RSS Feed for Việt Nam tham khảo kinh nghiệm điện hạt nhân Pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 23:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam tham khảo kinh nghiệm điện hạt nhân Pháp

 - Đoàn công tác của Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia (ATHNQG) do ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đầu đã đến Nhà máy điện hạt nhân Flamanville, trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp.

Những cường quốc điện hạt nhân của thế giới
Việt Nam, Mỹ ký hợp tác nghiên cứu điện hạt nhân
Đánh giá cơ sở hạ tầng an toàn giai đoạn 2 điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhà máy điện hạt nhân Flamanville của Pháp.

Nhà máy điện hạt nhân Flamanville đang vận hành hai tổ máy và tiếp tục xây dựng tổ máy thứ 3 công nghệ EPR (tổ máy Flamanville 3). Tổ máy Flamanville 3 được khởi công xây dựng vào năm 2007, dự kiến vận hành thử vào năm 2016.

EPR là một trong những công nghệ có liên quan trực tiếp đến thiết kế ATMEA 1 mà đối tác Mitsubishi (Nhật Bản) - AREVA (Pháp) hợp tác đề xuất cho Việt Nam.

Tại Nhà máy điện hạt nhân Flamanville, có khoảng 100 công ty đang tham gia vào việc xây dựng, lắp đặt ở các hợp phần khác nhau. Vì vậy, yêu cầu điều phối, kiểm tra thường xuyên bảo đảm an toàn cho hoạt động trong tương lai của nhà máy là rất cần thiết.

Tại đây, các thành viên trong Đoàn công tác đã tìm hiểu kinh nghiệm về quản lý các nhà thầu tham gia xây dựng tổ máy Flamanville 3.

Nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng và những vấn đề tương tự mà Việt Nam đã và đang gặp phải khi triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, như: động đất, mật độ dân cư xung quanh địa điểm, khả năng đóng góp của hoạt động sản xuất điện hạt nhân đối với kinh tế địa phương... cũng được Đoàn công tác quan tâm.

Theo các chuyên gia đang làm việc tại Flamanville, động đất tính toán cực đại tại Flamanvilles là 5,2 độ Richter, trong khi thiết kế Tổ máy Flamanville 3 có khả năng chống được động đất giả định đến 5,8 độ Richter.

Thị trấn Flamanville ở khoảng cách 1-2 km có khoảng 1.000 -1.500 dân. Một trung tâm dân cư khác có khoảng 4.000 dân cách nhà máy 10 km và một trung tâm dân cư khoảng 80.000 dân cách nhà máy 30 km.

Thiết kế bể chứa nhiên liệu đã cháy của Tổ máy Flamanville 3 có dung lượng là 10 năm. Tại mỗi tòa nhà đang xây dựng, lắp đặt có một chuyên gia điều phối chung của EDF (chủ đầu tư).

Cộng hòa Pháp có quy định pháp quy về các công đoạn kiểm tra, giám sát xây dựng, lắp đặt. Cơ quan an toàn hạt nhân có thể kiểm tra không chỉ định kỳ theo kế hoạch, mà còn có thể kiểm tra đột xuất, không báo trước.

Nhà máy điện hạt nhân Flamanville đóng góp khoảng 15% cho kinh tế địa phương (tính trong phạm vi khoảng 40 km cách nhà máy).

Đoàn công tác cũng đã đến thăm Cơ sở xử lý nhiên liệu đã cháy La Hague, tìm hiểu về chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý nhiên liệu đã cháy và chôn cất chất thải.

Cơ sở La Hague xử lý tới 75% nhiên liệu đã cháy của toàn bộ 58 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành của Pháp. Cơ sở này cũng hợp đồng xử lý nhiên liệu đã cháy với một số nước, trong đó có Nhật Bản.

Việc xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cho phép giảm 5 lần thể tích và 10 lần độc hại của chất thải phải lưu giữ. Công nghệ của Cơ sở La Hague cho phép chế tạo hai loại nhiên liệu: nhiên liệu MOX và nhiên liệu tái sử dụng bình thường.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tin WNE - Pháp tại Lễ khai mạc Triển lãm hạt nhân quốc tế (WNE), đại diện Đoàn công tác nêu rõ mục đích tham dự các hoạt động tại Triển lãm của Đoàn là hiểu rõ hơn về công nghiệp hạt nhân Pháp nói riêng, của cộng đồng hạt nhân quốc tế nói chung.

Các thành viên Đoàn công tác có cơ hội trao đổi trực tiếp với các đối tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với các chuyên gia hạt nhân quốc tế, hiểu rõ các hoạt động cụ thể của các tổ chức, doanh nghiệp hạt nhân của Pháp và một số quốc gia.

Ngoài tham dự các hoạt động chủ đề khác nhau từ chu trình nhiên liệu, quản chất thải hạt nhân, các chủ đề khác về bảo đảm an toàn hạt nhân, Đoàn cũng đã tham dự Hội thảo quan trọng của AREVA về số hóa các hệ thống của nhà máy điện hạt nhân và những vấn đề an ninh có liên quan.

Chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp của Đoàn công tác của Hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia lần này nằm trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2014 của Hội đồng.

Sau chuyến công tác, Đoàn sẽ có ý kiến cụ thể về xây dựng và thực thi chính sách quốc gia về an toàn hạt nhân nói chung, trong đó có chính sách về chu trình nhiên liệu, quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng, bảo đảm an toàn quản lý chất thải hạt nhân. Đây là những định hướng quan trọng đối với quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt nhân.

Đoàn cũng sẽ có ý kiến về một số nội dung liên quan đến hoạt động năm 2014-2015 của Hội đồng về thẩm định an toàn địa điểm, thẩm định dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động