RSS Feed for Việt Nam chủ động tìm nguồn than từ quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 17:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam chủ động tìm nguồn than từ quốc tế

 - Theo dự báo đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6 triệu tấn, sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng. Chủ yếu là nhu cầu của các nhà máy điện chạy than. Nhập khẩu than là nhiệm vụ tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm đầu mối thực hiện. Được Tập đoàn giao làm đầu mối công tác này, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu than - Vinacomin (Coalimex) xác định nhiệm vụ này không chỉ mang tính kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng.


Theo cân đối, khả năng sản xuất than của Vinacomin đến năm 2015 là 55 - 60 triệu tấn, năm 2020 là 67-72 triệu tấn, năm 2025 khoảng trên 77 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng tăng cao. Theo dự báo, từ năm 2015, Việt Nam sẽ bắt đầu thiếu than và tăng dần vào các năm sau. Năm 2015 thiếu 5,8 triệu tấn; năm 2016 thiếu 25 triệu tấn; năm 2017 thiếu 37 triệu tấn; năm 2018 thiếu 52 triệu tấn; năm 2019 thiếu 61 triệu tấn; năm 2020 thiếu 66 triệu tấn. Như vậy, từ năm 2015, nước ta sẽ phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn than. Sau đó sẽ nhập khẩu tăng dần tùy thuộc vào thực tế nhu cầu sử dụng than. 

Lí do nhiều hộ tiêu thụ sử dụng than năm sau cao hơn năm trước là do công nghệ lạc hậu, do vận chuyển xa, bảo quản không tốt (kho than không có mái che) khiến chất lượng than giảm.

Giá than chậm theo thị trường khiến ngành Than khó khăn về nguồn tài chính đầu tư cho công tác thăm dò, phát triển mỏ, thiếu hụt than sẽ càng trầm trọng hơn. Vì vậy, việc nhập khẩu than trở thành bài toán cần có lời giải ngay. Việc nhập khẩu sẽ giúp giá than trong nước tương đương giá quốc tế, sẽ hạn chế tình trạng xuất khẩu than ngoài luồng hiện nay.

Tuy nhiên ai cũng biết nhập khẩu than với số lượng lớn một cách ổn định không hề đơn giản cho Việt Nam trong bối cảnh thị trường cung cấp than nhập khẩu trên thế giới ngày càng khan hiếm và phần lớn nắm giữ bởi các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ ... Ngoài việc chuẩn bị về tài chính và nguồn lực thì việc nhập khẩu thử nghiệm là hết sức quan trọng, tạo bước đệm cần thiết để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường nhập khẩu than thế giới, giảm thiểu những rủi ro khi thực hiện nhập khẩu than với số lượng lớn sau này.

Từ năm 2009, khi hoạt động xuất khẩu than của Coalimex đang ở giai đoạn phát triển cao nhất, với số lượng đạt mức kỷ lục hơn 5 triệu tấn, Ban Giám đốc Công ty đã chỉ đạo Phòng XNK Than nghiên cứu việc nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu lớn về than cho các nhà máy điện ở phía Nam trong tương lai.

Cùng với việc cử cán bộ tham gia tích cực vào tổ công tác của Vinacomin đàm phán hợp đồng nhập khẩu than với các công ty của Indonesia, Coalimex đã cử cán bộ chuyên trách nghiên cứu việc nhập khẩu thử nghiệm để tập dượt, chuẩn bị cho việc nhập khẩu than với số lượng lớn sau này.

Bên cạnh đó, công việc tìm hiểu thị trường tiêu thụ than trong nước và nguồn than nhập khẩu cũng được thực hiện rất bài bản, có kế hoạch với công việc và thời gian cụ thể. Không chỉ quan tâm tới nguồn than cho nhiệt điện, Coalimex còn tiếp cận tất cả các loại than mà trong nước có nhu cầu sử dụng như: than cốc từ Trung Quốc; than mỡ từ Úc, Nga, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Canada; than nhiệt năng các loại từ Úc, Indonesia và Malaysia.

Theo Coalimex, việc xuất nhập than là hết sức bình thường. Các nước họ nhập rất nhiều, nhưng đồng thời họ vẫn xuất đi những loại than giá trị cao để nhập về những loại than nhiệt năng thấp, giá rẻ hơn. Hiện đã có khuyến cáo các nhà sản xuất không nên dùng than antraxit để đốt điện, rất lãng phí, do than này chủ yếu dùng cho công nghiệp luyện kim và hoá chất.

Khó khăn lớn nhất của việc nhập khẩu than là nhu cầu sử dụng than nhập khẩu rất ít do các nhà máy đã quá quen với việc sử dụng than Việt Nam. Việc thay đổi loại than dẫn đến thay đổi một loạt vấn đề về giá thành, về công nghệ cũng như thói quen sử dụng nên rất khó để thuyết phục người mua dùng thử than nhập khẩu. Ngoài ra, năng lực tài chính của nhiều nhà sử dụng không đảm bảo an toàn cho việc thanh toán cũng là những trở ngại lớn cho công việc nhập khẩu than thử nghiệm của Coalimex.

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo Coalimex và bộ phận nhập khẩu than, cuối tháng 6/2011, Công ty đã ký được hợp đồng cung cấp loại than nhiệt năng 5.600-5.800 kcal/kg (cơ sở không khí khô) nhập khẩu từ Indonesia cho các hộ sử dụng nồi hơi ở phía Nam trên cơ sở giá CFR cảng Gò Dầu, Đồng Nai.

Chuyến hàng than nhập khẩu đầu tiên Coalimex đã thực hiện bằng sà lan với số lượng 7.519,391 tấn. Tổng số lượng than nhập khẩu trong năm 2011 là hơn 30.000 tấn, tất cả đều cung cấp vào thị trường phía Nam. Theo Coalimex, các chuyến than nhập năm ngoái đều mang tính chất vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm, nên tổng số lượng không nhiều, nhưng năm nay, sẽ bắt tay vào “làm thật” với tổng số than nhập dự kiến là 150.000 đến 200.000 tấn, mục tiêu đảm bảo chất lượng, an toàn và lợi nhuận.

Từ đầu năm đến nay (chủ yếu là tháng 4 và tháng 5 do 3 tháng đầu năm là mùa mưa nên Indonesia không khai thác), Coalimex đã nhập khẩu 35.000 tấn than (bằng cả tổng số lượng than nhập năm ngoái). Bên cạnh đó, Coalimex cũng đang tập trung nghiên cứu việc cung cấp than mỡ cho các nhà máy luyện cốc và than nhiệt năng cho nồi hơi ở miền Bắc.

Coalimex đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhà máy sử dụng than, cung cấp than Indonesia để khách hàng dùng thử, hợp tác với đơn vị sản xuất lắp đặt nồi hơi để mở rộng thị trường cũng như có thể tư vấn kỹ hơn cho khách hàng về công nghệ sử dụng than với hiệu quả cao nhất.

Với phương châm “Phát triển cùng bạn hàng”, chất lượng hàng hóa và dịch vụ luôn được Coalimex đặt lên hàng đầu. Nghiệp vụ giao dịch, thanh toán đã được cán bộ phòng XNK Than và phòng Tài chính - Kế toán thực hiện bài bản, chuẩn mực, tạo niềm tin và sự hài lòng cho cả người bán và người mua.

Có thể nói, hoạt động nhập khẩu than đã có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, công việc này vẫn là chặng đường dài phía trước với rất nhiều thử thách. Để vượt qua những thử thách đó, tiếp cận thành công, ngoài nỗ lực của Coalimex, chắc chắn không thể thiếu được sự quan tâm giúp đỡ của Vinacomin.

 

(Nguồn: Vinacomin)


 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động