Trong trường hợp bất khả kháng, khi Chính phủ áp dụng chính sách không có lợi cho nhà đầu tư, thì cần thực hiện chính sách “không hồi tố”, hoặc bồi thường thiệt hại do chính sách mới gây ra cho họ.
Thứ năm: Chú trọng nâng cao năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan xây dựng, ban hành thể chế chính sách. Kịp thời ban hành các quy định điều chỉnh các quan hệ kinh tế mới, các mô hình, phương thức kinh doanh mới... tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.
Đặc biệt với nội dung này, chúng ta không nên/tránh quy chụp trách nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách thí điểm, sáng tạo, hoặc khiếm khuyết của những chính sách thúc đẩy các loại hình sản xuất, kinh doanh mới, hoặc công nghệ mới.
Thứ sáu: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam. Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Thay thế các quy định và hệ thống dùng giấy tờ lỗi thời bằng các giải pháp công nghệ số/trực tuyến, nhờ đó mà giảm tham nhũng - vấn đề vốn vẫn bị nhà đầu tư nước ngoài coi là rào cản hàng đầu đối với tăng trưởng.
Giải pháp ngắn hạn, cần tháo gỡ sớm nhất có thể:
Trước mắt, để thu hút được nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án điện, chúng tôi khuyến nghị 5 vấn đề cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt. Cụ thể là:
1. Do Quy hoạch điện VIII chưa hướng dẫn cụ thể về cơ chế xác định giá cho các dự án trong quy hoạch, nên việc thiếu một cơ chế định giá minh bạch có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá khả năng tài chính của khoản đầu tư các dự án.
Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ cần quan tâm sớm ban hành một khung định giá minh bạch, toàn diện, có tính đến chi phí và lợi nhuận tiềm năng của các dự án năng lượng tái tạo.
2. Để có thể huy động vốn FDI vào ngành điện, cần chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA). Vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. Trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư với nguyên tắc “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” trên phương châm “cùng thắng và cùng phát triển”.
3. Xem xét ban hành quy định về các ưu đãi khuyến khích thu hút vốn FDI các dự án ngành điện, chí ít nên áp dụng cho đến năm 2030.
4. Cần khẩn trương hoàn thiện ban hành Nghị định sửa đổi, hoặc thay thế Nghị định 111/2015/NĐ-CP quy định về công nghiệp hỗ trợ để khuyến khich đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Vì “nội địa hóa là một trong những yếu tố cốt yếu nằm trong chiến lược kinh doanh của các công ty đa quốc gia” để phát triển lĩnh vực sản xuất linh kiện thiết bị năng lượng trong nước đáp ứng cho các dự án điện tại Việt Nam.
5. Uy tín tín dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nổi cộm trong thời gian gần đây không chỉ do vấn đề từ hợp đồng mua bán điện (PPA), mà còn do tình hình tài chính thua lỗ trong 2 năm qua của EVN. Vì vậy, khuyến nghị Chính phủ và EVN sẽ sớm thực hiện cải cách, thực hiện các biện pháp tái cơ cấu và nâng cao năng lực quản trị. Việc EVN được xếp hạng tín nhiệm cao ở cả thang xếp hạng quốc tế và trong nước là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng vay vốn cho các dự án điện, cũng như và thu hút nguồn vốn nước ngoài vào ngành điện.
Song song với điểm này, cần thực hiện đúng lộ trình vận hành thị trường điện cạnh tranh. Trong năm 2024, 2025 cần đảm bảo thiết kế các điều kiện cần thiết để chuyển sang thực hiện thí điểm thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, dần dần vận hành hoàn chỉnh thị trường điện, tạo ổn định cho việc huy động vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII./.
Đón đọc chuyên đề phản biện khoa học tiếp theo: “Huy động vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII - Nhu cầu, kế hoạch, biện pháp, thách thức và giải pháp chính sách”
NGUYỄN THÁI SƠN - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
- VAFIE: Báo cáo thường niên 2024 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam _ Trước thách thức và cơ hội mới- Thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn._ GS.TS Nguyễn Mại
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024_ Trang điện tử Ngân hang Nhà nước Việt Nam, ngày 20/02/2024.
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam - Lê Như Quỳnh - Trường Đại học Thương mại. 16:42 26/01/2023; https://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-he-thong-phap-luat-nham-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-viet-nam.html
- Xoay sở 135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII bằng cách nào_ Vneconomy online 17:23 28/06/2023; https://vneconomy.vn/xoay-xo-135-ty-usd-cho-quy-hoach-dien-viii-bang-cach-nao.htm
- Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút vốn FDI; Báo Nhân dân online_ Thứ hai, ngày 17/07/2023 - 21:58 - https://nhandan.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-thu-hut-von-fdi-post762750.html